Kinh nghiệm giải quyết tranh chấp tại SIAC theo Quy tắc SIAC 2016
Mặc dù đã giới thiệu Quy tắc SIAC 2025 thay thế cho Quy tắc SIAC 2016 trong việc giải quyết tranh chấp tại SIAC, CNC nhận thấy rằng Quy tắc SIAC 2025 vẫn cần thời gian để người dùng có thể làm quen và áp dụng trên thực tế.
Trong khi đó Quy tắc SIAC 2016 vốn đã quen thuộc với người dùng trong việc giải quyết các tranh chấp tại SIAC và góp phần không nhỏ vào việc nâng cao vị thế của SIAC trên toàn thế giới. Người dùng vẫn rất quan tâm trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp tại SIAC theo Quy tắc SIAC 2016.
Do vậy, với mục tiêu cung cấp cho người dùng chi tiết quá trình giải quyết tranh chấp tại SIAC, CNC hân hạnh giới thiệu bài viết “Kinh nghiệm giải quyết tranh chấp tại SIAC theo Quy tắc SIAC 2016” này để Khách hàng tham khảo và có sự chuẩn bị cần thiết.
Bài viết dựa trên kinh nghiệm của CNC trong việc hỗ trợ Khách hàng giải quyết tranh chấp tại SIAC trong hơn 9 năm qua. Để người dùng dễ dàng hơn trong việc tiếp cận, CNC tóm lược trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp tại SIAC theo Quy tắc SIAC 2016 thành 4 giai đoạn cơ bản sau đây:
Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp tại SIAC theo Quy tắc SIAC 2016
Đối với Giai đoạn 1: Bắt đầu tố tụng Trọng tài
Ở giai đoạn Bắt đầu tố tụng Trọng tài, 04 (bốn) vấn đề quan trọng mà người dùng cần lưu ý khi giải quyết tranh chấp tại SIAC theo Quy tắc SIAC 2016 bao gồm việc
- Nguyên đơn nộp Thông báo Trọng tài
- Bị đơn nộp Phản hồi Thông báo Trọng tài
- Các Bên tạm ứng Chi phí Trọng tài, và
- Tổng thư ký xem xét sơ bộ thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài.
04 thủ tục quan trọng trong Giai đoạn Bắt đầu tố tụng Trọng tài tại SIAC
Nguyên đơn nộp Thông báo Trọng tài
Theo đó, khi giải quyết tranh chấp tại SIAC thì bước đầu tiên và là điều kiện tiên quyết để bắt đầu tố tụng Trọng tài theo Quy tắc SIAC 2016 là Nguyên đơn gửi Thông báo Trọng tài đến Tổng Thư ký và đến Bị đơn.[1]
Tất nhiên, không nên hiểu rằng việc giải quyết tranh chấp được mặc nhiên bắt đầu từ là ngày Tổng Thư ký nhận được Thông báo Trọng tài. Thực tế, Tổng Thư ký sẽ xem xét Thông báo Trọng tài có đáp ứng đủ các nội dung cần có (sẽ được trình bày chi tiết dưới đây) hay chưa. Nếu đủ, SIAC sẽ thông báo cho Các Bên về ngày bắt đầu tố tụng Trọng tài (ngày bắt đầu giải quyết tranh chấp tại SIAC);[2]
Ngược lại, nếu chưa đáp ứng được các nội dung cần thiết thì Tổng Thư ký sẽ tạo điều kiện để Nguyên đơn hoàn thiện các nội dung trong Thông báo Trọng tài để nộp bổ sung;[3]
Bị đơn nộp Phản hồi Thông báo Trọng tài
Ngay sau khi việc giải quyết tranh chấp tại SIAC bắt đầu, Bị đơn cần nghiêm túc xem xét về việc có nên gửi Phản hồi Thông báo Trọng tài hay không. Theo Quy tắc SIAC 2016 thì việc giải quyết tranh chấp tại SIAC vẫn được tiến hành bình thường kể cả khi Bị đơn không nộp Phản hồi Thông báo Trọng tài.
Theo kinh nghiệm của CNC thì việc Bị đơn gửi Phản hồi Thông báo Trọng tài là bước đi phù hợp và được kiến nghị. Bởi vì thông qua bước Phản hồi Thông báo Trọng tài này Bị đơn có thể khai thác tối đa quyền lợi của mình trong Giai đoạn Bắt đầu tố tụng Trọng tài này ở các khía cạnh như:[4]
- Phản đối thẩm quyền của Trọng tài (nếu có);
- Lựa chọn Trọng tài viên;
- Thực hiện quyền kiện lại (nếu có).
- Đồng thời với việc phản hồi Thông báo Trọng tài, Bị đơn cũng thể hiện được mình là một Bên có trách nhiệm và tôn trọng quá trình giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài, tạo được thiện cảm với Các Bên.
Đặc biệt, việc phản đối thẩm quyền của Trọng tài thông qua Phản hồi Thông báo Trọng tài sẽ trở thành căn cứ quan trọng để SIAC xem xét sơ bộ thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài (sẽ được trình bày chi tiết sau đây), qua đó có thể giúp Bị đơn kết thúc việc giải quyết tranh chấp tại SIAC kể cả khi Hội đồng Trọng tài chưa được thành lập.[5]
Thời hạn để gửi Phản hồi Thông báo Trọng tài là 14 ngày kể từ ngày nhận được Thông báo Trọng tài.[6]. Dù vậy, nếu xét thấy khoảng thời gian 14 ngày là không đủ để chuẩn bị Phản hồi Thông báo Trọng tài, Bị đơn cần đề nghị Tổng Thư ký gia hạn thời gian gửi Thông báo Trọng tài. Nếu Tổng Thư ký chấp nhận đề nghị, Bị đơn sẽ gửi Phản hồi trong thời hạn đã được gia hạn.[7]
Lưu ý đối với Các Bên
3 lưu ý đối với Nguyên đơn:
Thứ nhất, Thông báo Trọng tài cần đảm bảo rằng trong Thông báo Trọng tài các nội dung cơ bản nêu tại Điều 3.1 và Điều 3.2, Quy tắc SIAC 2016 được đáp ứng, bao gồm:[8]
- Yêu cầu rằng tranh chấp được giải quyết bởi Trọng tài;
- Thông tin của Các Bên trong vụ Tranh chấp Trọng tài cũng như người đại diện của họ (nếu có);
- Tham chiếu đến hoặc bản copy của thỏa thuận trọng tài;
- Tham chiếu đến và bản copy (nếu có thể) của hợp đồng hoặc văn kiện pháp lý khác có liên quan đến tranh chấp phát sinh;
- Bản tuyên bố vắn tắt trong đó mô tả bản chất và tình huống dẫn tới tranh chấp, bao gồm cả những yêu cầu cũng như, nếu có thể, giá trị tranh chấp ước tính ban đầu;
- Bản tuyên bố về bất kỳ vấn đề nào đã được các bên thỏa thuận trước đó về cách thức tiến hành tố tụng trọng tài, hoặc bất kỳ vấn đề nào mà Nguyên đơn mong muốn đề nghị;
- Đề nghị số lượng trọng tài viên, nếu thỏa thuận trọng tài không nêu cụ thể;
- Đề cử một trọng tài viên nếu thỏa thuận trọng tài ấn định ba trọng tài viên, hoặc đề nghị một trọng tài viên duy nhất nếu thỏa thuận trọng tài ấn định trọng tài viên duy nhất, trừ khi các bên có thỏa thuận khác;
- Bất kỳ thông tin nào về luật áp dụng và ngôn ngữ trọng tài;
- Thanh toán khoản tiền để SIAC mở Vụ việc; và
- Chi tiết Giải trình Khiếu nại (nếu có thể).
Thứ hai, thanh toán khoản tiền để SIAC mở Vụ việc:
- Theo Biểu phí của SIAC áp dụng kể từ ngày 01/01/2025, giá trị khoản tiền để SIAC mở Vụ việc (không hoàn lại) là 3,270 Đô-la Singapore (đã bao gồm thuế 9% GST của Singapore) áp dụng với Bên khởi kiện có quốc tịch Singapore, và 3,000 Đô-la Singapore áp dụng với Bên khởi kiện không có quốc tịch Singapore.[9]
- Việc thanh toán khoản tiền để SIAC mở Vụ việc là một trong những điều kiện tiên quyết để SIAC gửi thông báo cho Các Bên về ngày bắt đầu giải quyết tranh chấp tại SIAC[10].
- Tất nhiên, Tổng Thư ký vẫn sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để Nguyên đơn thanh toán khoản tiền để SIAC mở Vụ việc. Thế nhưng, để đẩy nhanh việc giải quyết tranh chấp tại SIAC thì Nguyên đơn cần lưu ý thanh toán khoản tiền này cho SIAC trước khi gửi Thông báo Trọng tài cho Tổng Thư ký và Bị đơn.
Thứ ba, cách thức gửi Thông báo Trọng tài:
- Theo Quy tắc SIAC 2016, Nguyên đơn có thể gửi Thông báo Trọng tài thông qua thư tay, bưu điện hoặc dịch vụ chuyển phát, hoặc được truyền tải qua bất cứ phương thức liên lạc điện tử nào[11].
- Trong số đó, Nguyên đơn có thể gửi Thông báo Trọng tài cho SIAC theo địa chỉ email của nhóm Quản lý Vụ việc casemanagement@siac.org.sg hoặc thông qua hệ thống quản lý vụ việc trực tuyến[12] tại địa chỉ https://siac-gateway.on.opus2.com/.
- Hiện nay, hệ thống quản lý vụ việc trực tuyến mới được triển khai và người dùng vẫn chưa quen thuộc với cách sử dụng và cách thức hoạt động của hệ thống thì cách thức truyền thống là gửi qua địa chỉ email của nhóm Quản lý Vụ việc vẫn được khuyến nghị.
- Khuyến nghị này cũng áp dụng tương tự với bất cứ đệ trình, thông báo hay trao đổi nào của Các Bên trong quá trình tố tụng Trọng tài.
Chỉ khi đáp ứng các điều kiện nêu trên, Tổng Thư ký mới có cơ sở để xác định bắt đầu tố tụng Trọng tài.
Các bước để Nguyên đơn bắt đầu tố tụng Trọng tài tại SIAC
Tương tự như vậy, trong quá trình giải quyết tranh chấp tại SIAC, Bị đơn đơn cũng cần lưu ý 8 vấn đề sau đây khi Phản hồi Thông báo Trọng tài:
Thứ nhất, đối với nội dung Phản hồi Thông báo Trọng tài thì Bị đơn cần:
- Xác nhận hoặc bác bỏ một phần/toàn bộ các khiếu nại, bao gồm, luận cứ cho rằng Hội đồng Trọng tài không có thẩm quyền;
- Bản tuyên bố vắn tắt trong đó mô tả bản chất và tình huống dẫn tới việc Bị đơn có quyền kiện lại, nêu rõ những Khiếu nại cũng như, nếu có thể, giá trị tranh chấp ước tính ban đầu của Khiếu nại Kiện lại;
- Bất cứ ý kiến nào nhằm phản hồi bất cứ bản tuyên bố nào trong Thông báo Trọng tài và bất cứ vấn đề nào được điều chỉnh bởi Quy tắc này;
- Đề cử một trọng tài viên nếu thỏa thuận trọng tài ấn định ba trọng tài viên, hoặc ý kiến đối với đề nghị của Nguyên đơn về trọng tài viên duy nhất hoặc đưa ra một đề nghị khác nếu thỏa thuận trọng tài ấn định trọng tài viên duy nhất, trừ khi các bên có thỏa thuận khác;
- Thanh toán khoản tiền để Kiện lại (nếu có); và
- Giải trình Tự Bảo vệ và Chi tiết Đơn Kiện lại (nếu có thể).
- Việc Bị đơn thanh toán khoản tiền để Kiện lại được áp dụng tương tự như Nguyên đơn thanh toán khoản tiền để SIAC mở Vụ việc.
- Tất nhiên, Bị đơn có thể (nhưng không bắt buộc) gửi Giải trình Tự Bảo vệ và Chi tiết Đơn Kiện lại kèm theo Phản hồi Thông báo Trọng tài.[14]
Như vậy, có thể thấy việc giải quyết tranh chấp tại SIAC ở Giai đoạn 1 – Bắt đầu tố tụng Trọng tài thường trải qua 9 bước sau đây:
- Bước 1: Nguyên đơn chuẩn bị nội dung Thông báo Trọng tài.
- Bước 2: Nguyên đơn thanh toán khoản tiền để SIAC mở Vụ việc.
- Bước 3: Gửi Thông báo Trọng tài cho Tổng Thư ký và Bị đơn theo địa chỉ[13] casemanagement@siac.org.sg;
- Bước 4: Tổng Thư ký sẽ gửi thông báo về ngày bắt đầu tố tụng Trọng tài đến Các Bên (nếu các bước nêu trên về cơ bản thõa mãn).
- Bước 5: Xem xét có nên gửi Phản hồi Thông báo Trọng tài hay không;
- Bước 6: Xem xét có đủ thời gian để chuẩn bị Phản hồi Thông báo Trọng tài hay không. Nếu không đủ, cần gửi đề nghị gia hạn thời gian gửi Phản hồi Thông báo Trọng tài đến Tổng Thư ký;
- Bước 7: Chuẩn bị nội dung trả lời Thông báo Trọng tài, trả lời cho các câu hỏi: (i) có nên phản đối thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài hay không, (ii) lựa chọn Trọng tài viên phù hợp, và (iii) có nên thực hiện quyền kiện lại không;
- Bước 8: Thanh toán khoản tiện kiện lại (nếu có);
- Bước 9: Gửi Phản hồi Thông báo Trọng tài cho Tổng Thư ký và Nguyên đơn với các chi tiết như được nêu trên.
Ứng trước Chi phí Trọng tài:
Để giải quyết tranh chấp tại SIAC, Các Bên sẽ ứng trước và chịu trách nhiệm đối với Chi phí Trọng tài. Chi phí Trọng tài được áp dụng đối với bất cứ vấn đề nào mà Nguyên đơn và Bị đơn yêu cầu Hội đồng Trọng tài giải quyết[15];
Để dự trù được Chi phí Trọng tài, khi tham gia giải quyết tranh chấp tại SIAC Các Bên có thể tham chiếu Biểu phí của SIAC áp dụng kể từ ngày 01/01/2025[16].
Sau khi gửi Thông báo Bắt đầu Tố tụng Trọng tài, Tổng Thư ký sẽ ấn định Chi phí Trọng tài để yêu cầu Các Bên ứng trước, và nếu không có chỉ thị gì khác, mỗi Bên sẽ ứng trước 50% giá trị các Chi phí Trọng tài[17].
Tại bất cứ thời điểm nào của tố tụng Trọng tài, Tổng Thư ký có thể yêu cầu Các Bên thanh toán thêm tiền ứng trước[18].
Việc ứng trước Chi phí Trọng tài là trách nhiệm của Các Bên để đảm bảo việc giải quyết tranh chấp tại SIAC được diễn ra. Do vậy, nếu một Bên không thanh toán (một phần hoặc toàn bộ) tiền ứng trước thì:
- Hội đồng Trọng tài có thể đình chỉ công việc của mình và Tổng Thư ký có thể đình chỉ công việc quản lý Vụ việc của SIAC; và
- Tổng Thư ký sẽ ấn định một thời hạn để Bên đó thanh toán. Quá thời hạn này mà Bên đó chưa thanh toán, Bên đó được coi như đã rút Khiếu nại hoặc Khiếu nại Kiện lại, nhưng không ảnh hưởng đến quyền đệ trình lại Khiếu nại hoặc Khiếu nại Kiện lại liên quan ở một Vụ việc khác[19].
- Trong tình huống đó, dù không bắt buộc, Bên còn lại nên thanh toán hộ phần ứng trước thuộc trách nhiệm của Bên không thanh toán để không ảnh hưởng đến quá trình tố tụng Trọng tài[20].
Khi kết thúc tố tụng Trọng tài, giá trị cuối cùng của các Chi phí Trọng tài sẽ được xác định bởi Tổng Thư ký. Nếu giá trị này thấp hơn so với khoản tiền ứng trước đã thanh toán, khoản chênh lệch sẽ được hoàn trả cho Các Bên theo tỷ lệ tương ứng[21].
Tóm lại, bên cạnh việc thanh toán khoản tiền để SIAC mở Vụ việc hoặc Kiện lại, Các Bên cần dự trù và thanh toán Chi phí Trọng tài để Vụ việc được giải quyết nhanh chóng.
>>> Xem thêm về Chi phí Trọng tài tại đây.
Xem xét sơ bộ thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài:
Khi tham gia giải quyết tranh chấp tại SIAC, CNC nhận thấy rằng một Bên (thông thường là Bị đơn khi trả lời Thông báo Trọng tài, hoặc Nguyên đơn khi phản hồi Đơn Kiện lại) thường có xu hướng phản đối thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài. Khi đó, về nguyên tắc thì Hội đồng Trọng tài chính là chủ thể có quyền tự xem xét thẩm quyền của mình (nguyên tắc competence-competence). Nguyên tắc này được thừa nhận rộng rãi trên toàn thế giới không chỉ trong giới học thuật và thực tiễn hành nghề, mà còn được khẳng định tại Điều 16, Luật Mẫu UNCITRAL về Trọng tài Thương mại Quốc tế.
Tuy nhiên, sẽ mất thời gian và tốn kém chi phí không đáng có nếu phải đợi Hội đồng Trọng tài thành lập sau đó mới xác định liệu bản thân Hội đồng Trọng tài không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hay không. Do đó, để quản lý Vụ việc một cách hiệu quả, SIAC đã thiết kế quy trình cho phép Tòa Trọng tài (the Court) rà soát thỏa thuận Trọng tài của Các Bên để xem xét sơ bộ thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài đối với Vụ việc trước khi Hội đồng Trọng tài được thành lập[22].
Sau khi Tòa Trọng tài hoàn tất việc xem xét sơ bộ, Tòa Trọng tài sẽ ra quyết định tiếp tục hay chấm dứt tố tụng Trọng tài. Trong trường hợp Tòa Trọng tài quyết định vẫn tiếp tục giải quyết tranh chấp tại SIAC thì quyết định này không ảnh hưởng đến quyền tự xem xét thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài được thành lập sau đó.
Nói cách khác, vấn đề thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài sẽ có 02 bước xem xét: (i) xem xét sơ bộ bởi Tòa Trọng tài trước khi Hội đồng Trọng tài được thành lập, và (ii) xem xét bởi Hội đồng Trọng tài sau khi được thành lập.
Tổng kết Giai đoạn 1 – Bắt đầu tố tụng Trọng tài theo Quy tắc SIAC 2016
Như vậy, có thể tóm lược Giai đoạn 1 – Bắt đầu tố tụng Trọng tài theo Quy tắc SIAC 2016 thành 7 bước cơ bản như sau đây:
7 bước giải quyết tranh chấp tại SIAC trong giai đoạn bắt đầu tố tụng Trọng tài
Giai đoạn 2: Thành lập Hội đồng Trọng tài
Trong Giai đoạn Thành lập Hội đồng Trọng tài, Người dùng cần lưu ý 03 (ba) vấn đề quan trọng sau: (i) Số lượng Trọng tài viên; (ii) Quy trình bổ nhiệm Thành viên Hội đồng Trọng tài; và (iii) Phản đối Thành viên Hội đồng Trọng tài. Cụ thể:
03 vấn đề quan trọng khi thành lập Hội đồng Trọng tài giải quyết tranh chấp tại SIAC
Số lượng Thành viên Hội đồng Trọng tài:[23]
Quy tắc SIAC 2016 quy định Các Bên có quyền thỏa thuận về số lượng Thành viên Hội đồng Trọng tài.
Trong trường hợp Các Bên không có bất cứ thỏa thuận nào như vậy, số lượng Thành viên Hội đồng Trọng tài sẽ được ấn định là 01 (một) hoặc 03 (ba).
Theo đó, Tổng Thư ký chỉ ấn định 03 Trọng tài viên nếu xét thấy cần thiết, sau khi tham vấn ý kiến của Các Bên, dựa trên tính phức tạp và/hoặc giá trị tranh chấp hoặc các yếu tố khác có liên quan.
Ngoài trường hợp đó, Tổng Thư ký sẽ ấn định 01 Thành viên Hội đồng Trọng tài để giải quyết Vụ việc, qua đó thể hiện tính nhanh chóng và tiết kiệm của thủ tục giải quyết tranh chấp tại SIAC.[24]
Quy trình bổ nhiệm Thành viên Hội đồng Trọng tài:
Tương tự như thỏa thuận về số lượng Thành viên Hội đồng Trọng tài, Quy tắc SIAC 2016 cũng trao cho Các Bên quyền tự thỏa thuận cách thức và quy trình bổ nhiệm Thành viên Hội đồng Trọng tài để giải quyết tranh chấp.
Trong đó, Các Bên có thể thỏa thuận về việc Thành viên Hội đồng Trọng tài được đề cử bởi một/nhiều Bên hoặc bởi bất cứ bên thứ ba nào kể cả các Thành viên Hội đồng Trọng tài đã được bổ nhiệm.
Nếu Các Bên không có bất cứ thỏa thuận nào về cách thức và quy trình bổ nhiệm Thành viên Hội đồng Trọng tài, việc bổ nhiệm sẽ tuân theo quy định của Quy tắc SIAC 2016.
Cụ thể, đối với trường hợp 01 Thành viên Hội đồng Trọng tài, Các Bên sẽ cùng nhau đề cử Thành viên Hội đồng Trọng tài trong thời hạn 21 ngày kể từ ngày bắt đầu tố tụng Trọng tài. Chánh tòa Trọng tài (President) sẽ tự mình tiến hành bổ nhiệm Thành viên Hội đồng Trọng tài nếu:[25]
- Các Bên không đạt được thỏa thuận về Thành viên Hội đồng Trọng tài, hoặc
- Một Bên yêu cầu Chánh tòa Trọng tài tiến hành bổ nhiệm trước thời hạn đó,
Đối với trường hợp 03 Thành viên Hội đồng Trọng tài, việc bổ nhiệm các Thành viên Hội đồng Trọng tài để giải quyết tranh chấp sẽ được thực hiện theo các bước sau đây:[26]
- Bước 1: Thành viên Hội đồng Trọng tài thứ nhất được đề cử bởi một Bên;
- Bước 2: Bên còn lại đề cử Thành viên Hội đồng Trọng tài thứ hai trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhận được thông tin của Thành viên Hội đồng Trọng tài thứ nhất;
- Bước 3: Nếu một trong Các Bên không đề cử đúng hạn, Chánh tòa Trọng tài sẽ bổ nhiệm Thành viên Hội đồng Trọng tài cho Bên đó;
- Bước 4: Chánh tòa Trọng tài sẽ bổ nhiệm Thành viên Hội đồng Trọng tài thứ ba kiêm Chủ tịch Hội đồng Trọng tài.
- Tất nhiên, các thời hạn đề cử Thành viên Hội đồng Trọng tài trên đây có thể thay đổi nếu Các Bên có thỏa thuận một thời hạn khác, hoặc một Bên đề nghị Tổng Thư ký gia hạn thời hạn đề cử và được Tổng Thư ký đồng ý.[27]
Lưu ý thêm rằng Trọng tài viên được đề cử không đương nhiên sẽ trở thành Thành viên Hội đồng Trọng tài. Bởi lẽ, Chánh tòa Trọng tài sẽ ra quyết định chấp nhận hay từ chối Trọng tài viên được đề cử trở thành Thành viên Hội đồng Trọng tài, và quyết định này là cuối cùng và không thể bị kháng cáo.[28]
Trong quá trình xem xét bổ nhiệm Thành viên Hội đồng Trọng tài, Chánh tòa Trọng tài đánh giá các Trọng tài viên thông qua các tiêu chí sau:[29]
- Đảm bảo tính độc lập, khách quan;
- Năng lực chuyên môn theo thỏa thuận của Các Bên;
- Khả năng giải quyết Vụ việc sao cho nhanh chóng và hiệu quả;
Tóm lại, trừ khi Các Bên có thỏa thuận khác, quy trình thành lập Hội đồng Trọng tài theo Quy tắc SIAC 2016 có thể tóm lược như lưu đồ dưới đây:
Thành lập Hội đồng Trọng tài khi Giải quyết Tranh chấp tại SIAC
Phản đối Thành viên Hội đồng Trọng tài:
Như một chuẩn mực chung trong quá trình giải quyết bằng Trọng tài, các Thành viên Hội đồng Trọng tài phải đảm bảo tính độc lập, khách quan, giải quyết tranh chấp nhanh chóng và hiệu quả. Với vị thế là một Trung tâm Trọng tài Quốc tế hàng đầu, có thể thấy SIAC đã thiết kế một quy trình bổ nhiệm Thành viên Hội đồng Trọng tài chặt chẽ nhằm đảm bảo chuẩn mực ấy, như được trình bày trên đây.
Dù vậy, việc một Trọng tài viên không đủ điều kiện được bổ nhiệm làm Thành viên Hội đồng Trọng tài vẫn có thể xảy ra. Để giải quyết tình huống này, Các Bên cần tự bảo vệ quyền lợi của mình trước các Trọng tài viên không đủ điều kiện.
Dựa trên nền tảng như vậy, Quy tắc SIAC 2016 cho phép một Bên phản đối Thành viên Hội đồng Trọng tài. Cụ thể như sau:
- Cơ sở Phản đối: Việc phản đối có thể được thực hiện khi phát sinh những tình huống dẫn đến những nghi ngờ chính đáng về tính khách quan hoặc độc lập của Thành viên Hội đồng Trọng tài;
- Thành viên Hội đồng Trọng tài không đáp ứng bất cứ yêu cầu về chuyên môn nào mà Các Bên đã thỏa thuận; hoặc
- Thành viên Hội đồng Trọng tài từ chối hoặc không thể thực hiện nhiệm vụ của mình, dù là trên lý thuyết hoặc trên thực tế.[30]
Cơ sở để một Bên phản đối Thành viên Hội đồng Trọng tài trong quá trình giải quyết tranh chấp tại SIAC
Thông báo Phản đối:
Quy tắc SIAC 2016 cho phép Các Bên thực hiện quyền Phản đối Thành viên Hội đồng Trọng tài bằng cách nộp Thông báo Phản đối cho Tổng Thư ký, Bên còn lại và tất cả Thành viên Hội đồng Trọng tài trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhận được Thông báo Chỉ định Thành viên Hội đồng Trọng tài đó, hoặc biết hoặc phải biết đến tình huống phát sinh Cơ sở Phản đối.[31]
Thanh toán khoản tiền để SIAC xem xét Thông báo Phản đối:
Căn cứ vào Biểu phí của SIAC áp dụng kể từ ngày 01/01/2025, giá trị khoản tiền để SIAC xem xét Thông báo Phản đối (không hoàn lại) là 10,900 Đô-la Singapore (đã bao gồm thuế 9% GST của Singapore) áp dụng với Bên Phản đối có quốc tịch Singapore, và 10,000 Đô-la Singapore áp dụng với Bên Phản đối không có quốc tịch Singapore.[32]
Theo đó, sau khi nhận được Thông báo Phản đối, Tổng Thư ký sẽ đặt ra một thời hạn để Bên Phản đối thanh toán khoản tiền này.
Nếu quá thời hạn đó mà Bên Phản đối không thanh toán, Bên Phản đối được coi như đã rút Thông báo Phản đối.[33]
Bên Phản đối được khuyến nghị thanh toán khoản tiền này cùng lúc với thời điểm nộp Thông báo Phản đối để không ảnh hưởng đến tiến trình xem xét Thông báo Phản đối của Tổng Thư ký.
Đánh giá rủi ro ảnh hưởng tố tụng Trọng tài:
Trong quá trình xem xét Thông báo Phản đối, Tổng Thư ký sẽ đánh giá rủi ro tố tụng Trọng tài bị ảnh hưởng bởi Thành viên Hội đồng Trọng tài bị Phản đối. Từ đó, Tổng Thư ký sẽ
- ra lệnh tạm đình chỉ tố tụng Trọng tài, hoặc
- tiếp tục tố tụng Trọng tài với Thành viên Hội đồng Trọng tài bị Phản đối
cho đến khi Thông báo Phản đối được giải quyết bởi Tòa Trọng tài.[34]
Quyết định về việc Phản đối:
Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận Thông báo Phản đối và khoản tiền nói trên, Tòa Trọng tài sẽ tham vấn Các Bên và tất cả Thành viên Hội đồng Trọng tài để xem xét Quyết định về việc Phản đối. Theo đó:
- Nếu Tòa Trọng tài bác bỏ Thông báo Phản đối, Thành viên Hội đồng Trọng tài bị Phản đối vẫn tiếp tục nhiệm vụ;
- Nếu Tòa Trọng tài đồng ý với Thông báo Phản đối, Tòa Trọng tài sẽ loại bỏ Thành viên Hội đồng Trọng tài bị Phản đối.
Quyết định này của Tòa Trọng tài sẽ được Tổng Thư ký gửi đến Các Bên. Đồng thời, quyết định này là cuối cùng và không thể bị kháng cáo.[35]
Kết thúc nhiệm vụ của Thành viên Hội đồng Trọng tài bị Phản đối:
Quy tắc SIAC 2016 cũng đặt ra các quy định cho phép Thành viên Hội đồng Trọng tài bị Phản đối kết thúc nhiệm vụ của mình trước khi Tòa Trọng tài ra Quyết định về việc Phản đối trong các trường hợp sau:
- Bên còn lại đồng tình với Thông báo Trọng tài, hoặc
- Thành viên Hội đồng Trọng tài bị Phản đối tự nguyên rút lui khỏi Vụ việc.[36]
Hệ quả do kết thúc nhiệm vụ:
Bất kể kết thúc nhiệm vụ trước khi có Quyết định về việc Phản đối hoặc bởi Quyết định về việc Phản đối, Thành viên Hội đồng Trọng tài bị Phản đối sẽ bị thay thế bởi Trọng tài viên khác với cách thức đề cử và bổ nhiệm tương tự với Thành viên Hội đồng Trọng tài bị Phản đối đó.[37]
Tổ chức lại phiên họp giải quyết tranh chấp:
Sau khi bổ nhiệm Thành viên Hội đồng Trọng tài thay thế, để đảm bảo tính độc lập và khách quan trong quá trình tố tụng Trọng tài, Quy tắc SIAC 2016 đã đặt ra các trường hợp cần tổ chức lại phiên họp giải quyết tranh chấp, cụ thể như sau[38]:
- Sau khi bổ nhiệm thay thế Thành viên Hội đồng Trọng tài duy nhất hoặc Chủ tịch Hội đồng Trọng tài, bất cứ phiên họp nào đã từng được tổ chức trước đây thì phải được tổ chức lại, trừ khi Các Bên có thỏa thuận khác;
- Trong trường hợp bổ nhiệm thay thế các Thành viên Hội đồng Trọng tài còn lại, Hội đồng Trọng tài có thể tham vấn ý kiến Các Bên để xem xét tổ chức lại các phiên họp đã từng được tổ chức trước đây;
- Việc tổ chức lại phiên họp không áp dụng đối với các phiên họp liên quan đến Phán quyết Trọng tài một phần hoặc tạm thời đã được ban hành Do đó, các Phán quyết Trọng tài như vậy vẫn giữ nguyên hiệu lực.
Như vậy, việc phản đối Thành viên Hội đồng Trọng tài có thể được tóm lược theo lưu đồ sau đây:
Lưu đồ phản đối Thành viên Hội đồng Trọng tài
Lưu ý thêm rằng: Ngoài trường hợp kết thúc nhiệm vụ của Thành viên Hội đồng Trọng tài bị Phản đối, một Thành viên Hội đồng Trọng tài vẫn có thể bị thay thế bởi một Trọng tài viên khác nếu Thành viên Hội đồng Trọng tài đó chết, từ chức, hoặc rút lui hoặc bị loại bỏ khỏi Vụ việc.[39]
Chánh tòa Trọng tài có thể tự mình loại bỏ Thành viên Hội đồng Trọng tài, nếu xác định được Thành viên Hội đồng Trọng tài đó từ chối hoặc không thể thực hiện nhiệm vụ, hoặc không đảm bảo tính công bằng, nhanh chóng, hiệu quả kinh tế và tính chung thẩm của Trọng tài trong quá trình thực thi nhiệm vụ.[40]
Các cơ sở thay thế Trọng tài viên
Giai đoạn 3: Tiến hành tố tụng Trọng tài
Sau khi thành lập và tiếp nhận hồ sơ, tài liệu của Vụ việc, Hội đồng Trọng tài sẽ tiến hành giải quyết tranh chấp theo cách thức phù hợp sao cho đảm bảo tính công bằng, nhanh chóng, tiết kiệm và chung thẩm của phương thức Trọng tài[41].
Sẽ không thể có một trình tự, thủ tục cụ thể phù hợp với tất cả các Vụ việc. Điều này xuất phá từ nhiều yếu tố, trong đó phải kể tới nguyên tắc tự do, tự nguyện của Các Bên. Khi Các Bên mong muốn giải quyết hữu hảo Tranh chấp, Các Bên có thể tự giải quyết với nhau hoặc yêu cầu Hội đồng Trọng tài ra Phán quyết Trọng tài ghi nhận sự thỏa thuận của Các Bên theo quy định tại Điều [*], Quy tắc SIAC 2016.
Tương tự như vậy, khi một Bên yêu cầu Hội đồng Trọng tài bác bỏ sớm Vụ việc và Hội đồng Trọng tài, sau khi xem xét các chứng cứ do Các Bên trình nộp, xác định rằng cơ sở để bác bỏ sớm Vụ việc đã thỏa mãn thì Vụ việc cũng sẽ chấm dứt.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của mình CNC nhận thấy rằng tiến hành tố tụng của Hội đồng Trọng tài sẽ thuộc 04 (bốn) nhóm công việc: (i) Tổ chức phiên họp đầu tiên để quản lý Vụ việc; (ii) Thống nhất lịch biểu trình nộp và giám sát việc Các Bên trình nộp theo lịch biểu; (iii) Tổ chức các phiên họp để giải quyết tranh chấp giữa Các Bên; và (iv) Kết thúc tố tụng Trọng tài.
04 bước chính trong giai đoạn tiến hành tố tụng Trọng tài
Phiên họp quản lý Vụ việc:
Tổ chức phiên họp quản lý Vụ việc gần như là hoạt động đầu tiên mà mỗi Hội đồng Trọng tài phải thực hiện sau khi thành lập. Mục đích của việc tổ chức phiên họp quản lý Vụ việc chính là để thảo luận về thủ tục tố tụng sao cho phù hợp và hiệu quả nhất đối với Vụ việc[42].
Sau phiên họp đầu tiên này, Hội đồng Trọng tài sẽ triển khai các công việc tiếp theo nhằm phục vụ cho nhiệm vụ phân xử tranh chấp của Các Bên, bao gồm nhưng không giới hạn[43]:
- Hướng dẫn Các Bên và thống nhất lịch trình tố tụng;
- Chia tách thủ tục tố tụng;
- Giới hạn số trang tối đa đối với các đệ trình;
- Loại bỏ các lời khai và chứng cứ không liên quan;
- Hướng dẫn Các Bên tập trung vào các vấn đề trực tiếp giải quyết một phần hoặc toàn bộ Vụ việc;
- Bác bỏ sớm đối với Khiếu nại hoặc Tự Bảo vệ (Early Dismissal);
- Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Bên cạnh đó, tại bất cứ giai đoạn nào của tố tụng Trọng tài, Hội đồng Trọng tài hoàn toàn có thể tiếp tục tổ chức các phiên họp quản lý Vụ việc nếu Chánh tòa Trọng tài có yêu cầu[44].
Trình nộp:
Sau ngày kết thúc phiên họp quản lý Vụ việc đầu tiên, Hội đồng Trọng tài sẽ ấn định lịch biểu cho các đệ trình viết của Các Bên để thu thập ý kiến và chứng cứ của Các Bên.
Theo đó, trừ khi Các Bên có thỏa thuận khác trong lịch biểu hoặc được Hội đồng Trọng tài cho phép khác đi, việc trình nộp của Các Bên sẽ được thực hiện theo thứ tự sau đây:
- Bước 1: Nguyên đơn trình nộp Khiếu nại Chi tiết;
- Bước 2: Bị đơn trình nộp Bản Tự Bảo vệ và/hoặc Đơn Kiện lại (nếu có);
- Bước 3: Nguyên đơn trình nộp Bản Tự Bảo vệ đối với Đơn Kiện lại (nếu có); HOẶC
- Bước 3: Nguyên đơn trình nộp sửa đổi, bổ sung Khiếu nại Chi tiết;
- Bước 4: Bị đơn Trình nộp sửa đổi, bổ sung Bản Tự bảo vệ và/hoặc sửa đổi, bổ sung Đơn Kiện lại (nếu có); HOẶC
- Bước 4: Nguyên đơn trình nộp sửa đổi, bổ sung Bản Tự Bảo vệ đối với Đơn Kiện lại (nếu có).
Cần lưu ý rằng:
- Đối với Nguyên đơn: Hội đồng Trọng tài có thể ban hành lệnh chấm dứt tố tụng Trọng tài nếu Nguyên đơn không trình nộp Khiếu nại Chi tiết trong thời hạn được ấn định[45];
- Đối với Bị đơn: Tố tụng Trọng tài vẫn được tiếp tục kể cả khi Bị đơn không đệ trình Bản Tự Bảo vệ[46].
Đồng thời, việc trình nộp của Các Bên phải bao gồm đầy đủ các hồ sơ, tài liệu giải trình chi tiết, và trong mỗi lần trình nộp, Các Bên phải thiết lập[47]:
- Tình tiết Vụ việc có liên quan;
- Cơ sở pháp lý hoặc lập luận cụ thể để bảo vệ quan điểm của mình;
- Yêu cầu được hưởng quyền hoặc giải phóng khỏi nghĩa vụ cụ thể.
Sau mỗi lần trình nộp, nếu cần thiết, mỗi Bên có thể đề nghị Hội đồng Trọng tài cho phép sửa đổi, bổ sung các trình nộp trước đó của mình với điều kiện những sửa đổi, bổ sung đó không nằm ngoài phạm vi ban đầu, hoặc không nhằm làm trì hoãn tiến trình tố tụng Trọng tài[48].
Ngoài ra, để làm sáng tỏ thêm các vấn đề chưa được trình bày thỏa đáng trong các trình nộp trước đó, Hội đồng Trọng tài có thể yêu cầu Các Bên cung cấp thêm các trình nộp trong thời hạn được ấn định[49].
Như vậy, việc trình nộp của Các Bên có thể tóm lược như sau:
Việc trình nộp của Các Bên khi Giải quyết Tranh chấp tại SIAC
Họp giải quyết Tranh chấp[50]:
Sau khi nhận được các đệ trình cần thiết từ Các Bên và các nhân chứng (bao gồm nhân chứng chuyên gia), Hội đồng Trọng tài sẽ tiến hành làm rõ các vấn đề chưa được trình bày hoặc trình bày chưa được rõ về nội dung Vụ việc khi Các Bên trình nộp thông qua các phiên họp giải quyết Tranh chấp.
Phiên họp giải quyết Tranh chấp chính là cơ hội của Các Bên trình bày các ý kiến của mình một cách trực tiếp và minh thị nhất với Hội đồng Trọng tài.
Theo đó, đối với mỗi phiên họp, ngày, thời gian, và địa điểm tổ chức phiên họp đó sẽ được Hội đồng Trọng tài ấn định và thông báo cho Các Bên.
Trong các phiên họp, Hội đồng Trọng tài có thể triệu tập nhân chứng (bao gồm nhân chứng chuyên gia) để cung cấp lời khai và/hoặc đối chiếu.
Đồng thời, các phiên họp và các hồ sơ, tài liệu được sử dụng trong phiên họp phải được bảo mật, trừ trường hợp Các Bên có thỏa thuận khác[51].
Kết thúc tố tụng Trọng tài:
Về nguyên tắc, Hội đồng Trọng tài có thể ban hành nhiều Phán quyết Trọng tài riêng biệt cho từng vấn đề tại các thời điểm khác nhau trong quá trình tố tụng Trọng tài, trừ khi Các Bên có thỏa thuận khác[52].
Đối với bất cứ vấn đề nào cần phải được ban hành Phán quyết Trọng tài, Hội đồng Trọng tài sẽ tuyên bố kết thúc tố tụng Trọng tài cho Các Bên và Tổng Thư ký, sau khi:
- tham vấn Các Bên, và
- đảo bảo rằng Các Bên không còn bất cứ chứng cứ nào để cung cấp/trình nộp liên quan đến vấn đề đó[53].
Tuy nhiên, theo yêu cầu của một Bên hoặc Hội đồng Trọng tài xét thấy cần thiết thì Hội đồng Trọng tài có thể mở lại tố tụng Trọng tài. Khi đó, Hội đồng Trọng tài cũng sẽ thông báo tới Các Bên và tới Tổng Thư ký[54].
Như vậy, Giai đoạn Tiến hành tố tụng Trọng tài có thể tóm lược thành các bước sau đây:
- Bước 1: Hội đồng Trọng tài tiếp nhận Vụ việc từ Tổng Thư ký và Nhóm Quản lý Vụ việc.
- Bước 2: Hội đồng Trọng tài tham vấn với Các Bên để tổ chức phiên họp quản lý Vụ việc với Các Bên.
- Bước 3: Hội đồng Trọng tài và Các Bên (có thể) thống nhất về các vấn đề cần giải quyết Tranh chấp và ghi vào lịch biểu trình nộp.
- Bước 4: Các Bên trình nộp hồ sơ, tài liệu theo lịch biểu đã thống nhất.
- Bước 5: Hội đồng Trọng tài tiến hành họp giải quyết tranh chấp với Các Bên.
- Bước 6: Hội đồng Trọng tài tuyên bố chấm dứt/kết thúc tiến trình tố tụng Trọng tài.
06 bước trong Giai đoạn Tiến hành tố tụng Trọng tài tại SIAC
Giai đoạn 4: Phán quyết Trọng tài
Việc giải quyết tranh chấp tại SIAC vẫn chưa kết thúc tại thời điểm Hội đồng Trọng tài tuyên bố kết thúc tố tụng Trọng tài. Ngược lại, việc tuyên bố kết thúc tố tụng trọng tài chỉ đánh dấu thời điểm Hội đồng Trọng tài xem xét tất cả các trình nộp, quan điểm của Các Bên và đưa ra phán quyết trọng tài.
Đồng thời, để đảm bảo việc giải quyết tranh chấp tại SIAC là minh bạch, khách quan, có hiệu quả cao nhất, đặc biệt là khả năng thi hành của Phán quyết Trọng tài thì SIAC đã thiết lập một số thủ tục nghiêm ngặt với mục đích giảm thiểu các điểm chưa rõ ràng và các lỗi hình thức trong Phán quyết Trọng tài[55].
Cụ thể, đối với mọi Vụ việc được quản lý bởi SIAC, Hội đồng Trọng tài chỉ được ban hành Phán quyết Trọng tài nếu dự thảo của Phán quyết đó đã được duyệt bởi Tổng Thư ký.[56] Đồng thời, sau khi Phán quyết Trọng tài được ban hành, Phán quyết đó hoàn toàn có thể bị điều chỉnh về mặt hình thức[57].
Trên nền tảng như vậy, việc ban hành một Phán quyết Trọng tài theo Quy tắc SIAC 2016 sẽ trải qua giai đoạn: (i) Ban hành Dự thảo Phán quyết Trọng tài; (ii) Rà soát Dự thảo Phán quyết Trọng tài; (iii) Ban hành Phán quyết Trọng tài; và (iv) Điều chỉnh Phán quyết Trọng tài (nếu có). Cụ thể như sau:
Quá trình ban hành Phán quyết Trọng tài
Ban hành Dự thảo Phán quyết Trọng tài:
Trong vòng 45 ngày kể từ ngày Hội đồng Trọng tài tuyên bố kết thúc tố tụng Trọng tài, Hội đồng Trọng tài phải đệ trình Dự thảo Phán quyết Trọng tài cho Tổng Thư ký để Tổng Thư ký rà soát.
Tất nhiên, Hội đồng Trọng tài có thể đề nghị Tổng Thư ký gia hạn thời hạn nộp Dự thảo nếu nhận thấy cần thêm thời gian chuẩn bị Dự thảo.
Rà soát Dự thảo Phán quyết Trọng tài:
Sau khi nhận được Dự thảo Phán quyết Trọng tài, Tổng Thư ký, ngay khi có thể, có quyền đề xuất một số điều chỉnh về hình thức của Phán quyết, và hướng dẫn Hội đồng Trọng tài chú ý vào các điểm nội dung của Phán quyết nhưng khổng ảnh hưởng đến quyền ra quyết định của Hội đồng Trọng tài đối với Vụ việc[58].
Không có thời hạn cụ thể để Tổng Thư ký kết thúc việc rà soát Dự thảo Phán quyết Trọng tài. Chỉ khi nào nhận được thông báo từ Tổng Thư ký, Các Bên mới biết thời điểm Tổng Thư ký kết thúc việc rà soát Dự thảo Phán quyết Trọng tài.
Tuy nhiên, về nguyên tắc chung, Tổng Thư ký phải tiến hành rà soát trong thời gian sớm nhất có thể để đảm bảo tính nhanh chóng và hiệu quả kinh tế theo phương châm của SIAC[59].
Ban hành Phán quyết Trọng tài:
Nội dung của Phán quyết Trọng tài, trừ khi Các Bên có thỏa thuận khác, phải nêu rõ[60]:
- Các căn cứ và lập luận;
- Tổng giá trị của các Chi phí Trọng tài;
- Phân bổ các Chi phí Trọng tài theo đó;
- Phân bổ các Chi phí Pháp lý và Chi phí Khác của một Bên.
Phán quyết Trọng tài được ban hành theo đa số hoặc nếu không đạt được sự đồng thuận theo đa số, Chủ tịch Hội đồng Trọng tài sẽ đơn phương ban hành Phán quyết Trọng tài[61].
Tuy nhiên, quá trình ban hành Phán quyết Trọng tài có thể gặp trở ngại do có Thành viên Hội đồng Trọng tài không hợp tác tham gia ban hành Phán quyết Trọng tài. Để xử lý tình huống này, Quy tắc SIAC 2016 yêu cầu các Thành viên Hội đồng Trọng tài còn lại phải ra thông báo sự việc đến Tổng Thư ký, Các Bên và Thành viên không hợp tác đó[62].
Tiếp đến, để xem xét ra quyết định tiếp tục ban hành Phán quyết Trọng tài mà không có Thành viên Hội đồng Trọng tài không hợp tác hay không, các Thành viên Hội đồng Trọng tài còn lại cần cân nhắc các yếu tố sau đây[63]:
- Giai đoạn của tố tụng Trọng tài;
- Giải trình lý do không tham gia của Thành viên Hội đồng Trọng tài không hợp tác;
- Ảnh hưởng lên khả năng thi hành Phán quyết Trọng tài nếu ban hành mà không có Thành viên Hội đồng Trọng tài không hợp tác.
Các yếu tố cân nhắc ban hành Phán quyết Trọng tài mà không có Thành viên Hội đồng Trọng tài không hợp tác
Nếu ra quyết định tiếp tục, các Thành viên Hội đồng Trọng tài còn lại phải nêu rõ lý do về việc ban hành Phán quyết Trọng tài mà không có Thành viên Hội đồng Trọng tài không hợp tác[64].
Cuối cùng, chỉ khi nào Các Bên thanh toán xong các Chi phí Trọng tài, Tổng Thư ký mới gửi Phán quyết Trọng tài cho Các Bên[65].
Điều chỉnh Phán quyết Trọng tài:
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được Phán quyết Trọng tài, Các Bên có thể gửi thông báo cho Tổng Thư ký và Bên còn lại để Hội đồng Trọng tài điều chỉnh Phán quyết Trọng tài đối với một trong số các nội dung sau đây[66]:
- Sửa chữa Phán quyết Trọng tài: áp dụng đối với bất cứ lỗi tính toán, lỗi hành chính, lỗi đánh máy hoặc bất kỳ lỗi nào có bản chất tương tự trong Phán quyết Trọng tài. Theo đó, Hội đồng Trọng tài sẽ xem xét sửa chữa trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu. Mặt khác, việc sửa chữa Phán quyết cũng có thể do Hội đồng Trọng tài tự mình thực hiện;
- Ban hành Phán quyết bổ sung: áp dụng đối với các yêu cầu nào đã được trình bày trong quá trình tố tụng Trọng tài nhưng chưa được xử lý trong Phán quyết Trọng tài. Theo đó, Hội đồng Trọng tài sẽ xem xét ban hành Phán quyết Trọng tài bổ sung trong vòng 45 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu;
- Giải thích Phán quyết Trọng tài: áp dụng trong trường hợp một Bên cần được giải thích Phán quyết. Theo đó, Hội đồng Trọng tài sẽ xem xét ban hành văn bản giải thích trong vòng 45 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu;
Tất nhiên, nếu thấy cần thêm thời gian điều chỉnh Phán quyết Trọng tài, Hội đồng Trọng tài có thể đề nghị Tổng Thư ký gia hạn thời gian điều chỉnh[67].
Tổng kết, Giai đoạn 4 – Phán quyết Trọng tài có thể được tóm lược theo sơ đồ sau:
9 bước ban hành Phán quyết Trọng tài khi Giải quyết Tranh chấp tại SIAC theo Quy tắc SIAC 2016
Tổng kết quá trình giải quyết tranh chấp tại SIAC
Mặc dù việc giải quyết tranh chấp tại SIAC đa dạng, phức tạp và kéo dài (thông thường cũng hơn 24 tháng), tuy nhiên để Khách hàng có thể dễ hình dung về quá trình giải quyết tranh chấp tại SIAC, theo kinh nghiệm của mình CNC tóm lược các bước cơ bản dưới đây. Cụ thể:
Bước 1: Nguyên đơn gửi Thông báo Trọng tài cho SIAC
Bước 2: Thư ký gửi Thông báo Bắt đầu quá trình giải quyết tranh chấp cho Các Bên.
Bước 3: Bị đơn gửi Trả lời Thông báo Trọng tài
Bước 4: Bị đơn gửi Đơn Kiện lại (nếu có)
Bước 5: Tổng Thư ký hoặc Tòa Trọng tài xem xét sơ bộ vấn đề thẩm quyền của Trọng tài (nếu có).
Bước 6: Các Bên bổ nhiệm thành viên Hội đồng Trọng tài và thành lập Hội đồng Trọng tài
Bước 7: Hội đồng Trọng tài họp phiên đầu tiên để tổ chức và quản lý tiến trình giải quyết tranh chấp tại SIAC
Bước 8: Các Bên và Hội đồng Trọng tài thống nhất về lịch biểu trình nộp
Bước 9: Một Bên đệ trình chi tiết về việc bác bỏ sớm và/hoặc vấn đề thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài
Bước 10: Hội đồng Trọng tài ra Phán quyết sơ bộ về vấn đề thẩm quyền (nếu có)
Bước 11: Nguyên đơn trình nộp bản giải trình chi tiết về các yêu cầu đã nêu trong Thông báo Trọng tài (bao gồm cả ý kiến chuyên gia, người làm chứng v.v)
Bước 12: Bị đơn trình nộp giải trình chi tiết về quan điểm của Bị đơn đối với các yêu cầu của Nguyên đơn (bao gồm cả ý kiến chuyên gia, người làm chứng v.v)
Bước 13: Bị đơn trình nộp giải trình chi tiết các yêu cầu trong Đơn Kiện lại (bao gồm cả ý kiến chuyên gia, người làm chứng v.v)
Bước 14: Nguyên đơn trình nộp lần 2 bản giải trình chi tiết về các yêu cầu đã nêu trong Thông báo Trọng tài
Bước 15: Nguyên đơn trình nộp bản giải trình chi tiết thể hiện quan điểm của Nguyên đơn đối với các vấn đề được nêu trong Đơn Kiện lại của Bị đơn (bao gồm cả ý kiến chuyên gia, người làm chứng v.v)
Bước 15: Bị đơn trình nộp lần 2 giải trình chi tiết về các vấn đề mà Nguyên đơn nêu ra trong bản giải trình chi tiết lần 2
Bước 16: Bị đơn trình nộp lần 2 chi tiết các vấn đề trong Đơn Kiện lại
Bước 17: Nguyên đơn trình nộp bổ sung các vấn đề mà Bị đơn nêu trong Đơn Kiện lại
Bước 18: Hội đồng Trọng tài yêu cầu Các Bên trình nộp quan điểm phán lý và thời gian phân bổ cho từng vấn đề pháp lý (nếu có) trước khi tổ chức Phiên họp giải quyết tranh chấp
Bước 19: Hội đồng Trọng tài tham vấn ý kiến của chuyên gia (nếu có)
Bước 20: Hội đồng Trọng tài tổ chức các phiên họp giải quyết tranh chấp
Bước 21: Hội đồng Trọng tài thông báo về thời điểm (dự kiến) gửi bản dự thảo Phán quyết Trọng tài
Bước 22: Tổng Thư ký rà soát dự thảo Phán quyết Trọng tài
Bước 23: Các Bên hoàn thành nghĩa vụ về Chi phí Trọng tài
Bước 24: Hội đồng Trọng tài ban hành Phán quyết Trọng tài
Bước 25: Các Bên đề nghị hiệu chỉnh Phán quyết Trọng tài (nếu có)
Bước 26: Hội đồng Trọng tài hiệu chỉnh Phán quyết Trọng tài (nếu có)
Kết luận
Có thể thấy rằng, việc giải quyết tranh chấp tại SIAC theo Quy tắc SIAC 2016 tài tương đối hiệu quả và linh hoạt. Điều đó thể hiện được cam kết của SIAC về việc cung cấp thủ tục giải quyết tranh chấp mang tầm quốc tế, tiết kiệm tối ưu chi phí cũng như khẳng định tầm vóc của SIAC so với các tổ chức trọng tài quy chế trên thế giới.
Hiện nay, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (SIAC) nổi lên như một trong những tổ chức trọng tài phát triển nhanh nhất trên thế giới với thủ tục tố tụng hiệu quả và đội ngũ trọng tài viên được đánh giá cao về chuyên môn trọng tài.
CNC hi vọng bài viết “Kinh nghiệm Giải quyết tranh chấp tại SIAC theo Quy tắc SIAC 2016” trên đây cung cấp được những thông tin hữu ích cho Khách hàng liên quan đến giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài nói chung và giải quyết tranh chấp tại SIAC nói riêng.
Trong trường hợp có bất kỳ yêu cầu làm rõ hay hỗ trợ nào về quá trình giải quyết tranh chấp tại SIAC, xin vui lòng gửi về CNC theo thông tin dưới đây. CNC rất vinh hạnh và tự tin hỗ trợ Khách hàng thành công khi tham gia giải quyết tranh chấp tại SIAC.
Liên hệ
CÔNG TY LUẬT TNHH CNC VIỆT NAM
Địa chỉ: 28 Đại lộ Mai Chí Thọ, Phường An Phú, Tp. Thủ Đức, Hồ Chí Minh, Việt Nam
Điện thoại: (84) 28-6276 9900
Hot line: (84) 916-545-618
Email: contact@cnccounsel.com
Website: cnccounsel.com
Phụ trách:
Luật sư Lê Thế Hùng | Luật sư Điều hành
Điện thoại: (84) 916 545 618
Email: hung.le@cnccounsel.com
Hoặc
Luật sư Trần Phạm Hoàng Tùng | Luật sư Thành viên
Điện thoại: (84) 901 334 192
Email: tung.tran@cnccounsel.com
Miễn trừ:
Bản tin Kinh nghiệm giải quyết tranh chấp tại SIAC này được chuẩn bị hoặc được sử dụng vì mục đích giới thiệu hoặc cập nhật cho khách hàng những thông tin về những vấn đề và/hoặc sự phát triển các quan điểm pháp lý tại Việt Nam. Các thông tin được trình bày tại bản tin này không tạo thành ý kiến tư vấn thuộc bất kỳ loại nào và có thể được thay đổi mà không cần phải thông báo trước.
[1] Xem Điều 3.1 và 3.4, Quy tắc SIAC 2016.
[2] Xem Điều 3.3, Quy tắc SIAC 2016.
[3] Xem Điều 41.2, Quy tắc SIAC 2016.
[4] Xem Điều 4.1, Quy tắc SIAC 2016.
[5] Xem Điều 28.1, Quy tắc SIAC 2016.
[6] Xem Điều 4.1, Quy tắc SIAC 2016.
[7] Xem Điều 2.6, Quy tắc SIAC 2016.
[8] Xem Điều 3.1 và Điều 3.2, Quy tắc SIAC 2016.
[9] Xem thêm tại https://siac.org.sg/siac-schedule-of-fees-2025
[10] Xem Điều 3.3, Quy tắc SIAC 2016.
[11] Xem Điều 2.1, Quy tắc SIAC 2016.
[12] Tham khảo các câu hỏi thường gặp liên quan đến hệ thống quản lý vụ việc trực tuyến tại đây: https://siac.org.sg/faqs/siac-gateway-faqs để biết thêm thông tin chi tiết.
[13] Hiện nay, hệ thống điện tử do SIAC giới thiệu đã đi vào hoạt động. Nguyên đơn có thể trực tiếp gửi Thông báo Trọng tài qua hệ thống tại địa chỉ https://siac-gateway.on.opus2.com/. Tuy nhiên, việc giải quyết tranh chấp tại SIAC theo cách thức truyền thống vẫn là gửi qua địa chỉ email của nhóm Quản lý Vụ việc.
[14] Điều 4.2, Quy tắc SIAC 2016.
[15] Xem Điều 34, Điều 35, Quy tắc SIAC 2016.
[16] Xem thêm tại https://siac.org.sg/siac-schedule-of-fees-2025
[17] Xem Điều 34.2, Quy tắc SIAC 2016.
[18] Xem Điều 34.4, Quy tắc SIAC 2016.
[19] Xem Điều 34.6, Quy tắc SIAC 2016.
[20] Xem Điều 34.5, Quy tắc SIAC 2016.
[21] Xem Điều 34.7, Quy tắc SIAC 2016.
[22] Xem Điều 28.1, Quy tắc SIAC 2016.
[23] Xem Điều 9.1, Quy tắc SIAC 2016.
[24] Xem Điều 41.2, Quy tắc SIAC 2016.
[25] Xem Điều 10, Quy tắc SIAC 2016.
[26] Xem Điều 11, Quy tắc SIAC 2016.
[27] Xem Điều 10.2 và 11.2, Quy tắc SIAC 2016.
[28] Xem Điều 9.3 và 9.4, Quy tắc SIAC 2016.
[29] Xem Điều 13, Quy tắc SIAC 2016.
[30] Xem Điều 14 và 17.2, Quy tắc SIAC 2016.
[31] Xem Điều 15.1 và 15.2, Quy tắc SIAC 2016.
[32] Xem thêm tại https://siac.org.sg/siac-schedule-of-fees-2025
[33] Xem Điều 15.3, Quy tắc SIAC 2016.
[34] Xem Điều 15.4, Quy tắc SIAC 2016.
[35] Xem Điều 16, Quy tắc SIAC 2016.
[36] Xem Điều 15.5, 15.6 và 16.1, Quy tắc SIAC 2016.
[37] Xem Điều 15.6 và 16.2, Quy tắc SIAC 2016.
[38] Xem Điều 18, Quy tắc SIAC 2016.
[39] Xem Điều 17.1, Quy tắc SIAC 2016.
[40] Xem Điều 17.3, Quy tắc SIAC 2016.
[41] Xem Điều 19.1, Quy tắc SIAC 2016.
[42] Xem Điều 19.3, Quy tắc SIAC 2016.
[43] Xem Điều 19.4, 29 và 30, Quy tắc SIAC 2016.
[44] Xem Điều 19.7, Quy tắc SIAC 2016.
[45] Xem Điều 20.8, Quy tắc SIAC 2016.
[46] Xem Điều 20.9, Quy tắc SIAC 2016.
[47] Xem Điều 20.2 tới Điều 20.4 và Điều 20.7, Quy tắc SIAC 2016.
[48] Xem Điều 20.5, Quy tắc SIAC 2016.
[49] Xem Điều 20.6, Quy tắc SIAC 2016.
[50] Xem Điều 24, Quy tắc SIAC 2016.
[51] Xem Điều 24.4, Quy tắc SIAC 2016.
[52] Xem Điều 32.5, Quy tắc SIAC 2016.
[53] Xem Điều 32.1, Quy tắc SIAC 2016.
[54] Xem Điều 32.2, Quy tắc SIAC 2016.
[55] Xem Điều 33 và 41.2, Quy tắc SIAC 2016.
[56] Xem Điều 32.3, Quy tắc SIAC 2016.
[57] Xem Điều 33, Quy tắc SIAC 2016.
[58] Xem Điều 32.3, Quy tắc SIAC 2016.
[59] Xem Điều 41.2, Quy tắc SIAC 2016.
[60] Xem Điều 32.4, 35.1 và 37, Quy tắc SIAC 2016.
[61] Xem Điều 32.7, Quy tắc SIAC 2016.
[62] Xem Điều 32.6, Quy tắc SIAC 2016.
[63] Xem Điều 32.6, Quy tắc SIAC 2016.
[64] Xem Điều 32.6, Quy tắc SIAC 2016.
[65] Xem Điều 32.8, Quy tắc SIAC 2016.
[66] Xem Điều 33, Quy tắc SIAC 2016.
[67] Xem Điều 33.4, Quy tắc SIAC 2016.