Vấn đề giấy tờ, tài liệu trong tố tụng trọng tài có phải hợp pháp hóa lãnh sự hay không là một chủ đề còn nhiều quan điểm trái chiều trong thực tiễn xét xử và gây ra những lo ngại cũng như rủi ro nhất định cho các bên tham gia, đặc biệt là các bên có yếu tố nước ngoài.
Trong thực tiễn xét xử, có những phán quyết trọng tài bị hủy bởi Tòa án với lý do các giấy tờ, tài liệu được sử dụng trong tố tụng trọng tài không hợp pháp hóa lãnh sự.
Thực tiễn này gây ra nhiều rủi ro cho hoạt động trọng tài tại Việt Nam, không phù hợp với thông lệ quốc tế trong hoạt động thương mại và Trọng tài quốc tế, giảm tính linh hoạt, hiệu quả và nhanh chóng của hoạt động trọng tài.
Tuy nhiên, vấn đề này có thể sẽ được giải quyết triệt để nếu như sắp tới, Tòa án nhân dân tối cao chính thức thông qua dự thảo án lệ số 15/2024 (sau đây gọi là “Dự Thảo Án Lệ”) theo hướng các giấy tờ, tài liệu được sử dụng trong tố tụng trọng tài không cần thiết phải hợp pháp hóa lãnh sự, dựa trên một Quyết định của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội (“Tòa Hà Nội”) vào tháng 11/2023.
Cụ thể, CNC xin giới thiệu với độc giả bài viết sau đây được thực hiện bởi Luật sư Trần Phạm Hoàng Tùng và Trợ lý Luật sư Phạm Nguyễn Tấn Trung.
Tải file PDF tại đây: Án lệ về hợp pháp hóa lãnh sự trong trọng tài
Diễn biến chính của vụ việc
Năm 2022, một công ty có trụ sở tại Mỹ khởi kiện một công ty Việt Nam tại Trung tâm trọng tài V liên quan đến tranh chấp phát sinh từ hợp đồng mua bán hàng hóa.
Trong quá trình tố tụng trọng tài, Nguyên đơn đã cung cấp Thư ủy quyền được hợp pháp hóa lãnh sự đề ngày 05/01/2023 của ông J là người đại diện theo pháp luật của Nguyên đơn cho 02 cá nhân tại Việt Nam đại diện Nguyên đơn tham gia tố tụng trọng tài (sau đây gọi là “Thư Ủy Quyền”) theo yêu cầu của Hội đồng trọng tài.
Thư Ủy Quyền có nội dung như sau: “xác nhận và phê duyệt bất kỳ công việc nào mà các đại diện theo ủy quyền đã hoặc sẽ thực hiện hoặc có ý định thực hiện một cách hợp pháp theo giấy ủy quyền này, bao gồm việc xác nhận và phê chuẩn bất kỳ công việc nào đã được thực hiện một cách trung thực và ngay tình thay mặt cho Công ty thực hiện và hoàn thành các công việc được ủy quyền”.
Ngày 23/6/2023, Hội đồng trọng tài ban hành phán quyết trọng tài theo hướng có lợi cho Nguyên đơn.
Ngày 18/7/2023, Bị đơn nộp đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài tại Tòa Hà Nội. Một trong các căn cứ được Bị đơn đưa ra là phán quyết trọng tài trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, cụ thể là phán quyết vi phạm khoản 2 Điều 4 Nghị định 111/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính phủ về chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự do Hội đồng trọng tài chấp nhận Đơn khởi kiện không được hợp pháp hóa lãnh sự.
Ngày 27/11/2023, Tòa Hà Nội ra Quyết định số 16/2023/QĐ-PQTT (“Quyết định 16”) với nội dung không chấp nhận yêu cầu hủy phán quyết trọng tài của Bị đơn.
![](https://cnccounsel.com/wp-content/uploads/2024/05/Cac-su-kien-chinh-cua-vu-viec.png)
Lập luận của Tòa Hà Nội được đưa vào Dự Thảo Án Lệ
Về cơ bản, Tòa Hà Nội đưa ra 02 lập luận chính để nhận định rằng Đơn khởi kiện được nộp cho Trung tâm trọng tài không cần thiết phải được hợp pháp hóa lãnh sự. Cụ thể:
(1) Thư Ủy Quyền của Nguyên đơn đã được hợp pháp hóa lãnh sự và nộp theo yêu cầu của Hội đồng trọng tài. Nội dung của Thư Ủy Quyền được hiểu là các công việc ủy quyền đã bao gồm việc ký đơn khởi kiện trước ngày Thư Ủy Quyền được hợp pháp hóa lãnh sự.
(2) Đơn khởi kiện được nộp cho Trung tâm trọng tài thuộc trường hợp các giấy tờ, tài liệu được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo khoản 4 Điều 9 Nghị định số 111/2011/NĐ-CP.
![](https://cnccounsel.com/wp-content/uploads/2024/05/Hai-lap-luan-chinh-cua-Toa-Ha-Noi-trong-Du-Thao.png)
Các lập luận này được thể hiện tại Nhận định số [6] và [7] của Quyết định 16, chính là phần được đề xuất làm nội dung án lệ, cụ thể:
- Tình huống án lệ: Bên yêu cầu có yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài với lý do Hội đồng trọng tài không yêu cầu bên liên quan hợp pháp hoá lãnh sự các giấy tờ, tài liệu lập ở nước ngoài được nộp tại Trọng tài thương mại Việt Nam.
- Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, Toà án phải xác định giấy tờ, tài liệu này không nhất thiết phải hợp pháp hóa lãnh sự do cơ quan tiếp nhận là Trọng tài thương mại Việt Nam không yêu cầu, trừ trường hợp quy tắc tố tụng trọng tài có quy định.
Bình luận về tính thuyết phục của Dự Thảo Án Lệ
Theo quan điểm của chúng tôi, hai Nhận định [6] và [7] nói trên là thuyết phục và phù hợp với khung pháp lý của Việt Nam để chứng minh sự không cần thiết của việc hợp pháp hóa lãnh sự các giấy tờ, tài liệu được sử dụng trong tố tụng trọng tài. Cụ thể:
Thứ nhất, về bản chất, việc hợp pháp hóa lãnh sự giấy tờ, tài liệu nước ngoài chỉ là việc chứng nhận con dấu, chữ ký, chức danh trên giấy tờ, tài liệu để được công nhận và sử dụng tại Việt Nam, nhưng không bao hàm chứng nhận về nội dung và hình thức của giấy tờ, tài liệu.[1] Nói cách khác, Đơn khởi kiện của Nguyên đơn nước ngoài, mặc dù không được hợp pháp hóa lãnh sự, không đồng nghĩa là không có giá trị pháp lý nếu như Nguyên đơn có đủ căn cứ chứng minh ý chí của Nguyên đơn về việc khởi kiện ra trọng tài Việt Nam.
Trong vụ việc của Dự Thảo Án Lệ, Nguyên đơn đã nộp Thư Ủy Quyền có hợp pháp hóa lãnh sự về việc ủy quyền cho 02 cá nhân Việt Nam đại diện Nguyên đơn tham gia tố tụng trọng tài, trong đó bao gồm việc ký Đơn khởi kiện (không hợp pháp hóa lãnh sự) đã được nộp trước đó tại Trung tâm trọng tài. Từ đó, Hội đồng trọng tài xác định Đơn khởi kiện không cần thiết phải được hợp pháp hóa lãnh sự và quan điểm này nhận được sự đồng tình của Tòa Hà Nội.
Thứ hai, Nghị định 111/2011/NĐ-CP quy định rằng để tài liệu, giấy tờ của nước ngoài được công nhận và sử dụng tại Việt Nam, các tài liệu, giấy tờ đó phải được hợp pháp hóa lãnh sự “trừ trường hợp quy định tại Điều 9 của Nghị định này”[2] – đây cũng là cơ sở được Tòa Hà Nội viện dẫn. Cụ thể, Điều 9.4 của Nghị định 111/2011/NĐ-CP quy định như sau:
“Giấy tờ, tài liệu mà cơ quan tiếp nhận của Việt Nam hoặc của nước ngoài không yêu cầu phải hợp pháp hóa lãnh sự, chứng nhận lãnh sự phù hợp với quy định pháp luật tương ứng của Việt Nam hoặc của nước ngoài.”
Dù nội dung Dự Thảo Án Lệ không đề cập, nhưng “phù hợp với quy định pháp luật tương ứng của Việt Nam” ở đây có thể được hiểu là phù hợp với Luật Trọng tài thương mại 2010 nói riêng và pháp luật trọng tài thương mại nói chung. Theo đó, không giống như pháp luật tố tụng dân sự tại Tòa án, pháp luật trọng tài thương mại áp dụng cho tố tụng trọng tài Việt Nam không yêu cầu các giấy tờ, tài liệu nước ngoài được sử dụng trong tố tụng trọng tài phải được hợp pháp hóa lãnh sự.
Khắc phục bất cập trong thực tiễn xét xử
Quyết định 16 trong Dự Thảo Án Lệ đã phản bác lại một Quyết định khác gây ra nhiều tranh cãi và lo ngại của chính Tòa Hà Nội trước đó – Quyết định Số 12/2023/QĐ-PQTT ngày 04/7/2023 (sau đây gọi là “Quyết định 12”). Quyết định 12 này chính là ví dụ điển hình của thực trạng phán quyết trọng tài có rủi ro bị hủy nếu có tài liệu, giấy tờ nước ngoài được sử dụng trong tố tụng trọng tài không được hợp pháp hóa lãnh sự. Chúng tôi cho rằng hướng giải quyết của Tòa án trong vụ việc này là rất thiếu thuyết phục và có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến tính hiệu quả và sự phát triển lâu dài của nền trọng tài Việt Nam.
Cụ thể, Quyết định 12 cho rằng việc Hội đồng trọng tài tiếp nhận những giấy tờ, tài liệu nước ngoài không được hợp pháp hóa lãnh sự vào thời điểm thụ lý vụ tranh chấp (dù rằng sau đó các giấy tờ, tài liệu có hợp pháp hóa lãnh sự đã được nộp bổ sung cho Hội đồng trọng tài) là một trong những căn cứ hủy phán quyết trọng tài do vi phạm nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, mà cụ thể là Điều 478 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về việc “Công nhận giấy tờ, tài liệu do cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài gửi cho Tòa án Việt Nam”, trong đó yêu cầu các giấy tờ, tài liệu này phải được hợp pháp hóa lãnh sự.
Có thể nói, hướng giải quyết của Tòa Hà Nội trong Quyết định 12 đã gây ra rất nhiều tranh cãi và hoang mang trong giới học thuật, những người hành nghề cũng như các bên tham gia tố tụng trọng tài tại Việt Nam khi mà Tòa án đã “áp dụng tương tự” các quy định của thủ tục tố tụng dân sự tại Tòa án theo Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 đối với thủ tục tố tụng trọng tài, vốn là hai cơ chế giải quyết tranh chấp hoàn toàn khác biệt.
![](https://cnccounsel.com/wp-content/uploads/2024/05/An-le-neu-duoc-thong-qua-se-khac-phuc-thuc-trang-huy-phan-quyet-trong-tai-01-1-scaled.jpg)
Kết luận
Với những điểm thuyết phục nêu trên, Dự Thảo Án Lệ hoàn toàn có khả năng sẽ được thông qua và trở thành án lệ chính thức trong thời gian tới. Khi đó, các quan ngại về vấn đề hợp pháp hóa lãnh sự trong tố tụng trọng tài sẽ cơ bản được gỡ bỏ, giúp các bên tham gia yên tâm hơn khi lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài tại Việt Nam.
Đó cũng sẽ là tín hiệu đáng mừng cho nền trọng tài Việt Nam, góp phần đảm bảo hoạt động giải quyết tranh chấp bằng trọng tài ở Việt Nam hiệu quả, nhanh gọn, dễ dự đoán và tiệm cận hơn với các thông lệ quốc tế.
Phụ trách:
![]() |
Cộng sự Cấp Cao Trần Phạm Hoàng Tùng
Điện thoại: (84) 901 334 192 Email: tung.tran@cnccounsel.com |
![]() |
Trợ lý luật sư Phạm Nguyễn Tấn Trung
Điện thoại: (84) 347 924 900 Email: trung.pham@cnccounsel.com |
[1] Khoản 2 Điều 2 và Điều 3 Nghị định 111/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính phủ về chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự.
[2] Khoản 2 Điều 4 và Điều 9 Nghị định 111/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011.
—————————————————-
Bất kỳ ý kiến đóng góp, hiệu chỉnh nào của độc giả đối với các nội dung trong bản tin này hoặc cần CNC hỗ trợ thêm, vui lòng gửi về:
liên hệ
Công ty Luật TNHH CNC Việt Nam
CNC© | A Boutique Property Law Firm
The Sun Avenue, 28 Mai Chí Thọ, Phường An Phú, Quận 2,
Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam
T: (+84-28) 6276 9900 | H/L: (+84) 916 545 618
Miễn trừ:
Bản tin này được chuẩn bị hoặc được sử dụng vì mục đích giới thiệu hoặc cập nhật cho khách hàng những thông tin về những vấn đề và/hoặc sự phát triển các quan điểm pháp lý tại Việt Nam. Các thông tin được trình bày tại bản tin này không tạo thành ý kiến tư vấn thuộc bất kỳ loại nào và có thể được thay đổi mà không cần phải thông báo trước.
Pingback: Buổi trao đổi về Trọng tài giữa CNC và Gan – CNC | Công ty Luật TNHH CNC Việt Nam