Hủy phán quyết trọng tài do trái với nguyên tắc cơ bản

Ngày đăng: Thứ Hai, 15/07/24 Người đăng: Ngan Nguyen
Hủy phán quyết trọng tài

Việc một phán quyết trọng tài bị Tòa án hủy bỏ vì lý do “trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” không phải là mới lạ. Tuy nhiên, một vấn đề đáng lưu tâm là sự không rõ ràng, thống nhất trong cách hiểu thế nào là “trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”. Sự mơ hồ này đã dẫn đến nhiều tranh cãi không chỉ giữa các người thực hành pháp luật, mà còn trong giới học thuật.

Trong bài viết này, CNC sẽ trình bày khái quát quy định pháp luật liên quan đến vấn đề này, từ đó đi sâu vào khúc mắc đang hiện hữu và đề xuất giải pháp.

Tải file PDF tại đây: [pdf] Hủy phán quyết trọng tài do trái với nguyên tắc cơ bản

Hủy phán quyết trọng tài là gì?

Theo pháp luật Việt Nam, hủy phán quyết trọng tài là hành động của Tòa án khiến cho một pháp quyết trọng tài trở nên vô hiệu (hay nói cách không, không còn ràng buộc đối với các bên liên quan). Khi phán quyết trọng tài bị hủy, các bên có thể thỏa thuận lại để đưa vụ tranh chấp đó ra giải quyết tại Trọng tài hoặc một bên có quyền khởi kiện tại Tòa án[1].

Phán quyết trọng tài sẽ bị hủy nếu thuộc một trong các trường hợp sau[2]:

Hủy phán quyết trọng tài

Các trường hợp hủy phán quyết trọng tài  

Theo quy định của Luật Trọng tài Thương mại 2010, Bên yêu cầu hủy phán quyết có nghĩa vụ chứng minh cho yêu cầu của mình[3]. Tuy nhiên, đối với trường hợp phán quyết trọng tài trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, Tòa án sẽ “có trách nhiệm chủ động xác minh thu thập chứng cứ để quyết định hủy hay không hủy phán quyết trọng tài[4]. Cần lưu ý rằng trách nhiệm này của Tòa án sẽ không đồng nghĩa với việc bên yêu cầu không cần chứng minh yêu cầu của mình.

Về mặt nguyên tắc chung, bên nào có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì sẽ phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp[5]. Đồng thời, Tòa án sẽ chỉ có nghĩa vụ xem xét yêu cầu của bên đó dựa trên các chứng cứ được cung cấp[6]. Do đó, quy định của Luật Trọng tài Thương mại đóng vai trò như một cơ chế bổ sung, đảm bảo việc hủy phán quyết trọng tài vì lý do trên được thực hiện một cách phù hợp. Đơn cử như tại Quyết định số 11/2023/QĐ-PQTT[7] , Tòa án cho rằng Công ty T không chứng minh được Phán quyết trọng tài vi phạm nguyên tắc cơ bản theo Điều 68(2)(đ) nên yêu cầu hủy phán quyết trọng tài của Công ty T không được chấp nhận.

Như thế nào là trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam

Một phán quyết sẽ được coi là trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam khi phán quyết đấy “vi phạm các nguyên tắc xử sự cơ bản có hiệu lực bao trùm đối với việc xây dựng và thực hiện pháp luật Việt Nam”[8]. Đây là định nghĩa duy nhất được cung cấp về căn cứ này.

Hiện không có quy định cụ thể các yếu tố cần thiết để một nguyên tắc (minh thị hoặc ngầm định) của một văn bản quy phạm pháp luật cụ thể được coi là “cơ bản của pháp luật Việt Nam”. Tuy nhiên, tại Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Trọng tài Thương mại 2010[9], đã có một số nguyên tắc có thể được coi là ảnh hưởng trực tiếp đến việc giải quyết tranh chấp tại Trọng tài. Cụ thể:

Hủy phán quyết trọng tài

Một trong những nguyên tắc cơ bản

Trên thực tế, nhiều trường hợp cơ sở này “trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” bị lạm dụng để hủy phán quyết trọng tài, trong khi chưa đủ cơ sở để cho rằng PQTT trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, cũng như hủy phán quyết trọng tài mà lại nêu đủ ba điều kiện trong Nghị quyết số 01/2014/HĐTP[10].

Những nội dung cần được chứng minh

Để hủy phán quyết trọng tài trái nguyên tắc cơ bản, Tòa án cần chứng minh đủ ba điều kiện sau:

Hủy phán quyết trọng tài

Điều kiện để hủy phán quyết trọng tài trái nguyên tắc cơ bản

Ngoài ra, Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP đã cung cấp hai ví dụ về phán quyết trọng tài trái nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.[11]

Ví dụ 1: Phán quyết trọng tài đã vi phạm nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết trong lĩnh vực thương mại quy định tại Điều 11 Luật Thương mại và Điều 4 của Bộ luật dân sự…

Ví dụ 2: Phán quyết trọng tài đã vi phạm nguyên tắc “trọng tài viên phải độc lập, khách quan, vô tư” quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật TTTM.

Tuy vậy, các ví dụ này không có nhiều ý nghĩa thực tiễn. Lý do là vì các ví dụ này quá “khớp” với quy định của pháp luật, tương tự như một công thức toán học khi chỉ cần thay dữ liệu vào là có thể làm được. Nói cách khác, dù có đưa ra các ví dụ trên hay không thì trên thực tế Hội đồng Thẩm phán Tòa tối cao cũng không làm rõ được quy định liên quan của Luật Trọng tài Thương mại 2010.

Ngoài ra, trên thực tế, có rất nhiều vụ việc mà các bên sẽ tranh cãi về liệu một quy định của pháp luật có phải là nguyên tắc cơ bản? Liệu các nguyên tắc khác trong Bộ luật Dân sự 2015 mà không nằm trong Điều 4 có phải là nguyên tắc cơ bản? Liệu các quy định về khác về mặt thủ tục tố tụng trọng tài tại Luật Trọng tài Thương mại sẽ được hiểu tương tự là nguyên tắc cơ bản? Các hướng dẫn được Nghị quyết đưa ra không hề đề cập đến tiêu chí này, khiến cho thực tiễn xét xử gặp nhiều khó khăn.

Thực tiễn của việc hủy phán quyết trọng tài vì trái nguyên tắc cơ bản

Nội dung tranh chấp vẫn có thể bị xem xét lại

Trong quá trình xem xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, Hội đồng xét đơn yêu cầu sẽ không được xem xét nội dung tranh chấp mà hội đồng trọng tài đã giải quyết[12]. Tuy nhiên, vì tính đặc thù của căn cứ hủy phán quyết này, trong nhiều trường hợp, Hội đồng xét đơn sẽ phải xem xét lại nội dung tranh chấp để xem liệu phán quyết có vi phạm nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

Tại Quyết định số 08/2019/QĐ-PQTT[13], Hội đồng đã xét đơn đã phân tích nội dung tranh chấp để cho rằng Hội đồng Trọng tài “đã có sự phân biệt đối xử không công bằng”, từ đó hủy phán quyết trọng tài trên cơ sở phán quyết trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.[14]

Tương tự, tại Quyết định số 1383/2022/QĐ-HPQTT[15], Hội đồng xét đơn đã phân tích quy định của pháp luật bảo vệ người tiêu dùng, tình tiết của vụ việc để nhận định phán quyết vi phạm nguyên tắc “Trọng tài viên phải độc lập, khách quan, vô tư và tuân theo quy định của pháp luật”.

Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp Tòa án không chấp nhận yêu cầu hủy vì vi phạm nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, khi lập luận rằng vấn đề được đưa ra thuộc nội dung tranh chấp và đã được Hội đồng trọng tài giải quyết. Tại Quyết định số 849/QĐ-PQTT, Hội đồng xét đơn đã nhận định rằng:

Công ty T cho rằng Phán quyết trọng tài không chấp nhận lãi suất chậm thanh toán là trái với nguyên tắc cơ bản pháp luật Việt Nam và xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của Công ty T; Hội đồng xét thấy, yêu cầu của Công ty T là phần nội dung vụ tranh chấp tại trọng tài, theo Điều 71 Luật Trọng tài thương mại 2010, khi xét đơn yêu cầu, hội đồng không xét lại nội dung vụ tranh chấp tại trọng tài.

Cùng quan điểm trên, khi xem xét yêu cầu hủy phán quyết trọng tài do vi phạm nguyên tắc bản của pháp luật Việt Nam, Hội đồng xét đơn tại Quyết định số 1212/2023/QĐ-PQTT cũng đã cho rằng:

Các căn cứ mà công ty A viện dẫn nêu trên thuộc nội dung giải quyết vụ tranh chấp của Hội đồng trọng tài. Căn cứ khoản 1 Điều 15 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP không xem xét lại nội dung vụ tranh chấp.

Hủy phán quyết trọng tài

Câu hỏi về căn cứ hủy phán quyết trọng tài

Vậy câu hỏi đặt ra là, liệu có phải chỉ những vấn đề mà (i) không thuộc nội dung tranh chấp; và (ii) đáp ứng các tiêu chí được đề ra tại Điều 14(2)(đ) của Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP, thì mới được xem xét là căn cứ để hủy phán quyết trọng tài? Hay là bản thân quy định tại Điều 14(2)(đ) đã là một ngoại lệ, cho phép tòa án xem xét lại toàn bộ nội dung vụ việc để đưa ra định của mình? Pháp luật Việt Nam hiện chưa có quy định nào làm rõ khúc mắc này.

Bất cứ nguyên tắc nào cũng là nguyên tắc cơ bản?

Như đã nói ở trên, không có một bộ tiêu chí cụ thể nào để đánh giá liệu một nguyên tắc có được xem là “cơ bản của pháp luật Việt Nam” hay không? Pháp luật chỉ quy định rằng tầm ảnh hưởng của quy tắc này phải “có hiệu lực bao trùm đối với việc xây dựng và thực hiện pháp luật Việt Nam”[16]. Vì vậy, việc Tòa án có một cách hiểu quá mở rộng đối với căn cứ này là không thể tránh khỏi.

Tại Quyết định số 1768/QĐ-PQTT[17], Hội đồng xét đơn yêu cầu đã chấp nhận lập luận cho rằng việc không hợp pháp hóa tài liệu sử dụng tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (“VIAC”) là vi phạm nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Sau khi viện dẫn quy định tại Điều 2(2) và Điều 4(2) của Nghị định 111/2011/NĐ-CP, hội đồng xét đơn nhận định rằng:

Giấy ủy quyền này chưa được Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chứng nhận con dấu của Công ty… quy định tại Điều 9 Nghị định số 111/2011/NĐ-CP nhưng Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) chấp nhận và sử dụng Giấy ủy quyền này là trái với nguyên tắc cơ bản đựơc quy định tại Khoản 2 Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015.”

Với hướng tiếp cận tượng tự, Hội đồng xét đơn yêu cầu tại Quyết định số 12/2023/QĐ-PQTT[18] cũng đã đưa ra các giải thích chi tiết để cho rằng quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự cần phải được áp dụng (do Luật Trọng tài Thương mại và các văn bản hướng dẫn không quy định), từ đó viện dẫn Điều 478 của Bộ luật này quy định rằng “Giấy tờ, tài liệu và bản dịch tiếng Việt có công chứng, chứng thực đã được hợp pháp hóa lãnh sự” mới được phép sử dụng tại Tòa (và tại vụ việc này, tại Trung tâm trọng tài). Hội đồng xét đơn sau đó nhận định rằng:

Khi các giấy tờ của nguyên đơn chưa hợp pháp nhất là trong trường hợp bị đơn phản đối, không đồng ý về giá trị pháp lý các nghị quyết và giấy ủy quyền này là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Nhận định trên được đưa ra mặc dù Hội đồng trọng tài trong vụ việc đó đã đưa ra ý kiến rằng:

Hội đồng trọng tài là cơ quan tiếp nhận của Việt Nam có quyền không yêu cầu các tài liệu ủy quyền phải được hợp pháp hóa lãnh sự. Luật trọng tài thương mại và các quy định khác của Việt Nam liên quan đến tố tụng trọng tài không có bất kỳ yêu cầu hợp pháp hóa lãnh sự nào đối với các tài liệu nước ngoài được sử dụng trong tố tụng trọng tài tại Việt Nam. Bộ luật tố tụng dân sự chỉ điều chỉnh thủ tục tố tụng Tòa án, không phải thủ tục tố tụng trọng tài nên không thể là “quy định pháp luật tương ứng” tại Điều 9(4) Nghị định111/2011/NĐ-CP

Trái ngược với Quyết định số 12/2023/QĐ-PQTT, Hội đồng xét đơn tại Quyết định số 16/2023/QĐ-PQTT từ chối hủy phán quyết trọng tài, lại cho rằng:

VIAC là cơ quan tiếp nhận và không yêu cầu phải hợp pháp hóa lãnh sự theo quy tắc trọng tài thì không nhất thiết phải hợp pháp hóa lãnh sự. Do đó, căn cứ trên của bên yêu cầu là không có cơ sở

Như vậy, có thể thấy, các tòa án khác nhau sẽ có quan điểm khác nhau về như thế nào là “nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”. Đây cũng là một điểm đặc thù của hệ thống tư pháp Việt Nam.

Kết luận

Trong thực tiễn, khả năng Tòa án hủy phán quyết trọng tài vì trái nguyên tắc cơ bản rất cao vì nguyên nhân xuất phát từ việc chưa quy định rõ khái niệm “nguyên tắc cơ bản”. Đồng thời, liệu Tòa án có thể xem xét lại nội dung tranh chấp (đã được giải quyết bằng trọng tài) hay không, khi đánh giá căn cứ “trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”, hiện vẫn là một khúc mắc chưa có lời giải đáp cụ thể.

Việc làm rõ các khúc mắc trong thực tiễn nói trên, thông qua việc cơ quan tư pháp đưa ra án lệ hoặc cơ quan lập pháp đưa ra các hướng dẫn chi tiết, là cực kì cần thiết để đảm bảo sự thống nhất và tính dễ dự đoán của môi trường pháp lý tại Việt Nam.

Phụ trách

Cộng sự Nguyễn Huy Nhật Duy

Điện thoại: (84) 28 6276 9900

Email: duy.nguyen@cnccounsel.com

Thực tập sinh Nguyễn Thị Bảo Khanh

Điện thoại: (84) 28 6276 9900

[1] Luật Trọng tài Thương mại 2010, Điều 71(8)

[2] Luật Trọng tài thương mại 2010, Điều 68(2)

[3] Luật Trọng tài Thương mại 2010, Điều 68(3)(a)

[4] Luật Trọng tài Thương mại 2010, Điêu 68(3)(b)

[5] Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, Điều 91(1)

[6] Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, Điều 91(4)

[7] Quyết định số 11/2023/QĐ-PQTT của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội ban hành ngày 28,29 tháng 6 năm 2023. Truy cập tại: < Quyết định số 11/2023/QĐ-PQTT >

[8] Nghị quyết 01/2014/HĐTP, Điều 14(2)(đ)

[9] Luật Trọng tài Thương mại 2010 viết tắt là Luật TTTM 2010

[10] Đỗ Văn Đại, ‘Pháp luật trọng tài thương mại Việt Nam’, Bản án và bình luận bản án (2023),tr. 228-229

[11] Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP, Điều 14(2)(đ)

[12] Luật Trọng tài Thương mại 2010, Điều 71(4)

[13] Quyết định số 08.2019/2019/QĐ-PQTT của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội ban hành ngày 25 tháng 7 năm 2019. Truy cập tại <Quyết định số 08.2019/2019/QĐ-PQTT>

[14] Nghị quyết  01/2014/NQ-HĐTP, Điều 14(2)(đ)

[15] Quyết định số 1383/2022/QĐ-HPQTT của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành ngày 24 tháng 08 năm  2022. Truy cập tại <Quyết định số 1383/2022/QĐ-HPQTT >

[16] Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP, Điều 14(2)(đ)

[17] Quyết định số 1768/QĐ-PQTT của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành ngày 24 tháng 08 năm  2022. Truy cập tại <Quyết định số 1768/QĐ-PQTT>

[18] Quyết định số 12/2023/QĐ-PQTT của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội ban hành ngày 24 tháng 08 năm  2022. Truy cập tại <Quyết định số 12/2023/QĐ-PQTT>

—————————————————-

Bất kỳ ý kiến đóng góp, hiệu chỉnh nào của độc giả đối với các nội dung trong bản tin này hoặc cần CNC hỗ trợ thêm, vui lòng gửi về:

 

liên hệ
Công ty Luật TNHH CNC Việt Nam

    CNC© | A Boutique Property Law Firm

    The Sun Avenue, 28 Mai Chí Thọ, Phường An Phú, Tp.Thủ Đức,

    Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam

    T: (+84-28) 6276 9900 | H/L: (+84) 916 545 618

    Miễn trừ:

    Bản tin này được chuẩn bị hoặc được sử dụng vì mục đích giới thiệu hoặc cập nhật cho khách hàng những thông tin về những vấn đề và/hoặc sự phát triển các quan điểm pháp lý tại Việt Nam. Các thông tin được trình bày tại bản tin này không tạo thành ý kiến tư vấn thuộc bất kỳ loại nào và có thể được thay đổi mà không cần phải thông báo trước.

    Content Protection by DMCA.com

    One thought on “Hủy phán quyết trọng tài do trái với nguyên tắc cơ bản

    1. Pingback: Không công nhận và cho thi hành Phán quyết Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam – CNC | Công ty Luật TNHH CNC Việt Nam

    Để lại một bình luận

    This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.