Giải quyết tranh chấp thương mại theo cơ chế Tòa án hoặc Trọng tài thương mại giúp các bên có nhiều sự lựa chọn tháo gỡ mâu thuẫn, xung đột trong hoạt động kinh doanh thương mại. Nếu Tòa án là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp thì Trọng tài là thiết chế tài phán tư, được các bên lựa chọn theo ý chí của mình để giải quyết tranh chấp phát sinh.
Giải Quyết Tranh Chấp Thương Mại
Tranh chấp thương mại là các mâu thuẫn, xung đột về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thương mại, mà chủ yếu là thương nhân. Theo đó, hoạt động thương mại theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại 2005 được hiểu là hoạt động “nhằm mục đích sinh lợi”, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.
Bên cạnh đó, vì các chủ thể trong tranh chấp thương mại thường là những thương nhân, và trong mối quan hệ thương mại, do đó ngoài cơ chế giải quyết tranh chấp truyền thống là thông qua tòa án, các tranh chấp thương mại còn được pháp luật cho phép được giải quyết thông qua có chế trọng tài thương mại[1].
Quý khách hàng xem thêm tại bài viết: Giải quyết Tranh chấp bằng Trọng tài Thương mại
Tải file PDF bài viết tại đây: PDF_05 khác biệt trong giải quyết tranh chấp thương mại bằng tòa án và trọng tài
Một là: Thẩm Quyền Giải Quyết Tranh Chấp Thương Mại
Tòa án có thẩm quyền đương nhiên
Với vai trò là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, tòa án trước hết có thẩm quyền đương nhiên đối với mọi tranh chấp phát sinh từ hoạt động tư, bao gồm cả tranh chấp thương mại. Một khi các bên trong hoạt động thương mại phát sinh bất kỳ tranh chấp nào, họ đều có quyền nộp đơn khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết mà không bị cản trở.
Cụ thể, theo Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (“BLTTDS”), thẩm quyền của Tòa án trong việc giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại được phân chia gồm[2].
Tuy nhiên, như được đề cập ở trên, đối với tranh chấp thương mại, luật dành cho các bên được lựa chọn một cơ chế giải quyết tranh chấp khác ngoài Tòa án, đó là Trọng tài thương mại. Và một khi các bên trong trong chấp thương mại lựa chọn Trọng tài, Toà án phải từ chối thụ lý, nếu sự lựa chọn của các bên đáp ứng các điều kiện luật định[3].
Trọng tài có thẩm quyền theo sự thỏa thuận, trao quyền của các bên
Khác với Tòa án, Trọng tài chỉ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp thương mại theo sự lựa chọn, thỏa thuận của các bên trong tranh chấp. Theo Điều 5, Luật Trọng tài thương mại 2010 (“Luật Trọng tài”), trọng tài chỉ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp khi các bên có thỏa thuận trọng tài.
Thỏa thuận trọng tài được xem là một sự đồng thuận của các bên về việc trao quyền cho trọng tài giải quyết các tranh chấp phát sinh và chấp thuận chịu sự ràng buộc của phán quyết trọng tài. Dựa trên tính chất trao quyền này, có thể thấy một trong những đặc điểm khác biệt nhất của Trọng tài là được vận hành dựa trên sự tình nguyện của các bên thay vì mang quyền lực nhà nước như ở Tòa án.
Hai là: Chủ Thể Giải Quyết Tranh Chấp
Xuất phát từ sự khác biệt về bản chất của mỗi cơ chế giải quyết tranh chấp, chủ thể trực tiếp tham gia giải quyết tranh chấp của Tòa án và Trọng tài cũng tồn tại một vài sự khác biệt cơ bản.
Chức danh giải quyết tranh chấp tại Tòa án
Đối với cơ chế giải quyết tranh chấp tại Tòa án, chủ thể trực tiếp giải quyết vụ việc là thẩm phán, người áp dụng pháp luật để giải quyết các vấn đề phát sinh trong tranh chấp giữa các bên. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, để được bổ nhiệm làm thẩm phán thì những điều kiện quan trọng nhất đó là trình độ am hiểu pháp luật, năng lực nghiệp vụ pháp luật và kinh nghiệm xét xử vụ án, đặc biệt là phải có tối thiểu 05 năm công tác trong lĩnh vực pháp luật[4].
Ngoài ra, khi tiến hành thụ lý giải quyết vụ việc, các đương sự trong vụ tranh chấp không được lựa chọn thẩm phán mà điều này sẽ thuộc về thẩm quyền phân công của Chánh án Tòa án dựa trên các nguyên tắc nhằm bảo đảm[5]
- vô tư, khách quan, ngẫu nhiên;
- công bằng, dân chủ, công khai, hợp lý và kịp thời; và
- bảo đảm chất lượng, hiệu quả xét xử.
Trong khi đó ở cơ chế giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài, Trọng tài viên được lựa chọn theo sự chỉ định của đương sự và có thể không cần có kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực pháp luật.
Trọng tài viên có thể không cần là chuyên gia pháp lý
Khác với Thẩm phán, Trọng tài viên (chủ thể trực tiếp giải quyết tranh chấp) không phải là công chức trong cơ quan tư pháp.[6] Thay vào đó, các trọng tài viên hoạt động kiêm nhiệm và chủ yếu làm việc trong một lĩnh vực chuyên môn cụ thể liên quan đến tranh chấp mà các bên đương sự muốn giải quyết.[7]
Hội đồng trọng tài hoặc trọng tài viên thực hiện giải quyết tranh chấp giữa các bên với tư cách là bên thứ ba độc lập. Trên thực tế, đối với các Hội đồng trọng tài bao gồm 3 Trọng tài viên, các bên đương sự thường có xu hướng lựa chọn tối thiểu 1 trọng tài viên hoạt động trong lĩnh vực phát sinh tranh chấp mà không phải là chuyên gia pháp lý. Cụ thể như, đối với các tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực chuyên môn đặc biệt như xây dựng, tài chính, sở hữu trí tuệ, … thường có khối lượng hồ sơ đồ sộ được các bên trình nộp trong quá trình giải quyết vụ việc, điều này đòi hỏi ở Hội đồng trọng tài cần phải có kiến thức chuyên sâu đối với các vấn đề phát sinh để có thể đưa ra những nhận định phù hợp.
Ngoài ra, với bản chất là được trao quyền bởi các bên trong tranh chấp, Hội đồng trọng tài được thành lập để giải quyết tranh chấp dựa trên sự lựa chọn của các bên.
Cụ thể, trong trường hợp Hội đồng trọng tài bao gồm 3 thành viên, hội đồng trọng tài sẽ được thành lập như sau[8]:
- 1 Trọng tài viên được lựa chọn bởi nguyên đơn;
- 1 Trọng tài viên được lựa chọn bởi bị đơn; và
- 1 Trọng tài viên – chủ tịch hội đồng trọng tài được lựa chọn dựa trên sự đồng thuận của 2 trọng tài viên được chỉ định trước đó.
Ba là: Tính bảo mật
Một trong những đặc điểm nội trội nhất của cơ chế giải quyết tranh chấp thông qua Trọng tài được các thương nhân đề cao khi lựa chọn cơ chế này đó chính là sự bảo mật thông tin gần như tuyệt đối. Trong khi đó về nguyên tắc, cơ chế tòa án lại đề cao sự công khai, minh bạch nhằm tăng tính dân chủ, giám sát đối với hoạt động tư pháp.
Tính bảo mật trong Trọng tài
Một trong những quy tắc nổi bật khi giải quyết tranh chấp tại Trọng tài là xét xử không công khai nhằm đảo bảo tính bảo mật trong quá trình giải quyết tranh chấp[9].
Ngoài nguyên đơn và bị đơn, Trọng tài chỉ triệu tập các bên khác nếu cần thiết. Bên thứ ba không thể có tài liệu, thông tin về vụ tranh chấp, trừ các trường hợp được quyền thu thập thông tin theo quy định pháp luật. Tính bảo mật này được đảm bảo xuyên suốt từ quá trình trước và sau khi tố tụng trọng tài vì Trọng tài phải thực hiện nghĩa vụ giữ bí mật, bao gồm: từ chối cung cấp các thông tin liên quan đến vụ tranh chấp, giữ bí mật nội dung vụ tranh chấp mà mình giải quyết, …[10] Song song với đó, Trọng tài cũng ràng buộc nghĩa vụ bảo mật cho các bên để không được tiết lộ thông tin liên quan đến vụ tranh chấp nếu không được bên còn lại đồng ý.
Tính bảo mật trong tố tụng trọng tài có ý nghĩa rất lớn đối với các bên trong tranh chấp khi họ là thương nhân ở một vài khía cạnh như sau:
- Thứ nhất, duy trình uy tín trong kinh doanh;
- Thứ hai, hạn chế rủi ro doanh nghiệp phát sinh nhiều tranh chấp hơn trong tương lai;
- Thứ ba, bảo đảm thông tin, tài sản trí tuệ của doanh nghiệp;
Tính bảo mật khi giải quyết tranh chấp tại Tòa án
Để tăng tính dân chủ trong tố tụng dân sự, tính công khai trong xét xử tạo điều kiện cho mọi người giám sát được hoạt động của Tòa án nói chung và xét xử tranh chấp thương mại nói riêng. Tuy nhiên, trong trường hợp ngoại lệ, việc xét xử kín của Tòa án sẽ được áp dụng.[11]
Tòa án xét xử công khai nhưng tính bảo mật của một số thông tin theo quy định của pháp luật vẫn được đảm bảo. Người tham gia tố tụng có yêu cầu giữ bí mật thì có quyền thực hiện trước khi mở phiên tòa, hoặc tại phiên tòa, kèm theo lý do bằng văn bản. Từ đó, Tòa án có căn cứ để không công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án, duy trì được những lợi ích kinh doanh của các bên tranh chấp khi đưa ra xét xử.[12]
Tuy nhiên, dù việc xét xử được thực hiện công khai hay xét xử kín thì thủ tục tuyên án, Tòa án cũng phải tiến hành công khai.[13]
Bốn Là: Điều Kiện Về Thủ Tục Hòa Giải Tiền Tố Tụng
Về nguyên tắc, khi có tranh chấp, các chủ thể được quyền yêu cầu cơ quan tài phán là tòa án và/hoặc trọng tài giải quyết và những cơ quan này không có quyền từ chối giải quyết vụ tranh chấp liên quan đến điều kiện về tiền tố tụng. Tuy nhiên, với việc Luật Hòa giải, Đối thoại tại Tòa án 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, điều kiện hòa giải tiền tố tụng trở nên bắt buộc khi các bên giải quyết tranh chấp tại tòa án. Trong khi đó, vấn đề về tiền tố tụng ở Trọng tài vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi.
Hòa giải tại Tòa án là một thủ tục tiền tố tụng bắt buộc
Hòa giải tại Tòa án là thủ tục tiền tố tụng bắt buộc, diễn ra trước khi Thẩm phán ra quyết định thụ lý vụ án theo quy định tại Khoản 2, Điều 1 Luật Hòa giải, Đối thoại tại Tòa án 2020.
Về tiến trình, hòa giải tại Tòa án là hoạt động hòa giải do Hòa giải viên thực hiện sau khi Tòa án nhận được đơn khởi kiện của Nguyên đơn và trước khi Tòa án thụ lý vụ việc dân sự. Đây là 2 điểm khác biệt rõ nhất giữa hoạt động hòa giải tại tòa án (trước khi thụ lý vụ án) và hòa giải trong tố tụng dân sự (sau khi thụ lý vụ án) được quy định tại điểm g, khoản 2, Điều 203 của Bộ Luật Tố Tụng Dân sự 2015, được thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị xét xử.
Theo đó, trong vòng 02 ngày kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện thì Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho người khởi kiện biết về quyền được lựa chọn hòa giải và lựa chọn Hòa giải viên. Sau đó, người khởi kiện phải trả lời cho Tòa án biết về việc liệu họ có đồng ý thực hiện thủ tục hòa giải hay không. Nếu họ đồng ý hòa giải, Tòa án thực hiện phân công Thẩm phán phụ trách hòa giải để thực hiện các thủ tục như chỉ định Hòa giải viên, thông báo bằng văn bản về việc chuyển vụ việc sang hòa giải, đối thoại và văn bản chỉ định Hòa giải viên cho Hòa giải viên, người khởi kiện, người yêu cầu, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Ngược lại, trong trường hợp người khởi kiện hoặc người bị kiện (sau khi người bị kiện nhận được thông báo như đã nêu) không đồng ý hòa giải, thì Tòa án sẽ chuyển đơn để xử lý theo quy định của pháp luật về tố tụng.[14]
Cần lưu ý, mặc dù một trong các bên của tranh chấp được quyền từ chối hòa giải nhưng điều này không đồng nghĩa với việc thủ tục hòa giải tại tòa án không phải thủ tục bắt buộc. Các bên được quyền từ chối hòa giải, nhưng quyền này chỉ phát sinh khi thủ tục này đã bắt đầu, đồng thời chỉ khi nhận được ý kiến của các bên – từ chối, hoặc đồng ý hòa giải, hoặc hòa giải không thành, thì tiến trình thụ lý đơn khởi kiện mới được thực hiện.
Hòa giải đối với tố tụng Trọng tài
Hòa giải tiền tố tụng trọng tài được ghi nhận dưới dạng thỏa thuận của các bên trong điều khoản giải quyết tranh chấp MDR[15]. Điều này nghĩa là, các bên xác lập thỏa thuận rằng các tranh chấp phát sinh liên quan đến hợp đồng phải được giải quyết trước tiên bằng thủ tục hòa giải trước khi một bên nộp đơn khởi kiện để yêu cầu trọng tài giải quyết.
Ví dụ một thỏa thuận giải quyết tranh chấp đươc các bên thiết lập như sau:
“Khi có tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện Hợp đồng, các bên thương lượng để giải quyết bằng biện pháp hòa giải. Trường hợp thương lượng không có kết quả thì trong vòng 30 ngày kể từ ngày phát sinh tranh chấp , các bên sẽ gửi vấn đề lên Trọng tài để xử lý tranh chấp theo các quy tắc của Việt Nam theo quy định của pháp luật. Quyết định của Trọng tài là quyết định cuối cùng và có tính chất bắt buộc đối với các bên”
Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện tại không có bất cứ một quy định minh thị hay cụ thể nào để điều chỉnh về việc liệu rằng hòa giải tiền tố tụng có là điều kiện tiên quyết cần thỏa mãn trước khi khởi kiện ra trọng tài hay không. Thực tế xét xử cho thấy, tồn tại hai hướng tiếp cận đối với vấn đề này.
Cách tiếp cận thứ nhất, xem hòa giải trong điều khoản MDR mang tính ràng buộc đối với các bên nhưng không xem thủ tục hòa giải này là tiền đề cho thủ tục tố tụng trọng tài. Hay nói cách khác, thẩm quyền của hội đồng trọng tài không bị cản trở.
Quan điểm này được hội đồng xét đơn thuộc Tòa án nhân dân TP.HCM tại vụ việc giữa Công ty Shiseido và Công ty Thủy Lộc[16]. Theo đó, Bị Đơn – Công ty Thủy Lộc, cho rằng Hội động trọng tài không có thẩm quyền do Công ty Shiseido (Nguyên Đơn) vi phạm điều khoản MDR đối với thỏa thuận hòa giải, thương lương trước khi nộp đơn khởi kiện. Tuy nhiên, Tòa án lập luận rằng, “vi phạm này [hòa giải, thương lượng] không làm cho Thỏa thuận trọng tài quy định tại Điều 13.3 của hợp đồng vô hiệu”[17]. Ngoài ra, Tòa àn còn lập luận thêm rằng Luật Trọng tài Thương Mại không tồn tại quy định rằng buộc thẩm quyền của trọng tài liên quan đến tuân thủ giai đoạn tiền tố tụng trọng tài[18].
Cách tiếp cận thứ hai, xem thỏa thuận hòa giải tiền tố tụng là thỏa thuận mang tính ràng buộc tuyệt đối[19]. Điều này đồng nghĩa, hội đồng trọng tài chưa có thẩm quyền giải quyết tranh chấp nếu như các bên chưa thực hiện hòa giải tiền tố tụng.
Đây là hướng tiếp cận trong Quyết định hủy phán quyết trọng tài số 10/2014/QĐ-PQTT của Tòa án nhân dân Hà Nội giữa Công ty Vietmindo và Công ty Hoàng Long[20]. Tại Quyết đình, Tòa án đề cao giá trị ràng buộc của các nội dung mà các bên đã tự nguyện thỏa thuận, khi chấp nhận xây dựng từng “tầng” cơ chế giải quyết khi có tranh chấp phát sinh. Và việc một bên không tuân thủ thỏa thuận hòa giải mà trực tiếp khởi kiện ra trọng tài là “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trọng tài theo quy định tại Khoản 2, Điều 68 Luật Thương mại trọng tài”[21].
Bên cạnh đó, việc giải thích ý nghĩa của cụm từ “hòa giải” hay “thương lượng, hòa giải” được các bên ghi nhận trong hợp đồng cũng là một vấn đề quan trọng để đi đến kết luận liệu hòa giải tiền tố tụng có bắt buộc hay không.
Theo đó, nếu “hòa giải” hay “thương lượng, hòa giải” theo ý chí của các bên là việc các bên tự mình hoặc cùng nhau nỗ lực đàm phán để đạt được phương án, thỏa thuận nhằm giải quyết các tranh chấp phát sinh thì đây có thể không được xem như một điều kiện tiền tố tụng, cản trở quyền thụ lý vụ án của trọng tài. Bởi lẽ biểu hiện của việc đã “hòa giải, thương lượng” trong tình huống này có thể là việc một trong các bên đã nêu ý kiến, đề xuất của mình nhưng bên còn lại không đồng ý hoặc im lặng.
Mặt khác, nếu “hòa giải” hay “thương lượng, hòa giải” theo ý chí của các bên được hiểu là cơ chế hòa giải thương mại bởi hòa giải viên, thì đây được xem là một điều kiện tiền tố tụng cản trở thẩm quyền thụ lý vụ án của trọng tài. Điều này là bởi vì hòa giải trong trường hợp này được xem là một cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại[22] tương đương như cơ chế trọng tài.
Lúc này, thỏa thuận giải quyết tranh chấp của các bên sẽ được hiểu là các bên đồng thuận rằng tranh chấp phát sinh sẽ được giải quyết thông qua cơ chế hòa giải thương mại, nếu không thành công thì cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài mới được áp dụng.
Năm là: Các Cấp Xét Xử
Nguyên tắc hai cấp xét xử của Tòa án
Đối với cơ chế giải quyết tranh chấp tại Tòa án, tranh chấp thương mại có thể phải trải qua hai cấp xét xử, bao gồm (i) xét xử sơ thẩm, và (ii) xét xử phúc thẩm. Hay còn gọi là nguyên tắc hai cấp xét xử.
Theo đó, sau quá trình xét xử sơ thẩm, một trong các bên đương sự có thể yêu cầu phúc thẩm bản án sơ thẩm để yêu cầu xét xử lại ở cấp phúc thẩm. Thủ tục xét xử của Tòa án sẽ chấm dứt tại thời điểm bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật (ngày tuyên án)[23]. Tuy nhiên, bên cạnh hai cấp xét xử, bản án, quyết định của Tòa án có thể bị yêu cầu xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm khi có kháng nghị theo quy định của Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự 2015[24].
Tố tụng Trọng tài chấm dứt khi phán quyết trọng tài được ban hành
Phán quyết của Hội đồng Trọng tài có tính chung thẩm và sẽ chấm dứt tố tụng trọng tài.[25] Các bên tranh chấp không có quyền kháng cáo và phán quyết Trọng tài cũng sẽ không bị kháng nghị bởi Viện Kiểm sát. Tuy nhiên, phán quyết trọng tài vẫn có khả năng bị Tòa án xem xét hủy (một phần hoặc toàn bộ) nếu một bên tranh chấp có đơn yêu cầu[26]. Trường hợp phán quyết trọng tài bị tòa án hủy (một phần hoặc toàn bộ), các bên chỉ có thể khởi kiện lại tại trọng tài (hoặc tòa án) mà không được quyền kháng cáo quyết định hủy phán quyết của tòa án, đồng thời Viện Kiểm sát theo đó cũng không có quyền kháng nghị quyết định hủy này
Kết Luận
Qua những phân tích trên, có thể thấy mặc dù đều là các cơ chế được thiết kế để hỗ trợ các bên trong hoạt động thương mại giải quyết tranh chấp, tuy nhiên từng cơ chế giải quyết tranh chấp tồn tại những sự khác biệt. Do đó, việc nắm rõ các điểm khác biệt cơ bản giữa cơ chế giải quyết tranh chấp tại Tòa án và Trọng tài đối với tranh chấp thương mại sẽ giúp các bên thuận tiện trong việc lựa chọn cơ quan giải quyết các tranh chấp phát sinh giữa các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng. Từ đó, giúp các bên giảm thiểu những chi phí, rủi ro khi lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp không phù hợp với ý chí của mình.
Phụ Trách
Trợ lý Luật sư Kiều Nữ Mỹ Hảo
Điện thoại: (84) 028 6276 9900 Email: hao.kieu@cnccounsel.com |
[1] Luật Thương mại 2005, Điều 317
[2] Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Điều 30, Điều 36, Điều 37, Điều 39, Điều 40
[3] Luật Trọng tài thương mại 2010, Điều 6, Điều 18
[4] Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014, Điều 66, Điều 67; Thông tư 01/2022/TT-TANDTC về Quy định việc phân công Thẩm phán giải quyết, xét xử vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án, Điều 4
[5] Điều 3, Thông tư 01/2022/TT-TANDTC ngày 15/12/2022.
[6] Luật Trọng tài thương mại 2010, Điều 20(2)
[7] Dương Văn Hậu, ‘Bàn về sự phân biệt giữa Tòa án và trọng tài’, Tạp chí Tòa án (2019), <https://tapchitoaan.vn/ban-ve-su-phan-biet-giua-toa-an-va-trong-tai>, truy cập ngày 24/5/2024
[8] Điều 40, Luật Trọng tài thương mại 2010.
[9] Khoản 4, Điều 4 Luật Trọng tài thương mại 2010.
[10] Luật Trọng tài thương mại 2010, Điều 21
[11] Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Điều 25
[12] Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐTP, Điều 4, Điều 5
[13] Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Điều 25
[14] Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020, Điều 16
[15] Điều khoản MDR (Multilayer Dispute Resolution Clause) là điều khoản được các bên thiết lập trong hợp đồng, theo đó các bên đồng ý rằng các tranh chấp phát sinh giữa họ trong quá trình thực hiện hợp đồng sẽ phải được giải quyết theo một loạt các thủ tục khác nhau như thương lượng, hòa giải, chuyên gia và cuối cùng là trọng tài.
[16] Quyết định số 526/2013/KDTM-QĐ ngày 15/05/2013 của Tòa án nhân dân TP.HCM.
[17] Quyết định số 526/2013/KDTM-QĐ ngày 15/05/2013 của Tòa án nhân dân TP.HCM
[18] Trần Việt Dũng, Nguyễn Thị Hoa, Trọng tài Thương Mại Quốc Tế những Vấn đề đương đại và thực tiễn Việt Nam, Chương 2.
[19] Trần Việt Dũng, Nguyễn Thị Hoa, Trọng tài Thương Mại Quốc Tế những Vấn đề đương đại và thực tiễn Việt Nam, Chương 2.
[20] Quyết định số 10/2014/QĐ-PQTT ngày 28/10/2014 của Tòa án nhân dân Hà Nội.
[21] Quyết định số 10/2014/QĐ-PQTT ngày 28/10/2014 của Tòa án nhân dân Hà Nội.
[22] Nghị định 22/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 về Hòa giải thương mại.
[23] Khoản 6, Điều 313, Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự 2015.
[24] Chương XX, Chương XXI, Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự 2015.
[25] Luật trọng tài thương mại 2010, Điều 61(5)
[26] Khoản 1, Điều 68, Luật Trọng tài thương mại 2010.