Hướng tiếp cận mới của Tòa án về bồi thường ấn định trước
Bồi thường ấn định trước là một chế định có nhiều quan điểm khác nhau trong thực tiễn pháp luật. Trước đây, nhiều Tòa án Việt Nam cho rằng chế định này không được chấp nhận bởi pháp luật Việt Nam, nhưng liệu điều này đã thay đổi trong thời gian gần đây?
Về vấn đề này, CNC hân hạnh giới thiệu với độc giả bài viết sau đây được thực hiện bởi Luật sư Trần Phạm Hoàng Tùng và Trợ lý Luật sư Phạm Nguyễn Tấn Trung.
Tải bản PDF của bài viết tại đây:[pdf] Newsletter_Hướng tiếp cận mới của Tòa án về bồi thường ấn định trước
Dẫn nhập
Bồi thường ấn định trước hay Bồi thường thiệt hại ước tính (“Liquidated Damages” hay “LD”), là chế định bồi thường thiệt hại dựa trên điều khoản buộc bên vi phạm có nghĩa vụ phải trả khoản tiền ấn định để bù đắp cho các thiệt hại do hành vi vi phạm (sau đây gọi là “điều khoản LD”).[1]
Điều khoản LD tương đối thông dụng trên thực tế, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng. Đối với các hợp đồng xây dựng được soạn thảo theo các mẫu hợp đồng của Hiệp hội Quốc tế các kỹ sư tư vấn (FIDIC), chủ đầu tư và nhà thầu có thể thỏa thuận trách nhiệm bồi thường ấn định trước của nhà thầu được xác định theo điều khoản LD nếu nhà thầu chậm trễ tiến độ hoàn thành công trình (Khoản 8.7 FIDIC Sách Đỏ 1999, Điều 8.8 FIDIC Sách Đỏ 2017).[2]
Tại Việt Nam, Bộ luật Dân sự 2015 có quy định tại Điều 13 và Điều 360 rằng trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải “bồi thường toàn bộ thiệt hại”, “trừ trường hợp có thỏa thuận khác” hoặc luật có quy định khác. Thoạt nhìn, điều khoản LD có vẻ được chấp nhận bởi Bộ luật Dân sự 2015. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy điều khoản LD thực tế vẫn chưa được pháp luật điều chỉnh cụ thể, dẫn đến việc công nhận tính hợp pháp của chế định bồi thường thiệt hại ấn định trước và điều khoản LD vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều. Tại trọng tài, các hội đồng trọng tài có xu hướng chấp nhận chế định bồi thường ấn định trước. Trong khi đó, thực tiễn xét xử tại Tòa án lại cho thấy xu hướng ngược lại.
Đơn cử, trong một quyết định giám đốc thẩm năm 2016, Tòa án nhân dân tối cao đã xác định điều khoản LD của các bên về bản chất là một thỏa thuận phạt vi phạm, và do đó khoản tiền “phạt” này không được quá 8% giá trị hợp đồng bị vi phạm theo Luật Thương mại 2005.[3] Một ví dụ khác, trong một quyết định giám đốc thẩm khác vào năm 2020, Tòa án nhân dân tối cao xác định điều khoản LD của các bên không được chấp nhận bởi pháp luật Việt Nam do việc bồi thường thiệt hại phải căn cứ vào thiệt hại thực tế.[4]
Tuy nhiên, đi ngược lại với xu hướng nói trên, một bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2022 (“Bản Án”) đã đưa ra nhận định theo hướng công nhận tính hợp pháp của chế định bồi thường ấn định trước.[5] Đáng chú ý, Bản Án này đã đưa ra những lý giải tương đối chi tiết những khía cạnh pháp lý quan trọng của điều khoản LD cũng như chế định bồi thường ấn định trước, cụ thể sẽ được trình bày sau đây.[6]
Diễn biến chính của vụ việc
Năm 2016, Nguyên đơn là Thầu phụ và Bị đơn là Thầu chính ký kết Hợp đồng xây dựng 001. Phụ lục hợp đồng A01 và Phụ lục hợp đồng A02 cũng được ký kết trong vòng 01 năm sau đó.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng, các bên phát sinh tranh chấp vào cuối năm 2017. Trong tất cả các yêu cầu được các bên đưa lên Tòa án, Thầu chính có yêu cầu Tòa án buộc Thầu phụ bồi thường ấn định trước dựa trên điều khoản LD tại Mục 3 Phụ lục hợp đồng A02: “…Ngoài ra, nếu bên B (tức Thầu phụ) chậm hoàn thành thi công dự án theo tiến độ đã cam kết là ngày 10/3/2017, thì bên B sẽ bị phạt 300.000.000 đồng cho 1 ngày chậm tiến độ”.
Năm 2022, Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án chấp nhận một phần yêu cầu bồi thường ấn định trước dựa trên điều khoản LD của Thầu chính, trên cơ sở công nhận tính hợp pháp của điều khoản LD. Sau đó các bên có kháng cáo bản án sơ thẩm, nhưng quyết định của Tòa án phúc thẩm đối với yêu cầu bồi thường ấn định trước dựa trên điều khoản LD của Thầu chính vẫn giữ nguyên như bản án sơ thẩm.
Các sự kiện chính của vụ việc về vấn đề yêu cầu bồi thường ấn định trước
Tóm tắt nhận định của Tòa án
Mặc dù yêu cầu đòi bồi thường ấn định trước dựa trên điều khoản LD của Thầu chính chỉ được Tòa án chấp nhận một phần, nhưng vẫn không ảnh hưởng đến sự thật rằng Tòa án trong vụ việc này đã công nhận tính hợp pháp của điều khoản LD và chế định bồi thường ấn định trước.
Trong đó, những nội dung về điều khoản LD trong Bản Án được thể hiện tại Nhận định số [5.3] và số [5.5]. Có thể tóm tắt những nhận định đó của Tòa án như sau:
(1) Tòa án diễn giải nội dung của Mục 3 Phụ lục hợp đồng A02 là một điều khoản LD.
(2) Tòa án xác định nội hàm và bản chất của điều khoản LD nói trên. Trong đó:
- Điều khoản LD là một thỏa thuận cụ thể về cách thức xác định khoản tiền bồi thường thiệt hại do hai bên ấn định trước vào thời điểm giao kết hợp đồng, khi chưa có hành vi vi phạm cũng như thiệt hại thực tế xảy ra.
- Các bên đã tiên đoán về mức thiệt hại trong tương lai có thể xảy ra nếu Thầu phụ vi phạm về thời hạn hoàn thành công trình.
- Mục đích của thỏa thuận là nhằm bù đắp tổn thất cho Thầu chính.
3) Tòa án công nhận tính hợp pháp của điều khoản LD trên cơ sở xem xét áp dụng tập quán, áp dụng tương tự pháp luật, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng theo quy định tại Điều 5, 6 và 14 Bộ luật dân sự 2015. Cụ thể:
- Điều khoản LD không trái nguyên tắc tự do thỏa thuận theo Điều 11 Luật Thương mại 2005.
- Bồi thường thiệt hại (theo Luật Thương mại 2005) là “quyền cơ bản” của bên bị vi phạm với mục đích “bù đắp tổn thất” cho bên bị vi phạm, không phụ thuộc vào sự tồn tại của điều khoản LD.
- Bên bị thiệt hại phải chứng minh đủ 03 điều kiện để được bồi thường: (i) hành vi vi phạm hợp đồng của bên vi phạm, (ii) có thiệt hại thực tế, và (iii) điều kiện (i) là nguyên nhân trực tiếp gây ra điều kiện (ii).
- Với điều khoản LD, các bên thỏa thuận trên cơ sở suy đoán mặc nhiên hành vi vi phạm sẽ gây ra thiệt hại cho bên bị vi phạm, dự đoán trước về mức thiệt hại có thể xảy ra để đưa ra cách thức cụ thể để xác định thiệt hại trong tương lai và “miễn trừ” nghĩa vụ chứng minh thiệt hại cho bên bị vi phạm (điều kiện (ii) và (iii)). Thế nên, bên bị vi phạm chỉ cần chứng minh điều kiện (i) để được bồi thường thiệt hại theo điều khoản LD.
- Yêu cầu bồi thường ấn định trước của Thầu chính phù hợp với nguyên tắc “Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự” và vẫn đảm bảo đúng bản chất của chế tài bồi thường thiệt hại.
(4) Tuy nhiên, mức bồi thường ấn định trước theo điều khoản LD của các bên sẽ được Tòa án “xem xét lại” nếu nó “quá lớn” so với thiệt hại thực tế của Thầu chính, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của Thầu phụ.
Một số bình luận
Về cơ bản, Tòa án trong vụ việc này đã dựa vào nguyên tắc tự do thỏa thuận và nguyên tắc “quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự” (được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự 2015) để công nhận tính hợp pháp của điều khoản LD. Từ đó, Tòa án chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường ấn định trước dựa trên điều khoản LD của Thầu chính trên cơ sở đánh giá rằng yêu cầu này vẫn đảm bảo đúng bản chất của chế định bồi thường thiệt hại. Đặc biệt, Tòa án cũng đặt ra giới hạn cho yêu cầu đòi bồi thường ấn định trước dựa trên điều khoản LD, đó là Tòa án có thẩm quyền “xem xét lại” mức bồi thường theo điều khoản LD nếu nó “quá lớn” so với thiệt hại thực tế.
Tất cả những nhận định nói trên chính là điểm nhấn của Bản Án, đi ngược lại với xu hướng không công nhận bồi thường ấn định trước và điều khoản LD trong thực tiễn xét xử tại Việt Nam suốt thời gian dài.[7] Chính xu hướng này đã gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp khi xảy ra tranh chấp. Bởi lẽ, điều khoản LD là thỏa thuận tương đối phổ biến trong các giao dịch kinh doanh, dựa trên nền tảng bên bị thiệt hại rất khó để chứng minh được chính xác thiệt hại thực tế và trực tiếp từ hành vi vi phạm của bên gây ra thiệt hại, đồng thời việc chứng minh thiệt hại sẽ mất rất nhiều thời gian và nguồn lực của bên bị thiệt hại.[8] Vì thế, điều khoản LD sẽ giúp các bên dễ dàng hơn trong việc xác định được mức thiệt hại ấn định trước do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra, qua đó hạn chế được rủi ro kéo dài thời gian của các thủ tục giải quyết tranh chấp. Việc Tòa án trong vụ việc này công nhận tính hợp pháp của chế định bồi thường ấn định trước và điều khoản LD là một tín hiệu đáng khích lệ cho thực tiễn xét xử tại Việt Nam.
Bên cạnh công nhận tính hợp pháp, việc giới hạn hiệu lực của điều khoản LD trong một chừng mực nhất định theo nhận định trong Bản Án cũng là một điểm thuyết phục đáng lưu tâm. Bởi lẽ, mặc dù bên bị vi phạm được miễn trừ nghĩa vụ chứng minh thiệt hại của mình, nhưng nếu bên vi phạm phải bồi thường một khoản tiền bồi thường ấn định trước theo điều khoản LD mà khoản tiền này “quá cao” so với thiệt hại thực tế, thì mục đích “bù đắp tổn thất” của chế định bồi thường thiệt hại sẽ không đạt được. Cho nên, đối với trường hợp này, Tòa án cần “xem xét lại” mức bồi thường hợp lý hơn.[9]
Một điểm thú vị đối với nhận định giới hạn hiệu lực của điều khoản LD nói trên là nhận định này phù hợp với tinh thần của Bộ Nguyên tắc về Hợp đồng Thương mại Quốc tế (PICC) 2016 – được soạn thảo và ban hành bởi Viện quốc tế về Nhất thể hoá pháp luật tư (UNIDROIT) với hướng tiếp cận dung hòa trên cơ sở tham khảo pháp luật ở nhiều quốc gia theo cả hệ thống thông luật và dân luật, hay nói cách khác là chuẩn mực quốc tế về pháp luật hợp đồng. Cụ thể, PICC 2016 đã nêu tại Điều 7.4.13(2) rằng thiệt hại ấn định trước có thể được giảm xuống một mức hợp lý nếu khoản thiệt hại ấn định trước đó “quá lớn” so với thiệt hại phát sinh từ việc không thực hiện hợp đồng và những sự kiện liên quan khác. Trong trường hợp này, tính hợp lý của mức bồi thường có thể được đánh giá theo cách hiểu của một người bình thường, có cùng kiến thức và nghề nghiệp trong hoàn cảnh tương tự.[10]
Tóm tắt những lập luận chính của Tòa án để chấp nhận bồi thường ấn định trước
Những điểm còn bỏ ngỏ của Bản án
Bên cạnh những điểm nhấn đáng ghi nhận nêu trên, cách lập luận của Tòa án trong Bản Án cũng để lại một số điểm còn bỏ ngỏ cần được xem xét thêm.
Thứ nhất, Tòa án đã không chỉ ra sự khác biệt giữa một điều khoản LD với một thỏa thuận phạt vi phạm, giữa chế định bồi thường ấn định trước và chế định phạt vi phạm hợp đồng.
Như đã nêu, không ít Tòa án trong các vụ việc khác đã xác định một điều khoản LD là một thỏa thuận phạt vi phạm do Tòa án coi khoản tiền theo điều khoản này là khoản tiền “phạt vi phạm”. Đây chính là lý do Tòa án trong vụ việc này nên làm rõ được sự khác biệt giữa một điều khoản LD với một thỏa thuận phạt vi phạm để tránh sự nhầm lẫn giữa hai chế định này.
Đồng thời, liên quan đến thỏa thuận phạt vi phạm, Tòa án cũng không lý giải đủ thuyết phục tại sao nội dung tại Mục 3 Phụ lục hợp đồng A02: “…Ngoài ra, nếu bên B chậm hoàn thành thi công dự án theo tiến độ đã cam kết là ngày 10/3/2017, thì bên B sẽ bị phạt 300.000.000 đồng cho 1 ngày chậm tiến độ” lại được coi là một điều khoản LD khi nội dung của thỏa thuận có sử dụng từ “phạt”. Có lẽ tất cả thông tin liên quan đến bối cảnh toàn diện của thỏa thuận này không được thể hiện đầy đủ trong Bản Án, nên chúng tôi không có đủ cơ sở để đánh giá được tính thuyết phục của lập luận này của Tòa án.
Thứ hai, Tòa án thực thi thẩm quyền xem xét lại mức bồi thường ấn định trước theo điều khoản LD nếu nó quá lớn so với thiệt hại thực tế trong những trường hợp nào? Câu hỏi này quan trọng vì nếu Tòa án quá dễ dàng chấp nhận yêu cầu xem xét lại mức thiệt hại theo yêu cầu của bên vi phạm để bên vi phạm có thể được bồi thường khoản tiền ít hơn, thì sẽ làm cho các thủ tục giải quyết tranh chấp của các bên kéo dài lâu hơn do việc xác định thiệt hại thực tế để Tòa án xem xét lại sẽ tốn rất nhiều chi phí và thời gian. Từ đó, điều khoản LD sẽ không còn nhiều ý nghĩa vốn có của nó, đó là giúp các bên dễ dàng và nhanh chóng xác định được thiệt hại cần phải được bồi thường.
Thứ ba, Tòa án không xem xét trường hợp ngược lại là giả sử mức bồi thường ấn định trước theo điều khoản LD được coi là “quá thấp” so với thiệt hại thực tế thì Tòa án cũng thực thi thẩm quyền “xem xét lại” mức bồi thường đó hay không.
Theo Bản Án, Tòa án chỉ khẳng định thẩm quyền xem xét lại mức thiệt hại hợp lý nếu mức bồi thường ấn định trước theo điều khoản LD là “quá lớn” để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của bên vi phạm. Liệu Tòa án có thẩm quyền tương tự nếu mức bồi thường thiệt hại theo điều khoản LD là “quá thấp” để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của bên bị vi phạm hay không? Đây là vấn đề mà Tòa án không đề cập trong Bản Án.
Xét theo pháp luật của một số quốc gia, điển hình như Pháp, câu trả lời là có. Đơn cử, Điều 1231-5 Bộ luật Dân sự Pháp quy định Tòa án có thể quyết định giảm hoặc “tăng khoản tiền bồi thường” đã được các bên thỏa thuận nếu khoản tiền đó rõ ràng là quá cao hoặc “quá thấp”.[11]
Những điểm còn bỏ ngỏ của Bản án
Kết luận
Để trả lời cho câu hỏi ở tiêu đề bài viết, với Bản Án này, vẫn không có gì chắc chắn để khẳng định rằng chế định bồi thường ấn định trước chính thức được công nhận bởi pháp luật Việt Nam, vì tính đến thời điểm hiện tại, Bản Án này vẫn chưa được phát triển thành án lệ nên không có giá trị ràng buộc đối với các Tòa án khác trong các vụ việc tương tự về sau. Điều này đồng nghĩa vấn đề công nhận bồi thường ấn định trước và điều khoản LD vẫn tiếp tục là một chủ đề còn nhiều tranh luận dưới góc độ pháp luật Việt Nam.
Vì lẽ đó, trong quá trình soạn thảo hợp đồng thương mại mà có lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Tòa án, các bên nên hạn chế thỏa thuận về trách nhiệm bồi thường ấn định trước, thay vào đó nên sử dụng thỏa thuận phạt vi phạm (cùng với các biện pháp khắc phục khác đã được pháp luật công nhận rõ ràng). Tương tự, đối với các bên trong hợp đồng xây dựng được soạn thảo theo các mẫu hợp đồng của FIDIC, điều khoản về “delay damages (thiệt hại do chậm trễ)” (ví dụ như Khoản 8.7 FIDIC Sách Đỏ 1999, Điều 8.8 FIDIC Sách Đỏ 2017) nên được sửa lại trong Điều kiện riêng thành “delay penalty (phạt vi phạm do chậm trễ)” trong trường hợp Tòa án được lựa chọn là cơ quan giải quyết tranh chấp hợp đồng đó.[12]
Mặc dù vậy, với những điểm sáng đáng ghi nhận đã được phân tích trên đây, Bản Án này có thể được xem là một bước ngoặc to lớn trong thực tiễn xét xử ở Việt Nam liên quan đến bồi thường ấn định trước, và không loại trừ khả năng Bản Án này sẽ được Tòa án nhân dân tối cao phát triển thành án lệ trong tương lai không xa.
Mặt khác, những điểm còn bỏ ngỏ của Bản Án nêu trên hi vọng sẽ được các Tòa án khác xem xét, đánh giá kỹ lưỡng khi xét xử các vụ việc tương tự.
Phụ trách:
Cộng sự Cấp Cao Trần Phạm Hoàng Tùng
Điện thoại: (84) 901 334 192 Email: tung.tran@cnccounsel.com |
Trợ lý luật sư Phạm Nguyễn Tấn Trung
Điện thoại: (84) 347 924 900 Email: trung.pham@cnccounsel.com |
[1] Phạm Thị Cẩm Ngọc, Thoả thuận “bồi thường thiệt hại ước tính” trong pháp luật và thực tiễn xét xử ở Việt Nam và nước ngoài, Tạp chí Luật học số 6/2023, <https://tapchi.hlu.edu.vn/SubNews/Details/25862>.
[2] Le The Hung, Tran Pham Hoang Tung, Nguyen Huy Nhat Duy, FIDIC – Construction Law International – October 2023 (Vietnam), International Bar Association (2023) <https://www.ibanet.org/fidic-clint-october-2023?fbclid=IwAR2WcRBtmXeb2xt1xKNMw_6LvWUPtnWbdlCfIvwh7wGobQNNSYCQRaJf96s>.
[3] Quyết định giám đốc thẩm số 15/2016/KDTM-GĐT ngày 07/9/2016 của Tòa án nhân dân tối cao về “Tranh chấp hợp đồng xây dựng”, <https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta1057t1cvn/chi-tiet-ban-an>.
[4] Quyết định giám đốc thẩm số 10/2020/KDTM-GĐT ngày 14/8/2020 của Tòa án nhân dân tối cao, <https://www.toaan.gov.vn/webcenter/ShowProperty?nodeId=/UCMServer/TAND198581>.
[5] Bản án số 660/2022/KDTM-PT ngày 10/11/2022 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về “Tranh chấp hợp đồng thi công xây dựng công trình”, <https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta1256837t1cvn/chi-tiet-ban-an>.
[6] Bài viết chỉ chắt lọc những thông tin trong bản án có liên quan đến bồi thường ấn định trước do đây là nội dung trọng tâm của bài viết.
[7] Giản Thị Lê Na, Vi phạm hợp đồng hiệu quả, Luận án Tiến sĩ, Đại học Kinh tế – Luật (ĐHQG TP.HCM), trang 101 – 117 (2022) <https://psdh.uel.edu.vn/tien-do-thuc-hien-ncs/tien-do-thuc-hien-ncs-gian-thi-le-na>.
[8] Huỳnh Trung Hiếu, Ước định bồi thường thiệt hại liệu có được bồi thường?, Kinh tế Sài Gòn Online, ngày 26/01/2022 <https://thesaigontimes.vn/uoc-dinh-boi-thuong-thiet-hai-lieu-co-duoc-boi-thuong/>.
[9] Dư Ngọc Bích, Góp ý điều khoản phạt hợp đồng và mối liên hệ với bồi thường thiệt hại trong dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Tạp chí Dân chủ và Pháp luật – Bộ Tư pháp, ngày 07/10/2015, <https://danchuphapluat.vn/gop-y-dieu-khoan-phat-hop-dong-va-moi-lien-he-voi-boi-thuong-thiet-hai-trong-du-thao-bo-luat-dan-su-sua-doi>.
[10] Xem thêm: https://www.unidroit.org/instruments/commercial-contracts/unidroit-principles-2016/
[11] Xem thêm: https://www.legifrance.gouv.fr/codes/article_lc/LEGIARTI000032010131
[12] Le The Hung, Tran Pham Hoang Tung, Nguyen Huy Nhat Duy, FIDIC – Construction Law International – October 2023 (Vietnam), International Bar Association (2023) <https://www.ibanet.org/fidic-clint-october-2023?fbclid=IwAR2WcRBtmXeb2xt1xKNMw_6LvWUPtnWbdlCfIvwh7wGobQNNSYCQRaJf96s>.
—————————————————-
Bất kỳ ý kiến đóng góp, hiệu chỉnh nào của độc giả đối với các nội dung trong bản tin này hoặc cần CNC hỗ trợ thêm, vui lòng gửi về:
liên hệ
Công ty Luật TNHH CNC Việt Nam
CNC© | A Boutique Property Law Firm
The Sun Avenue, 28 Mai Chí Thọ, Phường An Phú, Quận 2,
Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam
T: (+84-28) 6276 9900 | H/L: (+84) 916 545 618
Miễn trừ:
Bản tin này được chuẩn bị hoặc được sử dụng vì mục đích giới thiệu hoặc cập nhật cho khách hàng những thông tin về những vấn đề và/hoặc sự phát triển các quan điểm pháp lý tại Việt Nam. Các thông tin được trình bày tại bản tin này không tạo thành ý kiến tư vấn thuộc bất kỳ loại nào và có thể được thay đổi mà không cần phải thông báo trước.
Pingback: Bồi thường ấn định trước theo quy định của pháp luật Việt Nam