Giới thiệu về hòa giải thương mại
Khái niệm
Hòa giải nói chung được hiểu là một cơ chế giải quyết các loại xung đột và bất đồng khác nhau, là hoạt động liên quan tới bên thứ ba cố gắng giúp các bên tranh chấp tự hòa giải những mâu thuẫn. Trong thời hiện đại, hòa giải đề cập theo nghĩa “trung gian hòa giải”, nghĩa là cho phép bên thứ ba trung lập, hay còn gọi là hòa giải viên, đưa ra những phương án giải quyết tranh tranh chấp cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đàm phán giữa các bên[1].
Trên thực tế, hòa giải là hoạt động được sử dụng trong đời sống từ rất lâu nhưng dường như chưa được công nhận là một phương thức giải quyết tranh chấp có giá trị pháp lý thật sự. Chỉ cho đến giữa thế kỷ XX, hòa giải mới nhận được nhiều sự quan tâm của các học giả hơn và vai trò của phương thức này dần được thể chế hóa để áp dụng trong lĩnh vực dân sự, nhất là các hoạt động giao thương và buôn bán. Đây cũng là một cách hiểu của “hòa giải thương mại” – mô hình hòa giải hiện đại có tính độc lập và hiệu quả bên cạnh tòa án và trọng tài về các xung đột trong quan hệ thương mại[2].
Tương tự, theo khoản 1 Điều 3 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP về Hòa giải thương mại có định nghĩa “Hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp theo quy định”. Từ đó có thể hiểu, đây là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại thay thế ngoài tòa án mà theo đó, nội dung tranh chấp chủ yếu liên quan tới các hoạt động có mục tiêu sinh lợi[3].
Tải file PDF bài viết tại: CNC Newsletter_ Hòa giải thương mại – Bản chất pháp lý và tính tối ưu
Những đặc trưng cơ bản
Đặc trưng cơ bản của hòa giải thương mại
* Hòa giải thương mại là một thỏa thuận của các bên tham gia dựa trên cơ sở tự nguyện, thiện chí
Hòa giải thương mại trước tiên có đặc điểm là một thỏa thuận do các bên lựa chọn để giải quyết tranh chấp phát sinh trên cơ sở tự nguyện và thiện chí. Thỏa thuận này có thể được thể hiện bằng một điều khoản trong hợp đồng giữa các bên, trong đó ghi nhận các bên lựa chọn hòa giải thương mại để giải quyết tranh chấp xảy ra hoặc một bên đề nghị trung tâm hòa giải tiến hành hòa giải mà bên kia không từ chối và cùng tham gia.
Bên cạnh đó, tính tự nguyện và thiện chí của hòa giải còn được thể hiện qua việc các bên phải mong muốn và cùng phối hợp với nhau trong suốt tiến trình hòa giải. Hay nói cách khác, tại bất kỳ lúc nào của tiến trình hòa giải mà một trong các bên không muốn tiếp tục hòa giải, dù vì bất kỳ lý do gì, thì tiến trình hòa giải sẽ được chấm dứt mà không bị xem là vi phạm thỏa thuận hòa giải.[4]
*Hoạt động hòa giải thương mại phải do hòa giải viên làm trung gian
Người tiến hành hoạt động trung gian trong hòa giải là các hòa giải viên. Đặc điểm của các chủ thể này là họ không có quyền xét xử để giải quyết tranh chấp, trái ngược với trọng tài hoặc thẩm phán. Quyền xét xử nghĩa là khả năng ban hành một phán quyết về một vấn đề “có liên quan trực tiếp đến các vấn đề pháp lý mà vụ án nêu ra, thể hiện rõ ràng quan điểm của cơ quan tài phán đến quyền và nghĩa vụ của các bên sau khi tranh chấp được giải quyết”[5]. Như vậy, các quyết định của hòa giải viên không phải là phán quyết có hiệu lực bắt buộc thi hành để phân định quyền và nghĩa vụ của các đương sự sau khi vụ việc được giải quyết vì họ không được xem là cơ quan tài phán, đồng thời quyết định công nhận kết quả hòa giải của các bên thường chỉ thể hiện sự thống nhất ý chỉ của họ chứ không phải quan điểm của cơ quan hòa giải. Thay vào đó, vai trò chính của hòa giải viên là tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi thông tin và hỗ trợ các bên tranh chấp đạt được thỏa thuận hòa giải.
*Văn bản hòa giải thành không đương nhiên có giá trị cưỡng chế thi hành
Kết quả hòa giải thành là thỏa thuận giữa các bên tranh chấp về việc giải quyết một phần hoặc toàn bộ tranh chấp phát sinh[6]. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, văn bản về kết quả hòa giải thành vẫn có hiệu lực thi hành đối với các bên theo quy định của pháp luật dân sự[7]. Điều đó có nghĩa nếu một bên không tự nguyện thi hành thì bên còn lại phải yêu cầu tòa án công nhận và cho thi hành thỏa thuận hòa giải theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự[8] để đảm bảo được thực thi như một bản án[9]. Điều này xuất phát từ đặc điểm hòa giải viên không có quyền xét xử văn bản hòa giải thành được ký bởi hòa giải viên và các bên không đương nhiên được cơ quan thi hành công nhận để làm cơ sở thi hành án.
*Hòa giải thương mại có tính khách quan, bảo mật và quyền tự quyết của các bên
Giá trị cốt lõi của hòa giải là tính khách quan, bảo mật và quyền tự quyết. Trong đó, tính khách quan (impartiality) thể hiện các yêu cầu đặt ra đối với thỏa thuận hòa giải phải dựa trên cơ sở tự nguyện và thống nhất ý chí giữa các bên. Đồng thời, bên trung gian là hòa giải viên cũng phải đảm bảo yêu cầu về mặt khách quan, vô tư và nếu một bên chứng minh được hòa giải viên đã vi phạm các nguyên tắc này làm ảnh hưởng đến kết quả hòa giải thì đó sẽ là căn cứ không công nhận kết quả của quá trình hòa giải[10].
Tính bảo mật (confidentiality) – là một trong những đặc điểm quan trọng giúp hòa giải thương mại trở nên hiệu quả bởi nó thúc đẩy các bên sẽ tự nguyện tham gia nhờ vào việc đáp ứng nhu cầu giữ bí mật các thông tin nhạy cảm trong thương mại[11]. Nguyên tắc này thể hiện ở một số quy định như nguyên tắc giữ bí mật các thông tin liên quan[12], hòa giải viên bị cấm tiết lộ thông tin về nội dung vụ tranh chấp[13].
Cuối cùng, quyền tự quyết (self-determination) được hiểu là các bên được tự do đàm phán theo cách thức phù hợp và có thể ký kết một thỏa thuận ràng buộc các bên[14]. Đối chiếu theo quy định pháp luật Việt Nam, đây sẽ là những căn cứ để Tòa án xem xét công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành của các bên nếu không đảm bảo được các đặc điểm trên[15].
Các hình thức hòa giải thương mại
Có 2 hình thức giải quyết tranh chấp gồm hòa giải thương mại quy chế và hòa giải thương mại vụ việc.
Hòa giải thương mại quy chế được tiến hành bởi một tổ chức hòa giải thương mại được thành lập theo quy định pháp luật và Quy tắc hòa giải của tổ chức đó[16], còn hòa giải thương mại vụ việc sẽ được tiến hành bởi hòa giải viên do các bên lựa chọn[17].
Trên thực tế, trong hòa giải quy chế, các bên vẫn được quyền chọn hòa giải viên ngoài danh sách của trung tâm đó. Ví dụ, trường hợp các bên lựa chọn Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) để giải quyết các tranh chấp bằng hòa giải thì Điều 5 của Quy tắc Hòa giải tại Trung tâm này vẫn cho phép “trường hợp hoà giải viên được các bên chọn không thuộc Danh sách hoà giải viên, nhưng phải cung cấp bằng chứng về việc người này là hoà giải viên theo quy định của pháp luật”.
Sự khác biệt cơ bản giữa 2 hình thức là đối với hòa giải thương mại quy chế, việc hòa giải sẽ được hỗ trợ, đặc biệt là về khía cạnh hành chính và hậu cần, bởi một trung tâm hòa giải chuyên nghiệp được thành lập phù hợp với pháp luật và cơ bản tuân theo quy tắc hòa giải của trung tâm đó (các bên vẫn có quyền thỏa thuận sửa đổi quy tắc phù hợp với nhu cầu của mình). Đối với hòa giải thương mại vụ việc, việc hòa giải không có sự hỗ trợ của trung tâm hòa giải mà hoàn toàn do các bên và hòa giải viên tự thực hiện theo thủ tục hòa giải do các bên tự thỏa thuận.
Phân biệt hòa giải thương mại và hòa giải trong tố tụng dân sự
Mặc dù có cùng bản chất là giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải, tuy nhiên hòa giải thương mại và hòa giải trong tố tụng dân sự vẫn có một số khác biệt cơ bản.
Thứ nhất, về phạm vi giải quyết tranh chấp:
Hòa giải thương mại chỉ giới hạn phạm vi tranh chấp và thủ tục giải quyết tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại, bao gồm các đối tượng nằm trong phạm vi hoạt động kinh doanh, thương mại mà quyền và nghĩa vụ các bên có liên quan mật thiết đến lợi ích kinh tế, phát sinh giữa các chủ thể kinh doanh với nhau.
Ngược lại, phạm vi tranh chấp của hòa giải trong tố tụng rất rộng, là các mâu thuẫn phát sinh trong vụ án dân sự như hôn nhân, thừa kế giữa các chủ thể dân sự không nhất định là thương nhân.
Thứ hai, về thủ tục hòa giải và tính linh hoạt:
Pháp luật không giới hạn quyền tự do ý chí của các bên tham gia hòa giải thương mại trong việc thống nhất trình tự, thủ tục tiến hành phiên hòa giải mà cho phép các bên được lựa chọn Quy tắc hòa giải của trung tâm hòa giải (hòa giải quy chế) hoặc theo thỏa thuận riêng của các bên (hòa giải vụ việc)[18]. Thậm chí, việc lựa chọn Quy tắc hòa giải cũng không hạn chế quyền thỏa thuận của các bên trong việc loại bỏ, sửa đổi hoặc bổ sung một hoặc nhiều điều khoản[19].
Hòa giải trong tố tụng dân sự bắt buộc phải được tuân theo thủ tục định sẵn của Bộ luật tố tụng dân sự mà hai bên hầu như không thể thỏa thuận thay đổi theo ý chí của mình như thời gian, địa điểm tiến hành phiên hòa giải, các bước tiến hành hòa giải[20].
Thứ ba, về chủ thể tiến hành hòa giải
Trong hòa giải thương mại, các bên chủ động lựa chọn hòa giải viên thương mại phù hợp với mong muốn và tính chất, chuyên môn của vụ việc. Theo đó, bên trung gian được gọi là hòa giải viên có chuyên môn và nghiệp vụ hòa giải riêng biệt, tham gia giải quyết tranh chấp hoặc bằng tư cách cá nhân theo đề nghị (hòa giải vụ việc) hoặc dưới tư cách là thành viên của một trung tâm hòa giải (hòa giải quy chế). Do vậy, để trở thành chủ thể tham gia hòa giải, mặc dù không bắt buộc phải trải qua quy trình khắt khe như thẩm phán, các trọng tài viên vẫn phải đáp ứng một số tiêu chuẩn nhất định[21], và phải đăng ký tại Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người đó thường trú nếu là hòa giải viên thương mại vụ việc.
Quy định này đảm bảo rằng dù hòa giải thương mại là cơ chế giải quyết tranh chấp tư nhưng các chủ thể được trao quyền tham gia hòa giải phải tuân thủ quy định bắt buộc của Nhà nước, để hoạt động này diễn ra công bằng và khách quan, phù hợp với tinh thần của pháp luật quốc tế. Ngoài ra, việc lựa chọn số lượng và thành phần hội đồng hòa giải là một trong những biểu hiện rõ nét nhất tính chất linh hoạt và tôn trọng thỏa thuận của các bên. Cụ thể hơn, tranh chấp có thể do một hoặc nhiều hòa giải viên thương mại tiến hành theo thỏa thuận của các bên[22], có nghĩa là mỗi bên có thể tự đề cử hoặc đề nghị chỉ định ít nhất một hòa giải viên theo yêu cầu của mình[23].
Trong hòa giải trong tố tụng dân sự, thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc cũng sẽ là người tiến hành hòa giải cho các bên. Nói cách khác, các bên không có quyền chủ động lựa chọn người tiến hành hòa giải cho mình.
Thứ tư, về điều kiện của hòa giải thành và khả năng thi hành kết quả hòa giải
Hòa giải thương mại định nghĩa kết quả hòa giải thành là thỏa thuận giữa các bên tranh chấp về việc giải quyết một phần hoặc toàn bộ tranh chấp phát sinh. Điều này có nghĩa là các bên có thể lập văn bản hòa giải thành cho một phần hoặc toàn bộ các vấn đề tranh chấp và mọi kết quả hòa giải thành đều có hiệu lực đối với mỗi bên. Tuy nhiên, để có được giá trị cưỡng chế thi hành trong trường hợp một bên không tự nguyện ràng buộc vào kết quả đó, bên còn lại phải thực hiện thêm thủ tục yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, cụ thể là thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án[24].
Ngược lại, đối với hòa giải trong tố tụng dân sự, Thẩm phán chỉ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án[25]. Nói cách khác, nếu các bên chỉ thỏa thuận được về một phần của nội dung tranh chấp thì vẫn xem như là hòa giải không thành và Tòa án tiến hành các bước tiếp theo để giải quyết toàn bộ vụ việc.
Quyết định của Tòa án về việc công nhận thỏa thuận của các bên (hòa giải thành) có hiệu lực ràng buộc ngay đối với các bên và có giá trị cưỡng chế thi hành án nếu một bên không tuân thủ.
Khác biệt giữa Hòa giải thương mại và Hòa giải trong tố tụng dân sự
Ưu điểm nổi bật của phương thức hòa giải thương mại
Thứ nhất, thủ tục hòa giải được thực hiện nhanh gọn và linh hoạt
Trong các phương thức như trọng tài hoặc tòa án, quá trình giải quyết tranh chấp cần được thực hiện một cách cẩn thận và chặt chẽ theo quy định của pháp luật và/hoặc quy tắc tố tụng trọng tài. Tuy nhiên, với tính chất của một phương thức thân thiện và hữu hảo, thủ tục hòa giải thường được thực hiện một cách đơn giản và nhanh gọn[26]. Bên cạnh đó, các bên có thể linh hoạt điều chỉnh thủ tục sao cho thuận lợi cho quá trình giải quyết tranh chấp.
Liên quan đến vấn đề chứng cứ, trong các phương thức như trọng tài hoặc tòa án thì chứng cứ là một trong những yếu tố tiên quyết để đi đến có được phán quyết/công nhận cuối cùng. Do đó, việc thu thập và trình bày chứng cứ phải theo đúng trình tự, thủ tục cụ thể và có thể tạo ra gánh nặng không nhỏ cho các bên, kể cả rủi ro về việc một số chứng cứ có thể không được công nhận. Trong khi đó, đối với hòa giải, chứng cứ không phải là điều kiện tiên quyết mà được đặt cân bằng với ý kiến, quan điểm và mong muốn của các bên. Từ đó, tranh chấp được xem xét cẩn thận ở nhiều khía cạnh, đảm bảo được tính thân thiện và cùng có lợi của kết quả hòa giải.
Thứ hai, hòa giải giúp các bên tiết kiệm thời gian và chi phí.
Với thủ tục hòa giải được thực hiện đơn giản và linh hoạt, phương thức hòa giải giúp các bên rút ngắn được thời gian để giải quyết tranh chấp thay vì trải qua nhiều bước bắt buộc như trong thủ tục tố tụng trọng tài hoặc tòa án. Bên cạnh đó, việc các bên có thể linh hoạt sắp xếp và ấn định thời gian cho các buổi hòa giải (với sự hỗ trợ của hòa giải viên) cũng là một yếu tố rút ngắn đáng kể thời gian cần thiết.
Theo hiểu biết của chúng tôi, thông thường quá trình hòa giải thường chỉ kéo dài trong vòng vài tháng, so với phương thức trọng tài hoặc tòa án thường là kéo dài vài năm để có được phán quyết cuối cùng hoặc bản án.
Bên cạnh đó, với thủ tục đơn giản và thời gian giải quyết ngắn, hòa giải sẽ giúp các bên tiết kiệm được đáng kể chi phí cho việc giải quyết tranh chấp, kể cả chi phí phải nộp cho cơ quan giải quyết tranh chấp lẫn các chi phí bổ trợ (chi phí thuê luật sư và các chuyên gia tư vấn, chi phí thu thập và chuẩn bị chứng cứ, chi phí hành chính, …).
Thứ ba, hòa giải có tính khách quan, đạt hiệu quả cao và duy trì được mối quan hệ hợp tác của các bên
Hòa giải có sự tham gia của bên thứ ba trung lập là hòa giải viên do các bên thỏa thuận. Các bên có thể lựa chọn người có trình độ chuyên môn cụ thể và/hoặc có kinh nghiệm chuyên sâu về vấn đề đang tranh chấp. Do vậy, hòa giải viên dễ dàng nắm bắt được nguyên vọng của các bên trong tranh chấp, từ đó, dựa trên nhu cầu và lợi ích của các bên để tạo điều kiện cho các buổi trao đổi, bao gồm các đề xuất và thuyết phục, đồng thời đưa ra giải pháp tối ưu nhất.
Sự tham gia của bên thứ ba trung lập được đánh giá là điểm vượt trội của phương thức hòa giải khi so sánh với phương thức thương lượng. Trên thực tế, khả năng thành công của phương thức thương lượng chỉ phụ thuộc thiện chí và ý định của các bên, tuy nhiên thường các bên trong tranh chấp khó giữ bình tĩnh để xem xét vấn đề một cách khách quan để đạt được sự đồng thuận, nhất là đối với các vấn đề phức tạp và giá trị lớn.
Hơn nữa, phương thức hòa giải còn giúp duy trì và/hoặc thậm chí cải thiện mối quan hệ hợp tác giữa các bên nhờ việc xem xét đến lợi ích và quan tâm thực tế của các bên. Kết quả của quá trình hòa giải là một phương án được cả hai bên đồng thuận và hài lòng, thay vì một phán quyết mang tính đúng sai sẽ dễ gây rạn nứt trong mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa các bên.
Thứ tư, hòa giải đảm bảo được tính bảo mật
Các phiên hòa giải được tổ chức kín và không công khai. Cả hòa giải viên và các bên tham gia quá trình hòa giải có nghĩa vụ bảo mật thông tin về vụ việc hòa giải.[27] Bên cạnh đó, các bên trong quá trình hòa giải sẽ không được sử dụng những tuyên bố hoặc thông tin có được từ quá trình hòa giải để làm chứng cứ trong bất kỳ quá trình tố tụng tại trọng tài hoặc tòa án sau này.[28]
Do đó, hòa giải không chỉ góp phần giữ gìn uy tín, bảo mật các bí mật thương mại và thông tin nội bộ mà còn tạo điều kiện để có các cuộc đàm phán thẳng thắn và cởi mở và vì lợi ích của các bên nhằm tìm được tiếng nói chung về vấn đề tranh chấp.
Thứ năm, kết quả hòa giải thành mang tính ràng buộc và có thể được thi hành
Sau khi các bên đạt được thống nhất về tranh chấp, một trong các bên có thể yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành theo thủ tục được quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự 2015. Sau khi được tòa án công nhận, kết quả hòa giải thành có giá trị bắt buộc thi hành giữa các bên và có thể được thực thi bởi cơ quan thi hành án dân sự như một quyết định của tòa án.
Kể cả trong trường hợp tòa án, vì một số lý do cụ thể, không công nhận kết quả hòa giải thành của các bên thì nội dung và giá trị pháp lý của kết quả hòa giải cũng không bị ảnh hưởng.[29]
Thứ sáu, tham gia hòa giải không ảnh hưởng đến quyền thực hiện các biện pháp giải quyết tranh chấp khác
Trong bất kỳ thời điểm nào của quá trình hòa giải, nếu một trong các bên thấy rằng việc tiếp tục quá trình hòa giải sẽ không đạt hiệu quả, hoặc không còn phù hợp hoặc vì bất kỳ lý do nào, bên đó cũng có quyền chấm dứt việc hòa giải.[30] Việc thực hiện hòa giải không thành hoặc hoàn tất quá trình hòa giải sẽ không ảnh hưởng đến quyền của bất kỳ bên nào trong việc đưa (các) tranh chấp ra giải quyết tại trọng tài hoặc tòa án.[31]
Tạm kết
Hòa giải thương mại ngày càng chứng minh được vị thế là một trong ba phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả và dần trở thành một xu thế tất yếu trong dòng chảy chung của quá trình hội nhập. Sự ra đời của Nghị định số 22/2017/NĐ-CP của Chính phủ về hòa giải thương mại đóng một vai trò quan trọng đối với khung pháp lý dành cho phương thức giải quyết tranh chấp này, giúp cho thực tiễn thực thi hòa giải thương mại tại Việt Nam ngày càng phát triển và ổn định. Mặc dù còn tồn tại những hạn chế nhất định, nhưng cùng với nhu cầu ngày càng cao của xã hội, chắc chắn những bất cập này sẽ được hoàn thiện trong tương lai.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Luật Mẫu Về Trọng Tài Thương Mại Quốc Tế Của Ủy Ban Liên Hiệp Quốc Về Luật Thương Mại Quốc Tế
- Công ước Singapore 2020 về Hòa giải thương mại quốc tế
- Bộ luật Dân sự 2015
- Bộ luật Tố tụng dân sự 2015
- Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa 2020
- Nghị định số 22/2017/NĐ-CP về Hòa giải thương mại
- Quy tắc hòa giải của Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)
- Bryan A. Garner, Black’s Law Dictionary, 8th Edition, p.1003
- Dale Bagshaw, Mediation in the World Today: Opportunities and Challenges, https://core.ac.uk/download/pdf/297018241.pdf
- Lê Hương Giang, ‘Bản chất pháp lý của hòa giải thương mại’, Tạp chí Luật học số 10/2019
- Lê Nguyễn Gia Thiện, Nguyễn Thị Ánh Dương, ‘ Hòa Giải Thương Mại Tại Việt Nam – Thực Trạng Và Kiến Nghị’, tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 3 (475) T2/2023
- Mai Hùng Nhân, ‘Nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại’, Tạp chí Kiểm soát, số 17 (T9/2019)
- L R Freedman & M L Prigoff, ‘Confidentiality in Mediation – The Need for Protection’, Ohio State Journal on Dispute Resolution Volume: 2 Issue: 1 Dated: (Fall 1986) Pages: 37-45
- Singapore international dispute resolution academy, ‘A HANDBOOK ON THE SINGAPORE CONVENTION ON MEDIATION’, 2021<https://www.singaporeconvention.org/sites/singaporeconvention.org/files/SMU%20SOL%20Singapore%20Convention%20Mediation%20Handbook.pdf>
- 15. Tyler, Charles W. (2020) “The Adjudicative Model of Precedent,” University of Chicago Law Review: Vol. 87: Iss. 6, Article 2.<https://chicagounbound.uchicago.edu/uclrev/vol87/iss6/2>
Phụ trách:
Cộng sự Cấp Cao Trần Phạm Hoàng Tùng
Điện thoại: (84) 901 334 192 Email: tung.tran@cnccounsel.com |
Thực tập sinh pháp lý Bùi Đoàn Minh Trí
Điện thoại: (84) 347 924 900 Email: tri.bui@cnccounsel.com |
Cộng tác viên Nguyễn Ngọc Anh Thư
Điện thoại: (84) 347 924 900 |
[1] Bryan A. Garner, Black’s Law Dictionary, 8th Edition, p.1003
[2] Dale Bagshaw, ‘Mediation in the World Today: Opportunities and Challenges’, <https://core.ac.uk/download/pdf/297018241.pdf >
[3] Lê Hương Giang, ‘Bản chất pháp lý của hòa giải thương mại’, Tạp chí Luật học số 10/2019, ngày truy cập 5/6/2024
[4] Điều 17.3 Nghị định 22/2017/NĐ-CP;
[5] Tyler, Charles W. (2020) “The Adjudicative Model of Precedent,” University of Chicago Law Review: Vol. 87: Iss. 6, Article 2.<https://chicagounbound.uchicago.edu/uclrev/vol87/iss6/2> truy cập ngày 5/6/2024
[6] Khoản 4 Điều 3 Nghị định 22/2017/NĐ-CP
[7] khoản 1 Điều 15 Nghị định 22/2017/NĐ-CP
[8] Điều 16 Nghị định 22/2017/NĐ-CP
[9] Khoản 8 Điều 419, khoản 9 Điều 419 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[10] Điều 417.4 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định rằng nội dung thỏa thuận hòa giải thành phải là “hoàn toàn tự nguyện”.
Bên cạnh đó, Công ước Singapore về hòa giải thương mại quốc tế tại Điều 5 – Căn cứ từ chối công nhận cũng có quy định tương tự như sau:
“1. Cơ quan có thẩm quyền có thể từ chối yêu cầu (công nhận) để thi hành kết quả hòa giải thành theo yêu cầu của bên chỉ khi bên đó cung cấp bằng chứng rằng:
[…] f. Hòa giải viên đã không tiết lộ cho các bên những thông tin và điều này làm dấy lên nghi ngờ chính đáng về tính khách quan hoặc độc lập của hòa giải viên và đồng thời việc không tiết lộ đó đã có tác động trọng yếu hoặc ảnh hưởng không đáng có đến một bên nếu không có sự thất bại đó thì bên đó sẽ không tiết lộ đã ký kết thỏa thuận giải quyết.”
[11] L R Freedman & M L Prigoff, ‘Confidentiality in Mediation – The Need for Protection’, Ohio State Journal on Dispute Resolution Volume: 2 Issue: 1 Dated: (Fall 1986) Pages: 37-45
[12] Khoản 1 Điều 4 Nghị định 22/2017/NĐ-CP
[13] Khoản 1 Điều 10 Nghị định 22/2017/NĐ-CP
[14] Singapore international dispute resolution academy, ‘A HANDBOOK ON THE SINGAPORE CONVENTION ON MEDIATION’, 2021
<https://www.singaporeconvention.org/sites/singaporeconvention.org/files/SMU%20SOL%20Singapore%20Convention%20Mediation%20Handbook.pdf> (truy cập ngày 5/6/2024)
[15] Điều 417 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015
[16] Khoản 5 Điều 3 Nghị định 22/2017/NĐ-CP
[17] Khoản 6 Điều 3 Nghị định 22/2017/NĐ-CP
[18] Điều 14 Nghị định 22/2017/ND-CP
[19] Khoản 2 Điều 1 Quy tắc hòa giải của Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)
[20] Điều 210.4 BLTTDS 2015
[21] Điều 7 Nghị định 22/2017/NĐ-CP
[22] khoản 2 Điều 14 Nghị định 22/2017/NĐ-CP
[23] khoản 1 Điều 24 Nghị định 22/2017/NĐ-CP
[24] Điều 416 – 419 BLTTDS 2015
[25] Khoản 2 Điều 212 BLTTDS 2015.
[26] Tính đơn giản và linh hoạt của thủ tục hòa giải còn được thể hiện thông qua Điều 14.1 Nghị định 22, theo đó Nghị định 22 không đưa ra các quy định hay yêu cầu cụ thể nào về thủ tục hòa giải mà hoàn toàn do các bên quyết định.
[27] Điều 4.2 và Điều 9.2(c) Nghị định 22.
[28] Sổ tay pháp luật về Trọng tài và Hòa giải (2017) của Tòa án Nhân dân tối cao, trang 33.
[29] Điều 419.6 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
[30] Điều 17.3 Nghị định 22.
[31] Điều 15.4 Nghị định 22.