Công ước Singapore đã tạo ra một khuôn khổ thống nhất và hiệu quả trong công nhận và thi hành các thỏa thuận hòa giải quốc tế. Đây là Công ước của Liên hợp quốc về các thỏa thuận hòa giải quốc tế có hiệu lực từ ngày 29 tháng 9 năm 2020, tạo ra nhiều cơ hội không chỉ cho cộng đồng nghiên cứu pháp luật ở Việt Nam, mà còn cho những người hành nghề thực tiễn.
Do đó, thông qua bài viết này, CNC sẽ cung cấp đến độc giả về phạm vi áp dụng của Công ước Singapore; thỏa thuận hòa giải khi có tranh chấp; và trợ giúp thi hành quyết định hòa giải.
Tải bản PDF của bài viết tại đây: [pdf] Newsletter_Công ước Singapore về hòa giải
Quy định về thỏa thuận hòa giải thương mại
Định nghĩa
Điều 2.3. Định nghĩa “Hòa giải” là một thủ tục, bất kể tên gọi được sử dụng hoặc căn cứ mà thủ tục này được thực hiện, Nhờ đó các bên nỗ lực giải quyết tranh chấp một cách thân thiện với sự hỗ trợ của bên thứ ba (hòa giải viên) không có thẩm quyền áp đặt giải pháp cho các bên tranh chấp. |
Là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp.
Theo Công ước Singapore, kết quả của việc hòa giải phụ thuộc hoàn toàn vào các bên tranh chấp và hòa giải viên chỉ hỗ trợ các bên tìm kiếm giải pháp. Nói cách khác, các bên có quyền kiểm soát quá trình giải quyết tranh chấp của mình. Đây là một sự khác biệt rất lớn so với một hình thức giải quyết tranh chấp thay thế (“ADR”) khác như trọng tài thương mại, khi các Bên chịu ràng buộc bởi phán quyết của một bên thứ ba.
Phạm vi áp dụng Công ước Singapore
Phạm vi áp dụng Công ước Singapore
Thứ nhất, tranh chấp cần giải quyết là tranh chấp thương mại
Điều 1.2. Phạm vi áp dụng
Công ước này không áp dụng với các thỏa thuận giải quyết tranh chấp: (a) Là kết quả giải quyết tranh chấp phát sinh từ các giao dịch mà một trong các bên (người tiêu dùng) tham gia vì mục đích cá nhân, gia đình hoặc hộ gia đình; (b) Liên quan đến pháp luật gia đình, thừa kế hoặc lao động. |
Công ước Singapore quy định phạm vi áp dụng theo hướng loại trừ, tức là sẽ áp dụng cho tất cả các trường hợp trừ các tranh chấp được liệt kê.
Do vậy, Công ước Singapore sẽ không thể được áp dụng đối với tranh chấp mà một bên tham gia không có hoạt động thương mại, chẳng hạn như các tranh chấp liên quan đến (i) pháp luật gia đình, (ii) thừa kế, (iii) lao động.
Thứ hai, thỏa thuận phải là một thỏa thuận hòa giải mang tính quốc tế.
Điều 2.1. Các định nghĩa của Công ước Singapore Vì mục đích của khoản 1, Điều 1 Công ước Singapore (a) Nếu một bên có nhiều địa điểm kinh doanh, thì địa điểm kinh doanh có liên quan là nơi có mối quan hệ gắn bó nhất với tranh chấp được giải quyết bằng thỏa thuận giải quyết tranh chấp, cân nhắc đến các tình tiết mà các bên biết được hoặc dự đoán được vào thời điểm ký kết thỏa thuận giải quyết tranh chấp; (b) Nếu một bên không có địa điểm kinh doanh, thì dẫn chiếu đến địa điểm kinh doanh là chỉ dẫn đến nơi thường trú của bên đó. |
Theo Công ước Singapore, một thỏa thuận giải quyết tranh chấp có tính quốc tế được thể hiện thông qua địa điểm kinh doanh:
(i) Đối với cá nhân, ít nhất hai bên tham gia thỏa thuận có địa điểm kinh doanh tại các quốc gia khác nhau.
(ii) Đối với quốc gia, quốc gia mà các bên tham gia thỏa thuận có địa điểm kinh doanh khác với quốc gia mà một phần đáng kể các nghĩa vụ theo thỏa thuận được thực hiện hoặc quốc gia mà nội dung của thỏa thuận có mối quan hệ gắn bó nhất.
Tính quốc tế khi áp dụng Công ước Singapore
Do đó, chủ thể tham gia thỏa thuận phải tham gia vào môi trường đầu tư kinh doanh của quốc tế để đảm bảo rằng thỏa thuận được thực thi theo quy định của pháp luật quốc tế.
Thứ ba, thỏa thuận hòa giải được ký kết bằng văn bản
Điều 2.2. Các định nghĩa của Công ước Singapore “Thỏa thuận giải quyết tranh chấp” là “bằng văn bản” nếu nội dung của thỏa thuận này được ghi lại dưới bất kỳ hình thức nào. Yêu cầu thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng văn bản được đáp ứng trong trường hợp trao đổi thông tin điện tử nếu thông tin chứa đựng trong đó có thể truy cập được để có thể sử dụng được cho việc tham khảo sau này” |
Thỏa thuận hòa giải được quy định phải là một thỏa thuận giữa các bên tranh chấp, xác nhận ý chí của các bên đồng ý tham gia vào quá trình hòa giải để giải quyết tranh chấp. Vấn đề này cũng đồng nhất với quy định của pháp luật Việt Nam, khi Nghị định 22/2017/NĐ-CP cũng yêu cầu “các bên lập văn bản về kết quả hòa giải thành” khi hòa giải đạt được kết quả.
Tuy vậy, Công ước Singapore cho phép thỏa thuận này được lập thông qua các phương tiện điện tử, cho phép tùy chỉnh theo sự phát triển của công nghệ và hướng đến mong muốn đạt được của các bên bằng thỏa thuận thiện chí. Trong khi đó, Nghị định 22/2017/NĐ-CP chỉ cho phép hình thức là văn bản.
Thứ tư, thỏa thuận giải quyết tranh chấp phải là kết quả của hòa giải
Các bên phải cố gắng giải quyết vấn đề một cách thiện chí với sự hỗ trợ của hòa giải viên, để hoàn thành thủ tục giải quyết tranh chấp. Do đó, thấy được sự khác biệt so với phương thức giải quyết tranh chấp có tính tài phán (tòa án hoặc trọng tài), hòa giải viên là một bên thứ ba trung lập, không có quyền ra quyết định về tranh chấp hay ép buộc ý chí của mình đối với kết quả hòa giải.
Hơn nữa, thỏa thuận của các bên không giống thỏa thuận hợp đồng thông thường, vì có sự hỗ trợ của hòa giải viên trong đề xuất giải pháp cho tranh chấp.
Thi hành kết quả hòa giải: Công ước Singapore và Nghị định 22/2017/NĐ-CP
Về thuật ngữ, Công ước Singapore không dùng trực tiếp từ “công nhận” mà thay vào đó là “trợ giúp”, mang hàm ý công nhận. Vì thuật ngữ “công nhận” thường được sử dụng để chỉ việc một quốc gia thừa nhận một hành vi có tính chất công quyền của một quốc gia khác, chẳng hạn như một quyết định của tòa án. Trong khi đó, một thỏa thuận hòa giải là một thỏa thuận tư giữa các bên, không phải là một hành vi có tính chất công quyền. Vì vậy, Công ước Singapore không sử dụng trực tiếp từ “công nhận”.[1]
Về căn cứ, Công ước Singapore và Nghị định 22/2017/NĐ-CP đều quy định các điều kiện chung, được thể hiện như sau:
Sự khác nhau trong căn cứ yêu cầu thi hành kết quả hòa giải
Về tài liệu, theo Công ước và Nghị định 22/2017/NĐ-CP, hồ sơ gửi đến cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu trợ giúp bao gồm: (i) chứng cứ và (ii) thỏa thuận giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, cách thức để công nhận chứng cứ trong Công ước rộng rãi hơn so với Nghị định 22/2017/NĐ-CP vì các bên được quyền lựa chọn một trong những chứng cứ được liệt kê để đưa vào hồ sơ. Ngược lại, Nghị định 22/2017/NĐ-CP chỉ quy định chứng cứ là chữ ký.
Về phạm vi, phạm vi công nhận và thi hành một tranh chấp thương mại trong Công ước Singapore rộng hơn so với Nghị định 22/2017/NĐ-CP.
Sự khác nhau về phạm vi công nhận và thi hành một tranh chấp thương mại
Công ước Singapore đặt ra nghĩa vụ trợ giúp thi hành thỏa thuận hòa giải có yếu tố quốc tế, xét theo địa điểm kinh doanh của các bên tại thời điểm ký kết thỏa thuận hòa giải. Trong khi đó, pháp luật Việt Nam hiện chỉ có quy định về thi hành thỏa thuận hòa giải trong nước. Vì vậy, đối với tranh chấp thương mại quốc tế, Nghị định 22/2017/NĐ-CP chỉ công nhận kết quả hóa giải thuộc phạm vi điều chỉnh trong nước. Nếu không thuộc phạm vi của Nghị định 22/2017/NĐ-CP và Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì yêu cầu thi hành sẽ không được công nhận..
Về nội dung thỏa thuận, Nghị định 22/2017/NĐ-CP và Công ước Singapore đều tập trung vào tính pháp lý để ràng buộc các bên tham gia và tôn trọng pháp luật của nước thi hành.
Sự khác nhau về nguyên tắc cơ bản trong nội dung thỏa thuận hòa giải
Nội dung của thỏa thuận giải quyết tranh chấp là một yếu tố quan trọng, mang tính nền tảng mà các bên phải tuyệt đối tuân thủ để được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận kết quả. Nếu thỏa thuận thuộc điều cấm chính sách quốc gia, vi phạm quy định pháp luật thì thỏa thuận sẽ không được công nhận và thi hành. Đối chiếu với quy định tại Công ước Singapore, Công ước chỉ quy định chung về điều kiện từ chối yêu cầu trợ giúp dựa trên nội dung thỏa thuận với cách tiếp cận từ góc độ tổng quát. Ngược lại, Nghị định 22/2017/NĐ-CP tiếp cận theo hướng luật quốc gia nên cụ thể hóa các điều kiện xác lập kết quả hòa giải thành hơn, đồng thời, các điều kiện để công nhận nội dung còn được hướng dẫn tại Điều 417 Bộ luật TTDS 2015.
Tổng kết khi so sánh giữa phương thức hòa giải trong Công ước Singapore và Nghị định 22/2017/NĐ-CP, ngoài những điểm chung đã được liệt kê, hai văn bản cũng có các quy định điều chỉnh khác nhau trong phương thức giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại.
Tổng quan sự khác nhau giữa Công ước Singapore và NĐ 22/2017/NĐ-CP
Quy trình yêu cầu trợ giúp thi hành kết quả hòa giải thành trong Công ước Singapore
Về thủ tục thực hiện việc cho thi hành và viện dẫn thỏa thuận giải quyết tranh chấp đạt được thông qua hòa giải, Công ước quy định trao lại quyền cho quốc gia thành viên.
Vì vậy, theo nguyên tắc chung tại Điều 3.1 Công ước Singapore, việc công nhận và thi hành sẽ được trao lại quyền cho quốc gia.
Các giai đoạn trợ giúp thi hành kết quả hòa giải theo Công ước Singapore
Thủ tục trợ giúp thi hành kết quả hòa giải thành bao gồm các bước sau:
Giai đoạn 1: Bên yêu cầu trợ giúp nộp đơn yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành cho cơ quan có thẩm quyền của quốc gia nơi được yêu cầu trợ giúp.
Đơn yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành phải bao gồm các thông tin cơ bản của thỏa thuận hòa giải và chứng cứ chứng minh thỏa thuận hòa giải đã đáp ứng và được giải quyết theo các yêu cầu của Công ước Singapore.
Giai đoạn 2: Cơ quan có thẩm quyền của quốc gia nơi yêu cầu công nhận được đưa ra có nghĩa vụ xem xét đơn yêu cầu công nhận và đưa ra quyết định về việc công nhận kết quả hòa giải thành. Hiệu lực thi hành của thỏa thuận giải quyết tranh chấp được bảo đảm bởi hệ thống cơ quan nhà nước theo quy định của Công ước.
Giai đoạn 3: Trong trường hợp yêu cầu trợ giúp kết quả hòa giải thành được chấp nhận, cơ quan có thẩm quyền của quốc gia nơi có yêu cầu sẽ thi hành kết quả hòa giải thành theo quy định của pháp luật quốc gia đó.
Trong trường hợp yêu cầu trợ giúp kết quả hòa giải thành bị từ chối, cơ quan có thẩm quyền của quốc gia nơi yêu cầu công nhận sẽ đưa ra một trong các căn cứ từ chối trợ giúp theo Điều 5 Công ước Singapore, bao gồm:
Các trường hợp bị từ chối yêu cầu trợ giúp thi hành kết quả hòa giải
Nếu từ chối công nhận kết quả hòa giải thành phải được cơ quan có thẩm quyền của quốc gia nơi yêu cầu công nhận được đưa ra ra quyết định bằng văn bản và có lý do cụ thể.
Kết luận
Công ước Singapore là một văn bản pháp lý có hiệu lực quốc tế, ràng buộc các quốc gia thành viên. Các quốc gia thành viên có nghĩa vụ thực hiện các quy định của Công ước trong phạm vi lãnh thổ của mình. Công ước Singapore cung cấp các quy định rõ ràng và thống nhất về các vấn đề liên quan đến thỏa thuận hòa giải quốc tế, bao gồm: phạm vi áp dụng, hiệu lực, thi hành, … Những quy định này sẽ giúp cho việc giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải quốc tế trở nên thuận lợi và hiệu quả hơn.
Phụ trách
![]() |
Cộng sự Nguyễn Huy Nhật Duy
Điện thoại: (84) 28 6276 9900 Email: duy.nguyen@cnccounsel.com |
![]() |
Thực tập sinh Nguyễn Thị Bảo Khanh
Điện thoại: (84) 28 6276 9900 |
[1] Nội dung cơ bản của Công ước Liên hợp quốc về thỏa thuận quốc tế giải quyết tranh chấp thông qua hòa giả,Tạp chí Dân chủ và Pháp luật (29/20/2021), <https://danchuphapluat.vn/noi-dung-co-ban-cua-cong-uoc-lien-hop-quoc-ve-thoa-thuan-quoc-te-giai-quyet-tranh-chap-thong-qua-hoa-giai> truy cập ngày 28/11/2023
—————————————————-
Bất kỳ ý kiến đóng góp, hiệu chỉnh nào của độc giả đối với các nội dung trong bản tin này hoặc cần CNC hỗ trợ thêm, vui lòng gửi về:
liên hệ
Công ty Luật TNHH CNC Việt Nam
CNC© | A Boutique Property Law Firm
The Sun Avenue, 28 Mai Chí Thọ, Phường An Phú, Quận 2,
Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam
T: (+84-28) 6276 9900 | H/L: (+84) 916 545 618
Miễn trừ:
Bản tin này được chuẩn bị hoặc được sử dụng vì mục đích giới thiệu hoặc cập nhật cho khách hàng những thông tin về những vấn đề và/hoặc sự phát triển các quan điểm pháp lý tại Việt Nam. Các thông tin được trình bày tại bản tin này không tạo thành ý kiến tư vấn thuộc bất kỳ loại nào và có thể được thay đổi mà không cần phải thông báo trước.