Luật Đất đai số 31/2024/QH15 ngày 18/01/2024 (“Luật Đất đai 2024”) vừa được Quốc hội khóa XV thông qua cách đây ít lâu sẽ có hiệu lực vào ngày 01/01/2025 (trừ một số điều khoản sẽ có hiệu lực sớm hơn).
Hiện tại Chính phủ đang đề xuất Quốc hội lùi ngày có hiệu lực của luật xuống ngày 01/8/2024 nhằm sớm phục hồi thị trường bất động sản trong nước.[1]
Bên cạnh những thay đổi lớn dựa trên chủ trương “thể chế hóa” Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Luật Đất đai 2024 cũng có những thay đổi đáng quan tâm khác với những kỳ vọng tháo gỡ những vướng mắc từ Luật Đất đai số 45/2013/QH13 ngày 29/11/2013 (“Luật Đất đai 2013”).
Trong bài viết này, CNC sẽ trình bày một số kỳ vọng từ Luật Đất đai 2024 dựa trên mối tương quan với Luật Đất đai 2013, được thực hiện bởi Luật sư Trần Phạm Hoàng Tùng và Trợ lý Luật sư Phạm Nguyễn Tấn Trung.
Tải file PDF tại đây: 08 kỳ vọng từ Luật Đất đai 2024
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài
Hiến pháp 2013 khẳng định người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam và được Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước (Điều 18). Lượng kiều hối về Việt Nam qua các năm cho thấy rõ mong muốn gắn bó với gia đình, quê hương của kiều bào ở nước ngoài,[2] qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước. Vì thế, pháp luật cần tạo điều kiện thu hút kiều hối từ nước ngoài, đặc biệt là thông qua thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, pháp luật đất đai hiện hành vẫn còn nhiều hạn chế trong việc khuyến khích người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia thị trường bất động sản. Cụ thể, Luật Đất đai 2013 chỉ cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài (bất kể là có quốc tịch Việt Nam hay không) được nhận chuyển quyền sử dụng “đất ở” thông qua hình thức mua, thuê mua, nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở hoặc được nhận quyền sử dụng đất ở “trong các dự án phát triển nhà ở”[3] .
Với Luật Đất đai 2024, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được tạo điều kiện thuận lợi hơn so với Luật Đất đai 2013, khi được chia hai nhóm riêng biệt trên cơ sở quốc tịch, đó là: (1) người Việt Nam định cư ở nước ngoài (có quốc tịch Việt Nam), và (2) người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài (không có quốc tịch Việt Nam).
Trong đó, nhóm thứ (1) có đầy đủ các quyền về đất đai giống như công dân Việt Nam trong nước[4], còn nhóm thứ (2) vẫn được duy trì các quyền về đất đai giống như “người Việt Nam định cư ở nước ngoài” trong Luật Đất đai 2013, đồng thời bổ sung thêm một số quyền mới. Cụ thể, bên cạnh quyền nhận chuyển quyền sử dụng đất ở trong các dự án phát triển nhà ở, nhóm này còn được nhận chuyển quyền sử dụng đất ngoài các dự án phát triển nhà ở trong trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà ở theo quy định của pháp luật về dân sự và nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở từ những người thuộc hàng thừa kế theo quy định của pháp luật về dân sự.[5]
Việc mở rộng quyền như trên được kỳ vọng sẽ giúp cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia nhiều hơn vào thị trường bất động sản, kích cầu và thúc đẩy thị trường, cũng như khuyến khích tăng trưởng kiều hối về nước để phát triển kinh tế.
![](https://cnccounsel.com/wp-content/uploads/2024/06/So-sanh-pham-vi-quyen-su-dung-dat-cua-nguoi-Viet-Nam-dinh-cu-o-nuoc-ngoai-1-scaled.jpg)
Thu hồi đất phát triển kinh tế – xã hội
Các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng tại Điều 62 Luật Đất đai 2013 được chia ra làm ba nhóm trường hợp theo thẩm quyền quyết định hoặc chấp thuận: (i) Quốc hội, (ii) Thủ tướng Chính phủ, (iii) Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Trong đó, trường hợp (ii) và (iii) có quy định loại dự án được phép thu hồi đất.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc quy định loại dự án được phép thu hồi đất như Luật Đất đai 2013 vẫn còn bất cập khi các cơ quan nhà nước có cách hiểu khác nhau về trường hợp áp dụng, dẫn đến một số trường hợp thu hồi đất không thật sự cần thiết, dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện về thu hồi đất đai.
Dựa trên chủ trương “bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình” của Nghị quyết 18/NQ-TW, Luật Đất đai 2024 quy định vấn đề thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo hướng liệt kê các trường hợp cụ thể. Theo đó, việc thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng sẽ phải thuộc một trong 31 trường hợp trong danh sách thuộc Điều 79 Luật Đất đai 2024.
Đặc biệt, Điều 79 này cũng “dự liệu” việc thu hồi đất có thể thuộc trường hợp khác ngoài 31 trường hợp nói trên, nếu như trường hợp đó được Quốc hội sửa đổi, bổ sung theo trình tự, thủ tục rút gọn. Đồng thời, việc thu hồi này theo Điều 79 này cũng phải đảm bảo nguyên tắc “thật cần thiết” theo tinh thần của Hiến pháp 2013[6].
![](https://cnccounsel.com/wp-content/uploads/2024/06/Cac-truong-hop-thu-hoi-dat-de-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-vi-loi-ich-quoc-gia-cong-cong-1.jpg)
Đấu giá hay đấu thầu?
Vấn đề giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất hay đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án có sử dụng đất là một trong những vấn đề nan giải đối với các doanh nghiệp và chính quyền các địa phương do sự chồng chéo của pháp luật trong suốt thời gian dài.
Cụ thể, Điều 118 Luật Đất đai 2013 quy định cụ thể và phân biệt các trường hợp giao đất, cho thuê đất: (i) thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, và (ii) không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất. Ngoài những trường hợp đó, Luật Đất đai 2013 không có quy định về giao đất, cho thuê đất trong trường hợp đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Tuy nhiên, Nghị định 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư và Nghị định 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư lại có quy định về các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá theo pháp luật đất đai cho nhà đầu tư trúng đấu thầu dự án có sử dụng đất. Điều này làm phát sinh một số nội dung chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật, cụ thể là giữa ba luật đất đai, luật đấu thầu và luật đầu tư. Đồng thời, các trường hợp giao đất, cho thuê đất cho người trúng thầu dự án cũng không tương thích với các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất theo Điều 118 Luật Đất đai 2013.
Suốt thời gian dài, sự chồng chéo này gây ra nhiều lúng túng cho các doanh nghiệp cũng như chính quyền ở các địa phương trong việc lựa chọn hình thức giao đất, cho thuê đất phù hợp để thực hiện dự án có sử dụng đất, từ đó làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.
Với Luật Đất đai 2024, sự chồng chéo này về cơ bản đã được tháo gỡ với việc luật đã quy định cụ thể và phân biệt được 03 trường hợp bao gồm: (i) giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất (Điều 124); (ii) giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất (Điều 125); (iii) giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất (Điều 126).
![](https://cnccounsel.com/wp-content/uploads/2024/06/Cac-hinh-thuc-giao-dat-cho-thue-dat.png)
Thuê đất trả tiền một lần
Theo Điều 56 Luật Đất đai 2013, bên được Nhà nước cho thuê đất có quyền lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê hoặc trả tiền thuê đất hằng năm. Trong thực tiễn, nhiều địa phương khuyến khích doanh nghiệp trả tiền thuê đất một lần để tăng tính chủ động của doanh nghiệp trong việc dự tính chi phí đầu vào để chuẩn bị phương án sản xuất, kinh doanh, cũng như các địa phương sẽ có một khoản thu ngân sách lớn ngay từ ban đầu.[7]
Mặt khác, hình thức trả tiền thuê đất hằng năm cũng có ưu điểm riêng của mình, đó là đảm bảo tính bền vững của nguồn thu ngân sách từ tiền thuê đất hằng năm, đồng thời góp phần giảm chi phí đầu vào sản xuất kinh doanh thông qua giảm chi phí về tiền thuê đất (chỉ trả tiền hằng năm) cho doanh nghiệp. Dựa vào những ưu điểm này, Nghị quyết 18/NQ-TW được ban hành vào năm 2022 và nêu nhiệm vụ hoàn thiện các quy định về cho thuê đất như sau: “Cơ bản thực hiện hình thức cho thuê đất trả tiền hằng năm và quy định cụ thể các trường hợp trả tiền thuê đất một lần, phù hợp với tính chất, mục đích sử dụng đất, bảo đảm nguồn thu ổn định, tránh thất thoát ngân sách nhà nước”.
Trên tinh thần của Nghị quyết 18/NQ-TW, Luật Đất đai 2024 về cơ bản quy định rất hạn hữu các trường hợp cho thuê đất được lựa chọn trả tiền một lần tại Điều 120, bao gồm:
- Sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối;
- Sử dụng đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp; đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh; sử dụng đất thương mại, dịch vụ để hoạt động du lịch, kinh doanh văn phòng;
- Sử dụng đất để xây dựng nhà ở xã hội cho thuê theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Các trường hợp nêu trên được coi là các phân khúc bất động sản được Nhà nước tạo điều kiện để phát triển vì tính thiết yếu cho nền kinh tế (nông nghiệp, công nghiệp, nhà ở xã hội) hoặc có đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước (đất kinh doanh du lịch, văn phòng). Vì thế, các phân khúc bất động sản này được liệt vào các trường hợp cho thuê đất được lựa chọn trả tiền một lần để các doanh nghiệp có thể tính toán được tổng tiền thuê đất phải trả cho toàn bộ thời hạn hoạt động dự án để quyết định việc sản xuất kinh doanh, cũng như tạo thuận lợi cho doanh nghiệp có khả năng huy động vốn cho sản xuất kinh doanh thông qua quyền thế chấp quyền sử dụng đất thuê để vay vốn ngân hàng. Bên cạnh đó, người thuê đất trong những trường hợp này hoàn toàn có thể lựa chọn hình thức trả tiền cho thuê đất hằng năm nếu có nhu cầu.
Ngoài các trường hợp trên, các trường hợp cho thuê đất còn lại phải trả tiền thuê đất hằng năm.
![](https://cnccounsel.com/wp-content/uploads/2024/06/Cac-truong-hop-cho-thue-dat-duoc-lua-chon-tra-tien-mot-lan-theo-Luat-Dat-dai-2024-1-scaled.jpg)
Quyền thuê trong hợp đồng thuê đất
Thực tiễn thi hành Luật Đất đai 2013 cho thấy quy định về thuê đất trả tiền hằng năm đã phát sinh một số hạn chế trong việc thúc đẩy phát triển thị trường quyền sử dụng đất, cũng như gây thất thoát tài sản nhà nước khi cổ phần hóa, thoái vốn tại những doanh nghiệp nhà nước giữ phương án sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm do đất thuê hằng năm của doanh nghiệp sẽ không được tính vào giá trị của doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn.[8]
Để giải quyết phần nào những bất cập trên, Luật Đất đai 2024 đã khai sinh một quyền mới so với các luật đất đai trước đây đối với nhà đầu tư thuê đất trả tiền hằng năm, đó là “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất”. Việc khai sinh quyền mới này tạo sự linh hoạt trong giao dịch quyền sử dụng đất và thúc đẩy phát triển thị trường quyền sử dụng đất, qua đó tăng thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước từ thuế chuyển nhượng, phí, lệ phí đối với những giao dịch về quyền thuê này.
Về phía doanh nghiệp, quyền mới này cũng được kỳ vọng sẽ khuyến khích được người sử dụng đất lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền thuê hằng năm theo chủ trương của Nghị quyết 18-NQ/TW, cũng như tháo gỡ được vướng mắc cho các nhà đầu tư có mong muốn chuyển nhượng dự án cho chủ đầu tư khác tiếp tục sử dụng đất để thu hồi các chi phí đã bỏ ra trong quá trình đầu tư.
Tuy nhiên, việc giao dịch quyền thuê trong hợp đồng thuê đất này có những giới hạn nhất định:
Thứ nhất, người sử dụng đất đã ứng trước tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư mà chưa khấu trừ hết vào tiền thuê đất phải nộp.[9]
Thứ hai, người sử dụng đất chỉ được bán, cho thuê, để thừa kế, tặng cho quyền thuê trong hợp đồng thuê đất cùng với tài sản gắn liền với đất.[10] Ngoại lệ duy nhất mà quyền thuê trong hợp đồng thuê đất được giao dịch độc lập và không phải giao dịch cùng với tài sản gắn liền với đất là cá nhân cho thuê lại quyền thuê trong hợp đồng thuê đất.[11]
Thêm lựa chọn thế chấp quyền sử dụng đất
Luật Đất đai 2013 không quy định về việc tổ chức kinh tế trong nước được thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại các cá nhân hay các tổ chức kinh tế khác mà không phải tổ chức tín dụng[12], mặc dù việc thế chấp này không vi phạm điều cấm của Bộ luật Dân sự hay các luật khác.
Điều này dẫn đến vướng mắc cho các cá nhân hay doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng có nhu cầu nhận thế chấp bất động sản của doanh nghiệp khác, do nhiều tổ chức hành nghề công chứng không đồng ý công chứng hợp đồng thế chấp như vậy, cũng như nhiều văn phòng đăng ký đất đai cũng chỉ nhận hồ sơ với một bên là tổ chức tín dụng.[13]
Bên cạnh đó, hiện nay dòng vốn đầu tư vào bất động sản ở Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại.[14] Việc phát triển các kênh huy động vốn khác ngoài nguồn vốn vay truyền thống từ các tổ chức tín dụng sẽ giúp doanh nghiệp tự do hơn trong việc xây dựng kế hoạch tài chính, giúp thị trường phát hành lành mạnh và bền vững hơn.
Trên cơ sở đó, Luật Đất đai 2024 đã mở rộng quyền cho tổ chức kinh tế trong nước, ngoài việc thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất tại các tổ chức tín dụng, thì còn có thể thế chấp tại tổ chức kinh tế khác hoặc cá nhân.[15] Việc thế chấp tại các tổ chức kinh tế khác hoặc cá nhân được thực hiện phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự và các quy định khác có liên quan.
Cũng cần lưu ý thêm rằng, Luật Đất đai 2024 vẫn chưa cho phép chi nhánh ngân hàng nước ngoài là bên nhận thế chấp, với lý do được ban soạn thảo đưa ra là vấn đề này còn có nhiều rủi ro về mặt pháp lý và an ninh, quốc phòng, cần được nghiên cứu, thí điểm thêm.
![](https://cnccounsel.com/wp-content/uploads/2024/06/Chu-the-co-quyen-nhan-the-chap-quyen-su-dung-dat-cua-to-chuc-kinh-te-1-scaled.jpg)
Đất xây dựng công trình ngầm
Với quy định tại khoản 5 Điều 8 Luật Đất đai 2024, lần đầu tiên hoạt động “phát triển công trình ngầm” chính thức được ghi nhận trong Luật Đất đai là một trong những hoạt động thuộc chính sách khuyến khích đầu tư vào sử dụng đất đai của Nhà nước. Sự ghi nhận này là một bước tiến lớn trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh dẫn đến quỹ đất đô thị dần cạn kiệt, nhu cầu phát triển không gian ngầm ngày càng cao, đặc biệt là tại các đô thị lớn như Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh.
Đồng thời, Luật Đất đai 2024 về cơ bản đã tháo gỡ được nhiều vướng mắc lớn đối với đất xây dựng công trình ngầm phát sinh từ Luật Đất đai 2013 và các văn bản pháp luật có liên quan. Cụ thể, Luật Đất đai 2013 quy định việc sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm và các công trình trên đất phải phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác có liên quan đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; quy định chế độ sử dụng đất cho từng loại đất; quy định việc sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất khi sử dụng đất để xây dựng công trình. Tuy nhiên, Luật Đất đai 2013 còn thiếu nhiều quy định như điều kiện được xây dựng công trình ngầm, cấp Giấy chứng nhận đối với công trình ngầm, nghĩa vụ tài chính đối với việc sử dụng đất xây dựng công trình ngầm, từ đó gây khó khăn trong thực tế triển khai.
Bên cạnh đó, mặc dù Bộ luật Dân sự 2015 đã ghi nhận “Quyền bề mặt” tại Mục 3 Chương XIV, trong đó có điều chỉnh quan hệ pháp lý giữa chủ thể có quyền sử dụng đất với chủ thể khác khai thác, sử dụng khoảng không gian dưới lòng đất đó, nhưng sự thiếu cụ thể trong quy định về đất xây dựng công trình ngầm của Luật Đất đai 2013 làm cho những quy định về “Quyền bề mặt” của Bộ luật Dân sự 2015 khó có khả năng thực thi trên thực tế.
Tại Luật Đất đai 2024, một số quy định cụ thể được đưa ra nhằm tháo gỡ những vướng mắc nêu trên cũng như khuyến khích phát triển công trình ngầm có thể kể đến như:
- Cấp Giấy chứng nhận đối với diện tích đất xây dựng công trình trên mặt đất phục vụ cho việc vận hành, khai thác sử dụng công trình ngầm, cũng như đối với công trình ngầm dưới mặt đất (khoản 6 Điều 216);
- Không gian dưới lòng đất sau khi được Nhà nước xác định theo quy định của pháp luật có thể được chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại bởi người sử dụng đất xây dựng công trình ngầm (khoản 2 Điều 216);
- Xây dựng công trình, trên mặt đất phục vụ cho việc vận hành, khai thác, sử dụng công trình ngầm thuộc trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (khoản 30 Điều 79);
- Đăng ký biến động khi có sự thay đổi về quyền sử dụng đất xây dựng công trình trên mặt đất phục vụ cho việc vận hành, khai thác sử dụng công trình ngầm, quyền sở hữu công trình ngầm (khoản 1 Điều 133);
- Chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất, cho thuê đất với trường hợp sử dụng đất xây dựng công trình trên mặt đất phục vụ cho việc vận hành, khai thác sử dụng công trình ngầm (điểm đ khoản 1 Điều 157);
- Tách bạch đất xây dựng công trình trên mặt đất phục vụ cho việc vận hành, khai thác sử dụng công trình ngầm có mục đích kinh doanh (được cho thuê đất thu tiền hằng năm) và công trình ngầm không có mục đích kinh doanh (được giao đất không thu tiền sử dụng đất) (khoản 5 Điều 216).
Những điều chỉnh này trong Luật Đất đai 2024 được kỳ vọng sẽ đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn và tương thích với pháp luật có liên quan như Bộ luật Dân sự (quyền bề mặt), Luật Quy hoạch (quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn), Luật Xây dựng (công trình ngầm).
![](https://cnccounsel.com/wp-content/uploads/2024/06/Su-khac-biet-ve-quy-dinh-dat-xay-dung-cong-trinh-ngam-giua-Luat-Dat-dai-2013-va-Luat-Dat-dai-2024-3-scaled.jpg)
Trọng tài Việt Nam giải quyết tranh chấp đất đai
So với Luật Đất đai 2013, Luật Đất đai 2024 đã quy định một cách minh thị trọng tài thương mại Việt Nam có thẩm quyền giải quyết tranh chấp từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai.[16]
Sự ghi nhận này của Luật Đất đai 2024 có thể được coi là một bước tiến lớn về giải quyết tranh chấp liên quan đến đất đai, đặc biệt là các tranh chấp có yếu tố nước ngoài. Bởi lẽ hiện nay, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019, 2020 và 2022) quy định tại Điều 470 rằng Tòa án Việt Nam có thẩm quyền riêng biệt đối với vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài có liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản có trên lãnh thổ Việt Nam.
Trong thực tiễn, đã có nhiều cách hiểu khác nhau về quy định này, bao gồm:
- Quy định này chỉ loại trừ thẩm quyền của tòa án nước ngoài, chứ không loại trừ thẩm quyền của trọng tài;
- Quy định này chỉ loại trừ thẩm quyền của tòa án và trọng tài nước ngoài, chứ không loại trừ thẩm quyền của trọng tài Việt Nam;
- Quy định này loại trừ thẩm quyền của tòa án nước ngoài và trọng tài (không phân biệt trọng tài nước ngoài hay trọng tài Việt Nam).
Trong báo cáo giải trình số 631/BC-KHXX ngày 31/12/2014 của Viện khoa học xét xử Tòa án nhân dân tối cao, quan điểm của Tòa án nhân dân tối cao là không loại trừ thẩm quyền của trọng tài Việt Nam đối với những vụ án thuộc thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam. Tuy nhiên, do chưa được luật hóa một cách minh thị, các tổ chức trọng tài ở Việt Nam vẫn gặp lúng túng trong việc quyết định có nên thụ lý vụ việc tranh chấp liên quan đến đất đai có yếu tố nước ngoài hay không.[17]
Do vậy, việc Luật Đất đai 2024 ghi nhận thẩm quyền của Trọng tài thương mại Việt Nam giúp các tổ chức trọng tài ở Việt Nam có căn cứ rõ ràng để thụ lý các tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai có yếu tố nước ngoài, trong bối cảnh sự hiện diện của các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng trở nên rõ nét trên thị trường bất động sản Việt Nam. Điều này cũng sẽ góp phần thúc đẩy mạnh hơn nền trọng tài Việt Nam vốn có nhiều dư địa để phát triển.
Phụ trách:
![]() |
Cộng sự Cấp Cao Trần Phạm Hoàng Tùng
Điện thoại: (84) 901 334 192 Email: tung.tran@cnccounsel.com |
![]() |
Trợ lý luật sư Phạm Nguyễn Tấn Trung
Điện thoại: (84) 347 924 900 Email: trung.pham@cnccounsel.com |
[1] https://vnexpress.net/de-xuat-sua-doi-de-3-luat-lien-quan-bat-dong-san-co-hieu-luc-som-4751283.html
[2] https://baochinhphu.vn/luong-kieu-hoi-giai-doan-1993-2022-sanh-ngang-luong-von-fdi-giai-ngan-102231227123006785.htm
[3] Điều 169.1(đ) Luật Đất đai 2013.
[4] Điều 4.3 Luật Đất đai 2024.
[5] Điều 28.1(h) Luật Đất đai 2024.
[6] Điều 54.3 Hiến pháp 2013.
[7] https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/hoa-giai-rui-ro-thue-dat-tra-tien-hang-nam-i318699/
[8] https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/se-tach-qua-trinh-sap-xep-xu-ly-nha-dat-ra-khoi-qua-trinh-co-phan-hoa-119220930144230409.htm
[9] Điều 46.2(b) Luật Đất đai 2024.
[10] Điều 34.1 và 34.2, Điều 37.2, Điều 41.2 Luật Đất đai 2024.
[11] Điều 37.2(d) Luật Đất đai 2024.
[12] Điều 174.2(d) và Điều 175.1(b) Luật Đất đai 2013.
[13] https://baochinhphu.vn/to-chuc-ca-nhan-co-duoc-nhan-the-chap-quyen-su-dung-dat-102245528.htm
[14] https://laodong.vn/bat-dong-san/mat-xich-day-doanh-nghiep-bat-dong-san-phat-trien-trong-nam-2023-1134240.ldo
[15] Điều 33.1(đ) và Điều 34.1(b) Luật Đất đai 2024.
[16] Điều 236.5 Luật Đất đai 2024.
[17] https://thanhnien.vn/trong-tai-thuong-mai-se-giai-quyet-tranh-chap-lien-quan-dat-dai-185230302101306294.htm
—————————————————-
Bất kỳ ý kiến đóng góp, hiệu chỉnh nào của độc giả đối với các nội dung trong bản tin này hoặc cần CNC hỗ trợ thêm, vui lòng gửi về:
liên hệ
Công ty Luật TNHH CNC Việt Nam
CNC© | A Boutique Property Law Firm
The Sun Avenue, 28 Mai Chí Thọ, Phường An Phú, Quận 2,
Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam
T: (+84-28) 6276 9900 | H/L: (+84) 916 545 618
Miễn trừ:
Bản tin này được chuẩn bị hoặc được sử dụng vì mục đích giới thiệu hoặc cập nhật cho khách hàng những thông tin về những vấn đề và/hoặc sự phát triển các quan điểm pháp lý tại Việt Nam. Các thông tin được trình bày tại bản tin này không tạo thành ý kiến tư vấn thuộc bất kỳ loại nào và có thể được thay đổi mà không cần phải thông báo trước.
Pingback: Nghị quyết thí điểm tháo gỡ khó khăn cho các dự án nhà ở thương mại – CNC | Công ty Luật TNHH CNC Việt Nam
Pingback: 08 tác động mới cần biết của Luật Kinh doanh bất động sản 2023 – CNC | Công ty Luật TNHH CNC Việt Nam
Pingback: Nghị Quyết 171 thí điểm dự án nhà ở thương mại – CNC | Công ty Luật TNHH CNC Việt Nam