Hoàn Thiện Cơ Chế Quản Lý Hợp Đồng Xây Dựng

Ngày đăng: Thứ Ba, 22/09/20 Người đăng: Admin

Xây dựng là một lĩnh vực phức tạp với nhiều bên, đối tượng và nội dung công việc liên quan. Các bên phải lập cơ chế vững chắc để hạn chế tối đa rủi ro tiềm ẩn trong dự án. Từ đó, Hoàn Thiện Cơ Chế Quản Lý Hợp Đồng Xây Dựng là một vấn đề quan trọng nhằm tạo ra mối quan hệ hợp tác xây dựng vừa an toàn vừa hữu nghị và lâu bền giữa các bên.

Nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề trên, cùng lời mời hợp tác từ SCL Việt Nam, Luật sư Lê Thế Hùng – Luật sư Điều hành của Công ty Luật TNHH CNC Việt Nam đã tham gia nghiên cứu và thảo luận trực tuyến về chủ đề “Góp Ý Hoàn Thiện Cơ Chế Quản Lý Hợp Đồng Xây Dựng”  vào ngày 19/9/2020.

NỘI DUNG THẢO LUẬN VỀ CƠ CHẾ QUẢN LÝ HỢP ĐỒNG XÂY DỰNG

Trong buổi thảo luận, Luật sư Lê Thế Hùng đã trình bày, phân tích các khía cạnh đa dạng, những lưu ý cần thiết khi các bên soạn thảo Hợp đồng Xây dựng. Buổi nói chuyện được Luật sư Hùng chia ra thành từng phần rõ ràng, tương ứng với các điều khoản, các loại hợp đồng xây dựng để người tham gia dễ dàng hình dung và nắm bắt. Cụ thể, buổi thảo luận gồm 07 nội dung chính sau đây:

1. Phạm Vi Áp Dụng Hợp Đồng Xây Dựng:

Nghị định 37/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng được khuyến khích áp dụng. Theo đó, việc soạn thảo Hợp đồng xây dựng sẽ giúp các bên hợp tác thân thiện hơn nhưng vẫn đạt được những mục tiêu đã đặt ra và giảm thiểu các tranh chấp có thể phát sinh.

2. Những Định Nghĩa Quan Trọng Trong Hợp Đồng Xây Dựng:

Nhiều thuật ngữ sử dụng trong Nghị định 37/2015/NĐ-CP không được định nghĩa hoặc định nghĩa không rõ ràng. Trong buổi thảo luận, Luật sư Hùng đã tổ chức bàn luận một số định nghĩa như:

  • Hợp đồng trọn gói;
  • Hợp đồng cung cấp thiết bị công nghệ;
  • Hợp đồng cung cấp nhân lực, máy móc, thiết bị…

Từ đó, người tham gia có cách hiểu, cách giải thích đúng hơn về những vấn đề này.

3. Vấn Đề Của Hợp Đồng EPC:

Nhiều vấn đề cốt lõi chưa được giải quyết của Hợp đồng EPC đã được Luật sư Hùng trình bày, bao gồm:

  • Phạm vi áp dụng;
  • Nguyên tắc lựa chọn áp dụng;
  • Nguyên tắc ký hay nội dung hợp đồng EPC;
  • Quản lý hợp đồng EPC theo nguyên tắc “tập trung, tập quyền”.

4. Về Hợp Đồng Xây Dựng:

Tương tự, hợp đồng xây dựng cũng còn những khía cạnh cần được phân tích để làm rõ:

  • Hợp đồng xây dựng là hợp đồng dân sự hay hợp đồng thương mại;
  • Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng xây dựng;
  • Sáng tạo thêm về định nghĩa của “bất khả kháng”.

5. Khoản Tiền Tạm Ứng Trong Hợp Đồng Xây Dựng:

Theo Luật sư Hùng, tạm ứng hợp đồng đã trở thành thông lệ trong các hợp đồng xây dựng. Tuy nhiên, điều khoản về tạm ứng hợp đồng vẫn còn nhiều câu hỏi pháp lý còn bỏ ngỏ, chẳng hạn:

  • Cơ sở để định ra mức tối thiểu của khoản tiền tạm ứng hợp đồng;
  • Thời điểm bắt đầu việc thu hồi tạm ứng;
  • Lý do cần đảm bảo giá trị của khoản tiền tạm ứng được thu hồi.

6. Bảo Lãnh Thực Hiện Hợp Đồng Xây Dựng:

Các quy định về bảo lãnh thực hiện hợp đồng xây dựng còn chưa rõ ràng, gây ra nhiều rủi ro và nguy cơ tranh chấp:

  • Rủi ro khi hợp đồng chưa có hiệu lực nhưng Nhà thầu đang thực hiện một nghĩa vụ của hợp đồng;
  • Rủi ro khi bảo lãnh thực hiện hợp đồng không được cấp;
  • Rủi ro khi hiệu lực của bảo lãnh thực hiện hợp đồng chỉ tới lúc bàn giao công việc.

7. Quyết Toán Và Thanh Lý Hợp Đồng Xây Dựng:

Cuối cùng, Luật sư Hùng nêu ra những khúc mắc liên quan đến quyết toán và thanh lý hợp đồng, chẳng hạn:

  • Khi chưa kết thúc nghĩa vụ bảo hành nhưng việc quyết toán vẫn có thể diễn ra;
  • Nếu Nhà thầu thực hiện phát sinh (do lỗi của Chủ đầu tư) trong thời gian bảo hành;
  • Nếu sau khi quyết toán, nhà thầu có trách nhiệm hoàn trả cho Chủ đầu tư khoản giá trị nhiều hơn số tiền dùng để bảo hành.

Trong buổi trao đổi, Luật sư không chỉ thuyết trình mà còn kết hợp đặt câu hỏi, làm việc nhóm. Bầu không khí thảo luận diễn ra sôi nổi và chủ động. Vì vậy, dù diễn ra trực tuyến, buổi thảo luận vẫn đảm bảo tính tương tác cao.

CÁC CÂU HỎI THẢO LUẬN VỀ CƠ CHẾ QUẢN LÝ HỢP ĐỒNG XÂY DỰNG

Nhiều câu hỏi về việc “Hoàn thiện Cơ chế Quản lý Hợp đồng Xây dựng” đã được đặt ra trong buổi sinh hoạt:

  • Thời gian thực hiện hợp đồng có phải được tính từ ngày hợp đồng có hiệu lực cho đến khi các bên hoàn thành các nghĩa vụ theo hợp đồng xây dựng đã ký?
  • Hợp đồng EPC chỉ áp dụng với những dự án, gói thầu cần rút ngắn thời gian thực hiện?
  • Cơ sở để định ra “mức tối thiểu của khoản tiền tạm ứng hợp đồng” là gì?
  • Làm sao để khỏa lấp những nhu cầu khác nhau khi quyết toán và thanh lý hợp đồng?
  • Khi bảo lãnh thực hiện hợp đồng không được cấp thì rủi ro là gì?

Có thể thấy rằng, buổi thảo luận đã góp phần bổ sung thêm nhiều ý kiến pháp lý cho quá trình thiếp lập và hoàn thiện Hợp đồng Xây dựng.

CƠ HỘI HỢP TÁC VÀ PHÁT TRIỂN

Thông qua việc hợp tác này, các bên đã cùng nhau trao đổi kinh nghiệm thực tiễn về thi công xây dựng. Buổi thảo luận tạo cơ hội học hỏi kiến thức về quản lý hợp đồng thuộc lĩnh vực này. Nhờ đó, rủi ro và tranh chấp phát sinh trên thực tế khi giao kết Hợp đồng Xây dựng được giảm thiểu.

THÔNG TIN THÊM

Độc giả quan tâm đến các chương trình đào tạo của CNC về Quản lý Hợp đồng FIDIC 1999Các Điểm Mới Của Hợp Đồng FIDIC 2017 có thể liên hệ qua: số +84-28-6276-9900 hoặc email về contact@cnccounsel.com.

Content Protection by DMCA.com

Để lại một bình luận

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.