Phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADR)

Ngày đăng: Thứ Hai, 22/04/24 Người đăng: Ngan Nguyen

Phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (hay “ADR”) là những phương thức được các bên trong tranh chấp sử dụng, nhằm giải quyết các mâu thuẫn hiện hữu mà không phải tiến hành tố tụng tại Tòa án (một phương thức giải quyết tranh chấp truyền thống). [1]

Trong bài viết này, CNC sẽ cung cấp đến độc giả các đặc điểm của ADR và các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế phổ biến để tham khảo và áp dụng cho trường hợp của mình, bao gồm: đánh giá trung lập (neutral evaluation), thương lượng (negotiation), tham vấn (conciliation), sự thẩm định của chuyên gia (expert determination), hòa giải (mediation) và trọng tài (arbitration). Thực tế theo sự phát triển của đời sống có thể có thêm nhiều loại phương thức khác nhau khác nhưng bản chất của những phương thức này thì không đổi.

Đặc điểm của ADR

Phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADR)

Mặc dù mỗi phương thức có những đặc điểm riêng biệt khác nhau nhưng chúng đều có những đặc điểm chung khác biệt với phương thức tố tụng truyền thống như sau:[2]

Tính không chính thống:

Về lý thuyết, việc giải quyết tranh chấp bằng ADR kém chính thống hơn so với Tòa án. Trong hầu hết các trường hợp, các bên được tự do linh hoạt thỏa thuận quy tắc tố tụng hoặc lựa chọn quy tắc tố có sẵn mà không bắt buộc theo trình tự, thủ tục một cách chính thức. Đây cũng là một trong những đặc điểm thu hút các bên sử dụng ADR để giải quyết tranh chấp.

Tính bảo mật:

ADR có tính bảo mật cao do các phiên giải quyết được tổ chức riêng tư và chỉ được công khai khi được sự cho phép của các bên tranh chấp.

Tính linh hoạt:

Đối với ADR, việc giải quyết tranh chấp sẽ do bên thứ ba trung gian quyết định hoặc tự các bên thỏa thuận với nhau dựa trên các nguyên tắc và điều khoản thỏa thuận, thay vì dựa trên các tiêu chuẩn pháp lý được áp dụng thống nhất như Tòa án.

Tính chuyên môn cao:

ADR thường được thực hiện bởi các chuyên gia có chuyên môn về vấn đề tranh chấp. Điều này có nghĩa là người được đề cử để giải quyết vụ việc không chỉ cần có hiểu biết tốt về vấn đề mà còn phải có kiến thức, kỹ năng thực tiễn về vấn đề đó.

Tính trực tiếp:

Các bên trong ADR thường tham gia trực tiếp vào quá trình giải quyết tranh chấp hơn từ đó dận đến cơ hội hòa giải tốt hơn.

Tính kinh tế:

ADR thường tiết kiệm thời gian và chi phí khi quy trình giải quyết linh hoạt, giảm thiểu các chi phí nằm ngoài việc giải quyết tranh chấp.

Các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế

Đánh giá trung lập

Định nghĩa đánh giá trung lập

Đánh giá trung lập là phương thức giải quyết tranh chấp mà trong đó một người trung lập (người đánh giá) có kiến thức chuyên môn về chủ đề sẽ nghe các lập luận, dựa trên bằng chứng các bên cung cấp, xem xét điểm mạnh và điểm yếu của mỗi bên trong vụ việc, sau đó đưa ra gợi ý, đánh giá về kết quả có thể xảy ra nếu các bên giải quyết tại Tòa án, nhằm nỗ lực thúc đẩy giải quyết tranh chấp.

Đặc điểm của đánh giá trung lập

(i)         Người đánh giá có thể là thẩm phán hoặc luật sư cấp cao, tùy thuộc vào nơi xét xử vụ việc.[4]

(ii)        Đánh giá trung lập không ràng buộc về mặt pháp lý trừ khi cả hai bên đồng ý rằng nó sẽ có tính ràng buộc về mặt pháp lý. Tức là, họ được tự do chấp nhận hoặc từ chối kết quả của đánh giá trung lập.[5]

(iii)       Các bên có thể quyết định các quy tắc điều chỉnh quy trình đánh giá trong thỏa thuận đánh giá trung lập.[6]

(iii)       Các bên có thể quyết định:

(a)        Sử dụng bản đánh giá để đánh giá điểm mạnh và điểm yếu của bản thân. Từ đó đưa ra các giải pháp giải quyết tranh chấp sớm.[7]

(b)        Đưa ra đánh giá mang tính bắt buộc: Điều này có nghĩa là các bên sẽ phải tuân theo đánh giá như thể đó là phán quyết của tòa án. Cả hai bên phải thỏa thuận ghi lại phán quyết đồng thuận hoặc các điều khoản giải quyết dựa trên đánh giá.[8]

Ưu điểm, nhược điểm của đánh giá trung lập[9]

Phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADR)
Ưu điểm, nhược điểm của đánh giá trung lập

(i) Ưu điểm của đánh giá trung lập

  • Tập trung vào các vấn đề cốt lõi: Đánh giá trung lập mang lại cơ hội cho các bên trao đổi sớm, cởi mở và trực tiếp, giúp họ tập trung vào các vấn đề cốt lõi đang tranh chấp.
  • Giúp duy trì mối quan hệ: Đánh giá trung lập tôn trọng ý kiến và cảm xúc của các bên, khuyến khích sự hợp tác và thấu hiểu, đồng thời tránh gây áp lực và định kiến, tạo môi trường giao tiếp tích cực và tôn trọng lẫn nhau.
  • Không ràng buộc: Quá trình này không ràng buộc và không có nguy cơ có quyết định gây bất lợi cho một bên.
  • Quy trình linh hoạt: Các bên có thể linh hoạt thiết kế quy trình giải quyết tranh chấp phù hợp với nhu cầu của mình.
  • Tính bảo mật cao: Đánh giá trung lập được giữ bí mật, trừ khi các bên có thỏa thuận khác).
  • Giảm chi phí: Quá trình này thường nhanh hơn và ít phức tạp hơn so với kiện tụng, giúp các bên tránh được gián đoạn kinh doanh và các tổn thất tài chính.
  • Quy trình được tiến hành có kiểm soát và khách quan: Sự xuất hiện của bên thứ ba trung lập cho phép quy trình được tiến hành một cách có kiểm soát và khách quan, có thể giúp các bên nhận ra những hạn chế trong vụ việc của mình hay thậm chí có thể mang lại một góc nhìn mới mẻ, sáng tạo hơn trong việc tìm kiếm giải pháp thay thế.

(ii) Nhược điểm của đánh giá trung lập

  • Chi phí kép: Chi phí tổng thể có thể tăng thêm cho việc kiện tụng nếu quy trình đánh giá này không đạt được thỏa thuận hòa giải hoặc nếu quy trình này được thực hiện với mục đích xấu.
  • Nguy cơ không công bằng: Vì quy trình thường tập trung vào việc giải quyết nhanh chóng và giảm chi phí, nên có thể không có đủ thời gian và nguồn lực để khai thác chi tiết và đầy đủ các tình tiết của tranh chấp. Điều này có thể dẫn đến việc bỏ sót các bằng chứng quan trọng hoặc không xem xét kỹ lưỡng các yếu tố phức tạp, từ đó tạo ra quyết định thiếu công bằng và không phản ánh đúng bản chất của tranh chấp.
  • Tác dụng ngược: Một bên có thể kiên quyết giữ vững lập trường của mình nếu việc đánh giá có lợi cho họ, dẫn đến cản trở việc giải quyết hoặc trở nên gay gắt hơn trong các cuộc đàm phán giải quyết.

Điều kiện áp dụng

Bất kỳ chủ thể nào trong tranh chấp cũng có thể yêu cầu đánh giá trung lập ở bất cứ giai đoạn nào trong quá trình giải quyết tranh chấp. Các bên có thể cùng yêu cầu đánh giá trung lập.[10]

Thương lượng

Định nghĩa thương lượng

Thương lượng là một phương thức được sử dụng để giải quyết tranh chấp và đạt được thỏa thuận giữa các bên tranh chấp mà không có sự trợ giúp của bên thứ ba độc lập. Theo đó các bên có lợi ích đối lập nhau thảo luận về cách thức giải quyết tranh chấp giữa họ. [11]

Đặc điểm của thương lượng

(i) Tính tự nguyện: Thương lượng đề cao tính tự nguyện của các bên. Họ có quyền chấp nhận hoặc từ chối kết quả thương lượng và rút khỏi quá trình thương lượng bất kỳ thời điểm nào.[12]

(ii) Tính linh hoạt: Các cuộc thương lượng có thể diễn ra trực tiếp giữa những người tranh chấp, hay tham khảo ý kiến ​​luật, hoặc các bên có thể thương lượng gián tiếp thông qua luật sư hay đại diện khác. Các bên có thể kết hợp cả 2 cách thức để thương lượng.[13]

(iii) Tính không chính thức và không mang tính xét xử: Các bên có quyền tự do áp dụng bất kỳ quy tắc giải quyết nào mà họ chọn. Kết quả của cuộc thương lượng sẽ được các bên cùng nhau thỏa thuận mà không cần nhờ đến bên thứ ba trung lập.[14]

(iv) Tính bảo mật: Các bên có quyền lựa chọn thương lượng công khai hoặc riêng tư.[15]

Ưu, nhược điểm của thương lượng

Phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADR)
Ưu điểm, nhược điểm của thương lượng

Điều kiện áp dụng

Các bên tranh chấp cùng nhau bàn bạc, tự sắp xếp để thương lượng.

Tham vấn

Định nghĩa tham vấn

Tham vấn là một trong các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế, trong đó bên thứ ba được chỉ định (tham vấn viên) sẽ thuyết phục các bên đạt được thỏa thuận để giải quyết tranh chấp. Người tham vấn này là người tạo điều kiện cho các bên giảm bớt căng thẳng, cải thiện giao tiếp, giải thích các vấn đề, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, khám phá các giải pháp tiềm năng và đưa giải pháp cho các bên thương lượng.[16]

Đặc điểm của tham vấn

(i) Tham vấn là quá trình tự nguyện, không ràng buộc. Các bên trong tranh chấp tự do thỏa thuận với quy trình giải quyết linh hoạt, các bên tự xác định thời gian, cơ cấu và nội dung của quá trình tham vấn.

(ii) Thủ tục tham vấn có thể bí mật hoặc công khai, nhưng trong thực tế thủ tục này hiếm khi được công khai.

(iii) Tham vấn viên đưa ra quan điểm của mình về tranh chấp, đề xuất giải pháp dựa trên quan điểm pháp lý và lợi ích của các bên giúp các bên đi đến thỏa thuận cuối cùng.

(iv) Quyết định cuối cùng về việc đồng ý hay từ chối giải quyết thuộc về các bên.

Ưu, nhược điểm của tham vấn

Phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADR)
Ưu và nhược điểm của tham vấn

Điều kiện áp dụng

Các bên có thể thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng phương pháp tham vấn trước hoặc sau khi tranh chấp phát sinh, sau đó lựa chọn tham vấn viên cho trường hợp của mình.

Nếu việc tham vấn thành công, tức các bên chấp nhận đề xuất từ tham vấn viên, thì đề xuất đó sẽ được viết thành thỏa thuận giải quyết.

Sự xác định của chuyên gia

Định nghĩa sự xác định của chuyên gia

Sự xác định của chuyên gia là một quy trình giải quyết tranh chấp trong đó các bên chỉ định một chuyên gia trung lập về vấn đề tranh chấp để giải quyết vấn đề một cách riêng tư.

Các bên thỏa thuận lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp là sự xác định của chuyên gia trong hợp đồng. Quyết định của chuyên gia có tính ràng buộc về mặt pháp lý đối với các bên, trừ khi các bên có thỏa thuận khác.[17]

Đặc điểm của sự xác định của chuyên gia

(i) Sự xác định của chuyên gia mang tính không chính thức. Nó mang lại cho các bên sự linh hoạt trong việc lựa chọn chuyên gia, xác định thủ tục và tiến hành giải quyết.

(ii) Chuyên gia được chỉ định là chuyên gia có chuyên môn chuyên sâu với lĩnh vực giải quyết, họ đánh giá các vấn đề phức tạp về kỹ thuật, khoa học hoặc ngành cụ thể liên quan đến tranh chấp.

(iii) Chuyên gia được chỉ định đưa ra quyết định về tranh chấp và buộc các bên đồng ý.

Ưu điểm, nhược điểm của sự xác định của chuyên gia

Ưu và nhược điểm của sự xác định của chuyên gia

(i) Ưu điểm của sự xác định của chuyên gia

  • Quy trình giải quyết linh hoạt: Các bên có thể đặt ra điều kiện của riêng mình trong các điều khoản xác định của chuyên gia trong hợp đồng.
  • Tiết kiệm thời gian và chi phí: Tiết kiệm thời gian và chi phí.
  • Các bên có quyền tự do lựa chọn chuyên gia: Các bên có quyền tự do lựa chọn chuyên gia, đó là một người có kiến thức và hiểu biết chính xác về lĩnh vực tranh chấp.
  • Tính bảo mật: Là phương thức bảo mật giúp bảo vệ thông tin nhạy cảm và duy trì mối quan hệ thương mại tốt đẹp.
  • Các bên có thể khởi kiện nếu cho rằng chuyên gia thực hiện việc xác định một cách cẩu thả.
  • Quyết định của chuyên gia thường mang tính ràng buộc, vì vậy quá trình này đưa ra quyết định cuối cùng.

(ii) Nhược điểm của sự xác định của chuyên gia

  • Quy trình không được quy định rõ ràng nên quyền hạn của chuyên gia bị hạn chế bỡi các điều khoản trong hợp đồng.
  • Không phù hợp để giải quyết các tranh chấp có nhiều bất đồng trên thực tế.
  • Quyền kháng cáo bị hạn chế, các bên có thể phải chấp nhận quyết định có sai sót cơ bản của chuyên gia.
  • Quy trình giải quyết có thể mang lại thêm nhiều chi phí và sự không chắc chắn nếu việc giải quyết không diễn ra suôn sẻ.

Điều kiện áp dụng

Các bên thỏa thuận lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng sự xác định của chuyên gia trong hợp đồng.

Hòa giải

Định nghĩa hòa giải

Hòa giải là quá trình giải quyết tranh chấp không chính thức và mang tính linh hoạt. Trong hòa giải, một người trung lập được gọi là “hòa giải viên” giúp các bên cố gắng đạt được giải pháp giải quyết tranh chấp được các bên chấp nhận. Hòa giải viên không quyết định vụ việc mà giúp các bên trao đổi để họ có thể cố gắng tự giải quyết tranh chấp thông qua các phiên họp chung và phiên họp riêng với các bên.[18]

Đặc điểm của hòa giải

(i) Các bên tham gia tự nguyện và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Không bên nào bị buộc phải sử dụng hòa giải viên cũng như không bị buộc phải đồng ý với một giải pháp giải quyết cụ thể.

(ii) Hòa giải viên không đưa ra quyết định hay quyết định thay cho các bên mà giúp họ tự đưa ra quyết định.

(iii) Thủ tục linh hoạt, quy tắc thực hiện do các bên tự thỏa thuận và rất hiếm khi phải áp dụng các quy tắc khác nằm ngoài thỏa thuận.

(iv) Hòa giải được mô tả là một quy trình bí mật. Các bên có quyền cùng nhau thiết lập bất kỳ giới hạn nào. Nếu có quyết định rằng cuộc hòa giải phải được giữ bí mật thì các bên và hòa giải viên phải ký một điều khoản có hiệu lực về việc bí mật đó.

(v) Thỏa thuận hòa giải không được vi phạm các quy định của pháp luật, không trái với đạo đức xã hội, không trốn tránh nghĩa vụ, không xâm phạm quyền của bên thứ ba.

(vi) Nguyên tắc chung là chi phí hòa giải sẽ được chia đều cho tất cả các bên.

Hòa giải được xem là một phương thức giải quyết tranh chấp hữu ích khi các bên tranh chấp cần hoặc mong muốn duy trì mối quan hệ lâu dài.

Ưu điểm, nhược điểm của hòa giải

(i) Ưu điểm của hòa giải

Phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADR)

 (ii) Nhược điểm của hòa giải

Phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADR)

Điều kiện áp dụng

Tranh chấp được giải quyết bằng hòa giải thương mại nếu các bên có thỏa thuận hòa giải. Các bên có thể thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng hòa giải trước, sau khi xảy ra tranh chấp hoặc tại bất cứ thời điểm nào của quá trình giải quyết tranh chấp.[19]

Trọng tài

Định nghĩa trọng tài

Trọng tài là một thủ tục pháp lý do các bên thỏa thuận lựa chọn dẫn đến việc một hoặc nhiều trọng tài viên đưa ra phán quyết ràng buộc về tranh chấp.

Tại Việt Nam, trọng tài thương mại được tiến hành theo quy định của Luật Trọng tài thương mại 2010.[20]

Đặc điểm của trọng tài

(i) Theo Điều 11 Quy tắc VIAC, các bên có thể chỉ định trọng tài viên duy nhất. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận vụ tranh chấp được giải quyết bởi Trọng tài viên duy nhất thì vụ tranh chấp được giải quyết bởi Hội đồng Trọng tài gồm ba Trọng tài viên.

Trung tâm trọng tài có thể đề xuất các trọng tài viên tiềm năng có chuyên môn phù hợp hoặc trực tiếp bổ nhiệm các thành viên của hội đồng trọng tài.

(ii) Trọng tài chỉ có thể diễn ra nếu cả hai bên có thỏa thuận. Trong trường hợp có tranh chấp phát sinh trong hợp đồng trong tương lai, các bên sẽ thêm điều khoản trọng tài vào hợp đồng liên quan. Tranh chấp hiện tại có thể được đưa ra trọng tài bằng thỏa thuận đệ trình giữa các bên. Ngược lại với hòa giải, một bên không thể đơn phương rút khỏi trọng tài.

(iii) Các bên có thể thỏa thuận lựa chọn luật áp dụng, ngôn ngữ[21] và địa điểm phân xử[22].

(iv) Trọng tài là một hình thức giải quyết tranh chấp mang tính ràng buộc, tương đương với kiện tụng tại tòa án và hoàn toàn khác biệt với các hình thức giải quyết tranh chấp không mang tính ràng buộc khác nhau như đàm phán, hòa giải…

(v) Phán quyết trọng tài là chung thẩm và ràng buộc đối với các bên liên quan, các bên chỉ có thể khiếu nại những phán quyết này trong những trường hợp rất đặc biệt. Phán quyết trọng tài có hiệu lực thi hành tương tự như phán quyết của tòa án.

Ưu điểm, nhược điểm của trọng tài

Phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADR)
Ưu điểm và nhược điểm của trọng tài

 Điều kiện áp dụng

(i) Điều kiện cần và đủ:

  • Tranh chấp chỉ được giải quyết khi các bên có thỏa thuận trọng tài và thỏa thuận đó phải hợp lệ.
  • Tranh chấp phải thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài.

(ii) Trường hợp một bên tham gia thỏa thuận là cá nhân chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự: Thỏa thuận trọng tài vẫn có giá trị với người thừa kế hoặc người đại diện theo pháp luật của người đã chết trừ khi các bên thỏa thuận khác.

(iii) Trường hợp một bên tham gia thỏa thuân là tổ chức chấm dứt hoạt động, phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, chuyển đổi hình thức: Thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực với tổ chức tiếp nhận quyền nghĩa vụ của tổ chức đó trừ các bên có thỏa thuận khác.

(iv) Các bên có thể thỏa thuận giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài trước hoặc sau khi tranh chấp đã xảy ra.

Tải file PDF tại đây: Phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADR)

Phụ trách

Cộng sự Nguyễn Huy Nhật Duy

Điện thoại: (84) 28 6276 9900

Email: duy.nguyen@cnccounsel.com

Thực tập sinh Vũ Thị Ngọc Chi  

Điện thoại: (84) 28 6276 9900

 

[1] Luật Trọng tài thương mại 2010, Điều 3(2), Điều 5, Điều 6

[2] Scott Brown, Christine Cervenak, David Fairman, ‘Alternative Dispute Resolution Practitioners Guide’ CMG <PNACB895.pdf (usaid.gov)>

[3] ‘Sổ tay hòa giải viên’, biên soạn bởi Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) Trung tâm giải quyết tranh chấp hiệu quả (CEDR) <https://www.viac.vn/images/Resources/Publications/So-tay-hoa-giai-vien/Handbook_Mediator+Training_March+2020.pdf>

[4] Jay Folberg; Joshua Rosenberg; Robert Barrett, ‘Use of ADR in California Courts: Findings & Proposals’ University of San Francisco Law Review, 1992, v. 26, p. 362 < https://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=1109174>

[5] ‘Neutral evaluation’ Department of Justice, Canada <https://www.justice.gc.ca/eng/rp-pr/csj-sjc/dprs-sprd/res/drrg-mrrc/eval.html#ftn3>

[6] Department of Justice, Canada, ttđd

[7] Lee Axon; Robert G. Hann, ‘Court Dispute Resolution Processes: The Application of ADR in the Courts’, Robert Hann & Associates Ltd., 1994, p. 24 <https://www.ojp.gov/ncjrs/virtual-library/abstracts/court-dispute-resolution-processes-application-alternative-dispute>

[8] Singapore Courts, tlđd

[9] Xem:

  1. Erika S. Fine; Elizabeth S. Plapinger, ‘ADR and the Courts: A manual for Judges and Lawyers’ Butterworth Legal Publishers, 1987, (Summary) p.175
  2. Richard H. McLaren; John P. Sanderson, ‘Innovative Dispute Resolution – The Alternative’, Carswell (Thomson Canada Ltd.), 1994, p. 3-1
  3. ‘Early Neutral Evaluation: Encouraging Settlement and Understanding’ ADR Times <https://www.adrtimes.com/early-neutral-evaluation/>

[10] Singapore Courts, tlđd

[11] ‘Alternative Dispute Resolution – the main options’ Gaby Hardwicke <https://www.gabyhardwicke.co.uk/briefing-notes/alternative-dispute-resolution-the-main-options/#:~:text=Negotiation,of%20an%20independent%20third%20party.>

[12] Dispute Resolution Reference Guide: Negotiation, Department of Justice, Canada <https://www.justice.gc.ca/eng/rp-pr/csj-sjc/dprs-sprd/res/drrg-mrrc/03.html>

[13] Frie, Arndt & Danborn, ‘Alternative Dispute Resolution (ADR) – Negotiation’ Frie, Arndt & Danborn Blog <https://friearndt.com/general/alternative-dispute-resolution-adr-negotiation/>

[14] Simran Shaikh, ‘Basics Of Negotiation And It’s Process’ Legal Service India E-Journal <https://www.legalserviceindia.com/legal/article-5049-basics-of-negotiation-and-it-s-process.html>

[15] Department of Justice, Canada, tlđd

[16] Từ điển luật học của Black

[17] ’What is Expert Determination?’ World Intellectual Property Organization (WIPO) <https://www.wipo.int/amc/en/expert-determination/what-is-exp.html>

[18] tlđd, IFC và CEDR

[19] Điều 6 Nghị định 22/2017/NĐ-CP về Hòa giải thương mại.

[20] Khoản 1 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại 2010

[21] Điều 10 Luật Trọng tài thương mại 2010

[22] Khoản 8 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại 2010

—————————————————-

Bất kỳ ý kiến đóng góp, hiệu chỉnh nào của độc giả đối với các nội dung trong bản tin này hoặc cần CNC hỗ trợ thêm, vui lòng gửi về:

 

liên hệ
Công ty Luật TNHH CNC Việt Nam

    CNC© | A Boutique Property Law Firm

    The Sun Avenue, 28 Mai Chí Thọ, Phường An Phú, Quận 2,

    Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam

    T: (+84-28) 6276 9900 | H/L: (+84) 916 545 618

    Miễn trừ:

    Bản tin này được chuẩn bị hoặc được sử dụng vì mục đích giới thiệu hoặc cập nhật cho khách hàng những thông tin về những vấn đề và/hoặc sự phát triển các quan điểm pháp lý tại Việt Nam. Các thông tin được trình bày tại bản tin này không tạo thành ý kiến tư vấn thuộc bất kỳ loại nào và có thể được thay đổi mà không cần phải thông báo trước.

    Content Protection by DMCA.com

    2 thoughts on “Phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADR)

    1. Pingback: Luật sư Trần Phạm Hoàng Tùng tại ADR Marathon 2024 – CNC | Công ty Luật TNHH CNC Việt Nam

    2. Pingback: Tran Pham Hoang Tung at ADR Marathon 2024 – CNC | Công ty Luật TNHH CNC Việt Nam

    Để lại một bình luận

    This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.