3 thay đổi về thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh trong lĩnh vực trọng tài thương mại
Thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh trong lĩnh vực trọng tài thương mại có sự thay đổi sâu rộng kể từ ngày 01/07/2025, khi Luật số 85/2025/QH15[1] chính thức có hiệu lực. 3 thay đổi đáng chú ý nhất liên quan đến thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh trong lĩnh vực Trọng tài thương mại bao trùm tất cả các thủ tục từ công nhận, thi hành phán quyết trọng tài tới các thủ tục hỗ trợ tố tụng trọng tài.
Những thay đổi về thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh trong lĩnh vực Trọng tài thương mại không chỉ là điều chỉnh kỹ thuật theo xu hướng tập trung và tinh gọn 3 cấp thay vì 4 cấp như trước đây[2] mà còn có tác động chiến lược đối với cách doanh nghiệp, Luật sư và Trọng tài viên tiếp cận hệ thống tư pháp Việt Nam.
Dưới đây, CNC tóm lược 3 thay đổi về thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh trong lĩnh vực Trọng tài thương mại để độc giả theo dõi và cập nhật. Những thay đổi về thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh trong các lĩnh vực khác sẽ được CNC cập nhật trong các bản tin tiếp theo.
Thứ nhất, Tòa án cấp tỉnh không còn là trung tâm trong tố tụng trọng tài
Trước ngày 01/07/2025, thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh trong lĩnh vực Trọng tài thương mại là bao trùm toàn bộ quá trình hỗ trợ và kiểm soát tố tụng trọng tài. Cụ thể, theo quy định tại Điều 7.3, Luật Trọng tài Thương mại 2010 (“Luật TTTM 201”) thì thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh bao gồm cả việc:
- Chỉ định hoặc thay thế Trọng tài viên để thành lập Hội đồng Trọng tài vụ việc[3].
- Giải quyết khiếu nại liên quan đến thỏa thuận trọng tài[4];
- Thu thập chứng cứ[5],
- Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời[6];
- Triệu tập người làm chứng[7].
- Hủy phán quyết trọng tài, đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc[8];
Tương tự như vậy, theo quy định tại Điều 31.5, Điều 37.1(b), Bộ Luật Tố Tụng Dân sự 2015 (Bộ LTTDS 2015) thì Tòa án Cấp tỉnh có thẩm quyền công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài.
Như vậy, có thể thấy trước ngày 01/07/20225 thì thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh đối với lĩnh vực trọng tài thương mại là bao trùm bất kể đó là trọng tài trong nước hay trọng tài nước ngoài.

Tuy nhiên, kể từ ngày 01/07/2025 thì thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh đối với lĩnh vực trọng tài thương mại đã không còn là trung tâm. Theo đó, đối với trọng tài trong nước thì thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh chỉ dừng ở việc (i) xem xét yêu cầu hủy phán quyết trọng tài; và (ii) đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc[9].
Thậm chí, theo hướng dẫn tại Mục 2.1(II), Công văn 253/TANDTC-PC ngày 09/07/2025 thì chỉ có 03 Tòa án cấp tỉnh bao gồm: Tòa kinh tế thuộc Tòa án nhân dân TP. HCM, Tòa kinh tế thuộc Tòa án nhân dân Tp. Đà Nẵng và Tòa kinh tế thuộc Tòa ánh nhân dân Tp. Hà Nội là có thẩm quyền đối với các yêu cầu xem xét về hủy phán quyết trọng tài và đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc.
Như vậy, sau 1/7/2025 thì toàn bộ 31 Tòa án cấp tỉnh còn lại không còn bất kỳ thẩm quyền nào liên quan đến lĩnh vực trọng tài thương mại tại Việt Nam.
Thẩm quyền hủy phán quyết trọng tài giới hạn ở Hà Nội, Đà Nẵng và Hồ Chí Minh,
Lưu ý rằng[10], cũng theo Công văn 253 thì trường hợp các bên trong thỏa thuận trọng tài đã có thỏa thuận lựa chọn tòa án có thẩm quyền về thủ tục trọng tài trước 1/7/2025 thì tòa án có thẩm quyền là tòa án cấp tỉnh mà các bên đã lựa chọn[11].

Thứ hai, thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh chuyển giao cho Tòa án cấp Khu vực
Việc thu hẹp thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh theo Luật số 85/2025/QH15 như được nêu ở trên cũng đồng thời đặt ra một câu hỏi pháp lý quan trọng: Tòa án nào sẽ thụ lý các vụ việc trọng tài thương mại?
Luật số 85/2025/QH15 không chỉ rõ rằng thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh trong lĩnh vực trọng tài (theo Điều 7 Luật Trọng tài Thương mại 2010) được chuyển giao cho Tòa án cấp khu vực. Tuy nhiên, nhưng có đủ cơ sở để suy luận rằng Tòa án cấp khu vực chính là cơ quan kế thừa hợp pháp, bởi vì:
Trước hết, việc chuyển giao thẩm quyền từ Tòa án cấp tỉnh sang Tòa án khu vực phản ánh định hướng phân quyền rõ rệt trong tổ chức bộ máy nhà nước. Trong bối cảnh đó, việc Tòa án khu vực đảm nhận toàn bộ thẩm quyền đối với lĩnh vực trọng tài (kể cả trọng tài nước ngoài) là hệ quả tất yếu.
Bằng chứng rõ nhất là với quy định tại Điều 1.2, Luật số 85/2025/QH15 thì sau ngày 1/7/2025, thẩm quyền “công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết kinh doanh, thương mại của Trọng tài nước ngoài” cũng chính thức được chuyển giao từ Tòa án cấp tỉnh cho Tòa án Khu vực.
Thêm vào đó, trong hệ thống Tòa án ba cấp thì Tòa án nhân dân tối cao không trực tiếp thực hiện nguyên tắc xét xử hai cấp. Thay vào đó, cơ quan này có nhiệm vụ hướng dẫn áp dụng pháp luật thống nhất, tổng kết thực tiễn xét xử và thực hiện giám đốc việc xét xử của các Tòa án cấp dưới, bao gồm cả các Tòa án đặc biệt (nếu có).
Bởi vậy, có thể khẳng định rằng khi thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh bị thu hẹp thì chỉ có Tòa án cấp Khu vực là cơ quan tài phán duy nhất có thẩm quyền trong lĩnh vực trọng tài thương mại. Nói cách khác, sau ngày 1/7/2025 thì Tòa án cấp Khu vực đã trở thành trung tâm trong tố tụng trọng tài.
Những thay đổi cơ bản liên quan đến thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh trong lĩnh vực trọng tài thương mại có thể được tóm lược theo bảng sau đây:
Nội dung | Trước 01/07/2025 | Sau 01/07/2025 |
Chỉ định Trọng tài viên | ✅ | ❌ Chuyển về Tòa khu vực |
Thay đổi Trọng tài viên | ✅ | ❌ Chuyển về Tòa khu vực |
Khiếu nại thỏa thuận trọng tài | ✅ | ❌ Chuyển về Tòa khu vực |
Áp dụng Biện pháp khẩn cấp tạm thời | ✅ | ❌ Chuyển về Tòa khu vực |
Thu thập chứng cứ | ✅ | ❌ Chuyển về Tòa khu vực |
Triệu tập người làm chứng | ✅ | ❌ Chuyển về Tòa khu vực |
Hủy phán quyết/đăng ký (nội địa) | ✅ | ✅ Chỉ tại 3 Tòa HN, ĐN, HCM |
Công nhận & thi hành phán quyết nước ngoài | ✅ | ❌ Chuyển về Tòa khu vực |
Bảng so sánh tổng quát thẩm quyền trọng tài của Tòa án cấp tỉnh sau 1/7/2025
Thứ ba, Tòa án cấp tỉnh kế thừa vai trò của Tòa án Cấp cao
Mặc dù phần lớn thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh trong lĩnh vực trọng tài được chuyển giao cho Tòa án cấp Khu vực, Tòa án cấp tỉnh vẫn sẽ kế thừa thẩm quyền của Tòa án cấp cao trước đây để xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực nhưng bị kháng nghị[12].
Theo đó, phù hợp với quy định tại Điều 462, Bộ Luật TTDS 2015 thì toàn bộ 34 Tòa án cấp tỉnh sẽ có thẩm quyền đối với việc xem xét kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm quyết định (bao gồm cả quyết định công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài) đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân khu vực.
Khi đó, thẩm quyền giám đốc thẩm và tái thẩm các quyết định công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài của Tòa án cấp tỉnh được áp dụng độc lập và đồng đều cho cả 34 Tòa án cấp tỉnh. Thẩm quyền này hoàn toàn khác với thẩm quyền hủy phán quyết trọng tài và đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc – vốn chỉ thuộc về 03 Tòa án tỉnh tại TP. HCM, Đà Nẵng và Hà Nội đối với trọng tài trong nước.
Thứ tư, trình tự, thủ tục về công nhận và thi hành phán quyến Trọng tài nước ngoài vẫn giữ nguyên
Mặc dù thẩm quyền thay đổi, các quy định thủ tục về công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài vẫn giữ nguyên, gồm:
Nội dung | Trích dẫn |
Cách thức nộp đơn (trực tiếp, qua Bộ Tư pháp hoặc bưu chính) | Điều 428, 429 BLTTDS |
Thời hạn nộp đơn | Điều 451 BLTTDS |
Hồ sơ, lệ phí, chi phí | Điều 430, 453 BLTTDS |
Thứ năm, doanh nghiệp và người dân ứng phó với sự thay đổi này ra sao?
Từ 01/07/2025, hệ thống Tòa án Việt Nam bước sang một chương mới trong việc xử lý các tranh chấp trọng tài thương mại. Việc thay đổi thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh trong lĩnh vực trọng tài thương mại đòi hỏi doanh nghiệp, tổ chức, và Luật sư phải:
- Cập nhật lại địa chỉ nộp hồ sơ đúng Tòa án có thẩm quyền: Việc nộp đơn yêu cầu đến Tòa án không đúng thẩm quyền sẽ dẫn đến hậu quả pháp lý là đơn yêu cầu sẽ bị trả lại. Điều này không chỉ gây ra sự chậm trễ, tốn kém chi phí mà còn có thể dẫn đến nguy cơ hết thời hiệu yêu cầu thi hành, làm mất quyền lợi của bên được thi hành.
- Điều chỉnh chiến lược tố tụng – đặc biệt với các phán quyết trọng tài quốc tế: Quy trình tố tụng nay có thể bao gồm hai cấp xét xử (sơ thẩm và phúc thẩm), đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn về lập luận, chứng cứ và chiến lược theo đuổi vụ việc.
- Chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, đúng thủ tục, tránh bị từ chối vì sai cấp, sai nơi nộp: Để xác định chính xác Tòa án có thẩm quyền, thông tin về nơi cư trú, trụ sở hoặc tài sản của bên phải thi hành là yếu tố tiên quyết. Doanh nghiệp cần chủ động thu thập và xác minh các thông tin này trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng.
Theo đó, để đảm bảo tính hợp lệ của thủ tục, doanh nghiệp buộc phải xác định chính xác Tòa án có thẩm quyền. Quy trình này bao gồm 03 bước cơ bản như sau:

Cần hỗ trợ? Liên hệ CNC
Nếu Quý khách hàng đang gặp phải các vấn đề liên quan đến trọng tài thương mại, đặc biệt là việc công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài tại Việt Nam, hoặc cần được tư vấn về các thay đổi pháp luật mới nhất, đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi.
Đội ngũ Luật sư của CNC Việt Nam có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trọng tài thương mại, luôn sẵn sàng hỗ trợ Quý khách hàng trong:
- Tư vấn chiến lược công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài;
- Đại diện làm việc với Tòa án khu vực và cấp tỉnh theo mô hình mới;
- Hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ, quy trình nộp đơn và tham gia tố tụng hiệu quả.
Mọi thông tin vui lòng liên hệ:
Công ty Luật TNHH CNC Việt Nam
📍 Địa chỉ: The Sun Avenue, 28 Mai Chí Thọ, Phường Bình Trưng, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
📞 Điện thoại: 028 6276 9900
📞 Hotline: 0916 545 618
📧 Email: contact@cnccounsel.com
🌐 Website: cnccounsel
[1] Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính, Luật tư pháp người chưa thành niên, Luật phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án ngày 25/6/2025.
[2] Trước ngày 1/7/2025, Tòa án được cấu trúc gồm 4 cấp là cấp Huyện, Tỉnh, Cấp cao và Tối cao. Hiện nay, cấu trúc Tòa án chỉ bao gồm Khu vực, Tỉnh và Tối cao.
[3] Xem thêm Điều 7.2(a)(b), Luật TTTM 2010.
[4] Xem thêm Điều 7.2(c), Luật TTTM 2010.
[5] Xem thêm Điều 7.2(d), Luật TTTM 2010.
[6] Xem thêm Điều 7.2(đ), Luật TTTM 2010.
[7] Xem thêm Điều 7.2(e), Luật TTTM 2010.
[8] Xem thêm Điều 7.2(g), Luật TTTM 2010.
[9] Xem thêm Điều 1.2, Điều 1.4, Luật số 85/2025/QH15.
[10] Trường hợp các bên trong thỏa thuận trọng tài đã có thỏa thuận lựa chọn tòa án có thẩm quyền về thủ tục trọng tài trước 1/7/2025 thì tòa án có thẩm quyền là tòa án cấp tỉnh mà các bên đã lựa chọn theo Mục 2.1(II), Công văn 253/TANDTC-PC ngày 09/07/2025, [*].
[11] Xem thêm Mục 2.1(II), Công văn 253/TANDTC-PC ngày 09/07/2025.
[12] Xem Điều 1.4, Mục 1, Luật số 85/2025/QH15.