9 hình thức đấu thầu phổ biến và cách thức áp dụng mới nhất 2025

Ngày đăng: Thứ Sáu, 11/07/25 Người đăng: Admin

9 hình thức đấu thầu phổ biến và cách thức áp dụng mới nhất 2025

9 hình thức đấu thầu phổ biến và cách thức áp dụng là nội dung then chốt trong hệ thống pháp luật về đấu thầu.

Việc hiểu rõ đặc điểm, điều kiện áp dụng và trình tự thực hiện của từng hình thức đấu thầu không chỉ giúp chủ đầu tư, nhà thầu và nhà đầu tư chủ động trong việc chuẩn bị và tham gia, mà còn góp phần đảm bảo tính hợp pháp, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong suốt quá trình lựa chọn và thực hiện dự án.

Trong nội dung dưới đây, chúng ta sẽ cùng CNC điểm qua các hình thức lựa chọn nhà thầu và nhà đầu tư đang được pháp luật cho phép áp dụng, đi kèm quy trình cơ bản và cách thức áp dụng của từng loại hình để có cái nhìn tổng quan và dễ ứng dụng trong thực tiễn.

Hình thức lựa chọn nhà thầu

Đấu thầu rộng rãi

Đúng với đặc tính của “rộng rãi”, đây là loại hình thức đấu thầu được áp dụng đối với tất cả các gói thầu cũng như không giới hạn số lượng nhà thầu tham dự[1], trừ các trường hợp quy định về các hình thức đặc biệt khác.[2]

Đấu thầu hạn chế

Khác với “Đấu thầu rộng rãi”, Đấu thầu hạn chế là loại hình thức đấu thầu lựa chọn nhà thầu, trong đó chỉ có một số nhà thầu đáp ứng được các yêu cầu mà bên mời thầu đề ra trong gói thầu, cụ thể:

  • Gói thầu có yêu cầu cao về kỹ thuật hoặc kỹ thuật có tính đặc thù mà chỉ có một số nhà thầu đáp ứng yêu cầu của gói thầu;
  • Nhà tài trợ vốn cho dự án, gói thầu có yêu cầu đấu thầu hạn chế trong điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài.

Chỉ định thầu

Đây được xem là một hình thức đấu thầu đặc biệt, theo đó, chỉ định thầu thông thường áp dụng trong trường hợp chủ đầu tư gửi hồ sơ yêu cầu cho một hoặc nhiều hơn một nhà thầu để thực hiện gói thầu.[3]

Theo đó, quy trình chỉ định thầu thông thường được áp dụng đối với các gói thầu quy định tại các điểm d, đ, e, g, h, i, k và l khoản 1 Điều 23 của Luật Đấu thầu đối với trường hợp chỉ định thầu một nhà thầu và các điểm đ, e, h, k và l khoản 1 Điều 23 của Luật Đấu thầu đối với trường hợp chỉ định thầu nhiều hơn một nhà thầu, cụ thể như sau:

Sơ lược quy trình của hình thức chỉ định thầu

Ngoài ra, một số trường hợp mang tính chất đặc thù, việc chỉ định thầu rút gọn không cần phải phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu.[4]

Cần lưu ý rằng, bởi tính chất rút gọn nên các bên cần phải hoàn thiện thủ tục chỉ định thầu trong thời hạn 15 ngày tính từ ngày bắt đầu thực hiện gói thầu. Quy trình gồm các bước sau[5]:

  • Chuẩn bị và gửi dự thảo hợp đồng;
  • Hoàn thiện hợp đồng;
  • Trình, phê duyệt kết quả chỉ định thầu;
  • Ký kết hợp đồng;
  • Quản lý thực hiện hợp đồng;
  • Công khai kết quả chỉ định thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Quy trình sơ lược của hình thức chỉ định thầu rút gọn

Chào hàng cạnh tranh

Đối với các gói thầu có giá không vượt quá 05 (năm) tỷ đồng thuộc một trong các trường hợp sau thì hình thức chào hàng cạnh tranh được áp dụng:

  • Dịch vụ phi tư vấn thông dụng, đơn giản;
  • Hàng hóa thông dụng có sẵn trên thị trường, chất lượng tương đương;
  • Xây lắp công trình đơn giản đã có bản vẽ thi công được phê duyệt;
  • Gói thầu hỗn hợp cung cấp hàng hóa và xây lắp.

Quy trình chào hàng cạnh tranh gồm các bước sau:[6]

 

Quy trình sơ lược của hình thức đấu thầu chào hàng cạnh tranh

Mua sắm trực tiếp

Mua sắm trực tiếp là hình thức đấu thầu mà chủ đầu tư trực tiếp lựa chọn nhà thầu đã trúng thầu gói thầu tương tự trước đó. Hình thức này áp dụng cho các gói thầu mua sẵm hàng hóa tương đương trong cùng một dự án, tự toán mua sắm hoặc cũng có thể là dự án, dự toán khác nếu đáp ứng đủ các điều kiện do luật định.[8]

Mục đích chính của hình thức đấu thầu này là giúp rút ngắn quy trình mua sắm, tiết kiệm thời gian – chi phí, trong khi vẫn phải đảm bảo tính hiệu quả, minh bạch, phù hợp với thị trường.

Quy trình mua sắm trực tiếp được thực hiện theo trình tự sau:

 

Quy trình sơ lược của hình thức mua sắm trực tiếp

Tự thực hiện

Đây là loại hình thức đấu thầu mà chủ đầu tư là bên đứng ra quản lý, sử dụng và có thể tự triển khai gói thầu trong dự án, dự toán mua sắm nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:[9]

  • Có chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực hoạt động hoặc ngành, nghề kinh doanh phù hợp với yêu cầu của gói thầu;
  • Có năng lực kỹ thuật, tài chính và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của gói thầu;
  • Có phương án khả thi huy động nhân sự, máy móc, thiết bị đáp ứng yêu cầu về tiến độ thực hiện gói thầu.

Theo đó, chủ đầu tư có thể trực tiếp triển khai đấu thầu hoặc ủy nhiệm cho chi nhánh hạch toán phụ thuộc, phòng, ban thuộc tổ chức đó thực hiện.

Cần lưu ý rằng, đơn vị, tổ chức thực hiện gói thầu không được phép chuyển nhượng khối lượng công việc cho tổ chức, cá nhân khác có tổng giá trị tiền từ 10% giá trị gói thầu, hoặc trên 50 tỷ đồng.

Quy trình của hình thức đấu thầu tự thực hiện bao gồm 04 bước chính, cụ thể:

Quy trình sơ lược của hình thức đấu thầu tự thực hiện

Tham gia thực hiện của cộng đồng

Hình thức đấu thầu tham gia thực hiện của cộng đồng được thực hiện khi:

Điều kiện cần: Là cư dân, tổ, nhóm thợ hoặc tổ chức tại địa phương có đủ năng lực thực hiện gói thầu; và

Điều kiện đủ: Gói thầu có giá trị không quá 5 tỷ đồng, thuộc chương trình mục tiêu quốc gia hoặc dự án đầu tư công do Nhà nước và Nhân dân cùng thực hiện

Đàm phán giá

Hình thức đấu thầu đàm phán giá được áp dụng đối với các gói thầu sau:

  • Gói thầu mua biệt dược gốc và các loại sinh phẩm tham chiếu;
  • Gói thầu mua thuốc, thiết bị y tế, vật tư xét nghiệm đặc thù có ít hãng sản xuất có khả năng sản xuất

Đối với hình thức đấu thầu đàm phán giá, Bộ trưởng Bộ Y tế là cơ quan quyết định.

Lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt

Đấu thầu trong trường hợp đặc biệt được áp dụng khi mà các hình thức đấu thầu được đề cập ở các mục phía trên không phù hợp bởi tính chất đặc thù về quy trình, thủ tục, tiêu chí, lựa chọn nhà thầu, điều kiện ký kết, thực hiện hợp đồng hoặc triển khai thực hiện những trường hợp mang tính chất “nhạy cảm”.[10] Khi này, hình thức đấu thầu lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt áp dụng đối với các loại gói thầu theo quy định của pháp luật.[11]

Lựa chọn nhà thầu qua mạng

Bên cạnh những hình thức đấu thầu phổ biến đã được đề cập ở trên, trong một số trường hợp có thể phát sinh hình thức lựa chọn nhà thầu khác mang tính ưu việt hơn, có sử dụng phương tiện điện tử mang tính tiến bộ, hiện đại, phù hợp với kỷ nguyên vươn mình mà Nhà nước đề ra.

Đơn cử cho hình thức như vậy là đấu thầu qua mạng, cho phép toàn bộ quá trình lựa chọn nhà thầu, phát hành hồ sơ, nộp hồ sơ, mở thầu, đánh giá, tất cả đều được thực hiện thông qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (Hệ thống EGP).

Cần lưu ý rằng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư hướng dẫn việc cung cấp, đăng tải thông tin về lựa chọn nhà thầu và mẫu hồ sơ đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Theo đó, có 03 hình thức bắt buộc phải thực hiện đấu thầu qua mạng Hệ thống đấu thầu quốc gia gồm:[12]

  • Đấu thầu rộng rãi;
  • Đấu thầu hạn chế;
  • Chào hàng cạnh tranh trong nước.

Việc mở rộng và khuyến khích áp dụng đấu thầu qua mạng là bước đi cần thiết trong bối cảnh hội nhập và phát triển, tuy nhiên cũng cần có lộ trình phù hợp, đảm bảo rằng các bên liên quan, đặc biệt là nhà thầu nhỏ hoặc ở địa phương, được hỗ trợ về kỹ thuật và đào tạo để không bị bỏ lại phía sau trong quá trình số hóa hoạt động đấu thầu. Và vấn đề này sẽ được CNC đề cập trong số bài viết tiếp theo.

Hình thức lựa chọn nhà đầu tư

Tương tự như hình thức lựa chọn nhà thầu, hình thức lựa chọn nhà đầu tư cũng có mục tiêu chính là chọn ra đơn vị tốt nhất để giao dự án đầu tư theo các tiêu chí cụ thể. Theo đó, có thể lựa chọn 03 hình thức đầu thầu sau:

Đấu thầu rộng rãi

Đây là hình thức phổ biến nhất, được áp dụng đối với các dự án đầu tư kinh doanh không giới hạn số lượng nhà đầu tư tham gia. Theo đó, mọi nhà đầu tư có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật đều có quyền tham dự, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch và bình đẳng giữa các chủ thể trong và ngoài nước.[13]

Đấu thầu hạn chế

Khác với đấu thầu rộng rãi, hình thức này chỉ áp dụng cho các dự án có yêu cầu cao về kỹ thuật, công nghệ, hoặc mang tính đặc thù theo quy định pháp luật chuyên ngành. Trong trường hợp này, chỉ những nhà đầu tư có năng lực phù hợp và đáp ứng tiêu chí cụ thể mới được mời tham gia, nhằm bảo đảm chất lượng và hiệu quả của dự án[14].

Lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt

Cuối cùng, trong một số tình huống đặc biệt, khi dự án đầu tư kinh doanh có những yêu cầu hoặc điều kiện riêng biệt — như liên quan đến thủ tục đầu tư, thủ tục giao đất, cho thuê đất, khai thác khu vực biển, hoặc có tiêu chuẩn lựa chọn, nội dung hợp đồng mang tính chất đặc thù, thậm chí gắn liền với yêu cầu về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, chủ quyền biên giới, lợi ích quốc gia hoặc nhiệm vụ chính trị cấp quốc gia — thì việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ được thực hiện theo cơ chế đặc biệt. Trong trường hợp này, không thể áp dụng đấu thầu rộng rãi hay đấu thầu hạn chế, mà phải căn cứ theo quy định riêng nhằm đảm bảo yêu cầu thực tiễn và mục tiêu chiến lược của Nhà nước.[15]

Phụ trách

Trịnh Minh An | Thực tập sinh pháp lý

Điện thoại: (84) 28 6276-9900

[1] Điều 21.1; Điều 21.2 Luật Đấu thầu 2023.

[2] Điều 21.2 Luật Đấu thầu 2023

[3] Điều 76; Điều 77 Nghị định 24/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.

[4] Điều 78.1 Nghị định 24/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.

[5] Điều 78.2 Nghị định 24/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.

[6] Điều 79 Nghị định 24/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.

[7] Điểm a khoản 1 và khoản 4 Điều 8 của Luật Đấu thầu.

[8] Điều 25.1 và Điều 25.2 Luật Đấu thầu 2023.

[9] Điều 26.1 Luật Đấu thầu 2023.

[10] Điều 29 Luật sửa đổi Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu số 57/2024/QH15.

[11] Điều 29.1 Luật Đấu thầu 2023.

[12] Điều 50.1 Luật Đấu thầu 2023.

[13] Điều 34.1 Luật Đấu thầu 2023.

[14] Điều 34.2 Luật Đấu thầu 2023.

[15] Điều 34a được bổ sung bởi Khoản 12 Điều 4 Luật sửa đổi Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu 2024.nguồn

Content Protection by DMCA.com

Để lại một bình luận

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.