Nhân chứng chuyên gia trong giải quyết tranh chấp tại trọng tài

Ngày đăng: Thứ Sáu, 30/08/24 Người đăng: Ngan Nguyen
Nhân Chứng Chuyên gia trong giải quyết tranh chấp tại trọng tài

Nhân chứng chuyên gia” về cơ bản là một dạng chứng cứ được các bên sử dụng trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Trọng tài. Nhân chứng chuyên gia được sử dụng khá phổ biến trong thực tiễn Trọng tài Quốc tế, tuy nhiên khái niệm này vẫn chưa phổ biến tại Việt Nam. Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ tập trung cung cấp những thông cơ bản và cần lưu ý khi sử dụng nhân chứng chuyên gia trong giải quyết tranh chấp tại Trọng tài.

Tải file PDF bài viết tại đây: CNC Newsletter _Nhân Chứng Chuyên gia trong giải quyết tranh chấp tại trọng tài

Nhân Chứng Chuyên gia trong giải quyết tranh chấp tại trọng tài là gì?

Thông thường, đối với các tranh chấp có tính chất phức tạp, điển hình như các tranh chấp liên quan đến vấn đề tiến độ hoặc chất lượng trong xây dựng, các đương sự trong tranh chấp thường trình nộp các bằng chứng như tài liệu văn bản trong quá trình thực hiện hợp đồng, các bản ghi âm, ghi hình, lời trình bày của nhân chứng, các phần mềm quản lý tiến độ,… để bảo vệ quan điểm của mình cũng như thuyết phục Hội đồng Trọng tài. Trong số đó, ở các vụ tranh chấp trọng tài quốc tế, các đương sự thường sử dụng thêm một dạng chứng cứ khác, đó là báo cáo/đánh giá của nhân chứng chuyên gia (Expert Witness).

Nhân chứng chuyên gia là một bên thứ ba độc lập, tham gia vào quá trình tố tụng trọng tài khi được chỉ định bởi các bên hoặc bởi Hội đồng Trọng tài để cùng cấp các ý kiến chuyên môn về (các) vấn đề tranh chấp (được gọi là Báo cáo/ đánh giá của nhân chứng chuyên gia), qua đó giúp Hội đồng Trọng tài đưa ra phán quyết một cách chính xác.

Theo đó, nhân chứng chuyên gia được đòi hỏi phải là người có kiến thức hoặc kinh nghiệm chuyên môn chuyên sâu về một lĩnh vực cụ thể có liên quan đến vấn đề tranh chấp, không chỉ giới hạn ở những lĩnh vực mang tính chuyên môn kỹ thuật mà còn có thể là những chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật.

Mặc dù chuyên gia trong giải quyết tranh chấp tại trọng tài còn là một khái niệm tương đối mới tại Việt Nam[1], vai trò của Nhân chứng chuyên gia đã được đề cập như một bên hỗ trợ Hội đồng trọng tài trong quá trình thu thập chứng cứ tại khoản 4 Điều 46 Luật Trọng tài thương mại 2010. Cũng theo quy định này, việc tham vấn ý kiến của Nhân chứng chuyên gia có thể được thực hiện theo nhu cầu của Hội đồng Trọng tài hoặc theo yêu cầu của một hoặc các bên tranh chấp.

Cách thức chỉ định nhân chứng chuyên gia

Các bên có thể lựa chọn Nhân chứng chuyên gia (Party-Appointed Experts) hoặc Hội đồng Trọng tài tự mình tham vấn ý kiến của các Nhân chứng chuyên gia về vụ việc mà mình đang giải quyết (Tribunal-Appointed Experts).[2]

Nhan chung chuyen gia

Hình thức chỉ định chuyên gia

Đối với Nhân chứng chuyên gia do mỗi bên chỉ định, trong một số thủ tục tố tụng trọng tài quốc tế, tại phiên họp sơ bộ về thủ tục, các bên đương sự sẽ được Hội đồng Trọng tài hỏi ý kiến về việc có hay không sử dụng nhân chứng chuyên gia trong quá trình tố tụng. Trong trường hợp này, nhân chứng chuyên gia được chỉ định thực tế là được thuê bởi một bên trong tranh chấp.

Khi có một bên hoặc các bên đương sự đều chỉ định nhân chứng chuyên gia, Hội đồng Trọng tài thường đưa ra các chỉ dẫn về mặt thủ tục liên quan tới nội dung và thời điểm nộp các báo cáo của chuyên gia. Thông thường, báo cáo của nhân chứng chuyên gia sẽ được nộp kèm theo bản lập luận của đương sự như một dạng chứng cứ, ở giai đoạn này thường được gọi là giai đoạn tố tụng viết.

Sau khi các Nhân chứng chuyên gia nộp báo cáo, Hội đồng Trọng tài có thể tiến hành cuộc họp chung giữa các Nhân chứng chuyên gia mà không có sự tham dự của các bên đương sự để xác định những vấn đề mà các chuyên gia đồng tình hoặc có quan điểm khác nhau. Kết luận của buổi họp được lập thành một báo cáo chung và nộp cho Hội đồng Trọng tài và các bên.[3] Nếu có yêu cầu nhưng Nhân chứng chuyên gia không tới phiên họp thẩm vấn  thì Hội đồng Trọng tài sẽ không xem xét tới báo cáo của chuyên gia đó.[4]

Đối với Nhân chứng chuyên gia do Hội đồng Trọng tài chỉ định, trong một vài vụ việc nhất định, Hội đồng Trọng tài sẽ tự mình chỉ định Nhân chứng chuyên gia khi Hội đồng nhận thấy tồn tại những vấn đề tranh chấp cần phải tham vấn, để đảm bảo việc đưa ra phán quyết một cách chính xác nhất. Việc chỉ định này có thể xảy ra trong trường hợp các bên đương sự đều không chỉ định Nhân chứng chuyên gia hoặc đã chỉ định, nhưng Hội đồng Trọng tài nhận thấy việc chỉ định thêm Nhân chứng chuyên gia là cần thiết.

Mặc dù vậy, Hội đồng Trọng tài được yêu cầu phải thảo luận với các bên trước khi chỉ định chuyên gia.[5] Trên thực tế, Hội đồng Trọng tài có thể đề nghị các bên thảo luận và đệ trình một Nhân chứng chuyên gia để Hội đồng Trọng tài lựa chọn, nếu các bên đương sự không đệ trình thì Hội đồng Trọng tài sẽ cung cấp một danh sách các chuyên gia cho các bên thảo luận lựa chọn. Nếu các bên không thể thống nhất được việc đề xuất, Hội đồng Trọng tài sẽ tự chỉ định một Nhân chứng chuyên gia trên cơ sở cân nhắc các yếu tố về kinh nghiệm, sự phù hợp của từng vụ việc.

Tiếp đến, Hội đồng Trọng tài sẽ thảo luận với các bên về nội dung điều khoản tham chiếu (Terms of reference), trong đó quy định chi tiết về phạm vi nhiệm vụ của Nhân chứng chuyên gia. Sau khi Nhân chứng chuyên gia cung cấp thông tin về trình độ chuyên môn và Tuyên bố về độc lập với các bên và Hội đồng Trọng tài, các bên sẽ có quyền phản đối chuyên gia mà Hội đồng Trọng tài muốn chỉ định và Hội đồng Trọng tài sẽ quyết định về phản đối đó.

Ngoài ra, Nhân chứng chuyên gia cũng có thể được chỉ định bởi Hội đồng trọng tài trong một số trường hợp như các bên không chỉ định được Nhân chứng chuyên gia của mình, ý kiến của Nhân chứng chuyên gia quá mâu thuẫn với nhau hoặc Hội đồng Trọng tài nhận thấy việc có thêm ý kiến của Nhân chứng chuyên gia là cần thiết.

Bên cạnh đó, bất kể là được bổ nhiệm bởi các bên hay bởi Hội đồng Trọng tài, Nhân chứng chuyên gia cũng phải đưa ra những ý kiến độc lập, khách quan nhằm hỗ trợ cho Hội đồng Trọng tài đưa ra phán quyết một cách khách quan.

Thẩm vấn Nhân chứng chuyên gia

Tùy vào tính chất của từng vụ việc, Hội đồng Trọng tài và các bên có thể thống nhất về cách thức tiến hành phiên thẩm vấn Nhân chứng chuyên gia.

Ví dụ như, luật sư các bên sẽ đóng vai trò chính trong việc đặt câu hỏi hoặc Hội đồng Trọng tài sẽ đóng vai trò chính trong việc đặt các câu hỏi còn luật sư các bên có thể đặt các câu hỏi bổ sung; Hội đồng Trọng tài và các bên có thể lựa chọn tiến hành thẩm vấn lần lượt và/hoặc đồng thời các Nhân chứng chuyên gia.

Nhan chung chuyen gia

Hình thức thẩm vấn Nhân chứng chuyên gia

Thẩm vấn lần lượt từng Nhân chứng chuyên gia

Nhân chứng chuyên gia do một bên chỉ định trước tiên sẽ được thẩm vấn bởi luật sư của chính bên đó (thẩm vấn trực tiếp – direct examination), sau đó được thẩm vấn  bởi luật sư của bên kia (thẩm vấn chéo – cross examination), và có thể được thẩm vấn lại bởi luật sư của chính bên đó nếu cần thiết (thẩm vấn trực tiếp bổ sung – re-direct examination).

Nhan chung chuyen gia

Trình tự thẩm vấn

Trong trường hợp có sử dụng Nhân chứng chuyên gia do Hội đồng Trọng tài chỉ định, họ trước tiên sẽ được thẩm vấn bởi Hội đồng Trọng tài, sau đó được thẩm vấn  bởi luật sư các bên và/hoặc Nhân chứng chuyên gia do mỗi bên chỉ định.[6]

Trong toàn bộ quá trình thẩm vấn Nhân chứng chuyên gia nêu trên, Hội đồng Trọng tài có thể đặt câu hỏi cho Nhân chứng chuyên gia vào bất kì thời điểm nào hoặc đặt các câu hỏi sau khi luật sư kết thúc việc thẩm vấn. Hội đồng Trọng tài cũng có thể hạn chế hoặc loại bỏ bất kì câu hỏi nào cho Nhân chứng chuyên gia cũng như bất kì câu trả lời nào từ Nhân chứng chuyên gia nếu Hội đồng Trọng tài nhận thấy câu hỏi hoặc câu trả lời đó không liên quan, không quan trọng, trùng lặp.[7]

Thẩm vấn đồng thời các Nhân chứng chuyên gia

Thay vì để từng Nhân chứng chuyên gia được thẩm vấn lần lượt như trên, Hội đồng Trọng tài cũng có thể để các Nhân chứng chuyên gia về cùng vấn đề được thẩm vấn đồng thời (thuật ngữ tiếng Anh là “witness conferencing”, “expert conferencing” hay “expert hot tubbing”).[8]

Mục đích của việc thẩm vấn đồng thời nhằm đảm bảo việc nhanh chóng xác định các vấn đề còn mâu thuẫn trong lời khai và đánh giá độ tin cậy của từng lời khai. Trên thực tế, Hội đồng Trọng tài có thể áp dụng cả hai phương thức thẩm vấn này: tiến hành thẩm vấn  lần lượt các Nhân chứng chuyên gia trước, và sau đó thẩm vấn  đồng thời các Nhân chứng chuyên gia về những vấn đề mâu thuẫn trong lời khai.

Trên thực tế, hình thức thẩm vấn đồng thời Nhân chứng chuyên gia thường sử dụng bởi việc tiến hành thẩm vấn, tranh luận đồng thời giữa các Nhân chứng chuyên gia với các quan điểm khác hoặc thậm chí ngược nhau giúp Hội đồng Trọng tài đánh giá được chất lượng, độ tin cậy của từng ý kiến, những điểm bất đồng và lí do của những bất đồng đó, đưa đến kết luận chính xác hơn.[9]

Tính độc lập của Nhân chứng chuyên gia

Khi tham gia vào quá trình tố tụng trọng tài, các Báo cáo và/hoặc ý kiến của Nhân chứng chuyên gia phải được đưa ra một cách độc lập và khách quan.

Nhân chứng chuyên gia dù được bổ nhiệm bởi các bên hay Hội đồng trọng tài, nhiệm vụ chính của Nhân chứng chuyên gia là cung cấp ý kiến làm cơ sở tham khảo cho Hội đồng Trọng tài. Điều này nghĩa là, Nhân chứng chuyên gia phải là một người độc lập, chưa từng có mối quan hệ làm ăn trước đó với bất kỳ bên nào (hay có bất kỳ cơ sở nào cho thấy có sự không khách quan) nhằm cung cấp cho Hội đồng Trọng tài báo cáo chuyên gia một cách khách quan nhất.[10]

Bên cạnh đó, tầm quan trọng của tính độc lập của Nhân chứng chuyên gia cũng được ghi nhận tại Quy tắc IBA, cụ thể tại khoản 2 Điều 5 (Chuyên gia do các bên chỉ định) và Điều 6 (Chuyên gia do Hội đồng trọng tài chỉ định). Theo quy tắc này, báo cáo của Nhân chứng chuyên gia phải bao gồm tuyên bố về tính độc lập của họ đối với các bên tranh chấp, cố vấn pháp lý của các bên, và Hội đồng trọng tài.

Ngoài ra, Quy tắc IBA cũng quy định Nhân chứng chuyên gia có nghĩa vụ thông báo, cung cấp bất kỳ thông tin hay mối quan hệ hiện tại hoặc trước đây với bất kỳ bên nào trong vụ tranh chấp, cố vấn pháp lý của các bên, hoặc Hội đồng Trọng tài.

Kết luận

Tóm lại, Nhân chứng chuyên gia là một dạng chứng cứ quan trọng hỗ trợ Hội đồng Trọng tài đưa ra phán quyết một cách chính xác thông qua việc cung cấp các ý kiến chuyên môn về (các) vấn đề tranh chấp. Đồng thời, trong quá trình tố tụng trọng tài, nhân chứng chuyên gia còn phải đảm bảo tính độc lập và khách quan của mình trong việc đưa ra các Báo cáo và/hoặc ý kiến nêu trên.

Phụ trách

Trợ lý Luật sư Kiều Nữ Mỹ Hảo 

Điện thoại: (84) 028 6276 9900

Email: hao.kieu@cnccounsel.com

Thực tập sinh pháp lý Bùi Đoàn Minh Trí

Điện thoại: (84) 028 6276 9900

Email: tri.bui@cnccounsel.com

Cộng tác viên Trần Thị Thảo Nhi

Điện thoại: (84) 028 6276 9900

 

[1] Lê Công Minh, ‘Vai trò và nhiệm vụ của nhân chứng chuyên gia trong xử lý tranh chấp tại Tòa Trọng tài quốc tế’ Tạp chí Xây dựng <https://tapchixaydung.vn/vai-tro-va-nhiem-vu-cua-nhan-chung-chuyen-gia-trong-xu-ly-tranh-chap-tai-toa-trong-tai-quoc-te-20201224000016005.html>

[2] Luật Trọng tài Thương mại 2010, Điều 46(4)

[3]  Quy tắc IBA về Thu thập Bằng chứng trong Trọng tài Quốc tế của Hiệp hội Luật sư Quốc tế  (“Quy tắc IBA”, Điều 5(4)

[4] Quy tắc IBA, Điều 5(5)

[5] Quy tắc IBA, Điều 6(1)

[6] Quy tắc IBA, Điều 8.3

[7] Quy tắc IBA, Điều 8.3

[8] Alasdair McAlpine, ‘Hot-tubbing in international arbitration: do we need a protocol?’ <http://arbitrationblog.practicallaw.com/hot-tubbing-in-international-arbitration-do-we-need-a-protocol/#:~:text=Expert%20%E2%80%9Chot-tubbing%E2%80%9D%20%28or%20witness%20conferencing%29%2C%20is%20the%20practice,parallel%20%28instead%20of%20being%20cross-examined%20individually%20by%20counsel%29.>

[9] Nguyễn Mạnh Dũng, Nguyễn Thị Mai Anh, ‘Chứng cứ trong tố tụng trọng tài – Những khía cạnh pháp lý và thực tiễn qua các vụ tranh chấp tại VIAC và tố tụng Trọng tài quốc tế’ <https://www.academia.edu/43992868/CH%E1%BB%A8NG_C%E1%BB%A8_TRONG_T%E1%BB%90_T%E1%BB%A4NG_TR%E1%BB%8CNG_T%C3%80I_NH%E1%BB%AENG_KH%C3%8DA_C%E1%BA%A0NH_PH%C3%81P_L%C3%9D_V%C3%80_TH%E1%BB%B0C_TI%E1%BB%84N_QUA_C%C3%81C_V%E1%BB%A4_TRANH_CH%E1%BA%A4P_T%E1%BA%A0I_VIAC_V%C3%80_T%E1%BB%90_T%E1%BB%A4NG_TR%E1%BB%8CNG_T%C3%80I_QU%E1%BB%90C_T%E1%BA%BE>

[10] Robert Sutherland, ‘Expert evidence – The role, duties and responsibilites of the expert witness in litigation’ Terra Firma Chambers

Content Protection by DMCA.com

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.