Giải quyết Tranh chấp tại Trọng tài ICC

Ngày đăng: Thứ Ba, 14/03/23 Người đăng: Admin
Giai quyet tranh chap tai Trong tai ICC

Giới thiệu về Giải quyết Tranh chấp tại Trọng tài ICC

Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài ICC đã luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Khách hàng. Bên cạnh các phương thức Hòa giải, Quyết định của Chuyên gia, Ban Xử lý Tranh chấp thì Giải quyết Tranh chấp bằng Trọng tài ICC vẫn luôn là phương thức giải quyết Tranh chấp quan trọng nhất, phổ biến nhất và được lựa chọn nhiều nhất.

Do vậy, bài viết Giải quyết Tranh chấp tại Trọng tài ICC do CNC chuẩn bị nhằm cung cấp cho khách hàng hiểu rõ hơn về:

  • Trình tự, Thủ tục Giải quyết Tranh chấp bằng Trọng tài ICC.
  • Thông tin có liên quan đến việc Giải quyết Tranh chấp như chi phí, thời hạn, số bản nộp, lựa chọn trọng tài viên.
  • Những vấn đề thực tiễn cần lưu ý khi giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài ICC.

 

Cụm từ viết tắt

Để người đọc tiện theo dõi, trong bài viết này, CNC sẽ sử dụng các cụm từ viết tắt sau:

  • ICC có nghĩa là Phòng Thương mại Quốc tế.
  • Tòa/Trọng tài ICC có nghĩa là Tòa án Trọng tài Quốc tế của Phòng Thương mại Quốc tế.
  • Quy tắc ICC 2021 có nghĩa là Quy tắc Trọng tài quốc tế ICC 2021

 

Nguồn tài liệu tham chiếu

Trong bài viết này, Quy tắc ICC 2021 sẽ được sử dụng như nền tảng pháp lý căn bản.

Ngoài ra, CNC cũng dựa trên kinh nghiệm các vụ việc mà CNC có được trong quá trình hành nghề.

 

Tiến trình chung Giải quyết Tranh chấp tại Trọng tài ICC

Cơ sở pháp lý: Quy tắc ICC 2021

Với tôn chỉ: “Quy tắc trọng tài ICC cung cấp một khung pháp lý linh hoạt, không chỉ là một bộ quy trình về tố tụng trọng tài” và “Trọng tài ICC phù hợp với mọi loại tranh chấp” nên về cơ bản, một vụ kiện giữa các Bên sẽ tuân thủ theo một quy trình tố tụng thông thường nếu các Bên không có thỏa thuận nào khác.

Tiến trình chung giải quyết Tranh chấp tại Trọng tài ICC được minh họa bằng sơ đồ như sau:

Tien trinh Giai quyet Tranh chap tai Trong tai ICC

Tiến trình chung về giải quyết Tranh chấp bằng Trọng tài ICC

Bước 1: Khởi kiện Trọng tài

Đơn khởi kiện

Nguyên đơn sẽ tiến hành nộp Đơn khởi kiện lên Ban Thư ký của Tòa Trọng tài ICC theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Quy tắc ICC 2021.

 

Điều kiện nộp Đơn Khởi kiện ra Trọng tài ICC

Điều kiện để Nguyên đơn có thể nộp Đơn Khởi kiện ra Trọng tài ICC đó là có sự tồn tại của Thỏa thuận Trọng tài trong đó nêu rõ Trọng tài ICC là cơ quan giải quyết tranh chấp. Điều này có nghĩa:

  • Thỏa thuận Trọng tài là điều kiện tiên quyết để một Bên có thể nộp Đơn Khởi kiện ra Trọng tài ICC. Không có Thỏa thuận giải quyết Tranh chấp tại Trọng tài ICC thì không thể gửi Đơn Khởi kiện ra Trọng tài ICC.
  • Bất kỳ khiếu nại nào của bất kỳ Bên nào cho rằng Hợp đồng (bao gồm cả Thỏa thuận Trọng tài) không tồn tại, bị vô hiệu hoặc không có giá trị pháp lý sẽ không phải là cơ sở để bác bỏ, giảm bớt thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài. Khi được yêu cầu, Hội đồng Trọng tài hoặc Tòa án Trọng tài ICC sẽ ra phán quyết sơ bộ để xác nhận giá trị pháp lý của Thỏa thuận Trọng tài[1].

 

Điều khoản mẫu về Giải quyết Tranh chấp tại Trọng tài ICC

Cần hết sức lưu ý rằng, Quy tắc ICC 2021 cũng như phiên bản trước đó Quy tắc ICC 2017 chỉ rõ tại Quy tắc 1.2 rằng chỉ “duy nhất Tòa Trọng tài ICC có thẩm quyền quản lý vụ việc theo Quy tắc”. Điều đó yêu cầu các bên (cũng như cố vấn pháp lý của họ) cần thận trọng trong việc thiết lập Điều khoản về Giải quyết Tranh chấp tại Trọng tài ICC, tránh các tranh chấp hay bất đồng về thẩm quyền.

Ngoài ra, quyền tự do lựa chọn của các bên về luật điều chỉnh hợp đồng, địa điểm và ngôn ngữ trọng tài không bị giới hạn bởi Qui tắc Trọng tài ICC. Chính vì vậy, các bên tốt hơn hết nên quy định về luật điều chỉnh hợp đồng, số lượng Trọng tài viên, địa điểm và ngôn ngữ trọng tài trong điều khoản trọng tài.

Bên cạnh đó, Luật pháp của một số quốc gia cũng đặt ra yêu cầu nhất định về việc thể hiện sự chấp thuận của các bên tham gia hợp đồng đối với thỏa thuận trọng tài, vì vậy, sự đồng thuận của các bên về việc chọn cơ quan giải quyết tranh chấp là Trọng tài ICC cần được thể hiện cụ thể và rõ ràng.

Để thuận tiện cho quá trình giải quyết Tranh chấp, Điều khoản mẫu sau đây về Giải quyết Tranh chấp tại Trọng tài ICC có thể được sử dụng

Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết chung thẩm bởi Tòa Trọng tài Thương mại Quốc tế (ICC) theo Quy tắc tố tụng Trọng tài của Phòng Thương mại Quốc tế bởi ba trọng tài viên được chỉ định theo Quy tắc nêu trên.”

 

Nội dung Đơn khởi kiện

Khi một Bên muốn khởi kiện ra Tòa Trọng tài ICC, nội dung của Đơn khởi kiện, không kể những vấn đề khác, cần bao gồm những vấn đề được quy định tại khoản 3 Điều 4 Quy tắc ICC 2021:

Noi dung Don Khoi kien tai Trong tai ICC

Nội dung Đơn Khởi kiện tại Trọng tài ICC

Nguyên đơn có thể nộp kèm các tài liệu khác cùng với Đơn khởi kiện nếu xét thấy nó hợp lý hoặc có thể đóng góp vào tính hiệu quả của quá trình giải quyết tranh chấp.

Cần lưu ý là, Đơn Khởi kiện cần được lập đủ số bản (phù hợp với số lượng Trọng tài viên). Chẳng hạn, Trong một Vụ kiện có 3 Trọng tài viên, số bản Đơn Khởi kiện cần nộp tối thiểu là 5 (1 bản dành cho Ban Thư ký, 1 bản dành cho mỗi Trọng tài viên và 1 bản dành cho Bị đơn.

Tương tự, nếu Vụ kiện có 1 Trọng tài viên duy nhất thì số bản Đơn Khởi kiện và các tài liệu kèm theo cần có là 3 (cụ thể, 1 bản dành cho Ban Thư ký, 1 bản dành cho Trọng tài viên và 1 bản dành cho Bị đơn)

 

Bước 2: Ban Thư ký ICC tiếp nhận và Quản lý Vụ việc

Sau khi nhận được Đơn khởi kiện, Ban Thư ký sẽ tiến hành kiểm tra (i) các thông tin mà Đơn khởi kiện cần bao quát; (ii) số bản sao của Đơn khởi kiện theo yêu cầu; và (iii) tiền tạm ứng chi phí hành chính theo quy định của Phụ lục III Quy tắc ICC 2021.

Ban Thu ky Trong tai ICC kiem tra va tiep nhan Don Khoi kien

Ban Thư ký Trọng tài ICC kiểm tra và tiếp nhận Vụ kiện

Trường hợp Nguyên đơn chưa nộp tạm ứng thì Ban Thư ký sẽ ấn định thời hạn mà Nguyên đơn phải thực hiện. Nếu Nguyên đơn không thực hiện thì Đơn khởi kiện sẽ không được thụ lý, tuy nhiên quyền nộp một yêu cầu tương tự về sau này của Nguyên đơn sẽ không bị ảnh hưởng.

Nếu các quy định trên đã đầy đủ thì Ban Thư ký sẽ tiến hành ra Thông báo tiếp nhận Đơn khởi kiện, đồng thời gửi bản sao Đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo cho Bị đơn.

Sau khi đã hoàn tất việc Thông báo tiếp nhận Đơn Khởi kiện, gửi bản sao Đơn Khởi kiện cho Bị đơn, Ban Thư ký tiếp tục công việc (chẳng hạn ấn định thời hạn mà mỗi Bên phải đệ trình, cho phép gia hạn việc đệ trình) cho tới khi Hội đồng Trọng tài được thiết lập.

Nhiem vu cua Ban Thu ky Trong tai ICC khi chua Thanh lap Hoi Dong Trong tai

Nhiệm vụ của Ban Thư ký khi Hội đồng Trọng tài chưa thiết lập

 

Ghi chú về việc nộp và tiếp nhận Đơn Khởi kiện

Tùy vào độ đầy đủ của Đơn Khởi kiện, Ban Thư ký sẽ có các phản hồi khác nhau, và khi đó, Nguyên đơn cần hợp tác với Ban Thư ký để làm rõ hoặc bổ sung các vấn đề liên quan mà Ban Thư ký yêu cầu.

 

Trường hợp 01 – Ban Thư ký trả lại Đơn Khởi kiện

Theo quy định tại Điều 4 Quy tắc ICC 2021, Ban Thư ký sẽ trả Đơn Khởi kiện trong các trường hợp như:

  • Đơn Khởi kiện không cung cấp Thỏa thuận Trọng tài; hoặc
  • Sau khi Ban Thư ký đã ấn định thời hạn để Nguyên đơn thực hiện việc nộp các văn bản tại khoản 1 Điều 3 Quy tắc ICC 2021 và phí hành chính theo Phụ lục III mà Nguyên đơn vẫn không thực hiện.

Đối với các trường hợp nêu trên, Nguyên đơn có thể tiến hành bổ sung bằng chứng về Thỏa thuận Trọng tài hoặc tiến hành nộp các văn bản và tạm ứng các chi phí thuộc ‘Phí tổn và các Chi phí trọng tài’.

Cac Truong hop Ban Thu ky Tra lai Don Khoi kien

Các trường hợp Ban Thư ký Trả lại Đơn Khởi kiện

 

Trường hợp 02 – Ban Thư ký yêu cầu bổ sung Đơn khởi kiện

Việc Nguyên đơn được yêu cầu làm rõ hồ sơ cũng như bổ sung các tài liệu và bằng chứng liên quan không phải hiếm gặp.

Các trường hợp mà Nguyên đơn có thể được yêu cầu làm rõ, bổ sung bao gồm:

  • Nguyên đơn không làm rõ bản chất, hoàn cảnh và cơ sở của Đơn Khởi kiện.
  • Đơn Khởi kiện chứa các yêu cầu mâu thuẫn nhau.
  • Nguyên đơn không làm rõ giá trị tranh chấp hoặc giá trị yêu cầu bồi thường.
  • Nguyên đơn chưa đề xuất các vấn đề khác như: địa điểm Trọng tài, luật áp dụng và ngôn ngữ của Trọng tài.

Trong các trường hợp này, Ban Thư ký theo quy định của Điều 4 Quy tắc ICC 2021, sẽ ra Thông báo yêu cầu Nguyên đơn sửa chữa hoặc bổ sung để hoàn thiện Đơn Khởi kiện.

Sau khi nhận được Thông báo, nếu Nguyên đơn không tiến hành bổ sung hoặc sửa chữa theo đúng yêu cầu thì Ban Thư ký sẽ tiến hành trả lại Đơn khởi kiện. Nếu Nguyên đơn tiến hành sửa chữa hoặc bổ sung đúng theo yêu cầu thì Ban Thư ký sẽ tiếp nhận Đơn và ấn định thời hạn nộp các văn bản theo quy định tại Điều 3(1) Quy tắc ICC 2021 và ứng trước các chi phí hành chính.

 

Trường hợp 03 – Ban Thư ký tiếp nhận và ấn định thời hạn nộp các văn bản theo quy định và ứng trước các chi phí hành chính

Cùng với Đơn khởi kiện, Nguyên đơn sẽ phải nộp một số bản như quy định tại Điều 3(1) Quy tắc ICC 2021 và sẽ ứng trước các chi phí hành chính theo quy định tại Phụ lục III (“Phí tổn và các Chi phí trọng tài”). Lệ phí để mở một Vụ kiện theo Quy tắc ICC 2021 là 5,000 đô la Mỹ.

Trong trường hợp Đơn khởi kiện được tiếp nhận nhưng Nguyên đơn chưa thực hiện một trong các yêu cầu trên thì Ban Thư ký sẽ ấn định thời hạn để Nguyên đơn thực hiện.

Tiếp đó, Ban Thư ký sẽ thông báo đến Nguyên đơn và Bị đơn về việc tiếp nhận Đơn khởi kiện.

 

Bước 3: Bị đơn phản hồi

Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi nhận được Thông báo từ Ban Thư ký, Bị đơn có nghĩa vụ:

Nghia vu cua Bi don khi nhan Thong bao Khoi kien Trong tai

Nghĩa vụ của Bị đơn

Ban Thư ký có thể gia hạn để Bị đơn nộp Bản trả lời, Đơn Kiện lại (nếu có). Cả Bản Trả lời và Đơn Kiện lại đều phải có các nội dung theo quy định tại khoản 1 và khoản 5 Điều 5 Quy tắc ICC 2021.

Tuy nhiên, trong bất kỳ trường hợp nào thì Bị đơn cũng cần phải chọn Trọng tài viên thứ 2 hoặc cùng Nguyên đơn chọn Trọng tài viên duy nhất. Nếu Bị đơn không thực hiện quyền chỉ định Trọng tài viên thứ 2 hoặc các Bên không chỉ định Trọng tài viên duy nhất, thì Tòa trọng tài ICC sẽ tiến hành chỉ định Trọng tài viên theo Quy tắc ICC 2021.

 

Lưu ý đối với các bản đệ trình

Trong mỗi bản đệ trình, các Bên cần lưu ý trình bày vấn đề của mình một cách đầy đủ và cần phải tuân theo các yêu cầu của Quy tắc ICC 2021 về nội dung và trình tự đệ trình.

Theo đó:

Cac Ban de trinh cua Cac Ben khi giai quyet Tranh chap tai Trong tai ICC

Lưu ý  đối với các bản đệ trình của Các Bên

Ngoài ra, đối với hình thức trình bày, các văn bản đệ trình có thể được trình bày theo mẫu do mỗi Bên hoặc do cố vấn pháp lý của mỗi Bên chuẩn bị.

 

Bước 4: Thành lập Hội đồng trọng tài

Số lượng trọng tài viên

Theo Quy tắc ICC 2021, các tranh chấp đưa ra sẽ được giải quyết bằng Hội đồng trọng tài gồm Một Trọng tài viên duy nhất hoặc Hội đồng trọng tài gồm Ba Trọng tài viên.

Nếu các Bên không có thỏa thuận về số lượng trọng tài viên, thì Tòa trọng tài ICC sẽ chỉ định Hội đồng trọng tài gồm Một Trọng tài viên duy nhất, trừ trường hợp Tòa thấy rằng tranh chấp cần được giải quyết bởi Hội đồng trọng tài gồm Ba Trọng tài viên.

 

Quy trình lựa chọn và bổ nhiệm trọng tài viên cho Hội đồng trọng tài

Thành lập Hội đồng Trọng tài theo Quy tắc ICC 2021 có những điểm thú vị. Cụ thể, Quy tắc ICC 2021 dành sự quan tâm đặc biệt tới việc thành lập Hội đồng Trọng tài, thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài và Vai trò của Ban thư ký.

Theo đó, việc thành lập Hội đồng Trọng tài sẽ theo một số trường hợp và khả năng sau đây:

 

Thành lập Hội đồng Trọng tài gồm một Thành viên duy nhất

Quy trình lựa chọn và bổ nhiệm Trọng tài viên cho Hội đồng trọng tài gồm Một Trọng tài viên duy nhất tương đối đơn giản. Theo đó, khoản 2, 3 Điều 12 Quy tắc ICC 2021 quy định rằng các Bên phải thống nhất chọn Trọng tài viên duy nhất trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày các Bên nhận được Đơn khởi kiện. Quá thời hạn này mà các Bên chưa thống nhất hoặc không có lựa chọn thì Tòa trọng tài ICC sẽ chỉ định Trọng tài viên duy nhất (trừ trường hợp tranh chấp phải được giải quyết bằng Hội đồng trọng tài gồm Ba Trọng tài viên).

Truong hop Hoi dong Trong tai ICC gom mot trong tai vien

Các trường hợp thành lập Hội đồng Trọng tài gồm một thành viên duy nhất

 

Khi đó, tiến trình và thủ tục thành lập Hội đồng Trọng tài gồm một Trọng tài viên duy nhất có thể tóm lược như sau:

 

Quy trinh Thanh lap Hoi dong Trong tai gom mot Trong tai vien duy nhat

Thủ tục Thành lập Hội đồng Trọng tài gồm một Trọng tài viên duy nhất

Ghi chú:

Tham khảo Quy tắc 12.

 

Thành lập Hội đồng Trọng tài gồm ba Thành viên

Tùy thuộc vào việc Nguyên đơn có bổ nhiệm Trọng tài viên hay không và việc bổ nhiệm Trọng tài viên ấy có bị Bị đơn phản đối hay không thì Ban Thư ký rà soát ứng viên được bổ nhiệm và sẽ Xác nhận Trọng tài viên là thành viên của Hội đồng Trọng tài. Ngược lại, nếu nhận thấy ứng viên được Nguyên đơn bổ nhiệm không nên là thành viên Hội đồng Trọng tài thì Ban Thư ký sẽ thông báo để Tòa Trọng tài quyết định.

Quy trình nêu trên cũng được áp dụng tương tự cho ứng viên Trọng tài mà Bị đơn bổ nhiệm (nếu có). Khi đó, quy trình, thủ tục thành lập Hội đồng Trọng tài gồm 3 Thành viên sẽ được thực hiện như sau:

Quy trinh Thanh lap Hoi dong Trong tai gom ba Trong tai vien

Quy trình thành lập Hội đồng Trọng tài gồm ba thành viên

 

Như vậy, đối với việc thành lập Hội đồng trọng tài gồm ba Trọng tài viên thì Nguyên đơn và Bị đơn sẽ tiến hành bổ nhiệm một Trọng tài viên. Sau đó, Tòa trọng tài ICC sẽ tiến hành bổ nhiệm Chủ tịch của Hội đồng trọng tài. Tuy nhiên, nếu các Bên thỏa thuận một phương thức bầu Chủ tịch Hội đồng trọng tài khác thì trong vòng 30 ngày, các Bên phải tiến hành bổ nhiệm Chủ tịch của Hội đồng trọng tài. Quá 30 ngày mà các Bên chưa chọn được Chủ tịch Hội đồng Trọng tài thì Tòa trọng tài ICC sẽ tiến hành bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng Trọng tài.

Ngoài ra, khi một Bên nhận thấy rằng Trọng tài viên (của họ hoặc của Bên kia) có dấu hiệu thiếu tính độc lập hay vì một lý do nào khác, thì họ có thể trình lên Ban Thư ký văn bản nêu rõ nội dung và hoàn cảnh làm căn cứ của việc khước từ. Để việc khước từ được chấp thuận, một Bên sẽ phải gửi Bản khước từ trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Bên đó thông báo về việc chỉ định hoặc xác nhận Trọng tại viên hoặc trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày mà Bên đưa ra việc khước từ đó được biết về những sự việc và hoàn cảnh làm căn cứ của việc khước từ nếu ngày đó là ngày sau khi nhận được thông báo trên.

Tòa Trọng tài ICC sẽ quyết định về việc có chấp nhận hay không yêu cầu khước từ của một Bên, và đồng thời, nếu cần thiết, thì Tòa sẽ quyết định về nội dung của việc khước từ (sau khi Ban Thư ký đã trao cơ hội cho Trọng tài viên liên quan, Bên kia hoặc các Bên, và các thành viên khác của Hội đồng trọng tài, để cho ý kiến bằng văn bản trong một khoảng thời gian hợp lý).

 

Tiêu chuẩn Trọng tài viên

Căn cứ theo khoản 1 Điều 11 Quy tắc ICC 2021, Trọng tài viên cần phải đảm báo yếu tố vô tư, độc lập và minh bạch trong quá trình xem xét và giải quyết vụ tranh chấp.

Nếu Trọng tài viên bị các Bên nghi ngờ không vô tư khách quan, hoặc trên thực tế không thể thực hiện được đúng các yêu cầu của Quy tắc ICC 2021 thì Trọng tài được lựa chọn đó sẽ bị thay thế bởi một Trọng tài viên khác, bởi yêu cầu của (các) Bên hoặc quyết định của Tòa Trọng tài ICC.

 

Bước 5: Tiếp nhận và Quản lý vụ Tranh chấp

Ngay sau khi Hội đồng Trọng tài được thành lập, Ban Thư ký sẽ chuyển giao hồ sơ, tài liệu và thông tin của vụ Tranh chấp phù hợp với quy định tại Điều 16, Quy tắc ICC 2021. Nhiệm vụ của Hội đồng Trọng tài là hành quản lý vụ Tranh chấp theo cách thức tiết kiệm nhất, nhanh nhất như Điều 22, Quy tắc ICC 2021 yêu cầu.

Theo đó, Hội đồng Trọng tài thông thường sẽ (1) Chuẩn bị Điều khoản tham chiếu; (2) Họp với Các Bên để thống nhất về cách thức giải quyết vụ Tranh chấp và (3) Thống nhất Thời gian biểu đệ trình, các công việc cần thực hiện.

Nhiem vu quan ly Vu Tranh chap cua Hoi dong Trong tai

3 nhiệm vụ chính khi Hội đồng Trọng tài quản lý vụ Tranh chấp

Điều khoản tham chiếu

Điều khoản tham chiếu, như được nêu tại Điều 23, Quy tắc ICC 2021, đó là văn bản ghi nhận lại những nội dung mà Các Bên đã đệ trình hoặc đã trình bày, bao gồm những nội dung  chính như sau:

Noi dung cua Dieu Khoan tham chieu khi giai quyet Tranh chap tai Trong tai ICC

Các nội dung của Điều khoản tham chiếu

Điều khoản tham chiếu sẽ cần phải được ký bởi Các Bên và bởi Hội đồng Trọng tài trước khi gửi cho Tòa Trọng tài.

 

Họp quản lý Vụ Tranh chấp

Như đúng nội dung của Điều 24, Quy tắc ICC 2021, Hội đồng Trọng tài sẽ tổ chức (các) phiên/buổi họp với Các Bên để xem xét phương án khả dĩ nhất, tốt nhất cho Các Bên khi giải quyết vụ Tranh chấp.

Cuộc họp có thể được thực hiện trực tiếp hoặc trực tuyến, tùy thuộc vào quyết định của Hội đồng Trọng tài, khả năng tham dự của Các Bên.

 

Thống nhất Lịch biểu đệ trình

Trên cơ sở các nội dung của Điều khoản tham  chiếu, phiên Họp quản lý Vụ Tranh chấp thì Hội đồng Trọng tài sẽ định ra những công việc, nhiệm vụ cần phải thực hiện bởi Các Bên, Hội đồng Trọng tài.

Nội dung của Lịch biểu đệ trình, cách thức đệ trình sẽ phụ thuộc vào bản chất của từng tranh chấp, cách mà Hội đồng quản lý Vụ Tranh chấp. Chẳng hạn, đối với Vụ Tranh chấp mà một Bên phản đối thẩm quyền thì một Phán quyết sơ bộ đối với vấn đề thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài có thể phải được thực hiện trước và độc lập với các vấn đề khác.

Tương tự, đối với một yêu cầu bồi thường thiệt hại do kéo dài tiến độ thực hiện Công việc của Nhà thầu đối thì Hội đồng Trọng tài có thể phải ra Phán quyết sơ bộ khác để xác định khoảng thời gian mà Nhà thầu được hưởng trước khi đi vào chi tiết số tiền được hưởng từ khoảng thời gian đó.

 

Bước 6: Phiên họp giải quyết Tranh chấp

Hội đồng trọng tài, theo yêu cầu của các Bên, hoặc theo quyết định của họ, sẽ tổ chức Phiên họp giải quyết tranh chấp theo thời gian và địa điểm do chính Hội đồng Trọng tài ấn định.

Hình thức tổ chức của Phiên họp sẽ được quyết định bởi Hội đồng trọng tài, sau đó sẽ được gửi cho các Bên nhằm tham khảo và lựa chọn ra hình thức phù hợp nhất với nội dung và hoàn cảnh vụ việc. Phiên họp có thể tổ chức trực tiếp, hoặc các Bên sẽ tiến hành trao đổi trực tuyến qua hội nghị trực tuyến (video conference), qua điện thoại (telephone) hoặc bất kỳ hình thức giao tiếp phù hợp nào khác.

Phiên họp giải quyết tranh chấp sẽ không bị gián đoạn hoặc tạm đình chỉ nếu một Bên không tham gia và không có lý do chính đáng dù đã được triệu tập hợp pháp.

Các Bên có thể tự tham gia hoặc tham gia thông qua người được ủy quyền hợp pháp. Ngoài ra, các Bên cũng có thể đưa theo cố vấn pháp lý của mình.

Hội đồng trọng tài sẽ chịu trách nhiệm về Phiên họp giải quyết tranh chấp, các Bên trong phiên họp đều có quyền trình bày ý kiến và quan điểm của mình. Những người không liên quan đến hoạt động tố tụng của vụ việc sẽ không được tham gia Phiên họp nếu Hội đồng trọng tài và các Bên đã cùng phê chuẩn.

 

Bước 7: Kết thúc tố tụng trọng tài và Ban hành phán quyết

Dự thảo Phán quyết

Sau Phiên họp cuối cùng, Hội đồng trọng tài sẽ tiến hành:

Nhiem vu cua Hoi dong Trong tai khi ket thuc To tung Trong tai

Nhiệm vụ của Hội đồng Trọng tài khi kết thúc tố tụng Trọng tài

Lưu ý: Sau khi tiến hành Phiên họp cuối cùng liên quan đến các vấn đề được quyết định trong phán quyết, Hội đồng trọng tài sẽ tuyên bố kết thúc tố tụng trọng tài theo Điều 27 Quy tắc ICC 2021. Sau tuyên bố này, không có bất kì đệ trình hay tranh luận và bằng chứng nào được đưa ra thêm.

Theo Điều 31 của Quy tắc ICC 2021, phán quyết cuối cùng được đưa ra trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày các bên ký TOR và có thể gia hạn. Tuy nhiên, Quy tắc ICC cho phép một khoảng thời gian ban hành phán quyết linh hoạt hơn dựa trên quyết định của Hội đồng trọng tài hoặc phần lớn dựa trên sự đồng thuận của các Bên. Theo đó các Bên có thể ấn định một khoảng thời gian khác dựa vào Thời gian biểu tố tụng đã được thiết lập (xem ở trên). Tòa trọng tài ICC có thể gia hạn thời gian nếu có yêu cầu hợp lý từ Hội đồng trọng tài.

Sau khi thông báo kết thúc thủ tục tố tụng trọng tài, Hội đồng trọng tài sẽ thông báo cho Ban Thư ký ngày mà Hội đồng trọng tài nộp bản Dự thảo phán quyết để xin sự đồng ý của Tòa trọng tài ICC. Theo đó, tất cả phán quyết phải được xem xét và chấp thuận theo mẫu của Tòa án bởi Tòa trọng tài ICC.

Tòa trọng tài ICC có thể đưa ra điều chỉnh về mẫu cũng như các lưu ý cho Hội đồng trọng tài về một số vấn đề cốt lõi. Giai đoạn xem xét phán quyết là một cơ chế đảm bảo rằng phán quyết được đưa ra tuân thủ theo mẫu, do đó hạn chế nguy cơ các phán quyết bị cơ quan tòa án có thẩm quyền của quốc gia thành viên huỷ bỏ hoặc không được công nhận và cho thi hành theo Công ước New York 1958.

Vai tro cua Toa Trong tai khi xem xet quyet Trong tai ICC

Vai trò của Tòa Trọng tài khi rà soát Phán quyết

Lưu ý: Đối với tranh chấp giải quyết bởi Hội đồng trọng tài gồm nhiều Trọng tài viên, thì phán quyết sẽ được tuyên dựa trên nguyên tắc đa số. Trong trường hợp phán quyết không được đa số chấp nhận, thì Chủ tịch Hội đồng trọng tài sẽ tự minh đưa ra phán quyết cuối cùng.

 

Bước 8: Sửa chữa và giải thích Phán quyết Trọng tài

Sửa chữa Phán quyết

Hội đồng trọng tài có thể chủ động sửa lỗi in ấn, máy tính hay đánh máy hoặc những lỗi tương tự trong Phán quyết, với điều kiện những sửa chữa đó phải được nộp lên cho Toà Trọng tài ICC để phê chuẩn trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Ban Thư ký thông báo về Phán quyết theo quy định của khoản 1 Điều 35 Quy tắc ICC 2021.

Bất kỳ yêu cầu nào của một bên để sửa lỗi thuộc loại được đề cập trong khoản 1 Điều 36 phải được gửi cho Ban Thư ký trong vòng 30 ngày kể từ ngày Bên đó nhận được Phán quyết.

 

Giải thích Phán quyết

Bất kỳ yêu cầu của Bên nào về việc giải thích Phán quyết của Hội đồng trọng tài đều phải được gửi cho Ban Thư ký trong vòng 30 ngày kể từ ngày Bên đó nhận được Phán quyết.

 

Bước 9: Phán quyết bổ sung

Ngoài ra, nếu bất kỳ Bên nào có yêu cầu Hội đồng trọng tài ra Phán quyết bổ sung đối với vấn đề mà Bên đó đã nêu trong quá trình tố tụng nhưng Hội đồng trọng tài chưa giải quyết thì phải nộp Yêu cầu cho Ban Thư ký trong vòng 30 ngày kể từ ngày Bên đó nhận được Phán quyết.

Thu tuc lap Phan quyet bo sung

Quy trình bổ sung Phán quyết Trọng tài ICC

Sau khi nhận được các Yêu cầu về việc sửa chữa, giải thích hoặc bổ sung Phán quyết, Hội đồng trọng tài sẽ gửi thông báo đến Bên còn lại và gia hạn 30 ngày để Bên đó đưa ra ý kiến về Yêu cầu sửa chữa, giải thích hoặc bổ sung.

Sau khi hết thời hạn này hoặc một thời hạn khác mà Tòa Trọng tài ICC đặt ra, Hội đồng trọng tài sẽ nộp ý kiến của mình về Yêu cầu sửa chữa, giải thích hoặc bổ sung kèm với bản Dự thảo Phán quyết lên Tòa Trọng tài ICC.

Quyết định về sửa chữa hoặc giải thích Phán quyết sẽ được lập thành Phụ lục và trở thành một phần của Phán quyết.

Liên hệ

CNC hy vọng rằng những thông tin nêu trên là rõ ràng và hữu ích đối với Quý Khách hàng. Tuy nhiên, nếu như có bất kỳ thắc mắc hoặc mong muốn tìm hiểu thêm về Quy trình giải quyết tranh chấp ICC, vui lòng gửi về:

 

CÔNG TY LUẬT TNHH CNC VIỆT NAM

Địa chỉ:            28 Đại lộ Mai Chí Thọ, Phường An Phú, Tp. Thủ Đức,

Hồ Chí Minh, Việt Nam

Điện thoại:       (84) 28-6276 9900

Hot line:           (84) 916-545-618

Email:              contact@cnccounsel.com

Website:          cnccounsel

 

Phụ trách:

Luật sư Lê Thế Hùng | Luật sư Điều hành

Điện thoại: (84) 916 545 618

Email: hung.le@cnccounsel.com

 

Hoặc

 

Luật sư Nguyễn Thị Kim Ngân | Luật sư Thành viên

Điện thoại: (84) 919 639 093

Email: ngan.nguyen@cnccounsel.com

 

Miễn trừ:

Bản tin này được chuẩn bị hoặc được sử dụng vì mục đích giới thiệu hoặc cập nhật cho khách hàng những thông tin về những vấn đề và/hoặc sự phát triển các quan điểm pháp lý tại Việt Nam. Các thông tin được trình bày tại bản tin này không tạo thành ý kiến tư vấn thuộc bất kỳ loại nào và có thể được thay đổi mà không cần phải thông báo trước.

 

 

[1] Xem thêm Quy tắc 6.4, Quy tắc ICC 2021.

Content Protection by DMCA.com