Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam– Cơ hội hay thách thức?

Ngày đăng: Thứ Tư, 16/07/25 Người đăng: Admin

Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam– Cơ hội hay thách thức?

Ngày 27/6/2025, Quốc hội Việt Nam chính thức thông qua Nghị quyết số 222/2025/QH15 (“Nghị quyết 222”), đặt nền móng pháp lý cho việc thiết lập Trung tâm Tài chính Quốc tế (IFC) tại Việt Nam – một mô hình thể chế “ngoại lệ có kiểm soát” chưa từng có tiền lệ.

Với việc chọn TP.HCM và Đà Nẵng làm điểm xuất phát, Việt Nam  sắp bước vào sân chơi mà từ trước đến nay chỉ có những “gã khổng lồ” như Singapore, Dubai, Hong Kong hay London làm chủ. Đây là một chiến lược không chỉ nhằm thu hút vốn ngoại mà còn tái định hình vị thế của Việt Nam trên bản đồ tài chính toàn cầu.

Trung tâm tài chính quốc tế là gì?

Theo khoản 1 Điều 3 Nghị quyết 222, trung tâm tài chính quốc tế là khu vực có ranh giới địa lý xác định do Chính phủ thành lập, tập trung hệ sinh thái đa dạng gồm các dịch vụ tài chính và dịch vụ hỗ trợ, được áp dụng cơ chế, chính sách theo quy định.

Theo Nghị quyết số 222/2025/QH15, Quốc hội Việt Nam quyết định xây dựng IFC tại hai địa điểm:

  • Thành phố Hồ Chí Minh – được xem như trung tâm kinh tế tài chính lớn nhất Việt Nam, tập trung vào thị trường vốn, ngân hàng đầu tư, fintech.
  • Thành phố Đà Nẵng – là trung tâm đổi mới sáng tạo và cửa ngõ miền trung, là nơi thử nghiệm các sản phẩm tài chính số, sandbox công nghệ, và tài chính xanh.

Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam

Mỗi trung tâm – sẽ phát triển theo định hướng riêng biệt, tận dụng tối đa lợi thế của từng địa phương, nhưng vẫn gắn kết và hỗ trợ lẫn nhau.Hai khu vực này sẽ có cơ chế pháp lý và chính sách đặc biệt, tạo điều kiện cho các tổ chức tài chính trong và ngoài nước hoạt động tự do, theo chuẩn quốc tế.

Mục tiêu hoạt động

Việt Nam xác lập 5 mục tiêu chiến lược cho việc xây dựng và vận hành IFC tại Việt Nam – không chỉ đơn thuần là phát triển một khu tài chính, mà là kiến tạo một hệ sinh thái đẳng cấp khu vực, tạo bệ phóng mới cho tăng trưởng kinh tế – tài chính quốc gia.

Thứ nhất, phát triển sản phẩm riêng biệt, phát huy thế mạnh của từng thành phố; bảo đảm sự công bằng, tương hỗ lẫn nhau, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu, nâng tầm vị thế của Việt Nam trong mạng lưới tài chính toàn cầu gắn với động lực tăng trưởng kinh tế

Thứ hai, thúc đẩy tài chính bền vững, khuyến khích phát triển các sản phẩm tài chính xanh và huy động nguồn lực cho các dự án chuyển đổi năng lượng và chuyển đổi xanh, đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội bền vững. IFC phải đóng vai trò trung tâm trong việc huy động vốn cho chuyển đổi xanh – bao gồm các dự án năng lượng sạch, hạ tầng bền vững, phát triển đô thị carbon thấp. Đây là sự lồng ghép mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vào chính sách tài chính. Tài chính xanh không chỉ là xu hướng toàn cầu, mà còn là yêu cầu để tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi từ quốc tế (như WB, ADB, quỹ khí hậu, v.v.). IFC sẽ là “bệ phóng” để phát triển trái phiếu xanh, quỹ đầu tư xanh, hay các cơ chế tín dụng carbon – vốn đang thiếu ở thị trường tài chính Việt Nam hiện nay.

Thứ ba, IFC vận hành theo các chuẩn mực quốc tế tiên tiến, kết nối với các thị trường và trung tâm tài chính lớn trên thế giới, tạo điều kiện liên kết các sàn giao dịch trong nước với quốc tế. IFC phải đảm bảo mọi hoạt động tài chính, giao dịch, giám sát, quản trị… đều được thiết kế theo chuẩn mực quốc tế hiện hành, từ đó tạo tính tương thích để kết nối với các trung tâm tài chính lớn như Singapore, Hong Kong, Tokyo, London.

Thứ tư, thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên gia tài chính trong nước và nước ngoài. IFC không thể phát triển nếu thiếu người vận hành có chuyên môn cao. Mục tiêu này nhấn mạnh đến việc thu hút chuyên gia quốc tế, xây dựng hệ sinh thái nhân lực toàn diện từ đào tạo – hành nghề – sinh sống. Đồng thời, IFC sẽ kéo theo nhu cầu phát triển trường quốc tế, bệnh viện quốc tế, cơ sở hạ tầng sống chất lượng cao – tạo ra môi trường đầu tư và làm việc bền vững. Mục tiêu này cũng ngầm kích thích cải cách hành lang pháp lý cho hành nghề tài chính, kế toán, luật sư quốc tế tại Việt Nam.

Thứ năm, Phát triển IFC phải đặt trong khuôn khổ đảm bảo lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, đồng thời duy trì an toàn tài chính, an ninh kinh tế, ổn định chính trị và trật tự xã hội trong suốt quá trình vận hành. Đây là nguyên tắc “phanh hãm” – tức là trong khi mở rộng tự do tài chính, Việt Nam vẫn phải đảm bảo ổn định vĩ mô, an ninh kinh tế và chính trị, không để IFC trở thành “ốc đảo chính sách” gây bất ổn toàn hệ thống.

Mục tiêu Chiến lược của IFC Việt Nam

Cơ cấu quản lý của Trung tâm tài chính quốc tế

Các cơ quan quản lý của IFC sẽ được tổ chức bộ máy như sau:

  • Cơ quan điều hành có chức năng quản lý, điều hành trực tiếp mọi hoạt động tại IFC. Cơ quan điều hành được ban hành Quy chế hoạt động hoặc văn bản tương đương khác để quy định cụ thể về tổ chức và vận hành IFC.
  • Cơ quan giám sát có chức năng giám sát, thanh tra, kiểm tra, phòng ngừa và xử lý vi phạm trong hoạt động tài chính tại IFC.
  • Cơ quan giải quyết tranh chấp tại IFC:
  • Tòa án chuyên biệt hoặc
  • Trung tâm trọng tài quốc tế thuộc IFC.

Cơ cấu tổ chức Trung tâm tài chính quốc tế

Những vũ khí đặc biệt của IFC Việt Nam:

Ưu đãi thuế chưa từng có:

  • Đối với Doanh nghiệp thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển vào IFC được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 30 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp tối đa không quá 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 9 năm tiếp theo.
  • Đối với Doanh nghiệp không thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển được áp thuế thu nhập doanh nghiệp 15% trong thời gian 15 năm, miễn thuế tối đa không quá 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 4 năm tiếp theo.

So sánh các ưu đãi thuế cho các ngành ưu tiên và không ưu tiên

Tự do giao dịch ngoại hối:

Doanh  nghiệp trong IFC sẽ được mở rộng các quyền được sử dụng ngoại hối hơn so với doanh nghiệp ngoài IFC

Nội dung

Doanh nghiệp trong IFC

Doanh nghiệp ngoài IFC

Sử dụng ngoại tệ để thanh toán, niêm yết, báo giá Được phép dùng ngoại tệ cho mọi giao dịch giữa các thành viên IFC, với tổ chức/cá nhân nước ngoài; chỉ khi giao dịch với tổ chức/cá nhân trong nước không phải thành viên mới phải tuân quy định chung. Trên lãnh thổ Việt Nam, việc thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá… buộc phải bằng VND, trừ vài ngoại lệ do NHNN cho phép.
Vay vốn ngoại tệ từ nước ngoài Thành viên được vay ngoại tệ từ tổ chức/cá nhân nước ngoài; chỉ phải khai báo & báo cáo. Doanh nghiệp cư trú muốn vay nước ngoài phải đăng ký khoản vay với NHNN, đáp ứng mục đích & hạn mức được phép.
Vay ngoại tệ trong nước Có thể vay ngoại tệ từ các tổ chức tín dụng/chi nhánh ngân hàng nước ngoài là thành viên IFC. Chỉ được vay cho nhu cầu rất hạn chế (nhập khẩu, dự án đặc biệt) và thường phải bán lại ngoại tệ cho ngân hàng ngay khi giải ngân.
Cho vay ngoại tệ trong nước Thành viên IFC được phép cho tổ chức trong nước (không phải thành viên) vay ngoại tệ. Ngân hàng chỉ được cho vay ngoại tệ nếu khách hàng chứng minh có nguồn thu ngoại tệ
Chuyển tiền ra/vào & hồi hương vốn Không giới hạn: thành viên tự do chuyển tiền; nếu là DN 100 % vốn ngoại còn được miễn thủ tục ngoại hối khi đầu tư ra nước ngoài (chỉ giữ nghĩa vụ mở TK & báo cáo). Chuyển vốn, lợi nhuận ra nước ngoài phải làm thủ tục đăng ký/thông báo với NHNN, chịu giới hạn mục đích & thời hạn.
Tài sản kỹ thuật số / FinTech Cho phép thử nghiệm “sandbox” dịch vụ tài chính công nghệ – kể cả tài sản kỹ thuật số – dưới quản lý đặc thù. Tiền mã hóa không được công nhận là phương tiện thanh toán; giao dịch vẫn ở “vùng xám” pháp lý, chưa cấp phép chính thức.
Trần sở hữu nước ngoài tại ngân hàng Có thể nâng tới 49 % vốn điều lệ ở ngân hàng tư nhân hoạt động trong IFC. Tổng mức sở hữu nước ngoài tại ngân hàng thương mại Việt Nam bị giới hạn 30 %, chỉ một số ngân hàng tái cấu trúc đặc biệt được phép tối đa 49 %.
Quy định bắt buộc dùng VND Không áp đặt quy định phải dùng VND cho thanh toán nội bộ IFC → thuận lợi cho nhà đầu tư quốc tế. Giao dịch trong nước phải dùng VND (ngoại trừ các trường hợp NHNN cho phép).

Tiếng Anh là ngôn ngữ chính

  • Tiếng Anh (hoặc tiếng Anh + bản dịch tiếng Việt) là ngôn ngữ chính thức trong giao dịch, hành chính, xét xử, giám sát và hồ sơ kỹ thuật tại IFC.
  • Mọi quy định, nội quy, tài liệu tài chính, thống kê đều song ngữ hoặc tiếng Anh chuẩn quốc tế.

Ưu đãi đối với chuyên gia nước ngoài:

Miễn thuế thu nhập cá nhân:

  • Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của Chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học làm việc tại IFC được miễn đến hết năm 2030
  • Thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng cổ phần, vốn góp, quyền góp vốn vào Thành viên được miễn thuế thu nhập cá nhân đến hết năm 2030

Ưu đãi trong thị thực và cư trú:

  • Thị thực – cư trú: Người nước ngoài là nhà đầu tư quan trọng, chuyên gia, nhà quản lý, người lao động có trình độ cao được cấp thị thực và thẻ tạm trú (loại UĐ1), và cả thân nhân, gia đình đi kèm sẽ được cấp thị thực và thẻ tạm trú loại UĐ2 có thời hạn lên đến 10 năm.
  • Thẻ thường trú: Người nước ngoài là nhà đầu tư quan trọng, chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt, nhà quản lý cấp cao làm việc lâu dài tại IFC được xem xét cấp thẻ thường trú theo đề nghị của Cơ quan điều hành.

Ngoài ra, người nước ngoài làm việc tại IFC được miễn giấy phép lao động nếu đáp ứng tiêu chuẩn chuyên môn theo quy định của Chính phủ hoặc Cơ quan điều hành mà không bị giới hạn bởi các trường hợp trong pháp luật lao động như từ trước tới nay.

Mở rộng quyền về đất đai:

  • Nhắc đến điểm tạo nên kỳ vọng mạnh mẽ nhất đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước nước ngoài không thể không kể đến các chính sách ưu đãi về đất đai. Nhà nước đã thể hiện sự ưu tiên đối với IFC qua các quy định về bố trí quỹ đất sạch để thực hiện các dự án.
  • Tuy vậy, sự nhượng bộ lớn trong chính sách đất đai phải kể đến việc cho phép thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại các tổ chức tín dụng nước ngoài để vay vốn đầu tư. Quyền sử dụng đất tại Việt Nam khi thiết lập mối quan hệ với các chủ thể nước ngoài vốn luôn là một vấn đề nhạy cảm, vì vậy đây nên được xem là một bước tiến lớn trong hoạch định chính sách.

Chính sách ưu đãi cho Fintech:

Dịch vụ tài chính ứng dụng công nghệ (FinTech) được xem là một trụ cột chiến lược của IFC. Để thúc đẩy lĩnh vực này, Nhà nước ban hành nhiều chính sách ưu đãi nổi bật nhằm thử nghiệm có kiểm soát:

  • Thử nghiệm có kiểm soát (sandbox): Cho phép FinTech thử nghiệm sản phẩm, công nghệ mới trong thời gian nhất định, kể cả khi pháp luật chưa có quy định điều chỉnh.
  • Miễn trừ một số quy định pháp luật: Trong quá trình thử nghiệm, doanh nghiệp có thể không phải tuân thủ một số điều kiện kinh doanh, quy chuẩn kỹ thuật hoặc thủ tục cấp phép không phù hợp với tính chất đổi mới.
  • Miễn trách nhiệm hành chính, kỷ luật & dân sự đối với cơ quan quản lý: Nếu thiệt hại xảy ra do nguyên nhân khách quan và đúng quy trình thử nghiệm, tổ chức thử nghiệm và người giám sát sẽ không bị xử lý. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp thử nghiệm thiệt hại cho bên thứ ba vẫn phải bồi thường theo luật, nhưng vẫn được hỗ trợ một phần chi phí bồi thường từ ngân sách của IFC quản lý tùy mức độ thiệt hại và khả năng ngân sách.
  • Hỗ trợ chi phí thử nghiệm và bồi thường: Doanh nghiệp FinTech có thể được xem xét hỗ trợ chi phí không hoàn lại, hoặc hỗ trợ một phần chi phí bồi thường từ ngân sách của TP.HCM và Đà Nẵng tùy khả năng từng địa phương.

Trở thành thành viên IFC

Gia nhập IFC[1]

  • Tiêu chí để các tổ chức, doanh nghiệp được đăng ký làm Thành viên của IFC khi đáp ứng:
  • các tiêu chuẩn về năng lực tài chính, uy tín; và
  • có lĩnh vực hoạt động phù hợp với định hướng phát triển của IFC

Các chủ thể có hiện diện tại IFC có quyền đề nghị được công nhận làm Thành viên không cần thực hiện thủ tục đăng ký:

  • Tổ chức tài chính, quỹ đầu tư hoặc doanh nghiệp thuộc danh sách Fortune Global 500 do Tạp chí Fortune công bố tại thời điểm đăng ký, hoặc công ty mẹ trực tiếp của các tổ chức, quỹ, doanh nghiệp này, trừ các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm
  • Các tổ chức tài chính thuộc nhóm mười doanh nghiệp hàng đầu trong nước về vốn điều lệ trong từng lĩnh vực tương ứng, trừ lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm

Điều kiện Gia nhập IFC

Trừ trường hợp Nhà đầu tư là ngân hàng nước ngoài, ngân hàng thương mại trong nước, các nhà đầu tư khác phải thành lập pháp nhân là thành viên tại IFC.

Các chủ thể đặc biệt phải thành lập hiện diện tại IFC:

  • Nhà đầu tư là ngân hàng nước ngoài, ngân hàng thương mại trong nước phải lập hiện diện thương mại dưới dạng Ngân hàng thương mại trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam;
  • Nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán phải lập hiện diện dưới hình thức công ty trách nhiệm hạn do Ủy ban Chứng khoán nhà nước cấp giấy phép thành lập và hoạt động;
  • Nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm lập hiện diện dưới hình thức công ty trách nhiệm hạn do Bộ Tài chính cấp giấy phép thành lập và hoạt động.

Yêu cầu chủ thể khi tham gia IFC

Quyền của thành viên [2]

Quyền của Thành viên là phần mở đầu cho chuỗi những đãi ngộ được thiết lập riêng biệt cho Thành viên tại Nghị quyết 222. Ngoài là những quyền lợi có khả năng thu hút mạnh đầu tư quốc tế, đây còn là tiền đề cho những cho những chính sách ưu đãi chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam.

Quyền chung của các thành viên IFC

  • Được Thành lập công ty holding để huy động vốn và quản lý đầu tư (trừ ngân hàng thương mại).
  • Tự do huy động vốn từ nước ngoài mà không cần xin phép, chỉ cần báo cáo theo quy định.
  • Khoản nợ của thành viên từ nước ngoài sẽ không tính vào nợ nước ngoài quốc gia  trong điều hành, giám sát các chỉ tiêu an toàn nợ nước ngoài;
  • Tự do đầu tư, kinh doanh với tổ chức, cá nhân bên ngoài lãnh thổ Việt Nam hoặc với các Thành viên khác.
  • Đối với tổ chức tài chính, ngân hàng được cấp phép hoạt động mới tại Trung tâm tài chính quốc tế, giấy phép hoạt động cũng là giấy chứng nhận Thành viên.
  • Được chọn áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS/IASC) hoặc các nguyên tắc kế toán được chấp nhận chung chuẩn mực các quốc gia khác (Anh, Mỹ, Nhật, Hàn, v.v.). Nếu đã chọn thì không cần lập báo cáo theo chuẩn Việt Nam.
  • Hưởng các quyền khác theo nghị quyết và văn bản hướng dẫn.

Quyền của các thành viên IFC

Quyền của Nhà đầu tư nước ngoài:

  • Được sở hữu toàn phần hoặc một phần cổ phần, vốn góp tại Thành viên IFC.
  • Được thành lập tổ chức kinh tế tại IFC mà không cần có dự án đầu tư, không phải xin giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
  • Không cần đăng ký góp vốn/mua cổ phần, chỉ cần thông báo thay đổi đăng ký doanh nghiệp (trừ ngân hàng).

Quyền của Nhà đầu tư nước ngoài

So với các lợi ích vượt trội mà Thành viên được hưởng từ các quyền của mình, các nghĩa vụ của Thành viên được quy định chỉ ở mức cơ bản để đảm bảo những nghĩa vụ tối thiểu cần phải tuân thủ khi hoạt động kinh doanh.

Pháp luật áp dụng[3]

  • Đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh tại IFC được điều chỉnh bởi:
  • Nghị quyết 222 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành
  • Pháp luật Việt Nam trong trường hợp Nghị quyết 222 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành không quy định

  • Lựa chọn pháp luật nước ngoài được áp dụng trong giao dịch đầu tư, kinh doanh tại IFC:
  • Đối với giao dịch có ít nhất một bên tham gia là cá nhân, tổ chức nước ngoài, các bên trong giao dịch được thỏa thuận lựa chọn áp dụng pháp luật nước ngoài đối với giao dịch đó miễn hậu quả của việc áp dụng không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
  • Trường hợp các bên không có thỏa thuận về pháp luật áp dụng thì pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với giao dịch đó được áp dụng
  • Đối với các giao dịch liên quan đến quyền sở hữu, quyền khác đối với bất động sản, thuê bất động sản hoặc sử dụng bất động sản làm tài sản bảo đảm, pháp luật của nước nơi có bất động sản sẽ được áp dụng

Lựa chọn pháp luật áp dụng trong giao dịch tại Trung tâm tài chính quốc tế

Kết luận

Việc thông qua Nghị quyết 222 là bước đi mang tính đột phá trong cải cách thể chế tài chính của Việt Nam. Tuy nhiên, cơ hội sẽ chỉ thực sự chuyển hóa thành lợi ích nếu các chính sách được triển khai nhất quán, có tính thực thi cao và đảm bảo sự phối hợp hiệu quả giữa các cấp quản lý. IFC – nếu được vận hành đúng định hướng – không chỉ là cú hích cho dòng vốn quốc tế, mà còn là phép thử lớn cho năng lực thể chế, pháp lý và hành chính của Việt Nam trong một sân chơi toàn cầu, nơi ranh giới giữa cơ hội và thách thức luôn song hành.

Liên hệ

Mọi thông tin vui lòng liên hệ:

Công ty Luật TNHH CNC Việt Nam

Địa chỉ:        The Sun Avenue, 28 Mai Chí Thọ, Phường Bình Trưng, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam

Điện thoại:     028 6276 9900

Hotline:          0916 545 618

Email:            contact@cnccounsel.com

Website:        cnccounsel

Sẽ rất vui khi bạn ghé thăm văn phòng của CNC bởi ở đó bạn sẽ được trao đổi với Luật sư xây dựng phù hợp nhất với hoàn cảnh của bạn. Tất nhiên, nếu bạn không thể thu xếp để gặp trực tiếp, chỉ cần gửi email cho chúng tôi tại địa chỉ contact@cnccounsel.com hoặc gọi số máy (+84-28) 6276 9900.

Hãy để Luật sư Xây dựng tại CNC xây dựng nền tảng pháp lý vững chắc, đảm bảo sự thành công và phát triển bền vững cho dự án của bạn!

Phụ trách

Luật sư Trần Phạm Hoàng Tùng Trần Phạm HoàngTùng | Cộng sự cấp cao

Điện thoại: (84) 901 334 192

Email: tung.tran@cnccounsel.com

Trần Thị Hạnh Nhân | Cộng sự

Điện thoại: (84) 32 703 0033

Email: nhan.tran@cnccounsel.com

Trần Anh Thy | Cộng sự sơ cấp

Điện thoại: (84) 28 6276-9900

[1] Điều 10 Nghị quyết 222.

[2] Khoản 1 Điều 11 Điều 12 Nghị quyết 222.

[3] Khoản 1-5 Điều 6 Nghị quyết 222.

Miễn trừ: Bản tin này được chuẩn bị hoặc được sử dụng vì mục đích giới thiệu hoặc cập nhật cho khách hàng những thông tin về những vấn đề và/hoặc sự phát triển các quan điểm pháp lý tại Việt Nam. Các thông tin được trình bày tại bản tin này không tạo thành ý kiến tư vấn thuộc bất kỳ loại nào và có thể được thay đổi mà không cần phải thông báo trước.

Content Protection by DMCA.com

Để lại một bình luận

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.