Việt Nam thúc đẩy năng lượng tái tạo với cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA)

Ngày đăng: Thứ Tư, 17/07/24 Người đăng: Ngan Nguyen
Việt Nam thúc đẩy năng lượng tái tạo với cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA)

Ngày 03/7/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với Khách hàng sử dụng điện lớn (“Nghị định 80”) và sẽ có hiệu lực từ ngày ban hành.

Trong bối cảnh hầu hết các doanh nghiệp hàng đầu có mong muốn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam đều có cam kết về môi trường, Nghị định được ra đời với kỳ vọng sẽ đáp ứng xu hướng sử dụng năng lượng sạch, thu hút đầu tư vào việc phát triển bền vững năng lượng tái tạo nhằm bảo vệ môi trường, cũng như hướng đến việc triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tại Việt Nam.

Tải file PDF tại đây[pdf] Việt Nam thúc đẩy năng lượng tái tạo với cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA)

Đối tượng điều chỉnh

Nghị định 80 điều chỉnh quan hệ mua bán điện trực tiếp (hay còn gọi là “DPPA”) giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo (“Đơn vị phát điện”) và Khách hàng sử dụng điện lớn (“Khách hàng”) thông qua một trong hai hình thức:

(i) Qua Đường dây kết nối riêng;

(ii) Qua Lưới điện quốc gia.

Khách hàng là tổ chức, cá nhân mua điện để sử dụng không bán lại cho tổ chức, cá nhân khác theo quy định của Bộ Công Thương phù hợp với từng thời kỳ phát triển của hệ thống điện hoặc có sản lượng tại thời điểm nộp hồ sơ tham gia cơ chế DPPA như sau:

  • Đối với Khách hàng đang sử dụng điện: sản lượng tiêu thụ bình quân từ 200.000 kWh/tháng trở lên (tính trung bình 12 tháng gần nhất);
  • Đối với Khách hàng mới hoặc có thời gian sử dụng điện dưới 12 tháng: tính theo sản lượng đăng ký từ 200.000 kWh/tháng trở lên.

Các đối tượng khác ngoài Đơn vị phát điện và Khách hàng cũng liên quan đến quan hệ mua bán điện trực tiếp này, bao gồm:

  • Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện (“Đơn vị vận hành”);
  • Đơn vị truyền tải điện;
  • Tập đoàn Điện lực Việt Nam (“EVN”);
  • Tổng Công ty Điện lực trực thuộc EVN (“EVN PC”)
  • Đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm (“Bán lẻ khu cụm”) và các Đơn vị bán lẻ điện khác.

DPPA qua Đường dây kết nối riêng

DPPA qua Đường dây kết nối riêng còn được gọi là “DPPA vật lý”. Trong đó, dựa theo Hợp đồng mua bán điện giữa Đơn vị phát điện và Khách hàng, các bên sẽ giao nhận điện trực tiếp thông qua Đường dây kết nối riêng mà không thông qua Lưới điện quốc gia.

Chủ thể tham gia

Cơ chế DPPA này áp dụng đối với Khách hàng và Đơn vị phát điện là đơn vị điện lực sở hữu:

  • Nhà máy điện từ mọi loại năng lượng tái tạo; hoặc
  • Hệ thống điện mặt trời mái nhà.

Hợp đồng mua bán điện trực tiếp

Nghị định 80 không đưa ra mẫu Hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa Đơn vị phát điện và Khách hàng theo cơ chế DPPA này. Tuy nhiên, loại hợp đồng này vẫn phải phù hợp với quy định pháp luật liên quan và phải bao gồm các nội dung chính sau:

DPPA

Trình tự tham gia mua bán điện

Bước 1: Cấp giấy phép

Đơn vị phát điện (hoặc Chủ đầu tư dự án phát điện) thực hiện các quy định liên quan đến quy hoạch, đầu tư, xây dựng, cấp giấy phép hoạt động điện lực với dự án, công trình nguồn, lưới để bán điện trực tiếp cho Khách hàng.

Bước 2: Hợp đồng

Đơn vị phát điện và Khách hàng tự đàm phán, thỏa thuận và ký kết hợp đồng mua bán điện.

Bước 3: Báo cáo

Khách hàng chuẩn bị báo cáo bằng văn bản có nội dung chính bao gồm:

  • Thông báo về việc ký hợp đồng mua bán điện trực tiếp;
  • Thông tin của Khách hàng;
  • Hiện trạng của Đơn vị phát điện.

Khách hàng gửi báo cáo này và bản sao hợp đồng mua bán điện trực tiếp để báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tại địa phương và thông báo bằng văn bản tới EVN PC (hoạt động trên địa bàn) và Đơn vị vận hành.

DPPA

Trình tự tham gia mua bán điện theo cơ chế DPPA qua Đường dây kết nối riêng

Lưu ý khác

Đối với sản lượng điện dư không bán hết qua Đường dây kết nối riêng, Đơn vị phát điện cũng có thể thỏa thuận bán phần điện dư đó cho EVN theo quy định.

Đồng thời, song song với việc mua bán điện với Đơn vị phát điện qua Đường dây kết nối riêng, Khách hàng vẫn có thể mua bán điện với EVN PC (hoặc các Đơn vị bán lẻ điện khác) qua Lưới điện quốc gia theo quy định.

DPPA

DPPA qua Đường dây kết nối riêng

DPPA qua Lưới điện quốc gia

DPPA qua Lưới điện quốc gia còn được gọi là “DPPA ảo” hoặc “DPPA tài chính”. Trong đó, Đơn vị phát điện và Khách hàng sẽ ký kết Hợp đồng kỳ hạn dạng chênh lệch (“CfD”) có bản chất là một dạng hợp đồng tài chính phái sinh.

Cơ chế DPPA này được áp dụng đối với trường hợp cơ sở của Đơn vị phát điện và Khách hàng nằm ở xa nhau và không có kết nối trực tiếp về mặt vật lý. Theo đó, Đơn vị phát điện sẽ thông qua hệ thống lưới điện quốc gia để truyền tải điện đến cơ sở tiêu thụ của Khách hàng. Hay nói cách khác, EVN và các đơn vị liên quan sẽ đóng vai trò là bên trung gian mua điện từ Đơn vị phát điện theo giá thị trường giao ngay và sau đó bán lại cho Khách hàng theo giá thị trường bán lẻ điện.

Chủ thể tham gia

Khác với DPPA qua Đường dây kết nối riêng (không giới hạn các điều kiện như loại hình năng lượng tái tạo, sản lượng, công suất, cấp điện áp đầu nối), DPPA qua Lưới điện quốc gia chỉ được áp dụng đối với Khách hàng mua điện cho sản xuất từ EVN PC (hoặc Đơn vị bán lẻ điện khác) đấu nối cấp điện áp từ 22kV trở lên, và Đơn vị phát điện đáp ứng những tiêu chí sau đây:

  • Phát điện năng lượng tái tạo từ gió hoặc mặt trời;
  • Công suất từ 10MW trở lên đầu nối vào hệ thống điện quốc gia;
  • Trực tiếp tham gia thị trường bán buôn điện cạnh trạnh.

Hợp đồng mua bán điện trực tiếp

Về cơ bản, quá trình vận hành cơ chế DPPA qua Lưới điện quốc gia có 03 loại hợp đồng sẽ được giao kết bao gồm:

(1) Hợp đồng mua bán điện giữa Đơn vị phát điện và EVN trên thị trường giao ngay (theo mẫu tại Phụ lục I của Nghị định 80);

(2) Hợp đồng mua bán điện giữa Khách hàng (hoặc Bán lẻ khu cụm) và EVN PC (theo mẫu tại Phụ lục II của Nghị định 80);

(3) Hợp đồng kỳ hạn giữa Đơn vị phát điện và Khách hàng (hoặc Bán lẻ khu cụm) (theo mẫu tại Phụ lục III của Nghị định 80).

Theo Hợp đồng (1), Đơn vị phát điện sẽ bán toàn bộ điện năng sản xuất vào thị trường điện giao ngay của thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Tiếp đến, theo Hợp đồng (2), Khách hàng (hoặc Bán lẻ khu cụm được ủy quyền ký và mua) mua toàn bộ điện năng của EVN PC theo nhu cầu.

Điểm chính của cơ chế này là Hợp đồng (3). Trong hợp đồng này, hai bên sẽ cam kết tại hợp đồng cho một mức sản lượng điện và giá hợp đồng cụ thể trong từng chu kỳ giao dịch trong tương lai. Việc thanh toán theo hợp đồng này được thực hiện theo nguyên tắc sau:

  • Giá hợp đồng cao hơn giá tham chiếu (giá thị trường điện giao ngay), Khách hàng thanh toán khoản chênh lệch cho Đơn vị phát điện.
  • Giá hợp đồng thấp hơn giá tham chiếu, Đơn vị phát điện thanh toán khoản chênh lệch cho Khách hàng.

Về bản chất, Hợp đồng (3) là một bảo đảm tài chính giúp hai bên quản lý rủi ro trước biến động của giá thị trường điện giao ngay.

DPPA qua Lưới điện quốc gia

Trình tự tham gia mua bán điện

Bước 1: Nộp hồ sơ

Khách hàng (hoặc Bán lẻ khu cụm được ủy quyền) gửi hồ sơ đăng ký tham gia cơ chế DPPA bao gồm các tài liệu được quy định tại Điều 26.1 và 26.2 Nghị định 80 cho Đơn vị vận hành.

Bước 2: Chuyển tiếp và rà soát hồ sơ

Đơn vị vận hành phải rà soát hồ sơ nhận được và chuyển hồ sơ đó cho EVN PC (hoặc Bán lẻ khu cụm) trong vòng 05 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ.

Bước 3: Xác nhận bởi EVN PC, Bán lẻ khu cụm và EVN

Trong vòng 05 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ của Đơn vị vận hành:

  • EVN PC (hoặc Bán lẻ khu cụm) gửi cho Đơn vị vận hành văn bản xác nhận hồ sơ của Khách hàng (hoặc Bán lẻ khu cụm được ủy quyền) về việc sẵn sàng và thời điểm dự kiến chuyển đổi hợp đồng mua bán điện với Khách hàng.
  • EVN gửi cho Đơn vị vận hành văn bản xác nhận về việc sẵn sàng và thời điểm dự kiến ký kết hợp đồng mua bán điện trên thị trường điện giao ngay với Đơn vị phát điện.

Bước 4: Xác nhận bởi Đơn vị vận hành

Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản trả lời của EVN, EVN PC, Bán lẻ khu cụm và văn bản thống nhất lại nguyên tắc phân bổ sản lượng điện thực phát của Khách hàng (hoặc Bán lẻ khu cụm được ủy quyền), Đơn vị vận hành có văn bản trả lời Khách hàng (hoặc Bán lẻ khu cụm được ủy quyền) về:

  • Thời điểm dự kiến ký kết hợp đồng (1).
  • Thời điểm dự kiến chuyển đổi các hợp đồng (2) hiện có.
  • Thời điểm dự kiến áp dụng cơ chế DPPA.

Bước 5: Thỏa thuận các hợp đồng DPPA

Các bên liên quan tiến hành đàm phán, ký kết các hợp đồng theo cơ chế DPPA này.

Bước 6: Nộp và đáp ứng điều kiện

Đơn vị phát điện, Khách hàng (hoặc Bán lẻ khu cụm được ủy quyền) và các đơn vị liên quan gửi văn bản cho Đơn vị vận hành về việc xác nhận hoàn thành các điều kiện tham gia cơ chế DPPA kèm theo hồ sơ đăng ký tham gia thị trường điện của đơn vị phát điện, bản sao các hợp đồng theo cơ chế DPPA này.

Bước 7: Thông báo cuối cùng

Đơn vị vận hành kiểm tra hồ sơ ở Bước 6 và thông báo bằng văn bản cho Đơn vị phát điện, đồng thời thông báo bằng văn bản cho EVN, EVN PC, Bán lẻ khu cụm và Khách hàng (hoặc Bán lẻ khu cụm được ủy quyền) về thời điểm chính thức vận hành DPPA giữa Đơn vị phát điện và Khách hàng (hoặc Bán lẻ khu cụm được ủy quyền).

DPPA

Trình tự tham gia mua bán điện theo cơ chế DPPA qua Lưới điện quốc gia

Việc vận hành cơ chế DPPA có thể bị gián đoạn

Một trong những quan ngại đối với cơ chế DPPA là rủi ro lợi dụng cơ chế, chính sách để trục lợi vì sự mới mẻ của cơ chế này tại Việt Nam. Nghị định 80 đã dự liệu các rủi ro này bằng việc quy định hậu quả của hành vi “lợi dụng cơ chế, chính sách để trục lợi” tại Điều 27 là tạm dừng tham gia cơ chế hoặc chấm dứt tham gia cơ chế (nếu hậu quả gây ra không thể khắc phục) được quyết định bởi Bộ trưởng Bộ Công thương.

Ngoài ra, việc tạm dừng tham gia cơ chế còn áp dụng đối với trường hợp như: Bộ Công thương dừng thị trường điện, một trong các hợp đồng của cơ chế DPPA bị tạm dừng hoặc hết hiệu lực, Khách hàng tham gia cơ chế có sản lượng điện dưới 200.000 kWh/tháng. Các bên có thể khôi phục tham gia cơ chế nếu khắc phục được hành vi vi phạm hoặc có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Kỳ vọng từ Nghị định

Nghị định 80 được kỳ vọng đáp ứng nhu cầu của Khách hàng được lựa chọn và tiếp cận nguồn năng lượng xanh cho sản xuất và kinh doanh nhằm thực hiện các cam kết về môi trường thông qua các Chứng chỉ năng lượng tái tạo (REC) và Tín chỉ carbon. Nghị định là một bước chuẩn bị cần thiết để Việt Nam chuyển sang vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Phụ trách:

Cộng sự Cấp Cao Trần Phạm Hoàng Tùng

Điện thoại: (84) 901 334 192

Email: tung.tran@cnccounsel.com

Trợ lý luật sư Phạm Nguyễn Tấn Trung

Điện thoại: (84) 347 924 900

Email: trung.pham@cnccounsel.com

—————————————————-

Bất kỳ ý kiến đóng góp, hiệu chỉnh nào của độc giả đối với các nội dung trong bản tin này hoặc cần CNC hỗ trợ thêm, vui lòng gửi về:

 

liên hệ
Công ty Luật TNHH CNC Việt Nam

    CNC© | A Boutique Property Law Firm

    The Sun Avenue, 28 Mai Chí Thọ, Phường An Phú, Tp.Thủ Đức,

    Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam

    T: (+84-28) 6276 9900 | H/L: (+84) 916 545 618

    Miễn trừ:

    Bản tin này được chuẩn bị hoặc được sử dụng vì mục đích giới thiệu hoặc cập nhật cho khách hàng những thông tin về những vấn đề và/hoặc sự phát triển các quan điểm pháp lý tại Việt Nam. Các thông tin được trình bày tại bản tin này không tạo thành ý kiến tư vấn thuộc bất kỳ loại nào và có thể được thay đổi mà không cần phải thông báo trước.

    Content Protection by DMCA.com

    Trả lời

    Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.