Án lệ tại Việt Nam

Ngày đăng: Thứ Hai, 20/06/22 Người đăng: Admin
Án lệ tại Việt Nam

Án lệ tại Việt Nam

Án lệ tại Việt Nam là một vấn đề được nhiều người quan tâm trong hoạt động xét xử của Tòa án. Thực tế, việc áp dụng Án lệ hiện nay ngày càng trở nên phổ biến, mặc dù vậy, việc hiểu về Án lệ vẫn còn nhiều hạn chế.

Bài viết dưới đây nằm trong loạt chuyên đề về Án lệ, được các Luật sư tại của CNC thực hiện nhằm cung cấp cho đọc giả những thông tin cần thiết về Án lệ tại Việt Nam cũng như thực tiễn áp dụng Án lệ để hoàn thiện hơn nữa chế định này.

Khái quát Án lệ tại Việt Nam

Án lệ là gì

Thuật ngữ “Án lệ” (precedent) theo từ điển Black’s Law được hiểu là việc làm luật của Tòa án khi công nhận và áp dụng các quy tắc mới trong quá trình xét xử bằng cách lấy vụ việc đã được giải quyết làm cơ sở để đưa ra phán quyết cho những trường hợp có tình tiết hoặc vấn đề tương tự sau này.[1]

Tại Việt Nam, “Án lệ” được hiểu là “quyết định hoặc bản án của tòa cấp trên có giá trị bắt buộc đối với các tòa cấp dưới; tòa án cũng phải tôn trọng quyết định trước đó của bản thân mình…[2]”. Tuy nhiên, khái niệm Án lệ mới chỉ thực sự được phát triển gần đây và được quy định cụ thể như sau[3]:

“Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố là Án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.”

Với quy định nêu trên, Án lệ tại Việt Nam có một số đặc tính cơ bản như sau:

Thứ nhất, Án lệ không phải là toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án mà nên xem là các nguyên lý, các lập luận khoa học, có cơ sở thuyết phục để giải thích, xử lý những vấn đề, sự kiện pháp lý.

Thứ hai, các nguyên lý, cơ sở thuyết phục đó chính là nền tảng để Tòa án đưa ra phán quyết và được  Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.

Thứ ba, các nguyên lý, cơ sở đó phải được thừa nhận,  lựa chọn và  chấp nhận bởi Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố là Án lệ.

[1] Bryan A, Garner (2004), Black’s Law Dictionary, 9th edition, West Group, tr.1059

[2] Xem Từ điển bách khoa Việt Nam 1995, tập 1, trang 46.

[3] Tham khảo Điều 1, Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/06/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Sự ra đời của Án lệ tại Việt Nam

Sự ra đời của Án lệ tại Việt Nam khởi phát từ Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020[1].

Nhằm thể chế hóa tinh thần của Nghị quyết 49/NQ-TW nêu trên, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28/10/2015 và Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/06/2019 để quy định về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng Án lệ, đồng thời đưa ra khái niệm chính thức về Án lệ.

Trên cơ sở đó, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 chính thức hóa vấn đề Án lệ bằng cách quy định Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ “Lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành Án lệ và công bố Án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử[2], Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ “tổng kết phát triển Án lệ, công bố Án lệ[3].

[1] Xem mục 2.2, Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày

[2] Tham khảo Điều 22.2, Luật Tổ chức Tòa án năm 2014.

[3] Tham khảo Điều 27.5, Luật Tổ chức Tòa án năm 2014

Số lượng Án lệ tại Việt Nam (tính tới ngày 31/12/2021)

Ngày 06/04/2016, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định 220/QĐ-CA công bố 06 Án lệ đầu tiên được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua, có hiệu lực áp dụng từ ngày 01/06/2016, mở đầu cho thời kỳ hoạt động trên thực tế.

06 Án lệ đầu tiên được công bố thuộc các lĩnh vực khác nhau, bao gồm:

  • Án lệ số 01/2016/AL về vụ án Giết người
  • Án lệ số 02/2016/AL về vụ án tranh chấp đòi lại tài sản
  • Án lệ số 03//2016/AL về vụ án ly hôn
  • Án lệ số 04//2016/AL về tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
  • Án lệ số 05/2016/AL về vụ án tranh chấp di sản thừa kế
  • Án lệ số 06/2016/AL về vụ án tranh chấp thừa kế

Từ đó tới nay, nhiều Án lệ khác cũng đã được công bố góp phần quan trọng vào việc vận dụng và áp dụng pháp luật tại Việt Nam. Gần nhất, Tòa án nhân dân tối cao công bố thêm 09 Án lệ mới, nâng tổng số Án lệ được công bố tại Việt Nam lên 52 Án lệ.

Thống kê Án lệ tính đến 31/12/2021 cụ thể như sau:

Lĩnh vực Số lượng
Dân sự 27
Hình sự 10
Hành chính 3
Hôn nhân gia đình 1
Kinh doanh thương mại 10
Lao động 1
Tổng 52

 Số lượng Án lệ tại Việt Nam tính tới 31/12/2021

Tiêu chí lựa chọn Án lệ

Không phải bất kỳ phán quyết có hiệu lực pháp luật nào của Tòa án cũng có thể trở thành Án lệ. Bản án, quyết định của Tòa án để được xem là Án lệ cần phải thỏa mãn một số điều kiện nhất định.

Theo quy định của Nghị quyết số 04/NQ-HĐTP[1], Án lệ được lựa chọn phải đáp ứng các tiêu chí sau đây:

Một là, có giá trị làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau, phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể hoặc thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể.

Hai là, có tính chuẩn mực.

Ba là, có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.

[1] Tham khảo Điều 2, Nghị quyết số 04/NQ-HĐTP

Tieu chi lua chon An le

các tiêu chí lựa chọn Án lệ

Việc thừa nhận Án lệ, đưa ra các tiêu chí lựa chọn Án lệ là phù hợp với quy định của Điều 4 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và thúc đẩy Toà án hạn chế việc chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.

Như vậy có thể thấy rằng một số tiêu chí giúp xác định được những bản án có thể trở thành Án lệ đã được xây dựng và khái quát bởi những quy định pháp luật Việt Nam hiện hành và nó đóng vai trò trong việc xây dựng bản án mẫu để phục vụ cho công tác xét xử khi cần thiết.

Quy trình lựa chọn Án lệ hiện nay

Án lệ được hình thành theo quy trình sau, dựa vào Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao:

Quy trình lựa chọn Án lệQuy trình lựa chọn Án lệ

Bước 1: Đề xuất bản án, quyết định để phát triển thành Án lệ

Cá nhân, cơ quan, tổ chức và Tòa án đề xuất lựa chọn các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án chứa đựng lập luận, phán quyết đáp ứng các tiêu chí lựa chọn Án lệ cho Tòa án nhân dân tối cao để xem xét, phát triển thành Án lệ.

Bước 2: Lấy ý kiến đối với bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành Án lệ

Các bản án, quyết định được đề xuất nhằm lựa chọn, phát triển thành Án lệ sẽ được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án để các cơ quan, tổ chức, cá nhân quan tâm tham gia ý kiến trong một khoảng thời gian nhất định, và hiện tại là 30 ngày kể từ ngày đăng tải.

Tham khảo thêm Cổng thông tin điện tử của Tòa án về án lệ tại đây:

https://anle.toaan.gov.vn/webcenter/portal/anle/anleduthao

Bước 3: Thành lập Hội đồng tư vấn Án lệ

Trong giai đoạn này, một cơ quan được thành lập bởi Chánh án Tòa án nhân dân tối cao gồm có ít nhất 09 thành viên, đóng vai trò hỗ trợ lựa chọn Án lệ, đó là Hội đồng tư vấn Án lệ.

Bước 4: Lấy ý kiến Hội đồng tư vấn Án lệ

Theo quy định của Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP[1], Hội đồng tư vấn Án lệ có trách nhiệm thảo luận cho ý kiến đối với các bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành Án lệ, nội dung đề xuất là Án lệ, dự thảo Án lệ.

Bước 5: Thông qua Án lệ

Thông qua Án lệ bằng việc biểu quyết bởi Hội đồng Thẩm phán với quá nửa số phiếu. Ngoài thủ tục đề xuất, thảo luận lấy ý kiến, thì Án lệ còn được xem xét thông qua trong một số trường hợp đặc biệt như được Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao đề xuất; được Hội đồng Thẩm phán lựa chọn khi xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm.

Bước 6: Công bố Án lệ

Chánh án sẽ ban hành quyết định công bố Án lệ được thông qua, dựa trên căn cứ là kết quả biểu quyết của Hội đồng Thẩm phán. Sau khi công bố, Án lệ được đăng tải trên trang Web, được gửi cho tòa án các cấp và đơn vị liên quan và được đưa vào tuyển tập Án lệ để xuất bản.

[1] Tham khảo Điều 5.2, Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP

Thực tiễn áp dụng Án lệ tại Việt Nam

Ưu điểm của việc áp dụng Án lệ tại Việt Nam hiện nay

Trong điều kiện cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay, việc áp dụng Án lệ cho thấy những ưu điểm cơ bản sau đây:

Giá trị của Án lệƯu điểm của Án lệ

Thứ nhất, Án lệ góp phần hoàn thiện pháp luật

Trên thực tế, các văn bản quy phạm pháp luật đôi khi không rõ ràng và khó thể dự đoán hết các tình huống có thể xảy ra trong tương lai. Do đó, Án lệ là một cơ chế sáng tạo, linh hoạt chứa đựng quy tắc, giải pháp pháp lý mới nhằm bổ khuyết cho các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Thứ hai, việc áp dụng Án lệ giúp thiết lập ra một tiền lệ để áp dụng xét xử những vụ án tương tự sau này

Nếu mỗi tòa áp dụng pháp luật khác nhau dẫn đến các kết luận khác nhau đối với các vụ việc tương tự nhau thì sẽ vi phạm nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật. Nhờ có Án lệ, pháp luật được áp dụng một cách bình đẳng đối với mọi chủ thể trong xã hội. Đồng thời, giúp tiết kiệm công sức của Thẩm phán, Cơ quan tiến hành tố tụng, Người tham gia tố tụng nhờ dự đoán được kết quả của các vụ tranh chấp.

Thứ ba, thông qua việc lấp “những lỗ hổng” của pháp luật nhờ áp dụng Án lệ, quyền con người, quyền công dân được đảm bảo thực hiện và được bảo vệ

Khi tham gia vào quan hệ dân sự hợp pháp, công dân sẽ không còn phải đối mặt với nhiều bất lợi hoặc nỗi sợ vì không có quy phạm pháp luật điều chỉnh. Khi luật pháp được áp dụng thống nhất, người dân sẽ có khả năng dự đoán được các hành vi của họ sẽ được điều chỉnh như thế nào. Từ đó, người dân sẽ tránh vi phạm pháp luật và yên tâm thực hiện các giao dịch theo quy định của pháp luật.

Những thách thức trong thực tiễn áp dụng Án lệ tại Việt Nam

Bên cạnh những ưu điểm được đề cập ở trên, sau một thời gian thực hiện, thực tiễn áp dụng Án lệ ở Việt Nam cũng tồn đọng nhiều thách thức như sau:

Thách thức khi áp dụng Án lệThách thức khi áp dụng Án lệ

Thứ nhất, số lượng Án lệ ở Việt Nam còn ít, trong khi yêu cầu của thực tiễn xét xử khá lớn

Cụ thể, hiện nay nước ta chỉ có 52 Án lệ được công bố, con số này còn quá khiêm tốn so với nhu cầu giải quyết các vụ án của Tòa án nhân dân các cấp. Thực tế cho thấy, nhiều vấn đề pháp lý cần các Án lệ để giải quyết dứt điểm nhưng vẫn chưa có, chẳng hạn Án lệ về việc áp dụng quy định về Bồi thường thiệt hại ấn định trước theo quy định của Bộ Luật dân sự 2015.

Đồng thời, số lượng Án lệ đã công bố đa phần tập trung vào lĩnh vực dân sự, hình sự và kinh doanh thương mại; các lĩnh vực pháp luật khác chiếm số lượng rất hạn chế, ví dụ lĩnh vực hôn nhân gia đình chỉ có 01 Án lệ, lĩnh vực lao động cũng chỉ có 01 Án lệ. Điều này đã gây ra những khó khăn không nhỏ trong việc giải quyết vụ án dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng.

Thứ hai, sự tham gia của người dân còn hạn chế

Theo quy định của điều 3 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP có nêu rõ: mọi cá nhân, cơ quan hoặc tổ chức đều có thể đề xuất các bản án, quyết định để xem xét phát triển thành Án lệ mới. Mặc dù quy định là vậy, hiện tại chỉ có một số ít tòa án, cơ quan, chuyên gia pháp lý và luật sư tham gia đề xuất Án lệ.

Thứ ba, quy định hướng dẫn áp dụng Án lệ trong xét xử còn mơ hồ, gây nhiều cản trở trong thực tiễn áp dụng

Cụ thể, tại Khoản 2 Điều 8 của Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP có quy định: “Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng Án lệ, bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau”.

Tuy nhiên, thuật ngữ “tình huống pháp lý tương tự” được đề cập trong điều khoản này chưa có hướng dẫn rõ ràng. Do đó, việc vận dụng còn mang nhiều ý chí chủ quan và sự lúng túng của thẩm phán. Đồng thời, cũng trong Khoản 2 của Điều này có quy định: “Trường hợp vụ việc có tình huống pháp lý tương tự nhưng Tòa án không áp dụng Án lệ thì phải nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Tòa án”, quy định này còn chung chung, chưa nêu rõ Án lệ sẽ được và không được áp dụng trong các trường hợp nào.

Xuất phát từ những thách thức trong thực tiễn áp dụng Án lệ tại Việt Nam trong thời gian qua, nội dung sắp trình bày dưới đây sẽ nêu ra một số gợi mở nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả áp dụng Án lệ ở nước ta.

Kiến nghị hoàn thiện Án lệThứ nhất, cần đổi mới công tác đào tạo Thẩm phán

Trong quá trình áp dụng pháp luật, Thẩm phán đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các Án lệ chất lượng. Họ phải thật sự có trình độ cao, có khả năng phân tích, đánh giá và đưa ra các phán quyết có giá trị. Để đạt được điều này, cần mở các khóa tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn của Thẩm phán. Đồng thời đổi mới công tác đào tạo, xây dựng mô hình đào tạo Thẩm phán thích hợp, xây dựng chương trình đi sâu vào phổ biến, đào tạo về Án lệ để các Thẩm phán có được nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí và giá trị của Án lệ.

Thứ hai, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Án lệ trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người có cái nhìn đa dạng hơn về Án lệ

Cần phát huy hiệu quả Trang tin điện tử về Án lệ; xây dựng và phát triển Trang tin trở thành kênh thông tin quan trọng giới thiệu về Án lệ Việt Nam, là diễn đàn để trao đổi các kinh nghiệm, nghiên cứu chuyên sâu về Án lệ, thiết lập chế độ khen thưởng để khuyến khích sự tham gia của các chủ thể trong và ngoài hệ thống tư pháp.

Thứ ba, phương pháp đánh chỉ mục và đặt tên cho Án lệ một cách dễ nhớ và thuận tiện cho việc tra cứu nên được thống nhất bởi Tòa án

Điều này giúp ích cho các Thẩm phán trong việc tiếp cận, tra cứu Án lệ khi thực hiện công việc. Bên cạnh đó, giúp mở rộng phạm vi ảnh hưởng của các Án lệ, không riêng trong các hoạt động liên quan đến Tòa án mà mà còn trong các hoạt động khác như phổ biến pháp luật, tranh tụng, giảng dạy, nghiên cứu pháp luật.

Kết luận

Sự phát triển của kinh tế, xã hội cùng với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền đã và đang tác động mạnh mẽ đến tư duy, nhận thức trong xây dựng và phát triển Án lệ. Nhiều nội dung quan trọng liên quan đến Án lệ đã được quy định rõ; tuy nhiên vì còn khá mới mẻ nên cũng không tránh khỏi nhiều bất cập trong nhận thức và áp dụng.

Do vậy, những ý kiến phản biện, đóng góp của độc giả, nhà nghiên cứu và những người hành nghề sẽ giúp cho việc ban hành, phát triển Án lệ tại Việt Nam tốt hơn, thực tiễn hơn.

Liên hệ và đóng góp ý kiến

Trong các bài viết tiếp theo, CNC sẽ lần lượt phân tích các nội dung quan trọng của các Án lệ đã công bố và những Án lệ dự kiến trong tương lai.

Bất kỳ ý kiến đóng góp, hiệu chỉnh nào của độc giả đối với các nội dung trong bản tin này hoặc cần CNC hỗ trợ thêm, vui lòng gửi về:

CÔNG TY LUẬT TNHH CNC VIỆT NAM

Địa chỉ:            28 Đại lộ Mai Chí Thọ, Phường An Phú, Tp. Thủ Đức, Hồ Chí Minh, Việt Nam

Điện thoại:       (84) 28-6276 9900

Hot line:           (84) 916-545-618

Email:              contact@cnccounsel.com

Website:          cnccounsel

Phụ trách:

Luật sư Nguyễn Thị Kim Ngân | Luật sư Thành viên

Điện thoại: (84) 919 639 093

Email: ngan.nguyen@cnccounsel.com

Hoặc 

Trợ lý Luật sư Huỳnh Thị Phương Thảo | Cộng sự

Điện thoại: (84) 028 6276 9900

Email: contact@cnccounsel.com   

Miễn trừ:

Bản tin này được chuẩn bị hoặc được sử dụng vì mục đích giới thiệu hoặc cập nhật cho khách hàng những thông tin về những vấn đề và/hoặc sự phát triển các quan điểm pháp lý tại Việt Nam. Các thông tin được trình bày tại bản tin này không tạo thành ý kiến tư vấn thuộc bất kỳ loại nào và có thể được thay đổi mà không cần phải thông báo trước.

Content Protection by DMCA.com

One thought on “Án lệ tại Việt Nam

  1. Pingback: Án lệ số 02/2016/AL về tranh chấp đòi lại tài sản – CNC | Công ty Luật TNHH CNC Việt Nam

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.