Các căn cứ không công nhận và cho thi hành Phán quyết Trọng tài của nước ngoài tại Việt Nam hiện đang là chủ đề được chú ý trong trong thời gian gần đây với sự gia tăng của những Phán quyết Trọng tài nước ngoài có nhu cầu được công nhận và cho thi hành tại lãnh thổ Việt Nam. Bởi lẽ, xuất phát từ nguyên tắc chủ quyền của mỗi quốc gia mà không phải lúc nào các phán quyết, quyết định của Trọng tài nước ngoài cũng được Tòa án Việt Nam xem xét công nhận và cho thi hành. Điều này nghĩa là, một khi các Phán quyết Trọng tài nước ngoài rơi vào những trường hợp không được công nhận và cho thi hành theo luật định, phán quyết đó sẽ được xem là không có hiệu lực pháp lý tại Việt Nam.
Không công nhận và cho thi hành Phán quyết Trọng tài nước ngoài là một thủ tục tố tụng đặc biệt
Không công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài được thực hiện dựa trên đơn yêu cầu của các chủ thể tại khoản 1 Điều 425 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2019, 2020, 2022 (sau đây gọi là “BLTTDS 2015”).
Theo đó, sau quá trình khi xem xét đơn yêu cầu, giấy tờ, tài liệu kèm theo, và lắng nghe ý kiến của các bên, Tòa án có thể dựa vào những căn cứ được quy định tại Điều 459 BLTTDS 2015 tuyên không công nhận, qua đó không công nhận giá trị hiệu lực của phán quyết Trọng tài nước ngoài cũng như không thực hiện các biện pháp cưỡng chế cho thi hành phán quyết trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam.
Mặc dù bề mặt thuật ngữ là “không công nhận và cho thi hành” thế nhưng phải hiểu thuật ngữ này với ý nghĩa là “không công nhận và không cho thi hành”. Điều này dựa trên đặc điểm cơ bản của bản án, phán quyết, quyết định pháp luật, nghĩa là một khi đã không được công nhận (tức là không phát sinh hiệu lực) thì bản án, phán quyết, quyết định cũng đương nhiên sẽ không được cho thi hành.
Về thủ tục xem xét, mặc dù “không công nhận và cho thi hành” là một thủ tục tố tụng đặc biệt nhưng BLTTDS 2015 lại không có bất kỳ điều khoản nào quy định riêng biệt về trình tự, thủ tục tiến hành cho cơ chế này. Đây là điểm khác biệt khi so sánh cơ chế công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài với công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài tại Việt Nam.
Thế nào là Phán quyết Trọng tài nước ngoài?
Trước khi xem xét các trường hợp cụ thể mà một phán quyết của trọng tài nước ngoài bị từ chối công nhận và cho thi hành tại Điều 459 BLTTDS hay quy định tương tự tại Điều V Công ước New York 1958, cần thiết phải xác định thế nào là “phán quyết của trọng tài nước ngoài”.
Phán quyết Trọng tài
“Phán quyết trọng tài” được xem là tương đương với thuật ngữ “Arbitral Awards” được quy định là đối tượng của Công ước New York 1958. Theo quy định của BLTTDS 2015, đối tượng của thủ tục công nhận và cho thi hành là “phán quyết trọng tài”. Thế nhưng Luật TTTM 2010 lại có sự phân biệt giữa “quyết định trọng tài” và “phán quyết trọng tài”.
Phân biệt quyết định Trọng tài và Phán quyết Trọng tài
Cần lưu ý rằng “quyết định của trọng tài nước ngoài” được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam chỉ có thể là quyết định của Hội đồng trọng tài giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp hay nói cách khác là “phán quyết trọng tài”.
Bởi lẽ, trong quá trình giải quyết vụ tranh chấp, Hội đồng trọng tài không chỉ ban hành quyết định giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp (phán quyết trọng tài) mà còn thường đưa ra các quyết định khác, chẳng hạn như: quyết định về ngày tổ chức phiên họp xét xử; quyết định đình chỉ vụ kiện; quyết định yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; …
Cách xác định yếu tố “nước ngoài” của Phán quyết Trọng tài nước ngoài
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, đối với phán quyết của trọng tài nước ngoài, để có hiệu lực thi hành tại Việt Nam thì bắt buộc phải được công nhận và cho thi hành.
Điều I Công ước New York 1958
Yếu tố “nước ngoài” của Phán quyết Trọng tài được xác định dựa trên: (i) nguyên tắc lãnh thổ (principle of territory hay territorial approach), và (ii) không phải là phán quyết trong nước (non-domestic award)[1].
Như vậy, theo Công ước New York, Phán quyết Trọng tài nước ngoài sẽ bao gồm 2 nhóm phán quyết:
(i) Phán quyết Trọng tài mà được tuyên tại lãnh thổ quốc gia khác với quốc gia nơi có yêu cầu công nhận và cho thi hành; và
(ii) Phán quyết Trọng tài không được xem là Phán quyết Trọng tài trong nước tại lãnh thổ của quốc gia có yêu cầu công nhận và cho thi hành;
Pháp Luật Việt Nam
Yếu tố “nước ngoài” của Phán quyết Trọng tài phụ thuộc vào quốc tịch của trọng tài ban hành phán quyết.
Theo đó, nguyên tắc lãnh thổ sẽ không phải là yếu tố then chốt để xác định yếu tố “nước ngoài” của Phán quyết Trọng tài mà thay vào đó quốc tịch của Hội đồng trọng tài.
Cụ thể, một Phán quyết Trọng tài sẽ được xem là phán quyết của Trọng tài nước ngoài theo Luật TTTM nếu Hội đồng Trọng tài ban hành phán quyết được thành lập theo pháp luật của nước ngoài, mà không quan trọng vấn đề thủ tục Trọng tài được diễn ra ở đâu hay phán quyết được tuyên ở trong hay ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Ví dụ trường hợp phán quyết được tuyên ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng Hội đồng Trọng tài ban hành phán quyết được thành lập theo quy tắc tố tụng của VIAC và pháp luật Việt Nam thì phán quyết được ban hành vẫn được xem là Phán quyết Trọng tài Việt Nam theo Luật TTTM.
Hơn 36% phán quyết Trọng tài nước ngoài bị từ chối công nhận và cho thi hành tại Việt Nam
Theo cơ sở dữ liệu về công nhận và cho thi hành phán quyết nước ngoài tại Việt Nam được Bộ Tư pháp công bố ngày 25/9/2020[2], có đến 30/82 phán quyết Trọng tài nước ngoài bị từ chối công nhận. Đây là một tỷ lệ tương đối lớn khi đặt trong bối cảnh Công ước New York ghi nhận sự tham gia của 169 thành viên tính đến thời điểm hiện tại.
Việt Nam đã nội luật hóa những căn cứ không công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài theo Điều V Công ước New York tương ứng tại Điều 459 BLTTDS 2015. Cụ thể:
- Nhóm 1: Các căn cứ do bên phải thi hành cung cấp chứng cứ (khoản 1);
- Nhóm 2: Các căn cứ do bên Tòa án tự xem xét (khoản 2).
Bên cạnh đó, dựa trên sự trùng lập của về đối tượng, các căn cứ cũng có thể được phân chia thành các nhóm căn cứ như sau:
(1) Thỏa thuận Trọng tài;
(2) Thẩm quyền Trọng tài;
(3) Quy trình tố tụng Trọng tài;
(4) Hiệu lực của Phán quyết trọng tài;
(5) Nội dung của phán quyết trọng tài;
Căn cứ không công nhận và cho thi hành Phán quyết Trọng tài nước ngoài
Không công nhận Phán quyết Trọng tài nước ngoài liên quan đến Thỏa thuận Trọng tài
Năng lực xác lập thỏa thuận trọng tài
“Các bên ký kết thỏa thuận trọng tài không có năng lực để ký kết thỏa thuận đó theo pháp luật được áp dụng cho mỗi bên”[3]
Thứ nhất, Công ước New York và BLTTDS đều sử dụng cụm từ “các bên tham gia” không đủ năng lực. Tuy nhiên trên thực tế, chỉ cần một bên không đủ năng lực xác lập thỏa thuận Trọng tài thì cũng đã được xem là thuộc trường hợp không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam.
Thứ hai, mặc dù cả hai văn bản trên đều không đưa ra định nghĩa về “không có đủ năng lực”, tuy nhiên trong ngữ cảnh của điều khoản, thuật ngữ thường được giải thích bao gồm năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự và thẩm quyền đại diện xác lập thỏa thuận Trọng tài[4].
Trên thực tế, các thỏa thuận Trọng tài thường được xác lập là một điều khoản trong hợp đồng hoặc một thỏa thuận riêng biệt. Trường hợp thỏa thuận Trọng tài được xác lập riêng biệt với hợp đồng nhưng người ký kết hợp đồng không phải là người đại diện theo pháp luật (ví dụ Giám đốc công ty) mà là một chủ thể được ủy quyền (chẳng hạn Phó giám đốc) thì cần xem xét phạm vi được ủy quyền của người được ủy quyền trong trường hợp này có bao gồm cả thẩm quyền ký kết thỏa thuận Trọng tài hay không.
Nếu như phạm vi được ủy quyền không bao gồm xác lập thỏa thuận Trọng tài thì chủ thể ký kết thỏa thuận trong trường hợp này sẽ bị xem là “không có đủ năng lực” và do đó thỏa thuận như trên có thể bị xem là không hợp pháp.
Trong thực tiễn, Tòa án Việt Nam sẽ tự mình xác định năng lực xác lập thỏa thuận của các bên bằng cách áp dụng quy tắc xung đột pháp luật của tư pháp quốc tế Việt Nam mà không cho phép các bên thỏa thuận chọn luật áp dụng. Trong đó, đối với thể nhân, luật được áp dụng để xác định năng lực xác lập thỏa thuận Trọng tài là hệ thuộc luật nhân thân (luật quốc tịch hoặc luật nơi cư trú). Đối với pháp nhân, luật được áp dụng để xác định năng lực xác lập thảo thuận Trọng tài là hệ thuộc luật quốc tịch của pháp nhân (nơi đăng ký điều lệ hoặc nơi có trụ sở hoạt động).
Mặc dù việc áp dụng này đạt được hiệu quả tương đối, thực tiễn giải quyết cho thấy một số Tòa án Việt Nam vẫn có những nhận định chưa chính xác về vấn đề xác định luật áp dụng, cụ thể, Tòa án vẫn đương nhiên áp dụng pháp luật Việt Nam để xác định năng lực xác lập thỏa thuận Trọng tài trong một số trường hợp luật áp dụng phải là pháp luật của nước mà pháp nhân mang quốc tịch[5].
Hiệu lực của thỏa thuận trọng tài
“Thỏa thuận trọng tài không có giá trị pháp lý theo pháp luật của nước mà các bên đã chọn để áp dụng hoặc theo pháp luật của nước nơi phán quyết đã được tuyên, nếu các bên không chọn pháp luật áp dụng cho thỏa thuận đó”[6]
Đối với căn cứ này, bên phải thi hành thường viện dẫn việc thỏa thuận Trọng tài bị vô hiệu vì không được lập bằng văn bản. Bởi vì dựa trên thực tế hoạt động thương mại giữa các bên, đặc biệt là thương mại quốc tế, việc gặp mặt trực tiếp để ký kết thỏa thuận Trọng tài là không thường xuyên mà thay vào đó, các bên sẽ tiến hành xác lập thỏa thuận qua các thư từ trao đổi qua email, fax, …
Tuy nhiên căn cứ này hiện đã không được viện dẫn nhiều với quy định chi tiết về hình thức thỏa thuận Trọng tài tại khoản 2 Điều 16 Luật TTTM 2010.
Bên cạnh việc viện dẫn như trên, trong giai đoạn trước đây, bên phải thi hành còn viện dẫn căn cứ yêu cầu từ chối công nhận phán quyết Trọng tài vì thỏa thuận Trọng tài bị vô hiệu do hợp đồng chính bị vô hiệu.
Tuy nhiên cũng giống như trường hợp được đề cập ở trên, căn cứ này hiện nay cũng không còn được viện dẫn bởi vì sự nhận thức đúng đắn của Tòa án về tính độc lập của thỏa thuận Trọng tài so với hợp đồng chính, ngay cả trong trường hợp thỏa thuận Trọng tài tồn tại với hình thức là một điều khoản trong hợp đồng chính. Tính độc lập này của thỏa thuận Trọng tài được đảm bảo thông qua nguyên tắc party autnomy (nguyên tắc tự định đoạt).
Không công nhận Phán quyết Trọng tài nước ngoài liên quan đến thẩm quyền Trọng tài
Tranh chấp không được giải quyết bằng phương thức Trọng tài
“Theo pháp luật Việt Nam, vụ tranh chấp không được giải quyết theo thể thức trọng tài”[7]
Căn cứ này dựa trên đặc điểm của cơ chế giải quyết bằng Trọng tài là không phải tranh chấp nào Trọng tài cũng có thẩm quyền giải quyết.
Theo quy định tại Điều 2 Luật TTTM 2010, Trọng tài chỉ có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại. Bên cạnh đó, Điều 2 Quyết định 453/QĐ-CTN cũng đã quy định giới hạn phạm vi phán quyết của Trọng tài nước ngoài được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam chỉ bao gồm các phán quyết giải quyết “tranh chấp phát sinh từ quan hệ pháp luật thương mại”.
Ngoài ra, đây là căn cứ thuộc khoản 2, Điều 459 BLTTDS cho nên đây được xem là căn cứ mặc nhiên để tòa án từ chối công nhận mà không yêu cầu buộc bên phải thi hành cung cấp bằng chứng chứng minh.
Tranh chấp không thuộc phạm vi thỏa thuận Trọng tài
“Phán quyết của Trọng tài nước ngoài được tuyên về một vụ tranh chấp không được các bên yêu cầu giải quyết hoặc vượt quá yêu cầu của các bên ký kết thỏa thuận trọng tài. Trường hợp có thể tách được phần quyết định về vấn đề đã được yêu cầu và phần quyết định về vấn đề không được yêu cầu giải quyết tại Trọng tài nước ngoài thì phần quyết định về vấn đề được yêu cầu giải quyết có thể được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam.”[8]
Đây là căn cứ dựa trên nguyên tắc Trọng tài chỉ có thẩm quyền quyết định các vấn đề mà các bên đã thống nhất yêu cầu Trọng tài giải quyết.
Theo đó, phán quyết Trọng tài nước ngoài sẽ không được công nhận nếu như Hội đồng trọng tài đã giải quyết những vấn đề (i) không được các bên yêu cầu, hoặc (ii) vượt quá yêu cầu của các bên ký kết thỏa thuận Trọng tài. Nghĩa là, Trọng tài không thể giải quyết các vấn đề khi các bên không có đơn yêu cầu hay các vấn đề không thuộc trong phạm vi đơn yêu cầu (mặc dù trên thực tế có tồn tại thỏa thuận Trọng tài). Ngoài ra, Trọng tài cũng không được giải quyết các vấn đề mà các bên không có thỏa thuận đưa tranh chấp ra Trọng tài mặc dù tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực thương mại như phân tích ở mục trên.
Thế nhưng, trong trường hợp Trọng tài đã ban hành phán quyết bao gồm giải quyết những vấn đề vượt quá thẩm quyền thì BLTTDS vẫn cho phép có thể tách phần quyết định thuộc phạm vi yêu cầu ra riêng để sau đó yêu cầu Tòa án công nhận và cho thi hành. Hướng quy định này góp phần bảo vệ quyền lợi cho bên được thi hành một cách tốt hơn thay vì hướng từ chối công nhận toàn bộ phán quyết.
Không công nhận Phán quyết Trọng tài nước ngoài liên quan đến Tố tụng Trọng tài
Bên phải thi hành không được thông báo kịp thời và hợp thức
“Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thi hành không được thông báo kịp thời và hợp thức về việc chỉ định Trọng tài viên, về thủ tục giải quyết vụ tranh chấp tại Trọng tài nước ngoài hoặc vì nguyên nhân chính đáng khác mà không thể thực hiện được quyền tố tụng của mình”[9]
Việc bên phải thi hành không được thông báo đầy đủ về việc chỉ định Trọng tài viên hoặc thủ tục tố tụng Trọng tài được xem là một vi phạm nghiêm trọng. Việc không được thông báo kịp thời và hợp thức nàyvề chỉ định Trọng tài viên hay về thủ tục tố tụng Trọng tài đã ảnh hưởng đến các quyền lợi của bên phải thi hành và có thể đã tác động trực tiếp đến kết quả giải quyết vụ tranh chấp.
Bởi vì trong thủ tục tố tụng Trọng tài, thành phần Trọng tài viên trước tiên sẽ do các bên trong tranh chấp tự mình lựa chọn. Do đó, các bên thường sẽ có xu hướng lựa chọn các Trọng tài viên mà mình tin tưởng, am hiểu về lĩnh vực và có kinh nghiệm giải quyết các tranh chấp tương tự. Hoặc về các thủ tụng tố tụng Trọng tài, khi không được thông báo kịp thời và hợp thức các thủ tục này có thể khiến bên phải thi hành không đã không thể nào có đủ thời gian chuẩn bị các tài liệu hoặc thực hiện các quyền khiếu nại của mình (nếu có).
“Thành phần của Trọng tài nước ngoài, thủ tục giải quyết tranh chấp của Trọng tài nước ngoài không phù hợp với thỏa thuận trọng tài hoặc với pháp luật của nước nơi phán quyết của Trọng tài nước ngoài đã được tuyên, nếu thỏa thuận trọng tài không quy định về các vấn đề đó“[10]
Đối với căn cứ này, việc “thành phần, thủ tục Trọng tài” được cho là không phù hợp khi tiến hành so sánh, đối chiếu với “thỏa thuận Trọng tài” hoặc “pháp luật của nước nơi phán quyết của Trọng tài nước ngoài đã được tuyên” trong trường hợp không có thỏa thuận.
Đối với thành phần hội đồng Trọng tài, hiện nay các Trung tâm, Tổ chức Trọng tài thường cho phép các bên thỏa thuận lựa chọn hội đồng Trọng tài gồm 1 hoặc 3 thành viên. Do đó, trong trường hợp các bên có thỏa thuận về số lượng hay chỉ định Trọng tài viên nhất định thì Hội đồng Trọng tài bắt buộc phải được thành lập theo thỏa thuận của các bên. Hoặc trường hợp một bên bị tước quyền chỉ định Trọng tài viên cũng cấu thành vi phạm thuộc trường hợp không công nhận phán quyết.
Về thủ tục Trọng tài, căn cứ này hướng đến những sai phạm liên quan đến sự khác biệt cơ bản giữa thủ tục tố tụng đã thống nhất so với thủ tục thực tế mà Hội đồng Trọng tài đã áp dụng. Có thể kể đến như, trường hợp các bên đã thỏa thuận áp dụng quy tắc Trọng tài của một tổ chức nhất định (ví dụ Quy tắc Trọng tài ICC) nhưng quá trình tố tụng Trọng tài lại được tiến hành theo quy tắc của tổ chức khác (ví dụ Quy tắc SIAC).
Không công nhận Phán quyết Trọng tài nếu nội dung phán quyết trái với các nguyên tắc cơ bản của Pháp luật Việt Nam
Có thể nói, đây là một trong những căn cứ không công nhận và cho thi hành Phán quyết Trọng tài được quan tâm nhất do nội hàm quá rộng của thuật ngữ “nguyên tắc cơ bản của pháp luật”.
Theo đó, ở một số nước hoặc công ước sử dụng thuật ngữ “trật tự công cộng” thay vì “nguyên tắc cơ bản của pháp luật”, điển hình như Công ước New York 1958. Nhìn chung, mặc dù khác nhau về thuật ngữ sử dụng nhưng căn cứ này chính là quy định về bảo lưu trật tự công cộng trong tư pháp quốc tế.
Ở Việt Nam, “nguyên tắc cơ bản của pháp luật” được đề cập tại điểm đ khoản 2 Điều 14 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP là “các nguyên tắc xử sự cơ bản có hiệu lực bao trùm đối với việc xây dựng và thực hiện pháp luật Việt Nam”. Tuy nhiên, hướng giải thích quá rộng như trên đã giới hạn lại khả năng các phán quyết của trọng tài nước ngoài có thể được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam.
Không công nhận Phán quyết Trọng tài nước ngoài liên quan đến Hiệu lực của Phán quyết Trọng tài
Phán quyết trọng tài nước ngoài bị từ chối cho công nhận nếu phán quyết đó chưa có hiệu lực tại quốc gia mà nó được ban hành
Căn cứ này được quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 459 BLTTDS 2015. Bởi vì theo nguyên tắc, nhu cầu công nhận và thi hành phán quyết Trọng tài nước ngoài chỉ được đặt ra khi phán quyết đó trước tiên đã có hiệu lực theo pháp luật của nơi phán quyết được ban hành.
Tuy nhiên đối với căn cứ này, pháp luật Việt Nam hiện nay vẫn chưa có câu trả lời liệu khi nào một phán quyết nước ngoài được xem là “chưa có hiệu lực ràng buộc đối với các bên”[11]. Vì trên thực tế, các Quy tắc tố tụng Trọng tài hay pháp luật quốc gia thường có xu hướng quy định thời điểm phán quyết có hiệu lực là ngay khi phán quyết được ban hành.
Phán quyết Trọng tài bị hủy hoặc đình chỉ
“Phán quyết của Trọng tài nước ngoài bị cơ quan có thẩm quyền của nước nơi phán quyết đã được tuyên hoặc của nước có pháp luật đã được áp dụng hủy bỏ hoặc đình chỉ thi hành”[12]
Dựa trên nguyên tắc chủ quyền, pháp luật mà BLTTDS Việt Nam quy định rằng trường hợp phán quyết bị tuyên hủy tại quốc gia phán quyết được ban hành sẽ không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam.
Theo đó, cơ quan có thẩm quyền hủy phán quyết được Công ước New York mô tả là những cơ quan có thẩm quyền “giám sát” đối với phán quyết. Bên cạnh đó, BLTTDS sử dụng cụm từ “đã được tuyên” và “đã được áp dụng” để làm cơ sở cho việc không công nhận.
Điều này có nghĩa là, chỉ khi nào cơ quan có thẩm quyền của quốc gia nơi Phán quyết Trọng tài được ban hành đã có quyết định chính thức về việc hủy phán quyết thì mới được xem là thuộc căn cứ này. Trường hợp chỉ có đơn yêu cầu hủy hoặc đang trong quá trình xem xét yêu cầu hủy mà chưa có quyết định chính thức sẽ được xem là không thỏa mãn căn cứ.
Kết Luận
Có thể thấy, cùng với quy trình tố tụng Trọng tài, quy trình xin công nhận và cho thi hành phán quyết Trọng tài nước ngoài cũng là một bước vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phán quyết được thi hành. Việc không có sự cẩn trọng trong quá trình giải quyết vụ việc tại Trọng tài có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phá quyết trọng tài nước ngoài bị từ chối công nhận và cho thi hành.
Phụ Trách
![]() |
Trợ lý Luật sư Kiều Nữ Mỹ Hảo
Điện thoại: (84) 028 6276 9900 Email: hao.kieu@cnccounsel.com |
[1] Lê Nguyễn Gia Thiện “Phán quyết trọng tài nước ngoài theo Công ước New York 1958, thực tiễn áp dụng tại một số quốc gia và đề xuất áp dụng tại Việt Nam”, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, ngày 01/03/2018, xem tại: Phán quyết trọng tài nước ngoài theo Công ước New York 1958, thực tiễn áp dụng tại một số quốc gia và đề xuất áp dụng tại Việt Nam (tapchitoaan.vn)
[2] Trang Thông tin điện tử Pháp luật quốc tế, CSDL Công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài, xem tại: https://moj.gov.vn/tttp/Pages/dlcn-va-th-tai-Viet-Nam.aspx?fbclid=IwAR1wTsvb5Sl_61pjUiNMLqyP3XoWsNlzAi_GgZCsp1D44t0a8Rl5eF4pqAM
[3] Điểm a, khoản 1, Điều 459 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015
[4] Nguyễn Ngọc Lâm, Giáo trình Pháp luật Trọng tài Thương mại, NXB Hồng Đức, TP.HCM, 2021, tr.323
[5] Xem thêm: phần ba mục 1 Tưởng Duy Lượng, “Thực tiễn giải quyết đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài tại Việt Nam và một số điểm cần lưu ý”, xem tại: Bài viết (toaan.gov.vn)
[6] Điểm b, khoản 1, Điều 459, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015
[7] Điểm a, khoản 2, Điều 459, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015
[8] Điểm d, khoản 1, Điều 459, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015
[9] Điểm c, khoản 1, Điều 459, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015
[10] Điểm đ, khoản 1, Điều 459, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015
[11] Nguyễn Ngọc Lâm, Giáo trình Pháp luật Trọng tài Thương mại, NXB Hồng Đức, TP.HCM, 2021, tr.334.
[12] Điểm g, khoản 1, Điều 459, Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự 2015.
—————————————————-
Bất kỳ ý kiến đóng góp, hiệu chỉnh nào của độc giả đối với các nội dung trong bản tin này hoặc cần CNC hỗ trợ thêm, vui lòng gửi về:
liên hệ
Công ty Luật TNHH CNC Việt Nam
CNC© | A Boutique Property Law Firm
The Sun Avenue, 28 Mai Chí Thọ, Phường An Phú, Quận 2,
Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam
T: (+84-28) 6276 9900 | H/L: (+84) 916 545 618
Miễn trừ:
Bản tin này được chuẩn bị hoặc được sử dụng vì mục đích giới thiệu hoặc cập nhật cho khách hàng những thông tin về những vấn đề và/hoặc sự phát triển các quan điểm pháp lý tại Việt Nam. Các thông tin được trình bày tại bản tin này không tạo thành ý kiến tư vấn thuộc bất kỳ loại nào và có thể được thay đổi mà không cần phải thông báo trước.
Pingback: Buổi trao đổi về Trọng tài giữa CNC và Gan – CNC | Công ty Luật TNHH CNC Việt Nam