Giải quyết tranh chấp đầu tư theo Trọng tài ICSID

Ngày đăng: Thứ Tư, 20/03/24 Người đăng: Ngan Nguyen
Giải quyết tranh chấp đầu tư theo Trọng tài ICSID

Giải quyết tranh chấp đầu tư theo Trọng tài ICSID

Môi trường đầu tư lành mạnh là một trong những yếu tố giúp thúc đẩy hoạt động đầu tư quốc tế diễn ra mạnh mẽ. Trong đó, việc đảm bảo được quyền khiếu kiện, khiếu nại đối với các hành vi, chính sách vi phạm của nước tiếp nhận đầu tư luôn là vấn đề mà các nhà đầu tư quan tâm.

Nhìn chung, khác với cơ chế tố tụng trọng tài thương mại thông thường, tố tụng trọng tài trong lĩnh vực đầu tư quốc tế mang nhiều điểm đặc biệt khi một bên tranh chấp là chính phủ của một quốc gia – chủ thể vốn được hưởng quyền miễn trừ tư pháp.

Theo đó, một trong những quy tắc được sử dụng và biết đến phổ biến nhất trong hoạt động tố tụng trọng tài đầu tư đó là Quy tắc Trọng tài của ICSID. Trong bản tin này, CNC sẽ cung cấp cho đọc giả một số thông tin cơ bản về Trọng tài ICSID và quy trình tố tụng trọng tài theo ICSID.

Cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư theo Trọng tài ICSID

ICSID là gì?

International Centre for Settlement of Investment Disputes (“ICSID”) hay còn gọi là Trung tâm Quốc tế giải quyết tranh chấp về đầu tư được thành lập vào năm 1966 theo Công ước về Giải quyết tranh chấp đầu tư giữa Quốc gia và các Công dân của các Quốc gia khác (“ICSID Convention”). ICSID là một trong năm tổ chức thành viên của Ngân hàng thế giới, bên cạnh các tổ chức Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (“IBRD”), Hiệp hội Phát triển Quốc tế (“IDA”), Tập đoàn Tài chính Quốc tế (“IFC”) và Cơ quan Bảo lãnh Đầu tư Đa phương (“MIGA”).[1]

ICSID là trung tâm hàng đầu thế giới trong việc giải quyết các tranh chấp giữa Quốc gia tiếp nhận đầu tư và Nhà đầu tư nước ngoài bằng Trọng tài và Hòa giải. ICISD là trung tâm giải quyết tranh chấp độc lập, phi chính trị và hiệu quả với mục đích giúp Quốc gia tiếp nhận đầu tư và Nhà đầu tư nước ngoài giải quyết tranh chấp một cách thân thiện và giữ gìn niềm tin giữa các bên.[2]

Trọng tài ICSID là gì?

Trọng tài ICSID là thuật ngữ được sử dụng để chỉ thủ tục tố tụng trọng tài được thực hiện dưới sự bảo hộ của ICSID và được thành lập theo Điều 1 ICSID Convention.

Theo đó, thủ tục tố tụng trọng tài ICSID được điều chỉnh bởi bộ bốn bộ quy tắc: ICSID Convention, ICSID Institution Rules 2022 (“Institution Rules”), ICSID Arbitration Rules 2022 (“Arbitration Rules”) và ICSID Administrative and Financial Regulations. Trong đó quy định về:

Mặc dù về tổng thể có đến bốn bộ quy tắc nhưng hai bộ quy tắc chủ yếu được áp dụng để điều chỉnh các vấn đề quan trọng trong thủ tục trọng tài ICSID chỉ gồm (i) Institution Rules, và (ii) Arbitration Rules.

Trọng tài ICSID giải quyết những loại tranh chấp nào?

Điểm đặc biệt của cơ chế giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài ICSID là cơ chế này được thiết kế riêng cho việc giải quyết tranh chấp giữa Quốc gia tiếp nhận đầu tư và Nhà đầu tư nước ngoài (hay còn được biết đến là tranh chấp ISDS). Các tranh chấp giữa các Quốc gia với nhau hoặc giữa các Nhà đầu tư với nhau không thể được giải quyết tại ICSID.

Quy trình giải quyết tranh chấp đầu tư theo Trọng tài ICSID

Quy trình giải quyết tranh chấp đầu tư theo Trọng tài ICSID

Nộp đơn khởi kiện và thụ lý

Nộp đơn khởi kiện

Nguyên đơn sẽ gửi đơn khởi kiện đến Tổng thư ký của Trung tâm Quốc tế giải quyết tranh chấp về đầu tư (“Tổng thư ký”) và nộp lệ phí.[3] Sau đó, Tổng thư ký sẽ gửi bản sao đơn khởi kiện đó cho bên còn lại biết về yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn, gồm các thông tin liên quan đến vấn đề đang tranh chấp, về các bên tranh chấp và thỏa thuận lựa chọn trọng tài.[4]

Sàng lọc và thụ lý đơn khởi kiện

Sau khi nhận được đơn khởi kiện và lệ phí của Nguyên đơn, Tổng thư ký sẽ xem xét đơn khởi kiện theo Điều 36(3) ICSID Convention và Quy tắc 6 Institution Rules.

Sàng lọc

Tổng thư ký phải ngay lập tức xác định liệu rằng tranh chấp có thuộc phạm vi giải quyết tranh chấp của ICSID không. Khi xác định, Tổng thư ký phải xem xét dựa vào các thông tin trong đơn khởi kiện. Nếu Tổng thư ký xét thấy yêu cầu khởi kiện thiếu một trong các điều kiện tại Điều 25 ICSID Convention[5] thì Tổng thư ký phải từ chối thụ lý đơn khởi kiện. Trong trường hợp ngược lại, Tổng thư ký phải thông báo thụ lý đơn khởi kiện.

Trong khoảng ba tuần, Tổng thư ký sẽ làm rõ các nội dung cần thiết, các thông tin hoặc tài liệu bổ sung từ bên khởi kiện.[6]

Thụ lý

Hai trường hợp có thể xảy ra sau khi Tổng thư ký xem xét đơn khởi kiện:

Trong trường hợp đơn khởi kiện được thụ lý thì ngay sau đó thủ tục thành lập Hội đồng trọng tài sẽ được khởi động và lúc này Aribtration Rules sẽ được áp dụng để điều chỉnh.

Thành lập Hội đồng trọng tài

Cách thức chỉ định và số lượng Trọng tài viên

Các bên nên thỏa thuận với nhau về số lượng Trọng tài viên và cách thức chỉ định Trọng tài viên. Trong trường hợp các bên không thể thỏa thuận về các vấn đề trên, cơ chế chỉ định và số lượng Trọng tài viên sẽ áp dụng quy định của ICSID Convention.

Thỏa thuận của các bên

Các bên nên thỏa thuận về cách thức chỉ định và số lượng Trọng tài viên trong hợp đồng, các hiệp định bảo hộ đầu tư giữa các quốc gia và luật nội địa.

Lưu ý rằng, Hội đồng trọng tài có thể bao gồm một Trọng tài viên duy nhất hoặc nhiều Trọng tài viên tùy theo thỏa thuận các bên nhưng số lượng Trọng tài viên phải là số lẻ.[7]

Cơ chế chỉ định Công ước

Trong vòng 45 ngày kể từ ngày thụ lý đơn khởi kiện mà các bên không thể thỏa thuận về cách thức chỉ định và số lượng Trọng tài viên thì cơ chế chỉ định tại Điều 37(2)(b) Công ước sẽ được áp dụng, theo đó[8]:

Chỉ định Trọng tài viên

Khi cách thức chỉ định và số lượng Trọng tài viên được xác định, các Trọng tài viên sẽ được chỉ định. Nếu các bên không thể chỉ định Trọng tài viên theo cách thức được xác định trước đó thì cơ chế chỉ định của ICSID Convention sẽ được áp dụng.

ICSID Convention có đưa ra các các yêu cầu về quốc tịch Trọng tài viên và tiêu chuẩn Trọng tài viên để các bên chỉ định thành viên Hội đồng trọng tài. Tuy nhiên, các bên có quyền sự do chọn Trọng tài viên theo bất kỳ tiêu chí nào họ cho là phù hợp.

Trong vòng 90 ngày kể từ ngày thụ lý đơn khởi kiện, nếu các bên không chọn được Trọng tài viên để thành lập Hội đồng trọng tài, một trong các bên có thể yêu cầu Chủ tịch Hội đồng hành chính (Chairman Administrative Council – Chủ tịch AC) ICSID bổ nhiệm các vị trí còn thiếu.[9]

Thành lập Hội đồng trọng tài

Hội đồng trọng tài được thành lập khi Tổng thư ký thông báo cho các bên rằng tất cả các Trọng tài viên đã chấp nhận chỉ định của các bên và ký tuyên bố.[10]

Việc thành lập Hội đồng trọng tài thường bao gồm hai quy trình khác nhau bao gồm quy trình thành lập Hội đồng trọng tài với một Trọng tài viên duy nhất và với ba Trọng tài viên.

Thành lập Hội đồng trọng tài với một Trọng tài viên duy nhất

Thủ tục thành lập Hội đồng trọng tài với một Trọng tài viên duy nhất nhìn chung khá đơn giản.

Các bên có thể thỏa thuận về việc chọn Trọng tài viên để giải quyết tranh chấp hoặc thỏa thuận đề nghị Tổng thư ký chọn Trọng tài viên duy nhất để giải quyết tranh chấp. Việc thỏa thuận chọn Trọng tài viên theo hai phương thức trên phải được thực hiện trong vòng 90 ngày kể từ ngày thụ lý.

Quy trình thành lập Hội đồng trọng tài với một Trọng tài viên duy nhất 

Thành lập Hội đồng trọng tài với một Trọng tài viên duy nhất

Trong trường hợp các bên không thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được về số lượng Trọng tài viên, căn cứ theo Điều 37(2)(b) Công ước, trong vòng 45 ngày kể từ ngày thụ lý thì Hội đồng trọng tài được thành lập với ba Trọng tài viên. Mỗi bên sẽ chỉ định một Trọng tài viên, và các bên cùng nhau thỏa thuận chọn một Trọng tài viên thứ ba để làm chủ tịch Hội đồng trọng tài. Bên cạnh đó, các bên có thể cùng nhau yêu cầu Tổng thư ký chỉ định Trọng tài viên làm Chủ tịch Hội đồng trọng tài.

Trong trường hợp Hội đồng trọng tài không được thành lập trong vòng 90 ngày kể từ ngày thụ lý hoặc một khoảng thời hạn khác do các bên thỏa thuận thì Chủ tịch AC sẽ thực hiện chỉ định Trọng tài viên còn thiếu theo yêu cầu của một trong các bên. Sau khi chỉ định các Trọng tài viên còn thiếu của Hội đồng trọng tài, Chủ tịch AC sẽ chỉ định một Trọng tài viên là Chủ tịch Hội đồng trọng tài.

Quy trình chỉ định ba Trọng tài viên có thể được thể hiện qua hai sơ đồ sau:

Trường hợp các bên có thỏa thuận lựa chọn Trọng tài viên

 

Trường hợp các bên không thỏa thuận lựa chọn Trọng tài viên

Xét xử

Hội đồng trọng tài tổ chức phiên họp đầu tiên với các bên tranh chấp

Ngay sau khi Hội đồng trọng tài được thành lập, Tổng thư ký chuyển giao hồ sơ, tài liệu và thông tin của vụ tranh chấp đến Hội đồng trọng tài căn cứ theo Quy tắc 21 Arbitration Rules. Sau đó, Hội đồng trọng tài sẽ tổ chức Phiên họp đầu tiên với các bên.

Trong Phiên họp đầu tiên, Hội đồng trọng tài sẽ đặt ra thời gian biểu và quy tắc tố tụng cụ thể cho vụ án. Hội đồng trọng tài sẽ xác định thỏa thuận hoặc quan điểm của các bên về vấn đề như quy tắc tố tụng được áp dụng, ngôn ngữ, địa điểm tố tụng và thời gian biểu tố tụng.[11]

Sau đó, những thỏa thuận mà các bên đạt được và các quyết định về thủ tục tố tụng của Hội đồng trọng tài được đưa vào Quyết định về thủ tục số 1 được ban hành sau phiên họp đầu tiên. Các thỏa thuận và quyết định này được ký bởi Chủ tịch Hội đồng trọng tài và được cho các bên trong vòng 15 ngày sau phiên họp đầu tiên.

Có thể nhận thấy, Phiên họp đầu tiên theo thủ tục tố tụng trọng tài ICSID tương tự như Phiên họp quản lý vụ việc theo ICC Arbitration Rules 2021. Cả hai thủ tục đều giải quyết các vấn đề cơ bản liên quan đến địa điểm, ngôn ngữ tố tụng, giới hạn phạm vi các vấn đề được giải quyết trong vụ việc,… và đồng thời cũng ban hành Quyết định về thủ tục số 1 nhằm mục đích ghi nhận lại các nội dung đã xác định trong phiên họp.

Tiếp sau phiên họp này, Hội đồng trọng tài sẽ tiến hành hai giai đoạn được xem là quan trọng nhất của quá trình tố tụng trọng tài đó là thủ tục tố tụng viết và tố tụng nói.

Tố tụng viết

Quy trình tố tụng viết có thể chia thành hai giai đoạn:

Giai đoạn thứ nhất: Nguyên đơn nộp Bản biện hộ và Bị đơn nộp Bản tự bảo vệ.

Giai đoạn thứ hai (trừ khi các bên có thỏa thuận khác): Nguyên đơn nộp bản phản biện lại theo Bản tự bảo vệ của Bị đơn và Bị đơn nộp bản phản biện lại với bản phản biện của Nguyên đơn.

Bản biện hộ sẽ phải chứa mô tả bối cảnh vụ việc, luật áp dụng, các tranh chấp cùng với yêu cầu giải quyết tranh chấp. Bản tự bảo vệ có những nội dung tương tự như Bản biện hộ và ngoài ra cũng bao gồm những phản hồi của Bị đơn về các vấn đề được đưa ra trong Bản biện hộ của Nguyên đơn.

Các Bản phản biện của Nguyên đơn và Bị đơn không được vượt quá phạm vi các vấn đề được nêu ra tại Bản biện hộ hoặc Bản tự bảo vệ và giải quyết các vấn đề liên quan đến bối cảnh vụ việc mới phát sinh hoặc những sự việc mà các bên không thể biết khi nộp các Bản phản biện.[12]

Tố tụng nói  

Tại phiên họp giải quyết tranh chấp, có các công việc khác nhau cần được giải quyết và được chia thành ba giai đoạn như sau:

Ba giai đoạn cần giải quyết trong tố tụng nói

(i) Trước phiên họp giải quyết tranh chấp

Trước khi diễn ra phiên họp giải quyết tranh chấp, ICSID sẽ sắp xếp các công việc hậu cần sau khi trao đổi với các bên và hội đồng trọng tài. Các công việc đó chủ yếu là chuẩn bị phòng họp, sắp xếp phiên dịch viên,…

(ii) Trong phiên họp giải quyết tranh chấp

Trong phiên họp giải quyết tranh chấp sẽ diễn ra các hoạt động liên quan đến trình tự tố tụng, quyền tiếp cận công khai đối với phiên họp, lời khai nhân chứng, ghi hình phiên họp. Các hoạt động này được quy định cụ thể tại Arbitration Rules.

(iii) Sau phiên họp giải quyết tranh chấp

Hội đồng trọng tài sẽ yêu cầu các bên trình bày những chi phí mà các bên đã chi trả trong quá trình tố tụng và nộp văn bản về việc phân chia các chi phí này như thế nào trước khi Hội đồng trọng tài phân ra quyết định phân chia những chi phí này.[13]

Sau phiên họp giải quyết tranh chấp với các bên, Hội đồng trọng tài phải xem xét và ra Phán quyết giải quyết tranh chấp của các bên.

Ra phán quyết

Chỉ có một Phán quyết duy nhất được ban hành trong một vụ tranh chấp và Phán quyết này được xem là quyết định cuối cùng của Hội đồng trọng tài. Chẳng hạn các quyết định như áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời,… sẽ không được xem là Phán quyết. Phán quyết mang tính chung thẩm và bắt buộc thi hành đối với các quốc gia thành viên của Công ước.

Phán quyết phải được ban hành theo đa số phiểu biểu quyết của thành viên Hội đồng trọng tài và phải được ký bởi các thành viên đã đồng thuận với phán quyết.

Phán quyết được xem là ban hành kể từ ngày phán quyết được Tổng thư ký gửi cho các bên.

Các thủ tục sau khi ban hành phán quyết

Phán quyết mang tính chung thẩm và bắt buộc đối với các bên. Một bên chỉ được sử dụng các biện pháp khắc phục theo Công ước và không thể khiếu nại tại Tòa án quốc gia hay bất kỳ Điều ước quốc tế nào khác.

Các biện pháp khắc phục theo Công ước bao gồm:

(1) Bổ sung hoặc đính chính các nội dung của phán quyết;

(2) Giải thích phán quyết;

(3) Sửa chữa phán quyết;

(4) Hủy phán quyết.

Qua những phân tích sơ bộ trên có thể thấy, ICSID đã thiết kế ra một quy trình tố tụng tương đối hoàn thiện và chi tiết để giải quyết các khiếu nại, khiếu kiện giữa Nhà đầu tư và Quốc gia tiếp nhận đầu tư. Điều này không chỉ góp phần đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, đem lại sự tự tin khi tiến hành các hoạt động đầu tư quốc tế mà còn góp phần hạn chế các hành vi vi phạm cam kết, vi phạm các nguyên tắc về bảo hộ đầu tư nhằm bảo đảm môi trường đầu tư hiệu quả, lành mạnh.

Tải bản PDF của bài viết tại đây: GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẦU TƯ THEO TRỌNG TÀI ICSID

Phụ trách

 

Cố vấn Pháp lý Kiều Nữ Mỹ Hảo

Điện thoại: (84) 28 6276 9900

Email: hao.kieu@cnccounsel.com

Bùi Đoàn Minh Trí-CNC

 

Thực tập sinh Pháp lý Bùi Đoàn Minh Trí

Điện thoại: (84) 28 6276 9900

 


[1] The World Bank, Who We Are, <https://www.worldbank.org/en/about/unit

[2] ICSID, About ICSID, <https://icsid.worldbank.org/About/ICSID>

[3] ICSID Institution Rules, Quy tắc 1(1)

[4] ICSID Convention, Điều 36(1) và Điều 36(2)

[5] Điều 25 ICSID Convention đặt ra ba điều kiện như sau:

(i) Quốc gia tiếp nhận đầu tư và Quốc gia có Nhà đầu tư nước ngoài phải đều là thành viên của Công ước ICSID

(ii) Tranh chấp phải là tranh chấp pháp lý phát sinh trực tiếp từ dự án đầu tư. Các tranh chấp không mang bản chất pháp lý như tranh chấp liên quan đến chính trị, kinh tế,… không thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước.

(iii) Quốc gia tiếp nhận đầu tư và Quốc gia có Nhà đầu tư nước ngoài phải thể hiện sự đồng thuận về thẩm quyền của ICSID để giải quyết tranh chấp

[6] ICSID, Screening and Registration – ICSID Convention Arbitration (2022 Rules) <https://icsid.worldbank.org/procedures/arbitration/convention/screening-registration/2022>

[7] ICSID Convention, Điều 37(1)

[8] Arbitration Rules, Quy tắc 15(2)

[9] ICSID Convention, Điều 38 và Arbitration Rules, Quy tắc 18

[10] Arbitration Rules, Quy tắc 21

[11] Arbitration Rules, Quy tắc 29(1)

[13] Arbitration Rules, Quy tắc 30

[14] Arbitration Rules, Quy tắc 51

—————————————————-

Bất kỳ ý kiến đóng góp, hiệu chỉnh nào của độc giả đối với các nội dung trong bản tin này hoặc cần CNC hỗ trợ thêm, vui lòng gửi về:

 

liên hệ
Công ty Luật TNHH CNC Việt Nam

    CNC© | A Boutique Property Law Firm

    The Sun Avenue, 28 Mai Chí Thọ, Phường An Phú, Quận 2,

    Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam

    T: (+84-28) 6276 9900 | H/L: (+84) 916 545 618

    Miễn trừ:

    Bản tin này được chuẩn bị hoặc được sử dụng vì mục đích giới thiệu hoặc cập nhật cho khách hàng những thông tin về những vấn đề và/hoặc sự phát triển các quan điểm pháp lý tại Việt Nam. Các thông tin được trình bày tại bản tin này không tạo thành ý kiến tư vấn thuộc bất kỳ loại nào và có thể được thay đổi mà không cần phải thông báo trước.

    Content Protection by DMCA.com

    Để lại một bình luận

    This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.