Giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản
Hợp đồng vay tài sản là một trong những giao dịch thông dụng, phổ biến nhằm xác lập quan hệ vay và cho vay tài sản. Giao dịch này không chỉ diễn ra giữa cá nhân mà còn giữa tổ chức, doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng sẽ không thể tránh khỏi phát sinh tranh chấp mà cần được giải quyết để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các bên trong quan hệ này.
Hợp đồng vay tài sản là gì?
Theo Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Hơp đồng vay tài sản có thể được giao kết bằng miệng, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, và việc có phải trả lãi hay không tùy thuộc vào sự thỏa thuận giữa các bên và quy định của pháp luật.
Phân loại hợp đồng vay tài sản
Hợp đồng vay tài sản có thể được phân loại dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau. Dưới đây là một số tiêu chí phổ biến thường được sử dụng để phân loại hợp đồng vay tài sản:
- Theo đối tượng vay: Hợp đồng vay tiền và hợp đồng vay tài sản khác (hiện vật) như vàng, xe cộ, hàng hóa…
- Theo chủ thể tham gia: Hợp đồng vay giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với tổ chức, tổ chức với tổ chức, hợp đồng vay với tổ chức tín dụng. Đối với hợp đồng vay với tổ chức tín dụng phải tuân theo quy định pháp luật về tín dụng, ngân hàng.
- Theo lãi suất vay: Hợp đồng vay có lãi suất và hợp đồng vay không lãi suất. Nếu có lãi suất, mức lãi suất theo thỏa thuận nhưng phải tuân theo quy định của pháp luật.
- Theo kỳ hạn vay: Hợp đồng vay có kỳ hạn, trong đó thời hạn hoàn trả được quy định rõ ràng, và hợp đồng vay không kỳ hạn, không xác định thời hạn cụ thể.
- Theo biện pháp bảo đảm: Hợp đồng vay có tài sản bảo đảm và hợp đồng vay không có tài sản bảo đảm.
Tranh chấp thường gặp đối với hợp đồng vay tài sản
Trong quá trình thực hiện hợp đồng vay tài sản, các bên có thể phát sinh bất đồng dẫn đến tranh chấp. Một số loại tranh chấp thường gặp đối với hợp đồng vay tài sản bao gồm:
- Tranh chấp về nghĩa vụ thanh toán: Tranh chấp này phát sinh khi bên vay không thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng hạn hoặc trả không đủ số tiền đã cam kết. Phát sinh khi bên vay vi phạm nghĩa vụ thanh toán nợ gốc và tiền lãi theo thời hạn đã thỏa thuận.
- Tranh chấp về mức lãi suất và tiền lãi: Sự khác biệt trong cách tính lãi, mức lãi suất áp dụng hoặc số tiền lãi phải thanh toán có thể dẫn đến xung đột giữa các bên.
- Tranh chấp về tài sản bảo đảm: Khi hợp đồng vay có kèm theo tài sản bảo đảm (thế chấp, cầm cố), việc xử lý và định giá tài sản này thường là nguyên nhân gây tranh chấp. Các bên có thể không thống nhất về giá trị tài sản bảo đảm hoặc về quyền xử lý tài sản khi bên vay vi phạm hợp đồng hoặc phương thức xử lý tài sản bảo đảm.
- Tranh chấp về điều kiện thực hiện hợp đồng: Nếu hợp đồng không quy định rõ ràng về thời gian, phương thức trả nợ hoặc các điều kiện thực hiện khác, các bên có thể hiểu sai và từ đó xảy ra tranh chấp về việc thực hiện hợp đồng.
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản
Hợp đồng vay tài sản là một loại quan hệ dân sự nên thẩm quyền giải quyết các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng này sẽ do tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết.
Tùy theo nội dung, tính chất của vụ việc tranh chấp, tòa án có thẩm quyền để giải quyết được xác định theo Bộ luật tố tụng dân sự 2015 và quá trình tố tụng sẽ được diễn ra qua 02 cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm.
Thời hiệu giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản
Theo Điều 429 Bộ luật Dân sự 2015, thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị xâm phạm.
Do đó, đối với tranh chấp phát sinh từ hợp đồng vay tài sản, thời hiệu khởi kiện cũng sẽ là 03 năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong hợp đồng này bị xâm phạm.
Hồ sơ khởi kiện tranh chấp hợp đồng vay tài sản
Để tiến hành khởi kiện ra Tòa án nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong tranh chấp hợp đồng vay tài sản, người khởi kiện cần soạn thảo và chuẩn bị đầy đủ hồ sơ khởi kiện theo quy định của pháp luật, gồm có:
- Đơn khởi kiện (đảm bảo phải có các nội dung chính quy định tại khoản 4 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015). Mẫu đơn khởi kiện là mẫu số 23 – DS ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ- HĐTP do Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao ban hành ngày 13/01/2017.
- Kèm theo đơn khởi kiện phải có có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm như:
- Bản sao hợp đồng/thỏa thuận vay tài sản và các Phụ lục, thỏa thuận (nếu có);
- Bản sao hợp đồng/thỏa thuận bảo đảm (nếu có);
- Bản sao Giấy tờ chứng minh quyền tài sản của bên bảo đảm (nếu có): Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, Hợp đồng mua bán căn hộ,…;
- Bản sao giấy tờ tùy thân, pháp lý của người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: CCCD/CMND, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh,…;
- Bản sao chứng cứ chứng minh vi phạm hợp đồng/thỏa thuận (biên bản làm việc, văn bản trao đổi, văn bản nhận nợ,…);
- Bản sao các tài liệu khác liên quan đến tranh chấp.
Luật sư có thể giúp gì trong tranh chấp hợp đồng vay tài sản?
Với kiến thức pháp lý và kỹ năng chuyên môn, Luật sư có thể hỗ trợ hiệu quả trong việc giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản, bao gồm:
- Tư vấn pháp lý: Giúp khách hàng hiểu rõ tư cách pháp lý, quyền và nghĩa vụ của mình trong giao dịch vay tài sản đang tranh chấp. Đồng thời, Luật sư cũng giúp khách hàng đánh giá ưu thế hay bất lợi của khách hàng trong giao dịch này từ đó tư vấn những phương án giải quyết tranh chấp phù hợp và hiệu quả.
- Hỗ trợ thương lượng, hòa giải: Luật sư có thể sắm vai trò như người trung gian giữa các bên, hỗ trợ quá trình thương lượng và tìm kiếm giải pháp hòa giải nhằm giải quyết tranh chấp, giảm thiểu bất đồng giữa các bên.
- Hỗ trợ giải quyết tranh chấp tại tòa án: Khi việc thương lượng, hòa giải không đạt kết quả và buộc phải chuyển sang phương án tố tụng, Luật sư sẽ hỗ trợ từ việc chuẩn bị hồ sơ, soạn thảo và nộp đơn khởi kiện, cho đến việc đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án.
Kết luận
Tranh chấp hợp đồng vay tài sản có thể kéo theo nhiều hệ lụy về tài chính và pháp lý, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các bên liên quan. Việc giải quyết tranh chấp đòi hỏi sự am hiểu sâu sắc về các quy định pháp luật, cũng như khả năng phân tích và xử lý tình huống một cách phù hợp. Do đó, tham vấn các chuyên gia pháp lý hoặc luật sư là một giải pháp hợp lý, giúp đảm bảo quyền lợi và nâng cao hiệu quả trong quá trình giải quyết tranh chấp.
Nếu bạn đang vướng vào tranh chấp hợp đồng vay tài sản và cần bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, hãy để CNC Counsel hỗ trợ và đồng hành cùng bạn. Với đội ngũ luật sư và chuyên gia pháp lý giàu kinh nghiệm, chúng tôi sẽ mang đến những giải pháp tối ưu, giúp bạn giải quyết tranh chấp nhanh chóng, hiệu quả và đảm bảo đảm bảo lợi ích tốt nhất.
Công ty Luật TNHH CNC Việt Nam
28 Mai Chí Thọ, Phường An Phú, Tp. Thủ Đức, Hồ Chí Minh, Việt Nam
Điện thoại: 028 6276 9900 | Hotline: 0916 545 618
Email: contact@cnccounsel.com | Website: http://cnccounsel.com
Facebook: https://facebook.com/cnclaw/
Linked: https://linkedin.com/company/cnccounsel