Cơ chế giải quyết tranh chấp thông qua Trọng tài đang ngày một được quan tâm và sử dụng rộng rãi với những ưu điểm vượt trội, như: thời gian xử lý tương đối nhanh chóng, tính bảo mật cao, … Theo đó, một trong những căn cứ tiên quyết để các bên có thể đưa tranh chấp ra Trọng tài là có thỏa thuận Trọng tài. Tuy nhiên không phải lúc nào các thỏa thuận Trọng được xác lập cũng đủ rõ ràng để thực thi hoặc có hiệu lực.
Bài viết dưới đây nhằm cung cấp cho đọc giả những thông tin cần thiết về điều khoản thỏa thuận Trọng tài không rõ ràng cũng như cách giải quyết các thỏa thuận này.
Khái quát về Thỏa thuận Trọng tài
Thỏa thuận Trọng tài là gì?
Theo Luật Trọng tài Thương mại 2010, thỏa thuận Trọng tài được định nghĩa là thỏa thuận giữa các bên về việc giải quyết bằng Trọng tài tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh.[1]
Như vậy, Thỏa thuận trọng tài về bản chất là một thỏa thuận của các bên theo đó đồng ý rằng (những) tranh chấp phát sinh liên quan đến hợp đồng sẽ được giải quyết thông qua tố tụng Trọng tài thay vì tố tụng Tòa án.
Bên cạnh đó, đối với thời điểm xác lập, thỏa thuận Trọng tài có thể được xác lập trước, hoặc sau khi tranh chấp phát sinh.
Trong đó, phổ biến nhất là Thỏa thuận Trọng trọng tài được xác lập từ trước khi tranh chấp phát sinh, được các bên thỏa thuận dưới hình thức là một điều khoản của Hợp đồng. Thông thường, điều khoản về thỏa thuận Trọng tài thường được tìm thấy dưới tên gọi “Trọng tài”, “Tranh chấp” hoặc “Khiếu nại và Giải quyết Tranh chấp”, …
Việc xác lập Thỏa thuận Trọng tài ngay từ thời điểm giao kết hợp đồng là một hướng đi phù hợp, tối ưu và giúp tiết kiệm thời gian và tạo nên thế chủ động cho các bên. Bởi lẽ, xuất phát từ bản chất là sự đồng thuận của các bên nên khi tranh chấp phát sinh, nếu như một trong các bên có ý định giải quyết tranh chấp tại Trọng tài thì bắt buộc phải đạt được thỏa thuận với bên kia về điều này. Tuy nhiên, một khi giữa các bên đã không có tiếng nói chung trong một vấn đề nào đó của Hợp Đồng thì rất khó để các bên có thể ngồi lại với nhau để thỏa thuận về Trọng tài. Đặc biệt khi có một bên không muốn đưa tranh chấp ra Trọng tài hoặc muốn trì hoãn việc giải quyết tranh chấp hay thậm chí là không muốn tranh chấp được giải quyết thì gần như thỏa thuận Trọng tài sẽ khó có thể được xác lập.
Vậy nên, một khi Thỏa thuận Trọng tài được các bên thống nhất, xác lập từ trước và được ghi nhận trong Hợp đồng, khi có tranh chấp thì một trong các bên đều hoàn toàn có thể khởi kiện ngay ra Trọng tài mà không cần tốn quá nhiều thời gian để đàm phán với bên kia lại từ đầu.
Hình thức của Thỏa thuận Trọng tài
Trên thực tế, Thỏa thuận Trọng tài thường được tìm thấy dưới hình thức là một điều khoản trong Hợp đồng. Điều này khiến nhiều người nhầm tưởng rằng chỉ khi được ghi nhận trực tiếp trong Hợp đồng thì thỏa thuận mới thỏa mãn điều kiện về hình thức để có thể có hiệu lực. Thực tế không phải vậy, ngoài việc ghi nhận ngay trong Hợp đồng thì các bên hoàn toàn có thể xác lập một thỏa thuận riêng về giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.
Dù là một điều khoản trong Hợp đồng hay là một thỏa thuận riêng thì Thỏa thuận Trọng tài đều bắt buộc phải được xác lập dưới dạng văn bản. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 Luật Trọng tài Thương mại 2010, “dưới dạng văn bản” sẽ bao gồm:
Như vậy khác với cách hiểu truyền thống, Luật Trọng tài Thương mại đã cho phép mở rộng nội hàm “dưới dạng văn bản”, theo đó công nhận cả thư điện tử hay telex đều sẽ được xem là được xác lập dưới dạng văn bản.
Cách tiếp cận này cho thấy đang Luật hướng đến việc công nhận tối đa thỏa thuận của các bên về việc lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp là Trọng tài. Khi mà trên thực tế có thể các bên chưa có bất kỳ thỏa thuận nào về trọng tài trước đó nhưng chỉ cần một bên nộp đơn kiện ra Trọng tài và bên kia không có hành động phản đối cũng như có gửi bản tự bảo vệ thì cũng có thể được xem là giữa các bên đã có sự đồng thuận về việc Trọng tài sẽ là cơ quan giải quyết tranh chấp.
Mặc dù có thể thấy Luật đã rất tôn trọng và tạo điều kiện công nhận Thỏa thuận Trọng tài của các bên thế nhưng trên thực tế, có rất nhiều thỏa thuận Trọng tài được xác lập không đủ rõ ràng để có thể thực hiện khi tranh chấp phát sinh.
Thỏa thuận Trọng tài không rõ ràng
Thế nào là Thỏa Thuận Trọng Tài không rõ ràng?
Thỏa thuận Trọng tài không rõ ràng là thỏa thuận mà các bên xác lập có nội dung không đủ minh bạch, không chỉ rõ hình thức, không thể xác định được tổ chức trọng tài cụ thể hoặc nội dung có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau, …
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 43 Luật Trọng tài Thương mại 2010, các thỏa thuận không rõ ràng như vậy về cơ bản vẫn sẽ được tôn trọng và nếu có tranh chấp, các bên phải thỏa thuận lại về hình thức và tổ chức trọng tài cụ thể để giải quyết tranh chấp, trường hợp không thỏa thuận được thì hình thức và tổ chức trọng tài cụ thể để giải quyết tranh chấp sẽ thực hiện theo yêu cầu của nguyên đơn.
Thực Tiễn Giải Quyết Tranh Chấp
Mặc dù tồn tại quy định tại Khoản 5 Điều 43 Luật Trọng tài Thương mại 2010 là vậy nhưng hiện nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn nào giải thích như thế nào là “không thỏa thuận được”. Điều này vô hình chung gây ra sự không thống nhất về ý kiến, quan điểm trong việc giải thích cũng như áp dụng pháp luật trong quá trình giải quyết tranh chấp tại các Trung tâm Trọng tài Thương mại.
Thực tế giải quyết tranh chấp tại Trung tâm Trọng tài Thương mại phía Nam (STAC) cho thấy, khi gặp phải trường hợp như trên, các Trọng tài viên chia thành 2 luồng quan điểm khác nhau. Cụ thể:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, quy định trên bị dư thừa bởi thực tế cho thấy rằng, các bên không chỉ rõ một tổ chức trọng tài nào xác định và một khi có tranh chấp xảy ra tức là không còn có thể cùng nhau ngồi lại giải quyết được họ mới dùng con đường tố tụng trọng tài hoặc tòa án để giải quyết. Vì vậy, việc ngồi lại để thỏa thuận lựa chọn một trung tâm trọng tài cụ thể là điều rất khó thực hiện, hơn nữa trường hợp nếu một bên cố tình trốn tránh thì việc thỏa thuận này dường như là vô nghĩa. Do đó, người theo quan điểm này cho rằng, có tồn tại việc thỏa thuận lại hay không không quan trọng, mà chỉ căn cứ vào sự lựa chọn của Nguyên đơn là đủ để làm căn cứ xác định Trung tâm cụ thể nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.
Trong khi đó, những người theo quan điểm thứ hai lại cho rằng, quy định trên có thể hiểu là các bên có thỏa thuận về việc lựa chọn trung tâm trọng tài cụ thể và nếu không thỏa thuận được thì mới theo lựa chọn của bên Nguyên đơn. Và việc không thỏa thuận được có thể hiểu là bên Nguyên đơn đã gửi văn bản thể hiện sự lựa chọn một trung tâm trọng tài cụ thể đến đúng địa chỉ trên hợp đồng cho bên Bị đơn hoặc bằng một hành vi cụ thể thể hiện việc lựa chọn này và trong một khoảng thời gian cụ thể mà bên Bị đơn không có phản hồi lại bằng văn bản hoặc hành vi cụ thể về việc lựa chọn trung tâm trọng tài thì quyền lựa chọn hoàn toàn thuộc về Nguyên đơn.[2]
Điển hình như ví dụ dưới đây:
“Điều 17: Trọng Tài Bất cứ tranh chấp nào phát sinh liên quan đến Hợp đồng này sẽ được giải quyết thông qua thương lượng, hợp tác. Trường hợp không thể thương lượng, một trong các bên có quyền khởi kiện ra Trọng tài theo Quy tắc tố tụng của Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) tại Việt Nam.”
Đối với trường hợp này, có thể thấy rằng các bên đã xác lập một Thỏa thuận Trọng tài trước khi tranh chấp xảy ra dưới hình thức một điều khoản trong hợp đồng. Tuy nhiên, Thỏa thuận Trọng tài này không đủ rõ ràng để thực hiện, bởi vì nó có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau.
Không thỏa thuận Trung tâm Trọng tài
Cách hiểu đầu tiên dựa trên sự giải thích về câu chữ của thỏa thuận khi rõ ràng nội dung của thỏa thuận chỉ bao gồm: (i) “có quyền khởi kiện ra Trọng tài”; (ii) “theo Quy tắc tố tụng của Phòng Thương mại Quốc tế (ICC)” và (iii) “tại Việt Nam”. Rõ ràng rằng trong nội dung của thỏa thuận không hề đề cập đến tên một Trung tâm Trọng tài cụ thể nào và do đó một trong các bên không được quyền mở rộng phạm vi thỏa thuận mà không có sự đồng ý của bên còn lại.
Thế nhưng cách hiểu như vậy sẽ khiến cho thỏa thuận Trọng tài này tiềm ẩn rủi ro không thể thực hiện được vì sai quy tắc tố tụng trọng tài. Vì dù cho các bên có thỏa thuận được Trung tâm trọng tài (khác với Trọng tài ICC) thì có khả năng Trung tâm đó không thể giải quyết tranh chấp theo Quy tắc tố tụng của ICC – ICC Rules. Bởi vì ICC Rules quy định, bằng việc thỏa thuận lựa chọn giải quyết tranh chấp thông qua Trọng tài theo ICC Rules nghĩa là các bên đã đồng ý rằng Hội đồng Trọng tài sẽ được quản lý duy nhất bởi Tòa Trọng tài ICC.[3] Điều này khiến cho các Trung tâm trọng tài khác không thuộc quyền quản lý của ICC, như VIAC, HKIAC, KCAB, … có khả năng không thể áp dụng ICC Rules để giải quyết tranh chấp.
Có thỏa thuận Trung tâm Trọng tài là Trọng tài ICC
Cách hiểu này có thể xuất phát từ ý nghĩ về việc các bên đã biết được rằng một khi thỏa thuận chọn ICC Rules thì đồng nghĩa với việc Trọng tài ICC cũng sẽ là tổ chức Trọng tài được lựa chọn. Thế nhưng hướng giải thích này cũng không dựa trên cơ sở vững chắc bởi lẽ như được đề cập ở trên, việc giải thích một nội dung không được rõ ràng trong Thỏa thuận Trọng tài không thể chỉ dựa vào một bên. Và việc các bên ngồi lại với nhau để làm rõ nội dung này vô tình lại có bản chất như việc các bên đang thỏa thuận lại.
Tuy nhiên, cả hai trường hợp trên đều hướng đến một hệ số chung là hai bên phải tiến hành thỏa thuận với nhau để làm rõ thỏa thuận Trọng tài được xác lập từ trước. Như vậy để phòng tránh vấn đề này, ngay từ thời điểm xác lập, các bên cần thiết phải có sự hiểu biết đúng đắn về Thỏa thuận Trọng tài để đảm bảo rõ ràng về mặt nội dung, thể hiện được ý định của các bên khi xác lập Thỏa thuận.
Lưu ý khi thỏa thuận lại để làm rõ Thỏa thuận Trọng tài
Bởi vì, trên thực tế Tòa án đã từng bác một Thỏa thuận Trọng tài không rõ ràng đã được hòa giải thành tại VIAC để thụ lý và giải quyết.[4]
Cụ thể, trong quá trình thực hiện Hợp đồng xây dựng được ký kết, các bên phát sinh các tranh chấp về: nghĩa vụ thanh toán, bù giá, điều chỉnh giá, chấm dứt Hợp đồng, tịch thu Bảo lãnh thực hiện Hợp đồng và tiền bảo hành. Trước khi tranh chấp phát sinh, các bên đã tiến hành xác lập một Thỏa thuận Trọng tài dưới hình thức là một Điều khoản của Hợp đồng như sau:
“Tranh chấp phải được xử lí bằng trọng tài theo các khoản sau:
LỰA CHỌN TRỌNG TÀI
Mọi tranh chấp do một bên đưa ra trọng tài sẽ được giải quyết tại trung tâm trọng tài thương mại thành Phố HCM.
Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này, sẽ được giải quyết tại trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam bên cạnh phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, theo qui tắc tố tụng trọng tài của trung tâm này.”
Bởi vì Thỏa thuận trên chưa xác định Trung tâm Trọng tài cụ thể cho nên tại thời điểm tranh chấp phát sinh, các bên đã tiến hành làm rõ và xác định lại tên của trung tâm Trọng tài giải quyết là Trung Tâm Trọng Tài Quốc Tế Việt Nam (VIAC) bên cạnh phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) theo qui tắc tố tụng Trọng tài của Trung tâm này. Tuy nhiên khi làm rõ, các bên chỉ thỏa thuận đối với việc xác định tên trung tâm Trọng tài giải quyết một phần tranh chấp của hợp đồng; cụ thể là đối với việc thanh toán, việc bù giá và điều chỉnh giá, việc chấm dứt hợp đồng, tịch thu Bảo lãnh thực hiện Hợp đồng mà không bao gồm giải quyết tranh chấp tiền bảo hành. Do đó mặc dù đã có quyết định hòa giải thành tại VIAC, nhưng khi một bên khởi kiện ra Tòa án yêu cầu giải quyết về tiền bảo hành, Tòa án đã ra quyết định bác Thỏa thuận Trọng tài liên quan đến tiền bảo hành, chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn.
Kết luận
Như vậy, mặc dù đã có xác lập Thỏa thuận Trọng tài trước khi tranh chấp phát sinh để tạo thế chủ động, tiết kiệm thời gian. Thế nhưng những phân tích ở trên, về cả lý thuyết lẫn thực tiễn, đều cho thấy các Thỏa thuận như vậy vẫn có nguy cơ không thực hiện được nếu các bên không có sự hiểu biết đầy đủ khi tiến hành xác lập một Thỏa thuận Trọng tài.
Tải bản PDF của bài viết tại đây: [pdf] Newsletter_Điều khoản thỏa thuận trọng tài không rõ ràng
Phụ Trách
![]() |
Trợ lý Luật sư Kiều Nữ Mỹ Hảo
Điện thoại: (84) 028 6276 9900 Email: hao.kieu@cnccounsel.com |
——————————————————-
[1] Khoản 2 Điều 3 Luật Trọng tài Thương mại 2010
[2] Cách giải quyết Thỏa thuận Trọng tài không rõ ràng, Trung Tâm Trọng tài Thương mại phía Nam – STAC, truy cập: https://stac.com.vn/cach-giai-quyet-thoa-thuan-trong-tai-khong-ro-rang/
[3] Điều 1.2 và Điều 6.2 ICC Rules 2021, 2021 Arbitration Rules, truy cập: https://iccwbo.org/dispute-resolution-services/arbitration/rules-of-arbitration/
[4] Bản án số 54/2013/KDTM-ST ngày 15/10/2013, truy cập tại: http://caselaw.vn/ban-an/Rd3ltr74Om
liên hệ
Công ty Luật TNHH CNC Việt Nam
CNC© | A Boutique Property Law Firm
The Sun Avenue, 28 Mai Chí Thọ, Phường An Phú, Quận 2,
Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam
T: (+84-28) 6276 9900 | H/L: (+84) 916 545 618
Miễn trừ:
Bản tin này được chuẩn bị hoặc được sử dụng vì mục đích giới thiệu hoặc cập nhật cho khách hàng những thông tin về những vấn đề và/hoặc sự phát triển các quan điểm pháp lý tại Việt Nam. Các thông tin được trình bày tại bản tin này không tạo thành ý kiến tư vấn thuộc bất kỳ loại nào và có thể được thay đổi mà không cần phải thông báo trước.