Sáp nhập địa giới hành chính: Thẩm quyền Tòa án nhân dân thay đổi ra sao?
Năm 2025 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc sắp xếp lại địa giới hành chính khi số lượng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được điều chỉnh giảm mạnh từ 63 tỉnh, thành phố xuống còn 34 tỉnh, thành phố. Song song với đó, hệ thống Tòa án nhân dân cũng trải qua cuộc tái cấu trúc toàn diện với việc thành lập 34 Tòa án nhân dân cấp tỉnh và 355 Tòa án nhân dân khu vực thay thế cho mô hình Tòa án cấp huyện trước đây.
Những cải cách mạnh mẽ này không chỉ làm thay đổi cơ cấu tổ chức bộ máy Tòa án nhân dân mà còn tác động sâu sắc đến việc phân định thẩm quyền xét xử giữa các cấp. Đặc biệt, thẩm quyền của Tòa án nhân dân khu vực được mở rộng rõ rệt, trong khi vai trò và chức năng của Tòa án cấp tỉnh cũng được điều chỉnh lại để phù hợp với mô hình tổ chức mới.
Hệ thống Tòa án nhân dân các cấp
Ngày 24/6/2025 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật số 81/2025/QH15 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân số 24/2024/QH15 (“Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi”). Trên cơ sở Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi, ngày 25/6/2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 81/2025/UBTVQH15 về thành lập Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân khu vực; quy định phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân khu vực (“Nghị quyết số 81”).
Theo đó, từ ngày 01/7/2025, hệ thống Tòa án nhân dân tại Việt Nam được tổ chức lại theo mô hình 3 cấp thay vì 4 cấp như trước đây, bao gồm:
- Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, giữ vai trò giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định của các tòa án cấp dưới, giám đốc việc xét xử của các Tòa án khác và thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt khác.
Đặc biệt, theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi, ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn trước đây, Tòa án nhân dân tối cao có thêm nhiệm vụ, quyền hạn là Phúc thẩm vụ án hình sự mà bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của luật. Đây là một nhiệm vụ hoàn toàn mới, được thay đổi để phù hợp với cơ cấu tổ chức Tòa án nhân dân 3 cấp mới.
- Tòa án nhân dân cấp tỉnh được tổ chức lại tương ứng với 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sau sáp nhập, trong đó bao gồm 19 Tòa án nhân dân tỉnh, 04 Tòa án nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương sau sáp nhập và 11 Tòa án nhân dân cấp tỉnh không thực hiện sắp xếp.
Theo đó, Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết sơ thẩm một số vụ án hình sự nghiêm trọng và phức tạp[1], đồng thời chủ yếu thực hiện chức năng giải quyết theo thủ tục phúc thẩm đối với các vụ án, vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân khu vực chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị. Ngoài ra, Tòa án nhân dân cấp tỉnh cũng có thẩm quyền xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân khu vực đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị.
- Tòa án nhân dân khu vực được thành lập với 355 Tòa án nhân dân khu vực trên toàn quốc, thay thế hoàn toàn cho hệ thống tòa án cấp huyện trước đây. Đây là cấp tòa án có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm rộng nhất đối với các vụ việc dân sự, hành chính, kinh tế, lao động, hôn nhân gia đình và một số vụ án hình sự.[2]
Đáng chú ý, Tòa án nhân dân cấp cao đã chính thức kết thúc hoạt động theo quy định mới, nhằm tinh giản bộ máy và tăng cường hiệu quả hoạt động của các cấp Tòa án nhân dân còn lại.
Ngoài ra, hệ thống Tòa án nhân dân sau sáp nhập còn bao gồm các tòa án chuyên biệt như Tòa án quân sự và Tòa án chuyên biệt tại các trung tâm tài chính quốc tế.
Hệ thống Tòa án nhân dân các cấp sau sáp nhập
Thẩm quyền theo vụ việc
Thẩm quyền theo vụ việc của Tòa án nhân dân trong lĩnh vực dân sự
Các trường hợp chung
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền: (i) giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; và (ii) giải quyết các yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện.
Bên cạnh đó, mặc dù một số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện, tuy nhiên, khi xét thấy cần thiết hoặc theo đề nghị của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp tỉnh còn có quyền tự mình lấy lên để giải quyết.[3]
Ngược lại, theo quy định mới tại Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, Tòa án nhân dân cấp tỉnh chỉ có thẩm quyền giải quyết đối với yêu cầu hủy phán quyết trọng tài và đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc, cụ thể là Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh.
Đối với thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm một số tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động vốn thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh theo Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì theo quy định mới sẽ thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân khu vực.[4]
Từ những cơ sở nêu trên có thể nhận thấy, hiện nay, đối với thẩm quyền theo vụ việc, thẩm quyền của Tòa án nhân dân khu vực được mở rộng hơn rất nhiều so với Tòa án nhân dân cấp huyện trước đây. Tất cả các tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động đều thuộc thẩm quyền sơ thẩm của Tòa án nhân dân khu vực.
Các trường hợp đặc biệt
(i) Đối với hoạt động trọng tài
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và Luật Trọng tài thương mại 2010, Tòa án nhân dân cấp tỉnh là tòa án nhân dân có thẩm quyền đối với hoạt động trọng tài theo Điều 7 Luật Trọng tài thương mại 2010, công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài tại Việt Nam.[5]
Tuy nhiên, theo quy định mới sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Trọng tài thương mại, chỉ có Tòa án nhân dân cấp tỉnh, cụ thể là Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng và Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh mới có thẩm quyền giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài và đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc.[6] Các thẩm quyền khác của Tòa án nhân dân đối với hoạt động trọng tài, hiện nay, sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân khu vực.[7]
Yêu cầu | Thẩm quyền trước sửa đổi | Thẩm quyền sau sửa đổi | ||
TAND cấp tỉnh | TAND cấp huyện | TAND cấp tỉnh | TAND khu vực | |
Chỉ định Trọng tài viên để thành lập Hội đồng trọng tài vụ việc | ✅ | ✅ | ||
Thay đổi Trọng tài viên của Hội đồng trọng tài vụ việc | ✅ | ✅ | ||
Giải quyết khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài về thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, thẩm quyền của Hội đồng trọng tài | ✅ | ✅ | ||
Yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ | ✅ | ✅ | ||
Yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời | ✅ | ✅ | ||
Triệu tập người làm chứng | ✅ | ✅ | ||
Yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc | ✅ | ✅ | ||
Công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài tại Việt Nam | ✅ | ✅ |
Thẩm quyền giải quyết yêu yêu liên quan đến hoạt động trọng tài
(ii) Đối với vụ việc phá sản
Thẩm quyền của Tòa án nhân dân đối với vụ việc phá sản cũng là một trong những thẩm quyền đáng chú ý trong việc xác định thẩm quyền của Tòa án nhân dân sau ngày 01/7/2025. Theo Điều 4.2 Nghị quyết số 81, Tòa án nhân dân khu vực là Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết đối với vụ việc phá sản. Tuy nhiên, trên cả nước hiện nay chỉ có duy nhất 03 (ba) Tòa án nhân dân khu vực có thẩm quyền giải quyết vụ việc phá sản đối với địa bàn 34 tỉnh/thành phố sau sáp nhập, bao gồm:
Tòa án khu vực có thẩm quyền giải quyết vụ việc phá sản | Phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ |
Tòa án nhân dân khu vực 2 – Hà Nội | thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng; các tỉnh: Bắc Ninh, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Nghệ An, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Sơn La, Thái Nguyên, Thanh Hóa và Tuyên Quang |
Tòa án nhân dân khu vực 1 – Đà Nẵng | thành phố Đà Nẵng, thành phố Huế; các tỉnh: Đắk Lắk, Gia Lai, Khánh Hòa, Quảng Ngãi và Quảng Trị |
Tòa án nhân dân khu vực 1 – Hồ Chí Minh | thành phố Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh; các tỉnh: An Giang, Cà Mau, Đồng Nai, Đồng Tháp, Lâm Đồng, Tây Ninh và Vĩnh Long |
Thẩm quyền giải quyết vụ việc phá sản
(iii) Đối với vụ việc dân sự, kinh doanh, thương mại, vụ án hành chính về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ
Tương tự đối với vụ việc phá sản, đối với các vụ việc về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại và vụ án sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực hành chính cũng là một điểm cần phải lưu tâm.
Theo đó, theo quy định hiện hành, các vụ việc nêu trên sẽ chỉ thuộc thẩm quyền giải quyết của 02 (hai) Tòa án nhân dân khu vực là Tòa án nhân dân khu vực 2 – Hà Nội và Tòa án nhân dân khu vực 1 – Hồ Chí Minh. Cụ thể:
Tòa án nhân dân khu vực có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự, kinh doanh, thương mại, vụ án hành chính về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ | Phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ |
Tòa án nhân dân khu vực 2 – Hà Nội | thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng, thành phố Huế; các tỉnh: Bắc Ninh, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Nghệ An, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Quảng Trị, Sơn La, Thái Nguyên, Thanh Hóa và Tuyên Quang |
Tòa án nhân dân khu vực 1 – Thành phố Hồ Chí Minh | thành phố Cần Thơ, thành phố Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh; các tỉnh: An Giang, Cà Mau, Đắk Lắk, Đồng Nai, Đồng Tháp, Gia Lai, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Tây Ninh và Vĩnh Long |
Vì vậy, những vụ việc thuộc các trường hợp đặc biệt đã được phân tích nêu trên cần phải được xem xét kỹ lưỡng và đặc biệt quan tâm khi xác định Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết vụ việc.
Thẩm quyền theo vụ việc của Tòa án nhân dân trong tố tụng hình sự
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự số 99/2025/QH15 quy định chi tiết về thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân các cấp theo các tiêu chí như tính chất vụ án, yếu tố địa lý và yếu tố quốc tế (ví dụ: Điều 268, 269 Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi). Việc phân định rõ ràng thẩm quyền này nhằm đảm bảo rằng mỗi vụ án được giải quyết tại Tòa án nhân dân có năng lực và điều kiện phù hợp nhất, từ đó nâng cao chất lượng xét xử và giảm thiểu tình trạng án bị hủy án, sửa án do sai thẩm quyền.
Các tiêu chí phân loại thẩm quyền của Tòa án nhân dân trong Tố tụng hình sự
Xét tiêu chí về tính chất vụ án, theo quy định mới, Tòa án nhân dân khu vực có thẩm quyền xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đến 20 năm tù.
Các vụ án hình sự khác không thuộc thẩm quyền giải quyết Tòa án nhân dân khu vực hoặc thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân khu vực nhưng có nhiều tình tiết phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, ngành, ảnh hưởng đến đối nội, đối ngoại, người phạm tội là cán bộ chủ chốt,… sẽ thuộc thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.[8]
Xét tiêu chí về yếu tố địa lý, Tòa án nhân dân có thẩm quyền xét xử vụ án hình sự là Tòa án nơi tội phạm được thực hiện. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được nơi thực hiện tội phạm thì Tòa án có thẩm quyền xét xử là Tòa án nơi kết thúc việc điều tra.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 Điều 269 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2025 thì thẩm quyền xét xử theo lãnh thổ trong trường hợp bị cáo phạm tội ở nước ngoài nếu xét xử ở Việt Nam thì Tòa án nhân dân nơi cư trú cuối cùng của bị cáo ở trong nước xét xử theo thẩm quyền. Nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng ở trong nước của bị cáo thì tùy từng trường hợp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ra quyết định giao cho một Tòa án nhân dân khu vực thuộc Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng hoặc Thành phố Hồ Chí Minh hoặc giao cho Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng hoặc Thành phố Hồ Chí Minh xét xử.
Thẩm quyền theo cấp xét xử
Trên cơ sở mô hình tổ chức Tòa án nhân dân 3 cấp, Luật Tổ chức Toà án nhân dân sửa đổi và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật tố tụng Hành chính đã quy định về thẩm quyền của Tòa án nhân dân khu vực, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân tối cao theo hướng điều chỉnh tăng thẩm quyền cho Toà án nhân dân khu vực và Toà án nhân dân cấp tỉnh, cụ thể như sau:
Về cấp giải quyết theo thủ tục sơ thẩm
Toà án nhân dân khu vực có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm đối với:
- Những vụ tranh chấp quy định tại Điều 26, 28, 30 và 32 Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, những yêu cầu giải quyết theo quy định tại Điều 27, 29, 31 và 33 Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi;
- Tất cả những vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án theo quy định.
- Những vụ án hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đến 20 năm tù.
Toà án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm đối với:
- Giải quyết yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài, đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc theo quy định tại khoản 2 Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi và khoản 2 Điều 7 Luật Trọng tài thương mại sửa đổi;
- Những vụ án hình sự về các tội phạm không thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân khu vực;
- Vụ án hình sự thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân khu vực nhưng có nhiều tình tiết phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; vụ án mà khi xử lý có ảnh hưởng đến chính trị, đối ngoại; vụ án mà người phạm tội là cán bộ lãnh đạo chủ chốt từ cấp tỉnh trở lên, người có chức sắc trong tôn giáo hoặc có uy tín cao trong dân tộc thiểu số.
Về cấp giải quyết theo thủ tục phúc thẩm
Toà án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục phúc thẩm đối với:
- Những vụ việc dân sự mà bản án, quyết định của Toà án nhân dân khu vực chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị;
- Những vụ án hình sự mà bản án, quyết định của Tòa án nhân dân khu vực chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị;
Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục phúc thẩm đối với những vụ án hình sự mà bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của luật.
Về cấp giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm/tái thẩm
Toà án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm/tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân khu vực đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo quy định của luật.
Toà án nhân dân tối cao có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm/tái thẩm đối với bản án, quyết định của các Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo quy định của luật.
Thẩm quyền theo lãnh thổ
Từ ngày 01/7/2025, thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án nhân dân khu vực và Tòa án nhân dân cấp tỉnh sẽ được quy định rõ ràng theo Nghị quyết 81/2025/UBTVQH15. Toà án nhân sân khu vực sẽ có phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ riêng, thay vì trước đây chỉ là Toà án nhân dân cấp huyện. Việc thành lập Toà án nhân dân khu vực và quy định phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Toà án nhân dân cấp tỉnh và Toà án nhân dân khu vực là một phần trong quá trình cải cách tư pháp, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống tòa án.
Cụ thể, thẩm quyền theo lãnh thổ của Toà án nhân dân khu vực và Toà án nhân dân cấp tỉnh sẽ được xác định dựa trên các yếu tố sau:
Toà án nhân dân khu vực:
Phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của TAND khu vực sẽ được quy định cụ thể trong Nghị quyết 81/2025/UBTVQH15. Điều này có nghĩa là mỗi TAND khu vực sẽ có một khu vực địa lý nhất định mà họ có thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự, hình sự, hành chính trong khu vực đó.
>> Xem thêm Danh sách Tòa án nhân dân khu vực trên toàn quốc – từ ngày 01/07/2025 tại đây.
Toà án nhân dân cấp tỉnh:
Thẩm quyền theo lãnh thổ của Toà án nhân dân cấp tỉnh cũng được quy định trong Nghị quyết 81/2025/UBTVQH15. Thẩm quyền này có thể bao gồm việc giải quyết một số loại vụ việc nhất định hoặc các vụ việc có tính chất phức tạp hơn, vượt quá thẩm quyền của Tòa án nhân dân khu vực.
Đối với các vụ việc dân sự, việc xác định thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được quy định tại khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, về cơ bản chưa có quy định mới về vấn đề này.
Riêng đối với vụ án có đối tượng tranh chấp là bất động sản, việc xác định Toà án nhân dân khu vực có thẩm quyền giải quyết mà đã được Toà án nhân dân cấp huyện trước đó thụ lý vụ án được hướng dẫn tại khoản 2 Điều 6 Nghị quyết 01/2025/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, cụ thể:
Vụ án dân sự có đối tượng tranh chấp là bất động sản mà Tòa án nhân dân cấp huyện đã thụ lý theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự, nhưng sau khi sắp xếp đơn vị hành chính thì bất động sản không nằm trong địa giới đơn vị hành chính cấp xã thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án nhân dân khu vực tiếp nhận nhiệm vụ của Tòa án nhân dân cấp huyện đó thì xử lý như sau:
- Trường hợp Tòa án nhân dân cấp huyện đã tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải trước ngày 01/7/2025 thì Tòa án nhân dân khu vực tiếp nhận nhiệm vụ của Tòa án nhân dân cấp huyện đó tiếp tục giải quyết;
- Trường hợp Tòa án nhân dân cấp huyện chưa tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải thì Tòa án nhân dân khu vực tiếp nhận nhiệm vụ của Tòa án nhân dân cấp huyện chuyển vụ án đó cho Tòa án nhân dân khu vực có phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ quy định tại Điều 4 Nghị quyết số 81/2025/UBTVQH15 giải quyết [9].
Đối với các vụ án hình sự, trong tố tụng hình sự, thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án được xác định chủ yếu dựa trên nơi tội phạm được thực hiện. Nếu tội phạm được thực hiện tại nhiều địa điểm khác nhau hoặc không xác định được nơi thực hiện, thì Tòa án nơi kết thúc việc điều tra sẽ có thẩm quyền giải quyết.
Trường hợp vụ án hình sự có bị cáo phạm tội ở nước ngoài nếu xét xử ở Việt Nam thì Tòa án nhân dân nơi cư trú cuối cùng của bị cáo ở trong nước xét xử theo thẩm quyền. Nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng ở trong nước của bị cáo thì tùy từng trường hợp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ra quyết định giao cho một Tòa án nhân dân khu vực thuộc Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng hoặc Thành phố Hồ Chí Minh hoặc giao cho Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng hoặc Thành phố Hồ Chí Minh xét xử [10].
Tóm lại, việc quy định rõ ràng thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án nhân dân khu vực và Tòa án nhân dân cấp tỉnh giúp đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong hoạt động xét xử, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận công lý.
Phụ trách
![]() |
Luật sư Đoàn Thị Hồng Linh | Luật sư thành viên
Điện thoại: (84) 938 533 393 |
![]() |
Bùi Đoàn Minh Trí | Trợ lý Luật sư
Điện thoại: (84) 28 6276-9900 Email: tri.bui@cnccounsel.com |
[1] Luật Tổ chức Tòa án sửa đổi, Điều 55.1; Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2021, 2025 (“Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi”), Điều 268
[2] Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, Điều 35; Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi, Điều 268.1
[3] Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Điều 37
[4] Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, Điều 37
[5] Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Điều 37.1.b; Luật Trọng tài thương mại 2010, Điều 7
[6] Luật Trọng tài thương mại sửa đổi, Điều 7.3; Nghị quyết số 81, Điều 2; Xem thêm Điều 2.2, Nghị quyết số 81 về thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng và Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đối với yêu cầu hủy phán quyết trọng tài và đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc.
[7] Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, Điều 35
[8] Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi, Điều 268
[9] Khoản 2 Điều 6 Nghị quyết 01/2025/NQ-HĐTP ngày 27/6/2025 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao.
[10] Khoản 2 Điều 269 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2025.