Vào sáng ngày 10/08/2024, buổi Workshop của CNC Counsel với chủ đề “Khiếu nại theo Hợp đồng FIDIC – các bên tham gia cần lưu ý gì?” đã diễn ra thành công tốt đẹp với sự tham gia đông đảo của những người hành nghề pháp lý xây dựng đến từ các công ty luật, các chủ đầu tư, nhà tư vấn và các nhà thầu.
Thông qua buổi Workshop, các diễn giả cùng người tham dự đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ chuyên sâu với nhiều góc nhìn khác nhau về các vấn đề liên quan đến soạn thảo và quản lý Khiếu nại theo bộ hợp đồng FIDIC.
Các chủ đề được trình bày tại buổi Workshop
Phần 1: Quy trình khiếu nại theo hợp đồng FIDIC – góc nhìn mới từ một số vụ việc trên thế giới, trình bày bởi Luật sư Trần Phạm Hoàng Tùng – Cộng sự cấp cao Công ty Luật CNC Counsel
Phần 2: Quản lý khiếu nại từ góc nhìn của các bên tham gia hợp đồng, trình bày bởi ThS. Tống Thị Thu Thảo – trưởng phòng pháp lý & quản lý hợp đồng, Người quản lý hợp đồng được FIDIC chứng nhận (FCCM)
Phần 3: Kinh nghiệm quản lý khiếu nại gia hạn thời gian (EOT) từ góc nhìn nhân chứng chuyên gia, trình bày bởi Bà Trần Nguyễn Thiên Trang – Chuyên gia phân tích chậm tiến độ tại Công ty tư vấn Secretariat (Singapore)
CNC tổ chức thành công Workshop Khiếu nại theo Hợp đồng FIDIC
Trong phần 1, Luật sư Trần Phạm Hoàng Tùng đã chia sẻ về cách hiểu và áp dụng quy trình khiếu nại theo hợp đồng FIDIC, bao gồm các phiên bản 1999 và 2017 và so sánh sự khác nhau giữa hai phiên bản này. Luật sư Tùng cũng chia sẻ về một số vụ việc tại các Tòa án Hong Kong, Singapore, Anh,… để cung cấp cho người tham dự những góc nhìn và những lưu ý khi thực hiện thủ tục Khiếu nại.
Theo Luật sư Tùng, một số lưu ý chính khi thực hiện Khiếu nại bao gồm:
- Chủ động có Khiếu nại ngay khi nhận biết về sự kiện. Không nên chờ đợi.
- Khiếu nại không làm rạn nứt mối quan hệ giữa các bên mà ngược lại, giúp quản lý dự án hiệu quả và giảm thiểu tranh chấp.
- Thông báo Khiếu nại cần được gửi đúng thủ tục và đối tượng.
- Khiếu nại chi tiết cần được soạn thảo theo cấu trúc phù hợp và kèm theo các hồ sơ giải trình liên quan để Nhà tư vấn có cơ sở đánh giá.
- Để đảm bảo không bị mất quyền, cần thực hiện ít nhất 1 bước Khiếu nại nếu áp dụng FIDIC 1999, ít nhất 02 bước nếu áp dụng FIDIC 2017.
- Trong FIDIC 2017, thủ tục Khiếu nại được áp dụng giống nhau cho cả Chủ đầu tư và Nhà thầu.
- Khi đệ trình Khiếu nại chi tiết theo FIDIC 2017, tất cả cơ sở pháp lý có liên quan cần được thể hiện đầy đủ, tránh bỏ sót.
- Đối với Nhà thầu, việc không thực hiện Khiếu nại gia hạn thời gian không những làm mất quyền mà còn có thể bị áp dụng LD.
Luật sư Trần Phạm Hoàng Tùng – Cộng sự cấp cao Công ty Luật CNC Counsel
Trong phần 2, ThS. Tống Thị Thu Thảo đã chia sẻ các kinh nghiệm thực tế trong việc soạn thảo và quản lý Khiếu nại dưới góc nhìn của Nhà thầu. Theo bà Thảo, các quan điểm về việc Khiếu nại bị xem là tiêu cực hoặc là một sự bất tiện để gây khó khăn cho các bên là những quan điêm sai lầm phổ biến. Ngược lại, việc Khiếu nại giúp bảo vệ quyền lợi của các bên, giảm thiểu các tranh chấp tiềm năng và giúp kiểm soát chi phí & tiến độ dự án.
Từ những vụ việc thực tế của mình, bà Thảo cũng chia sẻ một số sai sót mà các bên tham gia hợp đồng thường gặp:
- Không tuân thủ các quy định của hợp đồng khi thực hiện Khiếu nại (hình thức, thủ tục, thẩm quyền tiếp nhận,…).
- Không lưu trữ, theo dõi đầy đủ thông tin để ghi lại những sự kiện đã/đang phát sinh.
- Khiếu nại thiếu thông tin cần thiết về các cơ sở và bằng chứng phù hợp.
- Bỏ sót các quyền lợi khi thực hiện Khiếu nại (ví dụ chỉ Khiếu nại về thời gian mà bỏ sót chi phí).
- Đưa ra quá nhiều các thông tin không liên quan.
Cuối cùng, bà Thảo đưa ra một số khuyến nghị để các bên tham gia hợp đồng thực hiện Khiếu nại hiệu quả hơn, bao gồm:
- Xây dựng hệ thống nhân sự thực hiện Khiếu nại phù hợp;
- Sử dụng các công nghệ hỗ trợ để quản lý việc Khiếu nại.
- Xây dựng và duy trì giao tiếp hiệu quả giữa các bên tại dự án.
- Tham khảo ý kiến tư vấn pháp lý từ các chuyên gia khi cần thiết.
ThS. Tống Thị Thu Thảo tại Workshop Khiếu nại theo Hợp đồng FIDIC
Trong phần 3, bà Trần Nguyễn Thiên Trang đã cung cấp cho người tham dự các thông tin hữu ích về phương pháp phân tích chậm trễ để phục vụ cho việc soạn thảo Khiếu nại gia hạn thời gian hoàn thành (EOT), bao gồm 02 phương pháp phổ biến là As-Planned (mô phỏng chậm trễ trong tương lai) và As-Planned vs As-Built (phân tích chậm trễ đã xảy ra trong quá khứ).
Bà Trang cũng giới thiệu về 02 tài liệu phổ biến được sử dụng trên thế giới để phân tích chậm trễ là SCL Delay & Disruption Protocol (2017) và AACE Recommended Practice (2007). Theo bà Trang, một số sai sót mà các bên thường gặp khi thực hiện Khiếu nại EOT bao gồm:
- Không thiết lập được đường găng của dự án.
- Không chứng minh được các sự kiện chậm trễ có tác động đến đường găng.
- Không xem xét sự kiện chậm trễ của Nhà thầu.
- Không cho thấy các biện pháp khắc phục/giảm thiểu chậm trễ của Nhà thầu.
- Thiếu sót về tài liệu bổ trợ để chứng minh.
Bà Trần Nguyễn Thiên Trang – Chuyên gia phân tích chậm tiến độ tại Công ty tư vấn Secretariat tại Workshop Khiếu nại theo Hợp đồng FIDIC
Trong phần cuối cùng của buổi Workshop, các diễn giả và người tham dự đã trao đổi cởi mở về những câu hỏi được đặt ra, những góc nhìn khác nhau thông qua kinh nghiệm và bài học thực tế. Thông qua buổi Workshop, CNC mong rằng những người hành nghề xây dựng tại Việt Nam sẽ có thêm những thông tin hữu ích để thực hiện tốt hơn công tác quản lý hợp đồng và quản lý Khiếu nại.
Một số hình ảnh tại buổi Workshop Khiếu nại theo Hợp đồng FIDIC
Các diễn giả cùng nhau bàn luận trong chuyên mục Hỏi – Đáp về Kinh nghiệm quản lý khiếu nại
Ông Lê Thế Hùng – Luật sư Điều hành của CNC Counsel đưa ra những câu hỏi về Khiếu nại theo hợp đồng FIDIC
Link hình ảnh tổng hợp: Hình ảnh Workshop Khiếu nại theo Hợp đồng FIDIC
————————————–
CNC© | A Boutique Property Law Firm
The Sun Avenue, 28 Mai Chí Thọ, Phường An Phú, Tp. Thủ Đức,
Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam
T: (+84-28) 6276 9900 | H/L: (+84) 916 545 618
Pingback: 8 sự kiện chuyên sâu về Giải quyết Tranh chấp 2025 – CNC | Công ty Luật TNHH CNC Việt Nam