Thời hiệu khởi kiện trong trọng tài quốc tế – Góc nhìn của Việt Nam
Thời hiệu khởi kiện được hiểu là một khoảng thời gian cụ thể được luật quy định, trong khoản thời gian đó, một bên có quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Trong trọng tài quốc tế, việc xác định chính xác các vấn đề về thời hiệu khởi kiện đóng vai trò cực kỳ quan trọng nhằm đảm bảo thực thi pháp luật một cách chính xác cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp.
Bài viết này sẽ phân tích và làm rõ các vấn đề thời hiệu khởi kiện theo pháp luật Việt Nam cũng như so sánh với pháp luật một số quốc gia khác để làm rõ các vấn đề về thời hiệu khởi kiện trong trọng tài quốc tế trong bối cảnh của Việt Nam. Vấn đề này đặc biệt có ý nghĩa khi thời hiệu khởi kiện khi pháp luật Việt Nam vẫn chưa thể xác định rõ đây là vấn đề về tố tụng hay vấn đề về nội dung tranh chấp. Điều này có ảnh hưởng không nhỏ đối với việc xem xét hủy phán quyết trọng tài hay công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài tại Việt Nam.
Tuy nhiên, thời hiệu khởi kiện về việc thực thi phán quyết trọng tài là một chủ đề riêng biệt và sẽ được phân tích trong bài viết khác.
Tải file pdf bài viết tại: CNC Newsletter_Thời hiệu khởi kiện trong trọng tài quốc tế
Sự đa dạng của luật điều chỉnh thời hiệu khởi kiện tại Việt Nam
Đối với các tranh chấp trọng tài không có yếu tố nước ngoài (trọng tài trong nước), việc xác định luật áp dụng luật áp dụng đối với thời hiệu khởi kiện là tương đối dễ dàng và rõ ràng (chẳng hạn như áp dụng Bộ luật Dân sự). Ngược lại, trong trọng tài quốc tế, việc xác định luật áp dụng điều chỉnh thời hiệu khởi kiện trở thành một vấn đề cực kỳ phức tạp, bởi lúc này tồn tại ít nhất hai hệ thống pháp luật có thể được áp dụng để giải quyết vấn đề. Lúc này, ta cần xem xét kỹ lưỡng các quy định pháp luật liên quan nhằm xác định chính xác hệ thống pháp luật nào sẽ được áp dụng để điều chỉnh thời hiệu khởi kiện trong từng trường hợp cụ thể.
Cụ thể, theo hệ thống dân luật, thời hiệu khởi kiện được xem là vấn đề về nội dung, tập trung vào quyền khởi kiện đối với một khiếu nại cụ thể. Ngược lại, đối với hệ thống thông luật, thời hiệu khởi kiện thường được xem là vấn đề về thủ tục tố tụng hơn là vấn đề liên quan đến nội dung, bản chất tranh chấp.[1]
Theo Brian Millar, việc thời hiệu khởi kiện được điều chỉnh bởi luật áp dụng cho nội dung tranh chấp (lex causae hay lex contractus) mà không áp dụng các quy định bắt buộc của luật điều chỉnh tố tụng trọng tài (lex arbitri), là một xu hướng đang phát triển mạnh mẽ cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài quốc tế hiện nay. Vương Quốc Anh và Singapore là hai quốc gia theo hệ thống thông luật nhưng xem xét thời hiệu khởi kiện là vấn đề thuộc pháp luật nội dung. Australia và Canada cũng đã thay đổi quan điểm của mình và xem thời hiệu khởi kiện là vấn đề nội dung mà không phải vẫn đề tố tụng[2]. Tuy nhiên, cùng theo hệ thống thông luật, nhưng Hồng Kông, Ấn độ và Malaysia vẫn xem xét thời hiệu khởi kiện là vấn đề về pháp luật tố tụng.[3]
Quan điểm một số quốc gia về thời hiệu khởi kiện
Việt Nam là một quốc gia theo hệ thống dân luật và vấn đề thời hiệu khởi kiện được điều chỉnh bởi nhiều nguồn luật khác nhau. Tuy nhiên, theo pháp luật hiện hành, vấn đề thời hiệu khởi kiện thuộc pháp luật nội dung hay pháp luật tố tụng vẫn là vấn đề còn nhiều tranh cãi và không được xác định rõ ràng.
Khái niệm về thời hiệu khởi kiện
Thực tế, thời hiệu khởi kiện được điều chỉnh bởi cả pháp luật nội dung, như Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Thương mại 2005, cũng như pháp luật tố tụng, như Luật Trọng tài thương mại 2010. Tuy nhiên, điều quan trọng không nằm ở số lượng luật điều chỉnh thời hiệu khởi kiện mà điều quan trọng nằm ở việc mỗi quy định điều chỉnh thời hiệu khởi kiện trong các văn bản nêu trên có nội hàm khác nhau. Điều này dẫn đến khi áp dụng vào thực tiễn giải quyết tranh chấp, mỗi quy định sẽ dẫn đến một hậu quả pháp lý khác nhau, làm cho vấn đề xác định luật nào được áp dụng điều chỉnh thời hiệu khởi kiện trở nên phức tạp, gây tranh cãi và chưa thể thống nhất.
Theo Điều 671 và Điều 683.1 Bộ luật Dân sự, thời hiệu khởi kiện đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định dựa trên sự thỏa thuận của các bên. Theo đó, Bộ luật Dân sự quy định rằng “thời hiệu khởi kiện đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự đó” và “Các bên trong quan hệ hợp đồng [có yếu tố nước ngoài] được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng đối với hợp đồng”.
Tuy nhiên, Luật Trọng tài thương mại (luật điều chỉnh về thủ tục tố tụng trọng tài) lại có hướng tiếp cận khác. Mặc dù Điều 14.2 luật này vẫn ghi nhận quyền của các bên trong tranh chấp có yếu tố nước ngoài được quyền lựa chọn luật áp dụng cho nội dung tranh chấp, tuy nhiên, không có quy định cụ thể về việc có cho phép các bên lựa chọn luật áp dụng cho vấn đề thời hiệu khởi kiện hay không. Trong khi đó, Điều 33 Luật Trọng tài thương mại quy định về thời hiệu khởi kiện mà không phân biệt thời hiệu này áp dụng cho tranh chấp có yếu tố nước hay hay không có yếu tố nước ngoài. Vì vậy, được hiểu là thời hiệu khởi kiện tại Điều 33 này áp dụng cho mọi tranh chấp và do đó, không trao quyền cho các bên được phép thỏa thuận áp dụng luật khác để điều chỉnh.
Ngoài ra, thậm chí khi pháp luật Việt Nam được xác định là luật áp dụng điều chỉnh tranh chấp – thông qua việc lựa chọn pháp luật hay dẫn chiếu pháp luật – thì cũng không thể kết luận ngay lập tức rằng Luật Trọng tài thương mại sẽ điều chỉnh thời hiệu khởi kiện. Theo Điều 33 Luật Trọng tài thương mại, quy định về thời hiệu khởi kiện theo luật này chỉ được áp dụng trong trường hợp luật chuyên ngành không có quy định khác.
Do đó, theo pháp luật Việt Nam hiện hành, việc xác định thời hiệu khởi kiện là vấn đề của luật nội dung hay luật tố tụng vẫn chưa được phân định rõ ràng khi tranh chấp phát sinh và được giải quyết bởi trọng tài quốc tế.
Việc áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện tại Việt Nam vẫn là vấn đề chưa rõ ràng
Xuất phát từ sự không tương đồng giữa các quy định điều chỉnh thời hiệu khởi kiện trong các văn bản quy phạm pháp luật, việc áp dụng thời hiệu khởi kiện tại Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức.
Đầu tiên, về mặt lý luận, việc xác định thời hiệu khởi kiện thuộc pháp luật nội dung hay pháp luật tố tụng vẫn là câu hỏi chưa được giải quyết một cách rõ ràng. Khía cạnh này được phân tích và làm rõ thông qua bài viết của Ông Tưởng Duy Lượng, Nguyên phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao “Thời hiệu khởi kiện thuộc pháp luật nội dung hay pháp luật tố tụng – Đôi điều kiến nghị”[4].
Thứ hai, về mặt thực tiễn, các Tòa án Việt Nam cũng có quan điểm không thống nhất về việc thời hiệu khởi kiện được xem là vấn đề về pháp luật nội dung, hay vấn đề về pháp luật tố tụng.
Trong Quyết định số 11/2018/QĐ-PQTT ngày 12/10/2018 của Tòa án nhân dân TP. Hà Nội, một bên đã yêu cầu hủy phán quyết trọng tài trên cơ sở vụ tranh chấp đã hết thời hiệu khởi kiện là 02 năm theo quy định của Luật Trọng tài thương mại. Tuy nhiên, Tòa án đã nhận định rằng nội dung về thời hiệu khởi kiện của vụ án đã được Hội đồng trọng tài quyết định trong phần nội dung của Phán quyết và thuộc vấn đề nội dung tranh chấp. Do đó, Tòa án không xem xét lại nội dung tranh chấp (bao gồm vấn đề thời hiệu khởi kiện) theo nguyên tắc của Điều 71.1 Luật Trọng tài thương mại. Ngoài ra, Quyết định này cũng ghi nhận rằng, thời hiệu khởi kiện không phải là nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam để có thể xem xét hủy phán quyết trọng tài.[5]
Ngược lại, trong Quyết định số 1109/2018/QĐ-PQTT ngày 16/8/2018, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã theo hướng xác định thời hiệu khởi kiện là vấn đề tố tụng nên Tòa án được xem xét lại khi xem xét hủy phán quyết trọng tài.[6]
Việc áp dụng thời hiệu vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng, gây ra thách thức đáng kể cho các hội đồng trọng tài khi phải đối mặt với các phản đối liên quan đến việc thời hiệu đã hết. Việc hội đồng trọng tài xác định thời hiệu là vấn đề thuộc nội dung hay thủ tục có thể dẫn đến những hệ quả sâu rộng theo pháp luật Việt Nam, đặc biệt trong hai khía cạnh được đề cập dưới đây.
Thứ nhất, việc phân loại thời hiệu khởi kiện là nội dung hay thủ tục ảnh hưởng trực tiếp đến việc xác định luật áp dụng đối với các khía cạnh khác nhau của thời hiệu, bao gồm thời điểm bắt đầu, thời hiệu kéo dài bao lâu, các trường hợp không tính vào thời hiệu và bắt đầu lại thời hiệu. Vấn đề này đã được Giáo sư Đỗ Văn Đại đề cập trong một bài báo khoa học, trong đó ông cho rằng:
“Nếu thời hiệu khởi kiện được điều chỉnh bởi pháp luật tố tụng trọng tài thì thời hiệu này là giống nhau cho các loại tranh chấp. Ngược lại, nếu thời hiệu khởi kiện được điều chỉnh bởi pháp luật nội dung, thời hiệu khởi kiện có thể khác nhau từ vụ này qua vụ khác vì pháp luật nội dung có thể không giống nhau giữa các vụ việc mặc dù đều được giải quyết bởi trọng tài.”[7]
Các vấn đề liên quan về thời hiệu khởi kiện
Cụ thể, nếu thời hiệu khởi kiện được xem là vấn đề thuộc pháp luật tố tụng thì thời hiệu khởi kiện được điều chỉnh bởi pháp luật Việt Nam. Ngược lại, nếu thời hiệu khởi kiện được xem là vấn đề thuộc pháp luật nội dung thì thời hiệu khởi kiện sẽ được điều chỉnh bởi luật điều chỉnh hợp đồng được các bên thỏa thuận lựa chọn hoặc luật do hội đồng trọng tài xác định trong trường hợp các bên không có thỏa thuận.
Vì luật áp dụng cho tranh chấp trong trọng tài quốc tế thường rất đa dạng và không phải lúc nào cũng áp dụng pháp luật Việt Nam, nên luật điều chỉnh thời hiệu khởi kiện sẽ phụ thuộc vào từng tình huống cụ thể. Điều này có thể dẫn đến những hệ quả pháp lý khác nhau, thậm chí chênh lệch đáng kể giữa các vụ việc.
Thứ hai, việc xác định thời hiệu khởi kiện là vấn đề thuộc pháp luật nội dung hay pháp luật tố tụng có ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định hủy hay bác yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, cũng như quyết định công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài tại Việt Nam.
Tác động của thời hiệu khởi kiện đến phán quyết trọng tài
Theo đó, nếu thời hiệu khởi kiện được xác định là vấn đề thuộc nội dung tranh chấp thì Tòa án Việt Nam sẽ không được xem xét lại nội dung mà hội đồng trọng tài đã giải quyết[8], và do đó không phải là cơ sở để một bên yêu cầu Tòa án Việt Nam hủy (đối với phán quyết trọng tài trong nước) hay không công nhận và cho thi hành (đối với phán quyết trọng tài nước ngoài) phán quyết trọng tài đó. Về vấn đề này, pháp luật Việt Nam cơ bản là tương tự với Điều 34 và Điều 36 của Luật Mẫu, cũng như Điều 5 Công ước New York 1958.
Nếu thời hiệu khởi kiện được xác định là vấn đề tố tụng, đó có thể là cơ sở để một bên của tranh chấp yêu cầu Tòa án Việt Nam xem xét hủy phán quyết trọng tài theo Điều 68.2(b) Luật Trọng tài thương mại (quy định tương tự với Điều 34.2(a)(iv) của Luật Mẫu) hoặc yêu cầu không công nhận và cho thi hành theo Điều 459.1(đ) của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (quy định tương tự Điều 36.1(a)(iv) của Luật Mẫu và Điều 5.1(d) của Công ước New York 1958).
Thời hiệu khởi kiện trong trọng tài quốc tế theo pháp luật Việt Nam
Như đã phân tích, việc áp dụng thời hiệu khởi kiện trong trọng tài quốc tế tại Việt Nam không được xác định một cách trực tiếp, bởi tùy vào từng trường hợp cụ thể sẽ có những luật khác nhau điều chỉnh tranh chấp nói chung và thời hiệu khởi kiện nói riêng. Luật điều chỉnh thời hiệu khởi kiện có thể là Bộ luật Dân sự 2015, Luật Thương mại 2005, Luật Trọng tài thương mại 2010, Bộ luật Hàng hải 2015, Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Luật Hàng không dân dụng 2006. Mỗi luật nêu trên đều có cách quy định khác nhau về thời hiệu khởi kiện mà không có sự thống nhất.
Văn bản pháp lý có quy định về thời hiệu khởi kiện tại Việt Nam
Tuy nhiên, để phân tích một cách dễ hiểu và dễ tiếp cận vấn đề về thời hiệu khởi kiện, bài viết sẽ phân tích vấn đề trên cơ sở quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại và Luật Trọng tài thương mại, bởi đây là các quy định được áp dụng thường xuyên nhất để giải quyết vấn đề này trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam.
Bảng dưới đây sẽ cung cấp góc nhìn tổng thể về quy định về thời hiệu khởi kiện của mỗi văn bản luật.
Bộ luật Dân sự 2015 | Luật Thương mại 2005 | Luật Trọng tài thương mại 2010 | |
Vai trò | Luật chung của các quan hệ dân sự | Luật chuyên ngành điều chỉnh các quan hệ kinh doanh thương mại | Luật điều chỉnh về giải quyết tranh chấp bằng trọng tài nói chung, bao gồm tố tụng trọng tài |
Thời hiệu khởi kiện là bao lâu? | 03 năm đối với các tranh chấp hợp đồng
(Điều 429) |
02 năm
(Điều 319) |
02 năm, trừ trường hợp luật chuyên ngành có quy định khác
(Điều 33) |
Thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện | Thời điểm người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm | Thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm | Thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm |
Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện | Quy định tại Điều 156 | Không quy định | Không quy định |
Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện | Quy định tại Điều 157 | Không quy định | Không quy định |
Cả ba luật trên đều có thể áp dụng để điều chỉnh vấn đề thời hiệu khởi kiện khi tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài quốc tế. Tuy nhiên, do quy định về thời hiệu khởi kiện của ba văn bản luật nêu trên có những khác biệt nhất định, việc xem xét nguyên tắc áp dụng để xác định quy định được áp dụng cuối cùng là cần thiết để có câu trả lời cụ thể.
Trước hết, Luật Trọng tài thương mại đã quy định rõ về thời hiệu khởi kiện của luật này chỉ áp dụng khi luật chuyên ngành không có quy định khác, do đó, Luật thương mại (và các luật chuyên ngành khác) sẽ được ưu tiên cân nhắc áp dung so với Luật Trọng tài thương mại. Tuy nhiên, vấn đề cần làm rõ là liệu Bộ luật Dân sự cũng có thể được xem là “luật chuyên ngành” để được áp dụng?
Nếu xét về mặt ngôn từ của Điều 33 Luật Trọng tài thương mại, Bộ luật Dân sự khó có thể được xem là “luật chuyên ngành” để được áp dụng trong trường hợp này, vì đây vốn dĩ là luật chung điều chỉnh cho các quan hệ dân sự. Điều này lại vô hình trung dẫn đến vấn đề các quy định về bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện, hay không áp dụng thời hiệu khởi kiện cũng sẽ không được áp dụng đối với tố tụng trọng tài. Điều này khá mâu thuẫn trên thực tiễn bởi trọng tài thường viện dẫn các quy định về thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện hoặc bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện tại Điều 156 và Điều 157 Bộ luật Dân sự trong một số tranh chấp do Luật Trọng tài thương mại không có quy định về các vấn đề trên.[9]
Trên thực tế, các Tòa án Việt Nam cũng áp dụng các quy định của Bộ luật Dân sự để xác định các vấn đề liên quan đến thời hiệu khởi kiện khi tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài. Cụ thể, tại Quyết định số 10/2014/QĐ-PQTT ngày 28/10/2014, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện của Bộ luật Tố tụng dân sự (nay được quy định trong Bộ luật Dân sự) thay vì quy định của Luật Trọng tài thương mại để xác định thời hiệu khởi kiện tại trọng tài trong tranh chấp tiền đặt cọc theo hợp đồng giữa các bên. Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Đại[10] – một trong những học giả uy tín đầu ngành của Việt Nam ủng hộ cách tiếp cận này của các Tòa án khi cho rằng “Hướng này của Tòa án là thuyết phục, khắc phục bất cập trong Luật trọng tài thương mại về thời hiệu và cần được duy trì cho những hoàn cảnh tương tự”.[11]
Khi cả Luật Thương mại và Bộ luật Dân sự đều được áp dụng để xác định vấn đề thời hiệu khởi kiện, Luật Thương mại sẽ được áp dụng do đây là luật chuyên ngành của các quan hệ thương mại, và do đó sẽ ưu tiên áp dụng hơn so với Bộ luật Dân sự, theo nguyên tắc luật chuyên ngành được ưu tiên hơn luật chung.[12]
Tuy nhiên, một ngoại lệ cho nguyên tắc luật chuyên ngành – luật chung nói trên là đối với các tranh chấp từ hợp đồng xây dựng, các quy định của Luật Thương mại sẽ không được áp dụng. Vấn đề này được Tòa án nhân dân tối cao khẳng định thông qua Quyết định Giám đốc thẩm số 12/2019/DS-GĐT ngày 24/09/2019[13] (hiện đang được nghiên cứu phát triển thành án lệ chính thức).[14] Do đó, vấn đề thời hiệu khởi kiện đối với các tranh chấp hợp đồng xây dựng sẽ được điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự.
Nói tóm lại, tùy vào các trường hợp cụ thể, các bên tham gia hợp đồng cần xem xét chính xác quy định cụ thể nào của Việt Nam sẽ điều chỉnh vấn đề thời hiệu khởi kiện tại trọng tài. Cần lưu ý thêm rằng, thời hiệu này tối đa là 03 năm (nếu Bộ luật dân sự 2015 được áp dụng như phân tích ở trên), ngoại trừ một số trường hợp rất hạn hữu.[15]
Xác định thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện
Một trong những yếu tố quan trọng đối với vấn đề thời hiệu khởi kiện trong trọng tài xây dựng quốc tế là việc xác định “Khi nào thời hiệu khởi kiện bắt đầu”. Việc xác định chính xác vấn đề này giúp ích rất nhiều cho các bên để bảo vệ quyền và lợi ích của mình khỏi nguy cơ hết thời hiệu khởi kiện.
Tùy vào luật được áp dụng cụ thể để xác định thời hiệu như trình bày ở trên, thời điểm bắt đầu thời hiệu cũng có sự khác nhau:
- Nếu Bộ luật Dân sự được áp dụng, thời hiệu khởi kiện được tính từ thời điểm bên có quyền khởi kiện biết hoặc buộc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
- Nếu Luật Thương mại hoặc Luật Trọng tài thương mại được áp dụng, thời hiệu khởi kiện được tính từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm.
Khi nào thời hiệu khởi kiện bắt đầu?
Việc áp dụng thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện như quy định của Luật Thương Mại và Luật Trọng tài thương mại về cơ bản là bất lợi hơn cho người khởi kiện, do chỉ căn cứ vào thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm mà không xem xét đến yếu tố người có quyền khởi kiện có biết (hoặc buộc phải biết) về sự xâm phạm đó hay không. Trên thực tế, không phải trường hợp nào hai thời điểm này cũng trùng nhau. Chẳng hạn trong các tranh chấp về chất lượng trong xây dựng, thời điểm nhà thầu vi phạm chất lượng công trình do thi công sai thiết kế sẽ không trùng với thời điểm chủ đầu tư phát hiện ra sai sót đó vì chủ đầu tư chỉ có thể phát hiện sai sót khi kiểm tra định kỳ hoặc tiến hành nghiệm thu, hoặc thậm chí là sau khi công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Do đó, để khắc phục điểm bất hợp lý nêu trên, Bộ luật Dân sự đã quy định theo hướng thời hiệu khởi kiện chỉ bắt đầu khi bên có quyền khởi kiện “biết hoặc buộc phải biết” về sự kiện xâm phạm.
Tuy nhiên, đối với một số tranh chấp phức tạp như tranh chấp hợp đồng xây dựng theo mẫu FIDIC, việc xác định thời điểm bên có quyền “biết hoặc buộc phải biết” về sự kiện xâm phạm cũng không phải là vấn đề dễ dàng. Vấn đề đặt ra cho các bên tranh chấp (và cả hội đồng trọng tài) là liệu thời hiệu khởi kiện sẽ được tính từ khi nào trong hai thời điểm dưới đây:
- Thời điểm 1: Tính từ thời điểm một bên phát sinh quyền khiếu nại do đáp ứng các trường hợp được trao quyền khiếu nại theo hợp đồng. Chẳng hạn chủ đầu tư chậm bàn giao mặt bằng, dẫn đến nhà thầu có quyền đệ trình khiếu nại gia hạn thời gian (và chi phí) đến Nhà tư vấn để giải quyết.
- Thời điểm 2: Tính từ thời điểm một bên ra thông báo phản đối quyết định giải quyết khiếu nại của Nhà tư vấn, hoặc hết thời hạn quy định mà Nhà tư vấn không ra quyết định để giải quyết khiếu nại.
Thông thường, bị đơn trong vụ kiện sẽ cố gắng lập luận rằng thời hiệu khởi kiện được tính Thời điểm 1 vì khi đó nguyên đơn đã biết quyền lợi của mình bị xâm phạm (thời gian hoặc chi phí) để tiến hành thủ tục khiếu nại đến Nhà tư vấn.
Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, Thời điểm 2 mới là thời điểm chính xác để bắt đầu thời hiệu khởi kiện, bởi ba lý do quan trọng sau:
Thứ nhất, tại thời điểm một bên có quyền đệ trình Thông báo khiếu nại, quyền lợi của bên đó chưa thể xem là đã bị xâm phạm để bắt đầu thời hiệu khởi kiện vì hợp đồng FIDIC đã thiết kế cơ chế trao quyền cho Nhà tư vấn – với tư cách là một bên thứ ba hành động hợp lý và công bằng – sẽ là người xem xét và có quyết định phù hợp nhằm bảo vệ quyền lợi của bên khiếu nại. Giả sử sau khi xem xét, Nhà tư vấn đã ra quyết định chấp thuận khiếu nại và không bên nào phản đối quyết định đó, thì quyền lợi của của bên khiếu nại vẫn được đảm bảo phù hợp với hợp đồng.
Nói cách khác, khi vấn đề khiếu nại vẫn đang được Nhà tư vấn xem xét, đánh giá mà chưa có quyết định chính thức, quyền lợi của bên khiếu nại vẫn được bảo lưu (preserve) và chưa thể xem là bị xâm phạm.
Mục đích của cơ chế này là nhằm khuyến khích các vấn đề khiếu nại được giải quyết một cách phù hợp để hạn chế xảy ra tranh chấp giữa các bên. Trong bản tái bản lần thứ ba của GAR’s The Guide to Construction Arbitration, Philip Norman và Leanie van de Merwe đã lập luận rằng:
“Do các khiếu nại loại này xảy ra thường xuyên, quy trình khiếu nại theo hợp đồng được thiết lập nhằm giải quyết nhanh chóng, với hy vọng tránh được các thủ tục giải quyết tranh chấp chính thức như kiện tụng tại tòa án quốc gia hoặc trọng tài.”[16]
Thứ hai, tại thời điểm một bên đệ trình Thông báo khiếu nại, chưa có tranh chấp xảy ra giữa các bên. Nói cách khác, trong các hợp đồng FIDIC, Khiếu nại không đồng nghĩa với Tranh chấp vì hai thuật ngữ này có nội hàm hoàn toàn khác nhau. Cụ thể, các hợp đồng FIDIC (kể cả phiên bản 1999 và 2017) đều đặt ra quy trình 04 bước để giải quyết một yêu cầu cụ thể của một bên:
Quy trình giải quyết khiếu nại
- Bước 1: Bên khiếu nại thực hiện thủ tục khiếu nại theo quy định của hợp đồng để Nhà tư vấn xem xét;
- Bước 2: Nếu các bên không đạt được đồng thuận Nhà tư vấn đưa ra quyết định về việc giải quyết khiếu nại, Bên khiếu nại có quyền thông báo phản đối nếu không đồng ý với quyết định của Nhà tư vấn; và
- Bước 3: Các bên đưa vấn đề tranh chấp lên Ban giải quyết tranh chấp hoặc Ban phòng ngừa và giải quyết tranh chấp (tùy phiên bản);
- Bước 4: Nếu việc giải quyết tranh chấp tại DAB/DAAB không thành công (do không thể tiến hành, hoặc các bên không đồng ý với kết quả giải quyết) thì các bên khởi động thủ tục tố tụng trọng tài để giải quyết tranh chấp sau khi các bên đã xem xét “hòa giải hữu hảo” như một thủ tục khuyến khích.
Với quy trình 4 bước như vậy, Hợp đồng FIDIC đã có sự phân biệt hai khái niệm “khiếu nại” (tại Bước 1 và Bước 2) và “tranh chấp” (tại Bước 3 và Bước 4). Trong phiên bản FIDIC 1999, mặc dù không có định nghĩa cụ thể cho “khiếu nại” và “tranh chấp”, tuy nhiên dựa theo quy định tại Điều 20, có thể thấy rằng một “khiếu nại” chỉ trở thành “tranh chấp” khi vấn đề đó không thể giải quyết thông qua quyết định của Nhà tư vấn mà phải đưa lên DAB để giải quyết (Điều 20.4). Giải thích về vấn đề này, Michael Mortimer-Hawkins – FIDIC Contracts Committess, khi bình luận về Điều 20 của FIDIC 1999 đã nói như sau:
“Khiếu nại về bản chất là một yêu cầu từ một bên (thường là Nhà thầu) đối với một quyền lợi mà họ cho rằng mình được hưởng theo các điều khoản của hợp đồng. Tranh chấp phát sinh khi bên kia không đồng ý với Nguyên đơn, dù về mặt thực tế hay giá trị yêu cầu, và các bên không thể đạt được giải pháp hòa giải.”[17]
Trong phiên bản 2017 (sửa đổi 2022), FIDIC đã làm khẳng định rõ vấn đề thông qua việc đưa ra các định nghĩa cụ thể về “Khiếu nại” tại Điều 1.1.6 và “Tranh chấp” tại Điều 1.1.29. Theo đó một Khiếu nại chỉ trở thành Tranh chấp khi Khiếu nại đó đã bị bác bỏ (toàn bộ hoặc một phần) bởi Nhà tư vấn và bên khiếu nại đã có thông báo phản đối (NOD) đối với quyết định đó của Nhà tư vấn.
Thứ ba, khi các bên chưa xảy ra tranh chấp, chưa có cơ sở để bắt đầu thời hiệu khởi kiện. Bởi lẽ, thời hiệu khởi kiện là thời hạn do luật định để một bên có quyền yêu cầu Tòa án (hoặc trọng tài) bảo vệ quyền lợi khi các bên xảy ra tranh chấp (quyền lợi hợp pháp bị xâm phạm). Do đó, khi chưa có tranh chấp xảy ra, việc bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện là không thực tế, đi ngược lại với ý nghĩa của thời hiệu khởi kiện và gây ảnh hưởng bất lợi đến bên có quyền lợi bị xâm phạm.
Nói tóm lại, đối với các tranh chấp xây dựng áp dụng theo mẫu hợp đồng FIDIC, sẽ là chính xác hơn khi xác định thời hiệu khởi kiện sẽ được tính từ ngày Khiếu nại của một bên đã bị Nhà tư vấn bác bỏ (một phần hoặc toàn bộ) và bên khiếu nại không đồng ý với bác bỏ đó của Nhà tư vấn.
Cần lưu ý thêm rằng mặc dù hợp đồng FIDIC phiên bản 2017 có quy định rằng thời gian mà tranh chấp đang được giải quyết bởi DAAB sẽ không tính vào thời hiệu khởi kiện.[18] Tuy nhiên, liệu rằng thỏa thuận như vậy có được ghi nhận và trọng tài (hoặc Tòa án) buộc phải tôn trọng hay không vẫn còn bỏ ngỏ và chưa có câu trả lời theo pháp luật Việt Nam. Bởi lẽ Điều 156 Bộ luật dân sự 2015 quy định về thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện không có quy định tương tự (tức là thời gian giải quyết tranh chấp tại các bước tiền tố tụng không tính vào thời hiệu khởi kiện), cũng không có quy định mở cho phép các bên được phép thỏa thuận thêm các trường hợp không tính vào thời hiệu khởi kiện khác ngoài các trường hợp luật định.
Các bên có thể làm gì khi hết thời hiệu khởi kiện?
Hết thời hiệu khởi kiện là một vấn đề rất nghiêm trọng và có thể khiến vụ kiện trọng tài bị bác bỏ toàn bộ ngay từ đầu, đặc biệt là khi hầu hết các trung tâm trọng tài quốc tế lớn trên thế giới đều có thủ tục “bác bỏ sớm”[19] hoặc “quyết định sơ bộ”[20] để quyết định liệu vụ kiện có nên được tiếp tục trước khi xem xét chi tiết vào nội dung tranh chấp.
Khi đó, bên muốn tiến hành vụ kiện cần cân nhắc kỹ lưỡng liệu có phương án khả thi nào để vượt qua trở ngại về thời hiệu khởi kiện. Trong tình huống này, dưới góc độ của pháp luật Việt Nam, bên đó có thể xem xét:
- Liệu có khoảng thời gian nào có thể được xem là không tính vào thời hiệu khởi kiện; và/hoặc
- Liệu có sự kiện nào cho phép bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện.
Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện
Điều 156.1 Bộ luật Dân sự quy định về trường hợp mà thời gian xảy ra sự kiện sẽ không tính vào thời hiệu khởi kiện. Quy định này có thể được các bên vụ kiện xem xét khả năng áp dụng đối với thời hiệu khởi kiện trong từng trường hợp cụ thể. Theo đó, thời gian xảy ra “sự kiện bất khả kháng” và “trở ngại khách quan” sẽ không tính vào thời hiệu khởi kiện.
Sự kiện bất khả kháng theo pháp luật Việt Nam sẽ được áp dụng khi đáp ứng 03 điều kiện:
(i) xảy ra một cách khách quan, (ii) không thể lường trước được, và (ii) không thể khắc phục được dù đã áp dụng các biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Trong khi đó, “trở ngại khách quan” về cơ bản là dễ đáp ứng hơn so với “sự kiện bất khả kháng”, miễn là sự kiện đó mang tính khách quan và gây cản trợ người có quyền thực hiện việc khởi kiện (do không biết quyền lợi bị xâm phạm, hoặc biết nhưng không thể thực hiện việc khởi kiện). Chẳng hạn, một cơn bão khiến nguyên đơn không thể nộp đơn khởi kiện và do đó, hết thời hiệu khởi kiện. Sự kiện này không thể xem xét là sự kiện bất khả kháng bởi bão là một hiện tượng thời tiết tự nhiên và các bên hoàn toàn có thể dự đoán được, nhưng nó vẫn có thể đáp ứng điều kiện của một trở ngại khách quan.
Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện
Theo Điều 157 Bộ luật Dân sự, thời hiệu khởi kiện sẽ bắt đầu lại trong các trường hợp sau:
3 trường hợp bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện
Thứ nhất, bên có nghĩa vụ thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện. Chẳng hạn đối với các tranh chấp hợp đồng xây dựng theo mẫu FIDIC, khi Nhà tư vấn có thông báo quyết định chỉ chấp nhận một phần khiếu nại về chi phí của Nhà thầu (và bác bỏ toàn bộ phần còn lại) thì thông báo này của Nhà tư vấn vẫn là cơ sở để bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện cho toàn bộ khiếu nại chi phí của Nhà thầu.
Thứ hai, bên có nghĩa vụ thừa nhận hoặc thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện. Ví dụ, cũng trong tình huống trên, nếu dựa trên thông báo quyết định (chấp nhận một phần) của Nhà tư vấn, Chủ đầu tư thanh toán cho Nhà thầu phần chi phí khiếu nại được chấp thuận đó (thực hiện xong một phần nghĩa vụ), thì sự kiện này sẽ là cơ sở để bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện cho toàn bộ khiếu nại chi phí của Nhà thầu.
Thứ ba, các bên đã tự hòa giải với nhau thì thời hiệu khởi kiện cũng được bắt đầu lại từ thời điểm các bên đạt được kết quả hòa giải.
Lưu ý rằng, trong bất kỳ trường hợp nào trong ba trường hợp nêu trên, thời hiệu khởi kiện bắt đầu lại không phụ thuộc vào việc thời hiệu khởi kiện đang còn hay đã hết.
Kết luận
Theo pháp luật Việt Nam, việc xác định liệu rằng thời hiệu khởi kiện là vấn đề thuộc pháp luật nội dung hay pháp luật tố tụng vẫn còn là vấn đề chưa được giải quyết rõ ràng. Điều này vô hình trung dẫn đến một phán quyết trọng tài có thể bị hủy hay từ chối công nhận và cho thi hành trên cơ cở một bên cho rằng quy định về thời hiệu khởi kiện không được áp dụng chính xác. Bên cạnh đó, khi pháp luật Việt Nam được áp dụng để điều chỉnh thời hiệu khởi kiện, việc xác định chính xác văn bản pháp lý liên quan (chẳng hạn như Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại hoặc Luật Trọng tài thương mại) đóng vai trò then chốt, vì mỗi quy định sẽ dẫn đến những hệ quả pháp lý khác nhau.
Ngoài ra, trong trường hợp thời hiệu khởi kiện được xem là đã hết, việc xem xét cẩn trọng các khoảng thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện hoặc các trường hợp bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện cũng đóng vai trò quan trọng không kém, đôi khi mang tính quyết định chiến lược giải quyết tranh chấp.
Phụ trách:
![]() |
Cộng sự Cấp Cao I Trần Phạm Hoàng Tùng
Điện thoại: (84) 901 334 192 Email: tung.tran@cnccounsel.com |
![]() |
Thực tập sinh pháp lý I Bùi Đoàn Minh Trí
Điện thoại: (84) 347 924 900 Email: tri.bui@cnccounsel.com |
[1] Thiago Marinho Nunes, ‘Statute of Limitations and International Arbitration’, https://cbar.org.br/site/statute-of-limitations-and-international-arbitration/
[2] Brian Millar, “Applicable Laws for Limitation Periods: Blurring Substantive and Procedural Lines in International Commercial Arbitration?”, Kluwer Arbitration Blog, https://arbitrationblog.kluwerarbitration.com/2023/10/07 /applicable-laws-for-limitation-periods-blurring-substantive-and-procedural-lines-in-international-commercial-arbitration-part-one/
[3] Tlđd (2)
[4] Tưởng Duy Lượng, “Thời hiệu khởi kiện thuộc pháp luật nội dung hay pháp luật tố tụng—Đôi điều kiến nghị”, Tạp Chí Tòa Án, https://tapchitoaan.vn/thoi-hieu-khoi-kien-thuoc-phap-luat-noi-dung-hay-phap-luat-to-tung-doi-dieu-kien-nghi?
[5] Quyết định số 11/2018/QĐ-PQTT ngày 12/10/2018 của Tòa án nhân dân TP. Hà Nội về việc không hủy phán quyết trọng tài
[6] Xem: Đỗ Văn Đại, Phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (NXB. Hồng Đức, 2022), p. 563
[7] Đỗ Văn Đại, “Thời hiệu khởi kiện trong lĩnh vực trọng tài—Kinh nghiệm quốc tế cho Việt Nam” (2021) 4 Law Journal 49–50
[8] Điều 71.4 Luật Trọng tài thương mại 2010 và Điều 458.4 Bộ luật tố tụng dân sự 2015
[9] Ngô Khắc Lễ, ‘Tranh chấp về thời hiệu khởi kiện’ (10/11/2020) VIAC < https://www.viac.vn/goc-nhin-trong-tai-vien/tranh-chap-ve-thoi-hieu-khoi-kien-a992.html>
[10] Phó hiệu trưởng trường Đại học Luật TP.HCM, Phó chủ tịch Hội đồng khoa học pháp lý Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, thành viên Hội đồng tư vấn án lệ Tòa án nhân dân tối cao.
[11] Đỗ Văn Đại, Pháp luật trọng tài thương mại Việt Nam – Bản án và binh luận án (Tập 1) (NXB. Hồng Đức, 2017), trang 288
[12] Nguyên tắc này được quy định tại Điều 4.2 Bộ luật dân sự và Điều 4.3 Luật thương mại.
[13] Quyết định Giám đốc thẩm số 12/2019/DS-GĐT ngày 24/09/2019 của Tòa án nhân dân tối cao về việc tranh chấp bồi thường thiệt hại hợp đồng khoan phá đá
[14] Xem: CNC Counsel, ‘Án Lệ Số 06/2024 – Luật áp dụng cho Hợp đồng Xây dựng’ <https://cnccounsel.com/tin-tuc/an-le-so-06-2024-hop-dong-xay-dung>
[15] Chẳng hạn các tranh chấp về bảo vệ quyền sở hữu sẽ không áp dụng thời hiệu khởi kiện theo quy định tại Điều 155.2 Bộ luật dân sự 2015.
[16] Philip Norman and Leanie van de Merwe, Covington & Burling, Claims Resolution Procedures in Construction Contracts, 3rd edition of (GAR’s The Guide to Construction Arbitration)
[17] Michael Mortimer-Hawkins, ‘Clause 20, Dispute Resolution’ FIDIC Contracts Committee <https://fidic.org/sites/default/files/24%20CLAUSE%2020,%20DISPUTE%20RESOLUTION.pdf>
[18] Đoạn cuối cùng của Điều 21.4.1 FIDIC Sách Đỏ 2017
[19] Chẳng hạn như Quy tắc ICC 2021 (Phần VII, Mục D, đoạn 110 của ICC Note to parties and arbitral tribunals on the conduct of arbitration under the ICC Rules of Arbitration), Quy tắc SIAC 2025 (Quy tắc 34), Quy tắc LCIA 2020 (Điều 22.1(viii))
[20] Chẳng hạn như Quy tắc SIAC 2025 (Quy tắc 46), Quy tắc HKIAC 2024 (Điều 13.6)