Yêu cầu Trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài, Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Luật Trọng tài thương mại, Bộ Luật tố tụng dân sự và các quy định của pháp luật có liên quan, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Theo đó, Hội đồng trọng tài được quyền áp dụng các Biện pháp khẩn cấp tạm thời khi có yêu cầu của một trong các bên tranh chấp.
Các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời dưới đây [1]:
- Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp;
- Cấm hoặc buộc bất kỳ bên tranh chấp nào thực hiện một hoặc một số hành vi nhất định nhằm ngăn ngừa các hành vi ảnh hưởng bất lợi đến quá trình tố tụng trọng tài;
- Kê biên tài sản đang tranh chấp;
- Yêu cầu bảo tồn, cất trữ, bán hoặc định đoạt bất kỳ tài sản nào của một hoặc các bên tranh chấp;
- Yêu cầu tạm thời về việc trả tiền giữa các bên;
- Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp.
Cần lưu ý rằng, yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời sẽ được xem xét và quyết định bởi ‘Hội đồng trọng tài’ mà không phải là ‘Trung tâm trọng tài’. Hội đồng trọng tài có thể bao gồm một hoặc nhiều Trọng tài viên theo sự thỏa thuận của các bên.
Thời điểm yêu cầu Trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Xuất phát từ nhu cầu của mỗi bên và tính khẩn cấp của sự việc, ngay sau khi nộp đơn khởi kiện ra Trọng tài, một bên tranh chấp có thể có nhu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Bởi, khoảng thời gian trung bình từ lúc nộp đơn khởi kiện cho đến lúc Hội đồng trọng tài được thành lập và có quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là khoảng 1 – 2 tháng[2]; trong khoảng thời gian này, bên có nghĩa vụ có thể có hành vi tẩu tán tài sản (chẳng hạn), và để ngăn chặn hành vi này đồng thời đảm bảo điều kiện thi hành án, việc yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là hoàn toàn cần thiết và chính đáng.
Tuy nhiên, khi chưa thành lập Hội đồng trọng tài, các bên tranh chấp có thể yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không? Một hoặc các bên tranh chấp có quyền làm đơn gửi đến Tòa án có thẩm quyền yêu cầu áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời ngay sau khi nộp đơn khởi kiện tại Trọng tài (khi thời điểm tố tụng trọng tài đã bắt đầu) mà không phân biệt Hội đồng trọng tài đã được thành lập hay chưa, Hội đồng trọng tài đã giải quyết tranh chấp hay chưa.
Như vậy, bên tranh chấp có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi thành lập Hội đồng trọng tài và sau khi nộp Đơn khởi kiện.
Một số tình huống cụ thể được đặt ra liên quan đến thời điểm yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời:
Tình huống 1: sau khi nộp đơn khởi kiện, một bên tranh chấp đã yêu cầu Tòa án áp dụng (một/một số) biện pháp khẩn cấp tạm thời nhưng Thẩm phán chưa ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Vậy sau khi Hội đồng trọng tài được thành lập, bên đó hoặc (các) bên tranh chấp còn lại có thể yêu cầu Hội đồng trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không?
Khi một trong các bên yêu cầu Tòa án áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Tòa án đề nghị họ cho biết trước hoặc sau khi yêu cầu họ đã yêu cầu Hội đồng trọng tài áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời hay chưa. Nếu họ chưa yêu cầu Hội đồng trọng tài thì Tòa án yêu cầu họ phải cam kết trong đơn yêu cầu không yêu cầu tại các Tòa án khác, hoặc Hội đồng trọng tài.
Đồng thời Tòa án phải kiểm tra, xem xét các tài liệu gửi kèm theo đơn yêu cầu để xác định vụ tranh chấp đó các bên đã có yêu cầu Tòa án, Hội đồng trọng tài áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời hay chưa [3].
Nếu một trong các bên đã yêu cầu Tòa án áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời mà sau đó lại có đơn yêu cầu Hội đồng trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Hội đồng trọng tài phải từ chối đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời [4].
Tình huống 2: một trong các bên đã yêu cầu Hội đồng trọng tài áp dụng một/một số biện pháp khẩn cấp tạm thời trong 6 biện pháp khẩn cấp tạm thời trên đây. Vậy bên đó và/hoặc (các) bên tranh chấp có được yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác không thuộc 6 biện pháp khẩn cấp tạm thời trên không?
Trong quá trình giải quyết tranh chấp, nếu một trong các bên đã yêu cầu Hội đồng trọng tài áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời mà lại có đơn yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Tòa án phải từ chối và trả lại đơn yêu cầu, trừ trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài [5].
Trường hợp sau khi đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Tòa án mới phát hiện được vụ tranh chấp đó các bên đã có yêu cầu Hội đồng trọng tài, Tòa án áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời, thì Tòa án căn cứ vào quy định tương ứng để ra quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời do mình ban hành, đồng thời, trả lại đơn yêu cầu và các tài liệu gửi kèm theo đơn yêu cầu cho các bên [6].
Thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng trọng tài
Thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng trọng tài được tóm tắt theo lưu đồ dưới đây:
Một số chú thích làm rõ:
- Biện pháp bảo đảm khi yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được hiểu là việc gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá do Hội đồng trọng tài ấn định tương ứng với giá trị thiệt hại có thể phát sinh do áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng gây ra để bảo vệ lợi ích của bên bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá được gửi vào tài khoản phong tỏa tại ngân hàng do Hội đồng trọng tài quyết định.
- Mặc dù không có quy định cụ thể về thời hạn để Hội đồng trọng tài thông báo cho bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời về việc thực hiện biện pháp bảo đảm, tuy nhiên căn cứ vào quy định dưới đây có thể suy luận rằng trong thời gian không quá 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Hội đồng trọng tài phải ra thông báo/yêu cầu về việc thực hiện biện pháp bảo đảm và gửi đến bên yêu cầu.
“Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, ngay sau khi bên yêu cầu đã thực hiện biện pháp bảo đảm thì Hội đồng trọng tài xem xét ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.”
- Việc thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng trọng tài được thực hiện theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự về thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án. (Xem Thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời)
Một số lưu ý quan trọng
Thứ nhất, Hội đồng trọng tài có thẩm quyền áp dụng 6 biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định tại Điều 49 Luật Trọng tài thương mại 2010, trong khi Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định Tòa án được quyền áp dụng 17 biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Thứ hai, Điều 53.1 Luật Trọng tài thương mại quy định “Sau khi nộp đơn khởi kiện, nếu quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại hoặc có nguy cơ trực tiếp bị xâm hại, một bên có quyền làm đơn gửi đến Toà án có thẩm quyền yêu cầu áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời.’ mà không nêu rõ Tòa án sẽ/chỉ áp dụng những biện pháp khẩn cấp tạm thời thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài (6 biện pháp) hay được quyền áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Sau đó, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết số 01/2014/NQ-HDTP hướng dẫn Điều 53 như sau “Một hoặc các bên có quyền đề nghị Tòa án có thẩm quyền yêu cầu áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 2 Điều 49 Luật TTTM, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.”. Như vậy:
- Nghị quyết đã khẳng định rõ các bên có quyền đề nghị Tòa án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài theo quy định của Luật trọng tài thương mại; và
- Ngoài ra, Nghị quyết cũng mở rộng phạm vi yêu cầu và tôn trọng thỏa thuận của các bên. Điều này mang ý nghĩa quan trọng trong việc xác định phạm vi thẩm quyền cũng như các biện pháp khẩn cấp tạm thời mà các bên có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng (khi tham gia tố tụng trọng tài). Các bên có thể thỏa thuận về việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời nằm ngoài phạm vi của Luật Trọng tài thương mại và theo đó, hoàn toàn có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng trên cơ sở thỏa thuận của các bên.
Và trên thực tế, đã có các quyết định của Tòa án, theo đó Tòa án áp dụng một biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự. Cụ thể, sau khi vụ tranh chấp được VIAC thụ lý, Nguyên đơn đã yêu cầu Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “dừng thanh toán qua L/C”. Sau khi xét đơn yêu cầu, Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đã “áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 116 Bộ Luật tố tụng dân sự 2004 (sửa đổi, bổ sung 2011)”, buộc Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam – Chi nhánh Hà Thành dừng thanh toán qua L/C [7].
[1] Điều 49 Luật Trọng tài thương mại 2010
[2] Phạm Duy Nghĩa, tlđd (truy cập ngày 14/7/2022).
[3] Điều 12.5 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP Hướng dẫn thi hành một số quy định Luật Trọng tài thương mại
[4] Điều 49.3 Luật Trọng tài thương mại 2010
[5] Điều 53.5 Luật Trọng tài thương mại 2010
[6] Điều 12.5 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP Hướng dẫn thi hành một số quy định Luật Trọng tài thương mại
[7] Quyết định số 03/2013/QĐ-BPKCTT ngày 22/02/2013 của TAND thành phố Hà Nội
Liên hệ
Trong các bài viết tiếp theo, CNC sẽ lần lượt phân tích các nội dung quan trọng khác liên quan đến quy định pháp luật Trọng tài thương mại Việt Nam.
Bất kỳ ý kiến đóng góp, hiệu chỉnh nào của độc giả đối với các nội dung trong bản tin này hoặc cần CNC hỗ trợ thêm, vui lòng gửi về:
CÔNG TY LUẬT TNHH CNC VIỆT NAM
Địa chỉ: 28 Đại lộ Mai Chí Thọ, Phường An Phú, Tp. Thủ Đức, Hồ Chí Minh, Việt Nam
Điện thoại: (84) 28-6276 9900
Hot line: (84) 916-545-618
Email: contact@cnccounsel.com
Website: cnccounsel
Phụ trách
Luật sư Nguyễn Thị Kim Ngân | Luật sư Thành viên
Điện thoại: (84) 919 639 093
Email: ngan.nguyen@cnccounsel.com
Miễn trừ:
Bản tin này được chuẩn bị hoặc được sử dụng vì mục đích giới thiệu hoặc cập nhật cho khách hàng những thông tin về những vấn đề và/hoặc sự phát triển các quan điểm pháp lý tại Việt Nam. Các thông tin được trình bày tại bản tin này không tạo thành ý kiến tư vấn thuộc bất kỳ loại nào và có thể được thay đổi mà không cần phải thông báo trước.