Nghị định 135: Động lực mới cho Điện mặt trời mái nhà
Ngày 22/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 135/2024/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ (“Nghị Định 135”), với ngày hiệu lực là ngày ban hành.
Nghị Định 135 đã kết thúc gần 04 năm loại hình điện mặt trời này thiếu vắng khung pháp lý cụ thể điều chỉnh kể từ khi Quyết định 13/2020/TTg của Thủ tướng Chính Phủ về cơ chế khuyến khích điện mặt trời đã hết hiệu lực từ năm 2021.
Bài viết sau đây sẽ trình bày những điểm chính của Nghị Định 135.
Tải file PDF tại đây: CNC Cập nhật Pháp lý_Nghị định 135 – Động lực mới cho Điện mặt trời mái nhà
Phạm vi điều chỉnh
Nghị Định 135 chỉ điều chỉnh điện mặt trời mái nhà với mục đích tự sản xuất, tự tiêu thụ. Còn đối với điện mặt trời mái nhà với mục đích bán điện thương mại, loại hình này sẽ được điều chỉnh bởi Nghị định số 80/2024/NĐ-CP ngày 03/07/2024 của Chính phủ về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn, cũng đã được cập nhật bởi CNC.
Sự khác biệt về phạm vi điều chỉnh giữa hai Nghị định về điện mặt trời mái nhà
Theo đó, “điện mặt trời mái nhà” theo Nghị Định 135 là điện mặt trời được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng gồm nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh được đầu tư, xây dựng theo đúng quy định của pháp luật.[1] Trước khi lắp đặt điện mặt trời mái nhà, các công trình này phải bảo đảm đã tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, an toàn, phòng cháy chữa cháy.[2]
Về đối tượng áp dụng, Nghị Định 135 áp dụng cho các tổ chức, cá nhân quản lý, tham gia phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam theo hình thức tự sản xuất, tự tiêu thụ (sau đây gọi chung là “Người Dùng”) và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng không có bất cứ quy định nào của Nghị Định 135 bắt buộc Người Dùng tự sản xuất và tự tiêu thụ điện mặt trời mái nhà phải là chủ sở hữu của hệ thống điện đó. Nói cách khác, Người Dùng có thể thuê, mượn hoặc hợp tác thông qua các hình thức khác với bên sở hữu và vận hành hệ thống điện mặt trời mái nhà.
Về loại hình điện mặt trời mái nhà, có hai loại hình bao gồm:
(i) Không đấu nối với hệ thống điện quốc gia;
(ii) Có đấu nối với hệ thống điện quốc gia (với hai lựa chọn bán hoặc không bán điện dư lên hệ thống điện quốc gia).
Loại hình điện mặt trời mái nhà theo Nghị Định 135
Các thủ tục Người Dùng cần thực hiện
Người Dùng điện mặt trời mái nhà, tùy trường hợp, phải thực hiện các thủ tục sau:
- Quy hoạch điện lực;
- Thông báo hoặc Đăng ký với Sở Công Thương;
- Thông báo cho cơ quan quản lý tại địa phương về xây dựng, phòng cháy chữa cháy và điện lực;
- Nghiệm thu đầu tư xây dựng, lắp đặt;
- Giấy phép hoạt động điện lực;
- Thực hiện thủ tục để mua bán điện dư.
Thủ tục cần thực hiện đối với từng loại Người Dùng
Quy hoạch điện lực
Người Dùng lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có công suất lắp đặt từ 1.000 kW trở lên và bán điện dư vào hệ thống điện quốc gia thì phải thực hiện thủ tục về quy hoạch điện lực, trừ trường hợp thuộc quy mô công suất theo quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch được phân bổ tại địa phương.[3]
Đối với các trường hợp khác, Người Dùng không cần thực hiện thủ tục quy hoạch điện lực.
Thông báo hoặc Đăng ký với Sở Công Thương
Các đối tượng thuộc trường hợp chỉ cần thực hiện thông báo cho Sở Công Thương là nhóm Người Dùng điện mặt trời mái nhà không đấu nối với hệ thống điện quốc gia hoặc có đấu nối với công suất lắp đặt dưới 1000 kW. Riêng đối với trường hợp điện mặt trời mái nhà có đấu nối với công suất lắp đặt từ 100 kW đến dưới 1000 kW, việc thông báo cho Sở Công Thương phải kèm theo hồ sơ thiết kế.[4]
Đối với nhóm Người Dùng không thuộc trường hợp phải thông báo nói trên, Người Dùng phải thực hiện đăng ký với Sở Công Thương để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký phát triển. Hồ sơ đăng ký với Sở Công Thương phải bao gồm Giấy đăng ký theo Mẫu số 01 kèm theo Nghị Định 135 và bản vẽ thiết kế, cùng với bản sao của một số giấy tờ khác (nếu có).[5]
Trình tự cấp Giấy chứng nhận đăng ký phát triển điện mặt trời mái nhà được thực hiện theo lưu đồ sau:[6]
Trình tự cấp Giấy chứng nhận đăng ký phát triển điện mặt trời mái nhà
Thông báo cho cơ quan quản lý tại địa phương về xây dựng, phòng cháy chữa cháy và điện lực
Các đối tượng thuộc trường hợp phải thực hiện thông báo cho Sở Công Thương cũng phải thực hiện thủ tục thông báo cho các cơ quan quản lý tại địa phương về xây dựng, phòng cháy chữa cháy và điện lực.[7]
Nghiệm thu đầu tư xây dựng, lắp đặt
Trước khi đưa vào khai thác, Người Dùng cần thực hiện nghiệm thu lắp đặt hoặc đầu tư xây dựng hệ thống điện mặt trời mái nhà theo hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương về xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy, điện lực.
Đối với điện mặt trời mái nhà có đấu nối, Người Dùng còn phải phối hợp nghiệm thu hệ thống đo đếm và thu thập dữ liệu đo đếm từ xa với đơn vị điện lực tại địa phương (trừ trường hợp công suất dưới 100 kW và không bán điện dư).
Ngoài ra, đối với điện mặt trời mái nhà có đấu nối và không bán điện dư, chủ đầu tư của hệ thống điện mặt trời mái nhà phải phối hợp với đơn vị điện lực tại địa phương để kiểm tra nghiệm thu lắp đặt hệ thống thiết bị chống phát ngược điện vào hệ thống điện quốc gia.[8]
Giấy phép hoạt động điện lực
Giấy phép hoạt động điện lực được miễn trong các trường hợp sau:[9]
- Không đấu nối với hệ thống điện quốc gia;
- Lắp đặt hệ thống thiết bị chống phát ngược điện vào hệ thống điện quốc gia;
- Hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có công suất dưới 100 kW.
Đối với các trường hợp khác, Người Dùng cần thực hiện thủ tục để đạt được giấy phép hoạt động điện lực trước khi phát điện theo quy định hiện hành.[10]
Chính sách bán điện dư
Chính sách mua bán điện dư là chính sách nhận được nhiều sự quan tâm nhất đối với điện mặt trời mái nhà có đấu nối với hệ thống điện quốc gia. Theo đó, để thực hiện giao dịch mua bán điện dư, Nghị Định 135 đặt ra một số điều kiện nhất định sau:[11]
- Bên bán điện dư: Tổ chức, cá nhân sở hữu điện mặt trời mái nhà hoặc tổ chức, cá nhân tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân này;
- Bên mua điện dư: EVN (hoặc các đơn vị thành viên được EVN ủy quyền);
- Loại hình: điện mặt trời mái nhà có đấu nối (i) thuộc quy mô công suất theo quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch, hoặc (ii) thuộc hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ có công suất dưới 100 kW;
- Sản lượng điện dư được phép bán: Tối đa 20% công suất lắp đặt thực tế;
- Giá mua bán điện dư: Bằng giá điện năng thị trường bình quân trong năm trước liền kề do đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện công bố.
Một điểm cần lưu ý là Nghị Định 135 không cho phép giao dịch mua bán điện dư đối với điện mặt trời lắp đặt trên mái công trình xây dựng là công sở hoặc công trình được xác định là tài sản công.
Bên cạnh đó, Người Dùng điện mặt trời mái nhà có đấu nối lựa chọn bán điện dư phải đảm bảo công suất thuộc quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch được phân bổ tại địa phương.[12]
Thực hiện thủ tục để mua bán điện dư
Để được phép bán điện dư, Người Dùng điện mặt trời mái nhà có đấu nối phải tiến hành đăng ký bán điện dư với EVN.[13]
Trước tiên, Người Dùng phải nộp hồ sơ bao gồm các tài liệu sau:
- Văn bản đề nghị bán điện;
- Tài liệu kỹ thuật về tấm quang điện mặt trời, bộ biến đổi điện tử từ một chiều sang xoay chiều, đường dây tải điện;
- Giấy chứng nhận xuất xưởng, chứng nhận chất lượng thiết bị (bản sao y);
- Giấy chứng nhận đăng ký phát triển/ Văn bản của Sở Công Thương xác nhận công suất thuộc quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch được phân bổ tại địa phương;
- Hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng;
- Các văn bản chấp thuận nghiệm thu (nếu có) với các cơ quan nhà nước có liên quan.
Trong 05 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ, Người Dùng và EVN sẽ tiến hành kiểm tra kỹ thuật, đo đếm sản lượng điện để chốt chỉ số công tơ. Sau đó, các bên sẽ tiến hành ký hợp đồng mua bán điện dư (theo Mẫu số 05 kèm theo Nghị Định 135) và đóng điện.
Quy trình đăng ký bán điện dư
Một số chính sách ưu đãi
Nghị Định 135 cũng quy định một số chính sách ưu đãi về: thuế, thủ tục hành chính, đất đai, giấy phép kinh doanh.
Các chính sách ưu đãi về thủ tục hành chính
Điều khoản chuyển tiếp
Đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà đã lắp đặt và vận hành thương mại trước ngày 01/01/2021, Người Dùng không được đăng ký lắp đặt thêm điện mặt trời mái nhà tại cùng địa điểm.
Đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà đã lắp đặt và vận hành kể từ ngày 01/01/2021, Người Dùng phải gửi thông tin liên quan đến Sở Công Thương để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký phát triển. Bên cạnh đó, Người Dùng lựa chọn bán điện dư phải thực hiện bán điện dư theo quy định của Nghị Định 135.
Phụ trách:
Cộng sự Cấp Cao Trần Phạm Hoàng Tùng
Điện thoại: (84) 901 334 192 Email: tung.tran@cnccounsel.com |
Trợ lý luật sư Phạm Nguyễn Tấn Trung
Điện thoại: (84) 347 924 900 Email: trung.pham@cnccounsel.com |
[1] Điều 1, Nghị Định 135.
[2] Điều 4.4, Nghị định 135.
[3] Điều 8.2, Nghị định 135.
[4] Điều 6, Điều 7.4 và Điều 7.5, Nghị Định 135.
[5] Điều 10.2, Nghị Định 135.
[6] Điều 9.2 và Điều 12, Nghị Định 135.
[7] Điều 6, Điều 7.5 và Điều 7.6, Nghị Định 135.
[8] Điều 17, Nghị Định 135.
[9] Điều 8.1, Nghị Định 135.
[10] Điều 17.2(b), Nghị Định 135.
[11] Điều 3 và Điều 8.7, Nghị Định 135.
[12] Điều 7.6 và Điều 8.2, Nghị Định 135.
[13] Điều 18, Nghị Định 135.